Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 28/12/2005 22:49 (GMT+7)

Vũ khí âm thanh

Ngay từ trước Chiến tranh thế giới thứ II, một loạt quốc gia đã triển khai nghiên cứu chế tạo những hệ thống xác định nguồn âm thanh, có tác dụng xác định vị trí của các đơn vị pháo binh đối phương dựa vào âm thanh của đạn bắn đi để lần ra tọa độ bắn trả. Dù sao, những hệ thống kiểu như trên vẫn chỉ mang tính thụ động, có nghĩa là chỉ sử dụng cho mục đích phòng thủ.

Thực chất của vũ khí âm thanh

Ngay từ những năm 60, 70 của thế kỷ XX, nhiều nước đã bắt đầu quan tâm đến việc sử dụng các nguồn âm thanh để chế tạo vũ khí tấn công có khả năng gây thương tích cho con người ở nhiều mức độ khác nhau hay hạn chế năng lực hoạt động của họ. Vào thời điểm đó, các nghiên cứu trong lĩnh vực này chủ yếu được giữ bí mật, không được quảng bá rộng rãi. Dựa trên một số tài liệu gần đây mới được công bố có thể thấy, con người chưa đạt được những thành tựu đáng kể nào về loại vũ khí này.

Chiến tranh lạnh kết thúc, một loạt các quốc gia (Mỹ, Anh và Nhật) triển khai nghiên cứu các loại vũ khí không gây sát thương nhằm mục đích vô hiệu hóa một số lượng đáng kể người, nhưng đồng thời tránh gây tổn thất tính mạng hay gây thương tích. Vũ khí âm thanh lại nổi lên với một vị trí quan trọng trong lĩnh vực này.

Đáng chú ý là những nghiên cứu và phân tích ấn tượng đã được đăng trên tạp chí Science and Global Security số 9/2002 của Tiến sĩ Urgen Altmann từ Trường đại học Tổng hợp Bochum. Trong đó, tác giả đã mô tả chi tiết các vấn đề của vũ khí âm thanh - từ những tham số về nguồn âm thanh, các tác động của âm thanh biên độ lớn lên cơ thể con người, sự lan truyền âm thanh cường độ lớn trong không khí, cũng như các biện pháp và phương tiện có thể để chống lại tác động của vũ khí âm thanh.

Những dự án của phương Tây

Trong những năm gần đây, Mỹ đang tiến hành một loạt các nghiên cứu vũ khí không sát thương tại Trung tâm Nghiên cứu, chế tạo và đảm bảo trang bị quân đội (ARDEC) tại bang New Jersey. Đáng chú ý trong đó có dự án chế tạo thiết bị bắn “đạn” âm thanh không nhiễu xạ phát đi bằng những anten có đường kính lớn của Hiệp hội Nghiên cứu khoa học và ứng dụng (SARA) tại Hantington Beach (bang California). Ý tưởng của những người phát minh ra loại vũ khí này là mở rộng khả năng ứng dụng của nó không chỉ ở chiến trường, mà còn trong việc trấn áp bạo loạn hay biểu tình. Những công trình hợp tác của SARA và ARDEC còn nhằm xây dựng một loại vũ khí âm thanh công suất lớn và tần số thấp để bảo vệ các cơ quan của Mỹ ở nước ngoài. Nhờ những vũ khí này, có thể tạo ra các “rào chắn âm thanh” bao quanh chu vi nhất định xung quanh các đối tượng, ngăn chặn khả năng xâm nhập của những người lạ vào đây, giúp bảo vệ hữu hiệu các cơ quan của Mỹ (như các đại sứ quán) ở nước ngoài.

Còn người Anh đã chế tạo được những thiết bị phát sóng hạ âm (tần số dưới 20 Hz) tác động lên cơ quan thính giác của con người, gây ra phản ứng của các cơ quan nội tạng, phá hủy hoạt động của tim dẫn tới gây chết người. Loại vũ khí này đã từng được Anh sử dụng trong những chiến dịch chống nổi loạn ở Bắc Ireland. Để chống lại quân đội đối phương trên chiến trường, người ta đã thử nghiệm những nguồn phát âm thanh tần số thấp có tác dụng làm mờ mắt, làm co thắt các cơ quan nội tạng cho đến chết.

