Vụ mất tích bí ẩn của tư lệnh không quân Pháp ở Đông Dương năm 1951
André Hartemann sinh năm 1899 trong một gia đình trung lưu ở miền Bắc nước Pháp, giáp với biên giới Đức. Học hết trung học, ông vào trường võ bị Saint-Cyr năm 1917, và trở thành sĩ quan bộ binh. Năm 1929, ông vào trường quân sự cao cấp, tốt nghiệp sĩ quan tham mưu, và cũng từ đấy ông phát hiện thiên hướng về không quân. Năm 1933, ông được chuyển hẳn sang lực lượng không quân đóng ở Bắc Phi. Khi Thế chiến hai bùng nổ, ông không tham gia lực lượng giải phóng ngay từ đầu, mà mãi đến năm 1942 mới theo Đồng minh khi quân Mỹ đổ bộ vào Bắc Phi. Sau khi nước Pháp được giải phóng, Hartemann được phong tướng và giữ nhiệm vụ liên lạc với lực lượng Đồng minh chiếm đóng Đức. Năm 1948, ông trở về Paris nắm vị trí tham mưu trưởng không lực Pháp, nhưng những cuộc đấu tranh nội bộ đã khiến ông bị điều về phụ trách trưởng cao cấp không quân.
Giữa lúc đó thì chiến tranh Đông Dương đang chuyển sang bước ngoặt mới. Thắng lợi của quân giải phóng Trung Quốc và chiến tranh Triều Tiên khiến Mỹ thấy cần phải can thiệp sâu hơn vào Đông Dương để hỗ trợ cho quân Pháp đang rệu rã. Cần phải thay đổi những người mới trong bộ chỉ huy quân sự ở Đông Dương. Cần phải có những người chỉ huy mới, cương quyết, đang mong muốn cải tổ quân đội Pháp nhằm thu hút nhiều viện trợ Mỹ hơn nữa. Hai người được chỉ định là Jean de Lattre de Tassigny và André Hartemann đến Sài Gòn, thay thế cho tướng Bodet đã ở đây từ năm 1947. Ông bắt tay ngay vào việc tổ chức lại không quân Pháp, đồng thời đấu tranh để nhận thêm được nhiều khí tài mới của Mỹ. Việc trang bị máy bay B-26 “Invader” và F-6F “Hellcat” cho không lực Pháp là một phần kết quả của ông. Và cũng chính Hartemann lần đầu tiên đã cho sử dụng bom napalm để chặn đường tiến của quân đội Việt Nam trong các chiến dịch ở Vĩnh Yên và Mạo Khê. Ông là người chủ trương phải tăng cường hoạt động của không quân để hỗ trợ cho bộ binh Pháp đang ngày càng lâm vào thế bị động trên chiến trường Bắc Bộ.
Chuyến bay định mệnh
Để nắm rõ thêm tình hình đối phương, Hartemann quyết định thực hiện một chuyến bay trinh sát qua Cao Bằng và dọc theo sông Lô vào ngày 28-4-1951. Máy bay được sử dụng là chiếc B-26 “Invader” mang số hiệu 354558, gần như còn mới, nó chỉ mới thực hiện 114 giờ bay, và sau lần kiểm tra toàn bộ cuối cùng chỉ mới bay có 6 giờ 40 phút. Động cơ cũng còn mới, chỉ hoạt động có 88 giờ 45 phút, và sau lần tổng kiểm tra chỉ mới chạy có 6 giờ 40 phút. Xăng được đổ đầy trước khi cất cánh lúc 10 giờ. Chiếc B-26 có 800 galông xăng đựng trong bình chứa dưới hai cánh. Hai sườn và cánh máy bay có trang bị đại liên 12,7mm với 500 phát đạn, còn 8 khẩu đại liên trước mũi có 5.000 phát, còn mang them 8 quả bom 118kg. Trọng lượng toàn bộ máy bay sau khi trang bị là 16.119kg, rất bình thường với một máy bay B-26 khi hoạt động trên vùng địch kiểm soát.
