Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 24/02/2021 18:09 (GMT+7)

Sáng kiến của học sinh cấp 2 chế máy đo thân nhiệt giá 8 triệu đồng

Buổi học đầu năm mới của học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Cừ (TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) vào ngày 22/2 vừa qua được kiểm soát y tế chặt chẽ nhưng nhanh gọn, không tốn nhân lực khi có sự xuất hiện của thiết bị kiểm tra thân nhiệt tự động thông minh do chính  học sinh của trường này sáng chế ra.

Em Nguyễn Thành Tài (bìa trái) và Nguyễn Điền Nam bên thiết bị thông minh do mình sáng chế

Hai học sinh, một ý tưởng

Chứng kiến nhiều thầy cô ở Trường THCS Nguyễn Văn Cừ - nơi mình đang theo học và nhiều trường học khác phải đứng trước cổng trường để đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn cho hàng trăm học sinh, em Nguyễn Thành Tài (lớp 8A1) và em Nguyễn Điền Nam (lớp 9A4) đã nảy ra ý tưởng về một thiết bị tự động, vừa đo thân nhiệt và xịt tay sát khuẩn, thậm chí kiểm soát số lượng học sinh tới lớp hàng ngày.

Nghĩ là làm, trong một buổi học vào cuối năm 2020, em Nguyễn Thành Tài đã trình bày ý tưởng này với giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn Vật lý. Thật tình cờ, thời điểm này giáo viên cũng nhận được ý tưởng tương tự từ em Nguyễn Điền Nam dù hai học sinh này không hề biết nhau.

Sau khi nghe trình bày, Ban Giám hiệu trường THCS Nguyễn Văn Cừ đã đồng ý, tạo điều kiện cho hai em với sự hướng dẫn của cô giáo Lê Thị Thương thực hiện dự án: “Thiết bị đọc thân nhiệt và khử khuẩn tự động kết hợp điểm danh thông minh”.

Sau gần 4 tháng nghiên cứu, một thiết bị tự động thông minh đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng thử nghiệm tại trường khiến các thầy cô bất ngờ. Thiết bị này đo chính xác thân nhiệt của từng học sinh, tự động phun nước sát khuẩn khi học sinh đưa tay ra phía trước, đồng thời ghi nhận vân tay để nhà trường điểm danh số lượng học sinh đến lớp vào ngày hôm đó.

“Trước khi máy hoạt động tụi em cũng khá lo lắng, không biết nó có được như ý tưởng của mình hay không. Tuy nhiên khi thấy các bạn học sinh đến để máy kiểm tra thì tất cả đều hoàn hảo, chỉ có một số lỗi nhỏ do ban đầu chưa nghĩ ra, nhưng sau đó tụi em đã khắc phục được” – Em Tài cho hay.

Thiết bị tự động thông minh đạt giải sáng tạo

Thiết bị này hoạt động dựa vào hệ thống cảm biến nhiệt được tích hợp bên trong, nguồn điện được đấu nối trực tiếp vào lưới điện hoặc năng lượng được tích sẵn từ một tấm pin mặt trời đặt phía trên, phòng trường hợp không có điện sẵn.

Về nguyên tắc hoạt động, máy được gắn một cảm biến thân nhiệt cao hơn chiều cao trung bình của học sinh. Người sử dụng chỉ cần đứng cách thiết bị khoảng 20 – 30cm thì hệ thống cảm biến sẽ đo được nhiệt độ cơ thể, hiện thị trên màn hình Led gắn phía trước bảng điều khiển. Vì chiều cao của mỗi người khác nhau, một camera gắn phía trên máy sẽ ghi nhận hình ảnh và tự động nâng hạ mắt đo cảm biến nhiệt cho phù hợp. Cùng lúc này, ống dẫn nối từ bình đựng nước sát khuẩn ở bên trong thiết bị sẽ phun ra một lượng dung dịch vừa đủ để học sinh rửa tay khử khuẩn.

Bên cạnh đó, thiết bị còn tích hợp thêm bộ phận cảm biến vân tay trên máy, học sinh sẽ nhấn vào đây để máy quét vân tay từng người.

Toàn bộ quy trình chỉ diễn ra chưa tới 5 giây. Đáng chú ý, tất cả dữ liệu về thân nhiệt cơ thể, vân tay ngoài việc thể hiện trên màn hình còn được truyền về máy chủ của nhà trường thông qua Google Drive, giúp nhà trường nắm được toàn bộ dữ liệu mà không tốn nhiều nhân lực, công sức.

Theo hai em học sinh này, chi phí để hoàn thiện thiết bị khoảng gần 8 triệu đồng.

