Ý kiến của nhà sử học Dương Trung Quốc về đền Cẩu Nhi
Chuyện cũ nhắc lại.
Câu chuyện cách nay đã gần hai thập kỷ, vào thời điểm công cuộc đổi mới bắt đầu tác động vào cuộc sống Thủ đô. Có người muốn biến hòn đảo nhỏ trên Hồ Trúc Bạch thành một công trình dịch vụ đã vấp phải sự phản đối của dư luận xã hội và một số nhà khoa học đưa ra quan điểm không nên phá những dấu tích của một nơi đã từng có thời đuợc coi là “đền thờ thần Cẩu Nhi” hay chí ít là nơi có dấu tích tín ngưỡng (thờ “Mẫu Thoải” hay “Thuỷ Trung Tự”)... Tóm lại là không tán thành xây công trình dịch vụ và nên bảo tồn làm không gian văn hoá. Nhưng cũng có người cho rằng việc thờ Cẩu Nhi chỉ là sự bịa đặt...với những lập luận như bài viết của PGS Ninh.
Tranh luận cũng diễn ra với những quan điểm trái ngược nhau tương tự như bây giờ. Cuối cùng, dư luận xã hội và một số cơ quan chức năng như (theo Cục trưởng Di sản nhớ lại thì) lãnh đạo Uỷ ban Văn hoá Giáo dục của Quốc hội khi đó cũng đã trực tiếp can thiệp với lãnh đạo Hà Nội. Kết quả công trình dịch vụ đã không đuợc xây. Hòn đảo đuợc bảo tồn và đuợc ghi nhận bằng một tấm bia xác nhận “di tích đền thờ Cẩu Nhi” trên cơ sở nội dung của “Tây Hồ Chí”. Tính đến nay đã gần hai mươi năm không thấy ai bàn cãi nữa.
Do vậy, cuộc tranh luận vào thời điểm này chỉ lặp lại những gì đã từng diễn ra trong quá khứ, nhân có dự án “phục hồi tôn tạo di tích đền Cẩu Nhi thuộc phường Trúc Bạch quận Ba Đình” .
Một quy trình đuợc thực hiện nghiêm túc
Tồn tại gần 20 năm không bị xâm hại là một thành công trong việc gìn giữ không gian văn hoá và tâm linh của khu vực Hồ Tây và Hồ Trúc Bạch. Tuy nhiên do chỉ có một nhà bia , không có tường bao, không có sự quản lý thường xuyên, lại ở vào một địa điểm “nhạy cảm” nên tại đây diễn ra tình trạng một số người dân đến lễ bái và dễ bị sử dụng vào những việc liên quan đến tệ nạn, tác động xấu vào danh thắng Hồ Tây. Cùng với thực trạng đó một số người dân trong và ngoài Phuờng Trúc Bạch đặt vấn đề với lãnh đạo địa phương xin phép xây dựng lại đến Cẩu Nhi. Là cơ quan quản lý địa bàn nhưng lãnh đạo Phường nhận thức đây là việc “nhạy cảm và phường không có thẩm quyền quyết định” nên đã làm công văn (số 4 ngày 10-1-2003) để xin ý kiến chỉ đạo của UBND Quận Ba Đình.
Cũng nhận thấy đây là vấn đề “nhạy cảm” nên lãnh đạo Quận mà cơ quan chức năng là Phòng Văn hoá Thông tin Quận Ba Đình đã gưỉ công văn mong Sở VHTT và Ban Quản lý Di tích Danh thắng (Ban QLDT) TP Hà Nội “quan tâm chỉ đạo giải quyết”(CV số 58, ngày 12-5-2003).
Đáp lại đề nghị của Quận, ngày 6-6-2003, Sở VHTT TP Hà Nội đã ra văn bản (số 560) chỉ đạo : hoan nghênh việc nhân dân thập phưong tự nguyện đóng góp phục hồi, tôn tạo di tích này; nhà bia ở Đền Cẩu Nhi là một công trình do TP tu bổ từ 1988, hiện trạng kiến trúc còn tốt; tuy nhiên muốn phục hồi tôn tạo di tích cần phải thực hiện đầy đủ các nội dung quy chế đã được ban hành kèm theo các quyết định của Bộ truởng VHTT; đồng thời phải tiến hành tổ chức để các nhà khoa học chuyên ngành, những người đã tham gia đóng góp ý kiến xây dựng nhà bia trước đây và các ngành có liên quan “để xin chủ trương”. Đồng thời theo những quy định do TP ban hành thì “quyền quản lý trực tiếp của chính quyền phường và quận”.