Phi hành đoàn hôm đó là những người có kinh nghiệm, gồm: đại uý Dieudonné lái chính và thượng sĩ Durengues thợ máy. Ngoài ra ông tướng còn mời một nhà báo Pháp là bà Balesi, giám đốc trung tâm thông tin Viễn Đông. Đại uý Dieudonné biết rõ vùng này, được coi là một phi công xuất sắc.
Tình hình khí tượng trung bình ở vùng Hải Phòng, nhưng có thể có dông giữa Hà Giang và Cao Bằng, đấy là chuyện thường xảy ra ở vùng cao, thường có sương mù. Chuyến bay được tổ chức đúng qui định ở căn cứ Cát Bi, dự kiến cất cánh lúc 13 giờ 45, về hướng đông -bắc theo đường Tiên Yên- Lạng Sơn, rồi qua Cao Bằng, Hà Giang, để trở về theo sông Lô. Đến 15 giờ 45, chiếc B-26 phải gặp ba chiếc máy bay khác lên từ Hà Nội, và tham gia với tư cách trọng tài cho một cuộc diễn tập giữa sân bay Hà Nội và Cát Bi.
Đúng 13 giờ 42 phút máy bay cất cánh và ba phút sau thì liên lạc bằng bộ đàm với căn cứ Cát Bi. Đó là lần tiếp xúc cuối cùng.
Đến 15 giờ 30 chiếc B-26 không có mặt ở điểm hẹn tại Hà Nội và không có tín hiệu gì cả. Báo động có thể hoạt động khoảng 5 giờ liền, như vậy nó chỉ còn một giờ bay trong điều kiện bình thường. Cuộc tìm kiếm tỏ ra khó khăn vì không có chỉ dẫn gì về địa hình vùng máy bay qua, đấy là vùng rừng núi dày đặc. Khả năng sống sót rất mong mạnh. Mặc dầu đã muộn, một phi vụ được bay về Tiên Yên ngay buổi chiều, nhưng nó trở về không kết quả. Từ ngày 28 tháng 4 đến 5 tháng 5, 30 chuyến bay trinh sát được điều đến các vùng có khả năng máy bay rơi, dọc biên giới Trung Hoa, huy động 14 chiếc B-26 và 16 chiếc Ju 52, đều không có kết quả. Mọi giả thuyết đều được đưa ra, nhưng trong những ngày sau, không có giả thuyết nào được xác nhận bằng vật chứng. Máy bay có thể bị rơi khi đang chúc mũi bắn súng máy do thời tiết xấu, có thể do trục trặc về máy móc nhưng điều này có vẻ vô lý với một chiếc máy bay mới và tốt như vậy, hay cũng có thể bị súng phòng không của Việt Minh hạ.
Nhiều câu hỏi được đặt ra nhưng chưa có câu trả lời. Tại sao máy bay lại không liên lạc và không trở về Cát Bi? Năm 1950, Quân đội Nhân dân Việt Nam có rất ít sung phòng không, không có cỡ sung lớn hơn 20mm. Các giả thuyết chính đưa ra chủ yếu là do tai nạn chứ không phải là bị hoả lực phòng không của đối phương hạ.
Những tin tức đầu tiên
Ngày 30-4-1951, lần đầu tiên phía Pháp bắt được tín hiệu từ đài phát thanh “Tiếng nói Nam bộ” trên bản tin lúc 20 giờ 45 và 21 giờ. “Một người Pháp, tướng không quân Hartemann, tên là gì không rõ, đã chết trong một ý đồ tự sát được gọi là phi vụ trinh sát không quân trên bầu trời Bắc – Việt Nam, ở vĩ độ 21 o0592 Bắc và kinh độ 105 o1285 Đông”. Ngày 1-5, bản tin đó được phát lại mà không thêm chi tiết nào. Ngày 4-5-1951, bản tin thứ ba lại đưa ra thông tin khác:
“Chiếc máy bay chở tướng Hartemann đã bị hạ trên đất Cao Bằng. Đại tướng đã trao huân chương quân công hạng 2 cho đơn vị phòng không 357 đã bắn rơi chiếc B-26. Chiếc B-26 Mỹ chở người chỉ huy không quân Pháp ở Việt Nam, phi công và một số nhà binh Pháp, mà tên tuổi chưa được biết, đã bị bắn rơi trên đất Cao Bằng do hoả lực của đơn vị phòng không 357, trong khi máy bay đang ở độ cao 900m [….]