Còn để tiêu diệt quân địch đang ẩn mình trong các boongke và xe bọc thép, Mỹ đã nghiên cứu những loại “đạn âm thanh” tần số rất thấp, tạo ra khi phối hợp các dao động siêu âm phát từ những anten lớn. Các chuyên gia Mỹ đã giới thiệu một thiết bị tạo xung hạ âm tần số 10 Hz có kích thước chỉ bằng quả bóng chày, công suất của nó đủ để làm bị thương hay sát hại người ở khoảng cách đến vài trăm mét.

Người Mỹ cũng nghiên cứu việc sử dụng các nguồn phát âm thanh cực kỳ lớn bằng việc sử dụng một hệ thống loa kết nối với các bộ khuếch đại bằng hệ thống máy phát và ắcquy mạnh. Tham gia vào chế tạo loại vũ khí này có Trung tâm Vật lý âm thanh quốc gia của Trường đại học Tổng hợp Mississippi với việc chế tạo ra một chiếc loa có chiều dài 17m và đường kính 2,3m, có thể phát ra âm thanh với công suất tới 20 KW. Liên quan đến lĩnh vực này, Mỹ cũng đang chế tạo loại vũ khí âm thanh không sát thương để lắp trên trực thăng với tần số có thể điều chỉnh được ở các giới hạn từ 100Hz cho tới 10 KHz và bán kính hoạt động 2km (dự tính sẽ đưa tầm hoạt động lên tới 10km). Trên trực thăng sẽ lắp một cái còi hoạt động từ nguồn động cơ đốt trong có công suất nhiều kilowatt, có tác dụng ngăn chặn khả năng đột nhập của người lạ vào các kho vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Còn để có được sóng siêu âm công suất lớn, người ta có thể sử dụng các đĩa rung động lớn bằng áp điện. Một trong những cơ cấu tương tự đã được chế tạo có thể tăng mức âm thanh lên tới 160 decibel (trong khi ngưỡng xuất hiện cảm giác đau ở tai người là 137 decibel). Cũng không loại trừ khả năng tác động bằng âm thanh lên cơ thể sống bằng cách tạo ra “một chuỗi” tiếng nổ với công suất nhỏ, có tần số tương tự như hạ âm.

Những hậu quả của vũ khí âm thanh

Một báo cáo của SARA vào năm 1996 đã nêu ra một số kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực này. Theo đó, hạ âm ở mức 110-130 decibel sẽ gây tác động tiêu cực lên các cơ quan của bộ máy tiêu hóa, gây đau đớn và buồn nôn. Các giá trị âm đạt mức từ 90 đến 120 decibel ở các tần số thấp (từ 5 đến 200 Hz) có thể gây ra các cảm giác lo lắng và rối loạn mạnh mẽ, các chấn thương vật lý mạnh và tổn hại mô sẽ xuất hiện ở ngưỡng 140-150 decibel, trong khi giá trị 170 decibel có thể khiến con người bị chấn thương ngay lập tức. Ở các dải tần thấp, những chấn động từ các cơ quan nội tạng có thể gây ra xuất huyết và co thắt. Các tần số cao và siêu âm (từ 5 tới 30 KHz) có thể làm bỏng mô và khử nước của tế bào.

Những tác động bất lợi của vũ khí âm thanh đối với cơ thể người rõ ràng là khó có thể lường hết. Đó là lý do khiến nhân loại không thể tin vào “tác dụng nhân đạo” của các loại vũ khí không gây sát thương kiểu này, như nhiều nước phương Tây vẫn thường tuyên truyền. Nếu chưa thể lường hết hậu quả, vũ khí âm thanh tốt nhất phải đưa vào danh sách những loại vũ khí cấm nghiên cứu, chế tạo và sử dụng.

Nguồn: cand.com.vn 7/12/2005

Xem Thêm

Tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ
Hiện nay Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) có trên 500 tổ chức khoa học và công nghệ (KH &CN). Các tổ chức KH&CN trực thuộc này được thành lập và hoạt động trên cơ sở các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và nghị định của Chính phủ, điều lệ của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Tìm giải pháp chuyển đổi số toàn diện tại Liên hiệp Hội Việt Nam
Hơn 40 năm thành lập, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đang nỗ lực hiện đại hóa hoạt động trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, Liên hiệp Hội Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều hạn chế về hạ tầng công nghệ và nhận thức, đòi hỏi những bước đi chiến lược hơn trong tương lai.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.