Tiếp đó, ngày 27-10-2003, UBND Quận Ba Đình lại có công văn đề nghị Hội Sử học VN và Ban Quản lý Danh thắng TP phối hợp tổ chức hội thảo khoa học “Bảo tồn, tôn tạo, phát huy tác dụng di tích Đền Cẩu Nhi”.Hội Sử học VN nhận lời (bằng công văn 28-10-2003).
Và cuộc hội thảo được tổ chức ngày 6-1-2004 với thành phần, ngoài các cơ quan chức năng của Sở VHTT và Ban QLDT TP và lãnh đạo Quận Ba Đình và Phường Trúc Bạch Hội Sử học mời TS Lưu Minh Trị và PGSTS Phan Khanh là Chủ tịch và PCT Hội Bảo tồn Di sản Văn hoá Thăng Long, GSTS Hoàng Đạo Kính, PCT Hội Kiến trúc sư VN, Ông Nguyễn Vinh Phúc PCT Hội Sử học HN, TS Phạm Văn Thắm , chuyên viên của Viện Nghiên cứu Hán Nôm và tôi thay mặt Hội là người đồng chủ trì.
Để bảo đảm chất lượng của khâu chuẩn bị, 10 tháng sau, ngày 26-11-2004, một cuộc hội thảo thứ hai lại được tổ chức, mở rộng thêm một số nhà khoa học như PGS Lê Văn Lan(Viện Sử học), PGS Trần Lâm Biền (Viện Văn hoá), Ông Hoàng Giáp chuyên viên Viện Hán Nôm, TS Nguyễn Thế Hùng Cục Di sản, ông Ngô Thuỳ Ban Tôn giáo TP và PGS Đỗ Văn Ninh (Viện Sử học)
Tất cả những ý kiến đều được ghi thành biên bản. Các ý kiến không chỉ tham góp vào thiết kế mà vấn đề liên quan đến luận cứ có hay không có đền Cẩu Nhi trong lịch sử vẫn được bàn bạc tiếp, các tham luận viết đều được lưu thành kỷ yếu.
Trên cơ sở kết luận của hội thảo, UBND Quận lại có văn bản (số 82, ngày 17-2-2005) gửi Bộ VHTT, Sở VHTT và Ban QLDT và xin ý kiến thoả thuận theo quy định. Lần lượt các cơ quan trên đều có văn bản hồi âm. Văn bản của Ban QLDT (14-3-2005) “thống nhất chủ trương, tán thành phương án thiết kế” do một công ty chuyên ngành của Bộ VHTT thực hiện. Văn bản của Sở VHTT TPHN (25-3-2005) cũng thống nhất sớm phục hồi di tích, thống nhất ý kiến vớí Ban QLDT về phương án thiết kế và giao trách nhiệm quản lý cho UBND Quận. Cục Di sản thuộc Bộ VHTT cũng có văn bản (7-4-2005) xác nhận :”Đền Cẩu Nhi là ngôi đền gắn với những truyền thuyết liên quan đến việc định đô và xây dựng kinh thành Thăng Long của Vua Lý Thái Tổ. Tuy nhiên đền Cẩu Nhi chưa phải là di tích xếp hạng quốc gia nên đề nghị UBND Quận trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc phục dựng” và một số ý kiến liên quan đến chi tiết thiết kế...
Và trên cơ sở tất cả các văn bản đó UBND Quận Ba Đình đã trình lãnh đạo UBNDTPHN...xét duyệt để thực thi..rồi lãnh đạo UBNDTP lại tổ chức hội thảo để ra thông báo chỉ đạo thực hiện trong đó một lần nữa lại nhắc đến việc lắng nghe và tham khảo thêm ý kiến những vấn đề còn có thể chỉnh sửa được...
Như vậy, có thể thấy rằng quá trình thực hiện được tiến hành đúng trình tự quy định, thận trọng và tranh thủ các cấp có thẩm quyền cũng như giới chuyên môn. Vấn đề còn lại, nếu có, thuộc về giới chuyên môn tư vấn. Trong đó có trách nhiệm của tôi là người thay mặt cơ quan được mời đồng chủ trì các hội thảo.
Có sự bịa đặt hay không?