Ban chỉ huy đã ra lệnh chôn cất cẩn thận theo nghi lễ của quân đội, hài cốt tướng Hartemann cùng tro xương của những người khác, trong khi chờ đợi chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh và chính phủ”.
Nhưng sau đó, qua tin khai thác từ tù binh Việt Nam, các binh sĩ thuộc tiểu đoàn vệ binh 178 đã tự nhận là đã bắn hạ chiếc máy bay B-26 “nhờ tập trung hoả lực của 5 khẩu đại lien 12,7 và 2 khẩu Bofors”. May bay bị trúng đạn khi bay qua Hàm Yên phía đông Tuyên Quang, và đã rơi 9 phút sau tại vùng Núi Rào, cách 16km về phía đông. Một tin do cơ quan truyền tin Pháp bắt được xác định ngày 8 tháng 5 đã diễn ra lễ trao tặng cho những người bắn hạ máy bay Pháp. Có binh sĩ của D178 đã chụp ảnh xác máy bay trong đó có 4 người, có một phụ nữ mặc blu-dông ngắn. Cái chết của tướng Hartemann cũng được hãng thông tấn TASS của Liên Xô đưa tin vắn tắt và nói rõ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lệnh làm tang lễ chính thức.
Nhưng dần dần phía Pháp cũng nhận thêm được những tin tức mới. Đầu tiên là của trung sĩ Long Văn Sinh thuộc quân đội nguỵ, đã trốn thoát khỏi trại giam ở Cao Bằng ngày 15-5-1951. Anh ta xác nhận có nhìn thấy “lúc 13 giờ một chiếc máy bay sơn màu xám nhạt bốc cháy trên trời mà không nghe tiếng súng phòng không bắn lên. Chiếc máy bay cố gắng hạ cánh xuống sân bay Gia Cũng cũ mà không được, và đã bốc cháy rơi xuống Nà Phịa cách Cao Bằng 2,5km về phía Nam”. Anh ta còn nhìn thấy binh lính Việt Nam đến gần xác máy bay lúc 16 giờ, khi tiếng nổ của đạn bị hơi nóng làm nổ đã kết thúc. Cùng với những tù binh khác và lính canh, Long Văn Sinh khẳng định là có đến gần và nhìn thấy 4 xác chết trong đó có một phụ nữ. Họ được chôn ban đêm tại một nơi mà anh ta không biết. Ba ngày sau, anh ta còn thấy máy bay Pháp lượn trên bầu trời Cao Bằng. Viên sĩ quan lấy khẩu cung đánh giá rằng máy bay trinh sát không thể thấy gì ở Cao Bằng vì chiếc B-26 đã được nguỵ trang ngay sau đó. Nhưng câu chuyện kể này không được ghi lại chính thức, vì theo Phòng Nhì Pháp, có quan tổ chức cuộc lấy cung, thì người tù binh này có thể do đối phương thả ra để đưa tin sai lạc về vụ máy bay rơi.
Tháng 9-1951, một tù binh khác trốn thoát trại giam ở Cao Bằng lại khai ra một thông tin khác. Đó là hạ sĩ Fouillien thuộc tiểu đoàn 3 Tabor nói rằng: “Tôi có thể khẳng định máy bay của tướng Hartemann không phải do phòng không của Việt Nam bắn rơi. Ít lâu trước tai nạn, máy bay đã bay vòng quanh Cao Bằng; nó gặp khó khăn và rõ ràng là đang tìm cách hạ cánh (một vệt khói bốc ra từ một động cơ). Nghe thấy một tiếng nổ lớn gần sân bay, cho ta phỏng đoán rằng máy bay tìm cách đáp xuống. Ngay sau khi phát hiện tai nạn, người của Việt Minh đã phủ cành cây lên xác máy bay để cho máy bay khác không nhìn thấy”.