Thiết bị đo thân nhiệt, khử khuẩn, quét vân tay tự động của 2 nam sinh

Vào cuối tháng 1 vừa qua, thiết bị này đã vượt qua 121 dự án để đạt giải nhất trong cuộc thi khoa học kỹ thuật năm học 2020-2021 dành cho học sinh trung học tỉnh Bình Dương, đồng thời được lựa chọn tham gia cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dự kiến tổ chức vào tháng 3 sắp tới tại tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Hai “nhà sáng chế nhí” cho biết, trong thời gian tới sẽ tập trung hoàn chỉnh phần ngoại hình để thiết bị trông đẹp mắt hơn, đồng thời kiểm tra lại hệ thống điện tử để dự thi cấp quốc gia.

Cô Dương Thị Hào – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Cừ cho biết, nhà trường khá bất ngờ khi hai em học sinh nhỏ tuổi nhưng có những ý tưởng rất sáng tạo, điều đáng khen là các em đã nghiên cứu được một thiết bị bảo vệ sức khỏe con người trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Cô Hào cho biết thêm, thiết bị này sẽ được sử dụng tại trường để kiểm tra y tế với học sinh. Ngoài ra, nhà trường sẽ phối hợp để thiết bị được sử dụng ở các trường học, cơ quan, đơn vị khác.

PV.

Xem Thêm

An Giang: Anh nông dân truyền cảm hứng giáo dục STEM
Anh Nguyễn Ngọc Đệ - một nông dân chỉ học hết lớp 6, hiện sinh sống tại xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang - đã xuất sắc đoạt giải Nhất tại Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh An Giang lần thứ XIV (2024-2025) với giải pháp mang tên “Mô hình Hạm đội Trường Sa phục vụ giáo dục STEM”.
GS. Nguyễn Hữu Tăng trọn đời vì khoa học, nặng lòng vì đất nước
Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Hữu Tăng, nguyên Phó Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, một nhà vật lý lý thuyết hàng đầu, một nhà quản lý khoa học tâm huyết đã từ trần vào rạng sáng ngày 22/6/2025, hưởng thọ 89 tuổi. Sự ra đi của ông để lại niềm tiếc thương vô hạn cho giới khoa học và các thế hệ học trò, đồng nghiệp.
Huỳnh Thúc Kháng: Ngòi bút sắc hơn trăm vạn quân
Được biết đến là một chí sĩ yêu nước, một nhà cách mạng và một chính khách đức độ, di sản rực rỡ và truyền cảm hứng bậc nhất của cụ Huỳnh Thúc Kháng còn ở sự nghiệp báo chí nơi ngòi bút được mài sắc thành vũ khí đấu tranh cho quyền lợi của dân tộc. Tên Huỳnh Thúc Kháng cũng được đặt cho trường dạy viết báo đầu tiên ở nước ta.
Anh nông dân lớp 5 và hành trình tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật
Trong bối cảnh nông nghiệp ngày càng đòi hỏi sự đổi mới, thích ứng và sáng tạo để nâng cao năng suất và giảm chi phí lao động, một người nông dân tại Châu Phú, An Giang - dù chỉ học hết lớp 5 - đã chứng minh rằng: Tri thức không chỉ đến từ sách vở mà còn từ thực tiễn cần mẫn và khối óc sáng tạo không ngừng.

Tin mới

Tìm giải pháp thực hiện hiệu quả các dự án viện trợ không hoàn lại
Thủ tục hành chính thực hiện và quản lý các dự án viện trợ không hoàn lại hiện nay còn phức tạp; quy trình xét duyệt, giải ngân còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ và sự hài lòng của đối tác; năng lực quản lý hạn chế; một số đơn vị thành viên thiếu chuyên môn về giám sát tài chính, báo cáo theo chuẩn quốc tế; biến động kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nguồn viện trợ không ổn định....
Chủ tịch Phan Xuân Dũng tiếp xúc cử tri tỉnh Khánh Hòa sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV
Ngày 9-10/7, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa gồm ông Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, bà Đàng Thị Mỹ Hương, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và ông Nguyễn Văn Thuận đã có các buổi tiếp xúc cử tri tại xã Bác Ái Tây và xã Phước Hà sau kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Công nghệ mới trong xử lý chất thải góp phần phát triển bền vững ngành chăn nuôi Việt Nam
Ngày 3/7, Liên hiệp Hội Việt Nam phối hợp với Liên hiệp hội tỉnh Bắc Ninh và Hội Chăn nuôi Việt Nam tổ chức Hội thảo Phổ biến một số công nghệ mới có hiệu quả trong xử lý chất thải chăn nuôi. Hội thảo thu hút sự tham dự của đông đảo người sản xuất, kinh doanh, hộ chăn nuôi và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.