PGS Đỗ Văn Ninh là người nhất quán với quan điểm là không có việc thờ thần Cẩu Nhi nên cũng không có đền Cẩu Nhi. Cách đây 20 năm, chính quan điểm này không thuyết phục được dư luận, trong đó có nhiều đồng nghiệp trong giới chuyên môn và các cơ quan có trách nhiệm do vậy nên hòn đảo nhỏ trên hồ Trúc Bạch mới tránh được một dự án xây dựng một công trình dịch vụ, và mới có việc phải bàn về xây “đền thần Cẩu Nhi” hôm nay. Lập luận của PGS Ninh là không thấy có ngôi đền này trong bản đồ và những công trình điều tra cổ tích của người Pháp thời thuộc địa – không có cơ sở để gắn sự việc thờ “Thần Cẩu Nhi” với ý nghĩa hình thành Thăng Long-Hà Nội .
Biết quan điểm ấy, nên tại cuộc hội thảo lần thứ hai, là người chủ trì tôi đề nghị mời PGS Ninh đến dự để bảo đảm tính khách quan trong quá trình tập hợp ý kiến. PGS Ninh đã dự và những ý kiến phát biểu đều được ghi vào biên bản. Nguyên văn biên bản ghi :
”về quan điểm, tôi cho rằng không tồn tại Cẩu Nhi, đền này chỉ xuất hiện khi có “Tây Hồ Chí” (trước đây có một đền cá của người Hoa kiều. Theo quan điểm của tôi, nên tôn trọng sự thực lịch sử, không nên gắn lịch sử thành Thăng Long với sự dẫn dắt của 2 con chó về Thăng Long cùng vua Lý Công Uẩn. Nếu muốn xây dựng một ngôi đền phục vụ tín ngưỡng, đồng ý, phương án kiến trúc, đồng ý. Nhưng tinh thần Thăng Long theo tôi không nên xây dựng ngôi đền với tinh thần thờ Cẩu Nhi.
Những ý kiến còn lại, tuy có khác với ý kiến của PGS Ninh nhưng cũng hết sức thận trọng khi cân nhắc việc chọn tên gọi (cũng là để xác định nội dung thờ phụng, giá trị lịch sử...). Ví như NNC Nguyễn Vinh Phúc tại cuộc hội thảo đầu tuy cũng khẳng định “ sự hiện diện của đền Cẩu Nhi là đúng với tín ngưỡng dân gian và tục thờ Chó của người Việt” nhưng cũng cho rằng không nên “Thờ Cẩu Nhi” mà ” nên duy trì lớp tín ngưỡng thờ mẫu, do đó sau khi khôi phục nên gọi “Đền Thuỷ Trung Tiên”. Ông Phúc cũng đề nghị tranh thủ thêm ý kiến của Ban Tôn giáo để việc phát huy được tốt.
TS Phạm Văn Thắm, chuyên viên Viện Hán Nôm thì tại cả hai cuộc hội thảo đều căn cứ vào giá trị văn bản của “Tây Hồ Chí” để khẳng định rằng nên phuc hồi di tích “Thần Cẩu Nhi miếu”.
Ông Hoàng Giáp chuyên viên Viện Hán Nôm cho rằng “tín ngưỡng thờ chó không có gì lạ trong tín ngưỡng Việt Nam và tín ngưỡng này không có gì xấu”.
PGSTS Trần Lâm Biền (Viện Văn hoá) xuất phát từ tập quán thờ đa thần của ta nên tôn trọng lịch sử đã có trước đây, nên thờ thần Cẩu Nhi nhưng vẫn có thể thờ mẫu, hay” thuỷ trung tiên”.
PGS Lê Văn Lan lại chủ trương di tích khi phục hồi dùng tên gọi là “Thuỷ Trung Tiên từ”, còn thờ đa thần là bình thường và thờ chó “không có gì đáng xấu hổ”
PGSTS Phan Khanh lại cho rằng “nên trở lại ý nghĩa tôn giáo, tín ngưỡng ban đầu là thờ Thần Cẩu Nhi, còn trở lại thờ mẫu ,”thuỷ trung tiên” thì không nên sợ “phát sinh phức tạp”.
GSTS KTS Hoàng Đạo Kính tại cuộc hội thảo đầu tiên thì khẳng định cần làm cho hòn đảo như một điểm nhấn về cảnh quan khu vực Hồ Trúc Bạch-Hồ Tây. Tại hội thảo sau ông gửi ý kiến tới bằng quan điểm :”nên để công trình là xây dựng “Đền Cẩu Nhi” không gọi là trùng tu, khôi phục vì di tích cũ không còn”(nguyên văn biên bản).