Cuối năm 1951, tướng Pelli-sisé, quyền chỉ huy không quân Đông Dương, viết rằng đã được một hàng binh “đến từ phía Việt Minh đem theo tấm ảnh máy bay B-26 đã bị rơi ở Cao Bằng. Y nói đó là máy bay của tướng Hartemann. Bản thân tôi có nhìn thấy số máy bay trên ảnh; con số đó đúng là của chiếc máy bay chở ông tướng”. Nhưng tấm ảnh đó không tìm thấy nữa.
Một số tù binh sau khi được trao trả vào đầu năm 1952, đã xác nhận giả thuyết về tai nạn như sau: “Trong thời gian bị cầm tù, vào tháng 5-1951, bỗng nhiên máy bay hoạt động tăng lên khiến chúng tôi phỏng đoán có gì đó không bình thường đang diễn ra trên khu vực Đường số 4 – Nguyên Bình.
Quả nhiên mấy ngày sau, ông uỷ viên chính trị trại giam cho biết một chiếc B-26 “Invader” của Pháp đã bị phòng không Việt Minh bắn hạ, và trên chiếc máy bay có tướng Hartemann, hai sĩ quan và một hành khách khác. Để chứng thực lời nói của mình, ông đó cho chúng tôi xem một cái mũ cát kết có cành lá và những ngôi sao, một chiếc túi xách phụ nữ, một cái nhẫn có mặt hồng ngọc, một đồng hồ đàn ông mặt kính bị vỡ và những cầu vai không quân có gắn sao […]. Buổi tối, chúng tôi phải bốc trên xe Molotova Nga bốn quan tài xuống để chuyển sang một chiếc GMC chạy về đường Tây Nguyên.
Mấy ngày sau, cũng viên sĩ quan chính trị đó kể lại với chúng tôi rằng nhà chức trách Pháp từ chối không nhận hài cốt những người chết”.
Một lần nữa, những bằng chứng đưa ra không được theo dõi thực sự. Nguy cơ phía Pháp nhận được những lời khai sai lạc không được kiểm chứng nghiêm túc, do tình hình chiến sự phát triển quá nhanh.
Tháng 10-1951, một sĩ quan Việt Minh bị bắt, đã khai trong cuộc hỏi cung ở Bình Xá rằng ông ta đã tham gia điều tra vụ máy bay B-26 bị hạ: “Sáu ngay sau tai nạn (ngày 4-5) tôi được bộ tổng tham mưu Việt Minh chỉ định lo vụ này. Tôi rời Quang Vuong (Quán Vuông?) cùng một sĩ quant ham mưu, hai nhà báo, một nhân viên liên lạc và một bảo vệ.
Hai ngày sau chúng tôi đến Cao Bằng. Tai nạn xảy ra ở cây số 2 gần sân bay, bên tả ngạn sông Bằng Giang.
Trên mặt đất, chỉ có đuôi máy bay rơi, được nguỵ trang bằng cành cây. Bộ phận còn lại của máy bay nằm dưới đáy sông. Xác các nạn nhân đã được du kích cùng dân chúng hỗ trợ chôn cất. Vũ khí của máy bay không còn dùng được. Khí tài điện đài đã bị phá huỷ khi máy bay nổ. Các vật tìm thấy tại chỗ là: một bút máy Paker 51, một bật lửa, một chiếc nhẫn vàng nạm kim cương, một đồng hồ Omega, những ngôi sao cấp tướng.
Sau khi nhận điện thoại ở Cao Bằng, từ Thái Nguyên gọi tới, tôi được lệnh của cấp trên thu thập tro xương của 4 người chết. Hài cốt được đào lên, tro xương gói vào những túi vải, đặt trong một hòm thiếc, rồi đặt vào trong hòm gỗ.
Bốn người chết có thể nhận dạng. Ông tướng bị mất một phần đầu, một thiếu tá lớn tuổi mất một cái chân, một đại uý trẻ không có vết thương nào, và một phụ nữ lớn tuổi hai chân bị đứt lìa.
