Xử lý rác thải - Cần đột phá về công nghệ
Theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN và MT), hiện nay, tổng lượng chất thải rắn (CTR) sinh hoạt tại Việt Nam ước tính khoảng 12,8 triệu tấn /năm, trong đó khu vực đô thị là 6,9 triệu tấn/năm, còn lại tập trung tại các huyện, thị xã, thị trấn. Cũng theo đánh giá của Bộ TN và MT, cả nước có khoảng 458 bãi chôn lấp đang vận hành có quy mô hơn 1.800 ha, nhưng trong đó chỉ có 121 bãi chôn lấp hợp vệ sinh (với diện tích 977 ha). Còn lại phần lớn là bãi rác tạm, lộ thiên, không có hệ thống thu gom, xử lý nước rỉ rác.
Hầu hết các công ty môi trường đô thị đều chưa có khả năng xử lý CTR công nghiệp, nhất là CTR nguy hại. Thêm vào đó, nhận thức của cộng đồng về mối nguy hại do rác thải đến môi trường còn chưa cao, chưa có thói quen phân loại rác tại nguồn. Ông Nguyễn Thành Lâm, Cục Quản lý chất thải và cải thiện môi trường thuộc Tổng cục Môi trường cho biết, hiện CTR ở Việt Nam vẫn chủ yếu được phân loại ở các cơ sở tư nhân nhỏ lẻ, xử lý theo cách thủ công, không phân loại theo tiêu chuẩn rác vô cơ, hữu cơ.
Các cơ sở này gây ô nhiễm rất nặng nề, nhất là các loại chất thải công nghiệp, y tế... độc hại. Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Phước, hiện nay trên địa bàn thành phố có 48 bô rác, trong đó có 45 bô rác chưa bảo đảm tiêu chuẩn, còn phát tán mùi hôi gây ô nhiễm khu dân cư.
Hiện nay, biện pháp xử lý CTR đô thị chủ yếu sử dụng ba công nghệ chính là chôn lấp, sản xuất phân vi sinh và đốt. Trong khoảng mười năm gần đây, Nhà nước chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa, đã có nhiều doanh nghiệp môi trường tư nhân tham gia, nhất là tại các đô thị. Tuy nhiên, các dự án đầu tư vào môi trường còn rất manh mún, đứt đoạn, thiếu quy mô lớn. Phần lớn các nhà máy xử lý CTR chưa hoàn chỉnh về công nghệ, khó mở rộng sản xuất vì thiếu nguồn tài chính. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến môi trường xuống cấp, ô nhiễm đến mức báo động. Dự án môi trường dù mang tính xã hội cao nhưng cần nguồn vốn lớn và thời gian thu hồi vốn chậm, vì thế không hấp dẫn với các nhà đầu tư, nhất là các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp CTR đến năm 2025, tầm nhìn quản lý tổng hợp CTR đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt mục tiêu đến năm 2015, sẽ có 85% tổng lượng chất thải đô thị, 50% tổng lượng chất thải xây dựng tại các đô thị được xử lý. Việc xây dựng những khu xử lý tập trung lớn và lựa chọn công nghệ áp dụng vào điều kiện cụ thể là việc làm cần thiết, để đáp ứng chiến lược nói trên.
Khu Liên hợp xử lý rác thải Đa Phước, TP Hồ Chí Minh (VWS) là một thí dụ. Đây là Khu xử lý có công nghệ hiện đại nhất Việt Nam và Đông - Nam Á, công suất xử lý 10 nghìn tấn rác/ngày. Nhà đầu tư là California Waste Solution (CWS), một công ty môi trường của một người Mỹ, gốc Việt. CWS được xếp hạng thứ 31/100 công ty môi trường mạnh nhất của Hoa Kỳ (năm 2013). Văn phòng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Xây dựng nghiên cứu mô hình của VWS để xây dựng mô hình xử lý CTR cấp vùng có quy mô, công suất, công nghệ đa dạng, phù hợp với điều kiện Việt Nam.