TS Thế Hùng (Cục Di sản Bộ VHTT) đề nghị xác định đây là “Xây dựng tôn tạo đền Cẩu Nhi”, không quan niệm đây là phục hồi di tích...
Tôi chỉ trích dẫn những quan điểm chính của các nhà chuyên môn, còn những ý kiến từ phía các cơ quan quản lý thì đều biểu tỏ sự đông tình với ý niệm “Đền Cẩu Nhi” vì nhân dân đã quen gọi v.v..
Cần nói thêm rằng những người có quan điểm ủng hộ di tích “đền thần Cẩu Nhi”, chủ yếu căn cứ vào đoạn văn trong “Đại Việt Sử ký toàn thư” một bộ sử quan trọng viết về sự tích liên quan đến Cẩu Mẫu và Cẩu Nhi gắn với tuổi của vua Lý Công Uẩn và thời điểm dời đô về Thăng Long đều là các năm Tuất; và sách “Tây Hồ Chí” xác nhận từng có 2 di tích thờ Cẩu Mẫu ở Khán sơn và Cẩu Nhi ở hòn đảo trên hồ Trúc Bạch. Người phản bác quan điểm này chủ yếu nghi ngờ giá trị văn bản của “Tây Hồ Chí”.
Do vậy mà khi kết luận các hội thảo, mặc dù đồng thuận cao về việc cần phải xây dựng một công trình để ghi nhận những nội dung lịch sử và đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, nhằm bảo vệ và phát huy cảnh quan cho hòn đảo và chung khu vực danh thắng, phần tên gọi vẫn lưu ý cần tiếp tục tham khảo để có giải pháp phù hợp. Bản Thiết kế do Công ty tư vấn thiết kế văn hoá mới là những dự thảo để lấy ý kiến còn phải qua nhiều khâu khác (thiết kế nội thất, nội dung thờ tự, luận chứng kinh tế...)
Phản ảnh lại tất cả những tình tiết quan trọng về quy trình tiến hành và quan điểm của những “người trong cuộc” để các bạn quan tâm thấy được những quy trình làm việc nghiêm túc. Nhưng với những vấn đề chuyên môn không đơn giản chút nào. ở đây bên cạnh những cố gắng của công tác tư vấn thì vai trò của các nhà quản lý là rất quan trọng. Việc PGS Đỗ Văn Ninh nêu ý kiến của mình ngoài hội thảo để bảo lưu quan điểm của mình là điều rất bình thường . Nó sẽ giúp dư luận quan tâm để điều chỉnh những cái chưa đúng, ủng hộ cái đúng và chia sẻ những khó khăn của người có trách nhiệm quyết định cuối cùng...
Duy có một điều ...
Trong các vấn đề liên quan đến khoa học xã hội, trong đó có sử học, việc tranh luận phải nhằm thuyết phục được nguời khác quan điểm hay những người quan tâm trong công chúng và những người có trách nhiệm xử lý những vấn đề liên quan đến nôị dung tranh luận. Không thể áp đặt được quan điểm của mình nếu không có tính thuyết phục. Theo dõi những ý kiến phát biểu trong quá trình lấy ý kiến liên quan đến dự án này, tôi thấy mọi nhà chuyên môn đều rất có ý thức trách nhiệm, thận trọng khi phát biểu, dân chủ và tôn trọng lẫn nhau... Sự khác biệt về quan điểm phải được coi là rất bình thường, cũng như sự phát biểu ở những diễn đàn khác nhau trong đó có báo chí cũng là rất bình thường. Nhưng coi những quan điểm khác với mình và cũng là quan điểm của những đồng nghiệp (giáo sư, tiến sĩ ...) như mình là “sự bịa đặt” thì chẳng nên chút nào.
Đây mới chỉ bàn đến việc xây, còn việc duy trì và phát huy sau này cũng đặt ra không ít những vấn đề phải quan tâm. Do vậy, công việc với các nhà quản lý còn nhiều. Sự đồng thuận của dư luận và tiếng nói của các nhà chuyên môn càng trở nên quan trọng. Nhưng dẫu sao cho đến nay, không gian hòn đảo nhỏ ấy vẫn giữ được cho những công trình văn hoá- tâm linh phù hợp với danh thắng, lại được dư luận quan tâm là một thành công đáng kể, nhưng cũng mới chỉ là bước đầu.
Nguồn: vnn.vn 1/8/2005