Chúng đôi đưa trở về sân bay Đồng Bẩm ở Thái Nguyên với nhiệm vụ chờ đợi. Sau một tháng chờ đợi, vụ việc được xếp lại, các hòm đựng tro xương được chon cất gần sân bay đó”.
Nếu nhân chứng này xác định giả thuyết về tai nạn gần sân bay Cao Bằng, thì nó lại đưa ra một lý giải mới về số phận của hài cốt. Câu hỏi này vẫn còn là khác biệt chính giữa các nhân chứng.
Những ý đồ xin lại hài cốt
Các cuộc thương lượng để xin lại hài cốt đã diễn ra, trong những điều kiện đặc biệt lúc đó, giữa Pháp và Việt Nam ngay từ ngày 28-4. Phía Việt Nam ở Cao Bằng có giữ hài cốt không? Câu trả lời là có. Nhưng có gì trở ngại trong việc trao trả hài cốt một tướng Pháp? Đến nay chưa có ai đưa ra lời giải thích.
Cơ quan Chữ thập đỏ Pháp đã liên lạc ngay từ tháng 5-1951 để xin đưa hài cốt về Hà Nội. Ngày 18-5, một lá thư của Thông tấn xã Việt Nam chuyển đến Chữ thập đỏ Việt Nam, được cơ quan GCR (Nhóm kiểm tra điện đài) của Pháp thu được, yêu cầu trao trả hài cốt các quân nhân Pháp. Năm ngày sau, Chữ thập đỏ Pháp trả lời đồng ý, được nhà chức trách quân sự Pháp tán thành, nhưng đề nghị cử chuyên gia đến Cao Bằng để nhận dạng. Yêu cầu đó bị từ chối thằng ngày 2-6-1951.
Trong một thư mới ngày 3-6-1951, Chữ thập đỏ Pháp vẫn giữ yêu cầu nhận dạng, nên cuộc thương thuyết bị đình lại cho đến 6-6, Chữ thập đỏ Việt Nam nói rằng đã nhận được lệnh chôn cất tro xương. Tháng 6-1951, quân Việt Nam mở cuộc tấn công dọc sông Đáy, khiến cho những cuộc thương lượng phải đình lại vĩnh viễn.
Cho đến khi kết thúc chiến tranh Đông Dương và đến tận năm 1955, phía Pháp đã nhiều lần đề nghị trao trả hài cốt qua những kênh khác nhau. Nhà chức trách Việt Nam đã nhanh chóng trả lời vào tháng 7 rằng, các hài cốt, trong đó có tướng Hartemann đã được chôn gần làng Đồng Bẩm cách Thái Nguyên 3km, nhưng không nói đến việc trao trả.
Đến nay, sau 60 năm, việc mất tích của tướng Hartemann vẫn còn là một bí ẩn đối với không quân Pháp. Tại sao một máy bay tốt như vậy lại gặp tai nạn buộc phải hạ cánh khẩn cấp? Tại sao hài cốt của nạn nhân lại chưa được trao trả? Ở đây ta thấy có chỗ khác nhau trong việc chiến tranh kết thúc giữa Pháp và Mỹ. Nước Pháp thất bại trong chiến tranh Việt Nam, nhưng không chịu thừa nhận, lại giữ thái độ thù địch đối với Bắc Việt Nam mà chỉ liên hệ với chính quyền do họ dựng lên ở Sài Gòn, trong khi đó lại không có liên hệ chính thức về ngoại giao với chính phủ Việt Nam DCCH. Cho nên giữa hai bên không có những hiệp định chính thức về việc tìm hài cốt của những quân nhân mất tích trong chiến tranh, như sau này Việt Nam đã thoả thận với Mỹ. Phải chăng đó cũng là một nguyên nhân khiến cho vụ máy bay rơi năm 1951, đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ?
Chú thích:
(*) Philippe Grass.2007. “La mort du Général André Hartemann – une disparition mystérieuse”, Le fana de l’aviation, 9:56-67