Vũ Đức Dũng chàng trai có nhiều ý tưởng lạ
Lấy khoa học để giải quyết các vấn đề của cuộc sống
Năm học lớp 12, khi học môn vật lý nghe thầy giáo giảng bài cho rằng không có thấu kính nào được như con mắt người (thấu kính có tiêu cự có thể thay đổi được). Không đồng ý, về nhà anh suy nghĩ để làm ra một thấu kính rất đơn giản nhưng lại thay đổi được tiêu cự như con mắt người: dùng hai màng bằng nhựa trong, thật mỏng, ở giữa cho chất lỏng vào, dùng bơm để bơm thay đổi thể tích (căng lên hay xẹp xuống), đem vào lớp mọi người rất ngạc nhiên vì một chuyện khó như vậy lại làm được từ một giải pháp rất đơn giản.
Học năm thứ nhất Đại học Bách khoa TP.HCM, thấy cảnh một căn nhà cao tầng bốc cháy dữ dội mà thiết bị chữa cháy lúc bấy giờ chỉ xịt được nước đến nửa tòa nhà, anh trăn trở và quyết định phải tìm ra cách nào đó đưa nước lên cao để chữa cháy. Sản phẩm của anh là hệ thống thang xếp, không sử dụng thì xếp lại rất nhỏ gọn, dễ mang vác, khi cần, mở ra nó có thể cao đến vài chục mét. Hệ thống thang này có thể đưa vòi nước và người lên cao để chữa cháy trên các tầng cao, ngoài ra nó còn có thể dùng để cứu hộ hoặc làm việc trên cao.
Khi trường cho học quân sự, nghe thầy hướng dẫn tháo kim hỏa, anh kể: “Thiết bị này rất quan trọng, thầy cứ dặn đi dặn lại kim hỏa rất nhỏ coi chừng rớt mất là súng không dùng được, mình nghĩ sao không bỏ kim hỏa đi cho khỏi rắc rối, thay vào đó là hệ thống kích nổ khác an toàn và hiệu quả hơn, sao không nghĩ đến kích nổ điện tử?”. Anh đặt tên cho khẩu súng của mình là “súng không cò”, không sử dụng kim hỏa mà dùng một pin nhỏ đánh lửa để kích hoạt nổ.
Học Bách khoa nhưng lại ở ký túc xá chung với sinh viên ngành y, nhiều lúc bạn bè bận rộn không đi thực tập được nên nhờ anh đi... điểm danh giùm! Có lần đi thực tập “giùm” về tiết niệu, bác sĩ cho bệnh nhân tiểu và nhiều sinh viên đứng xem, bệnh nhân gặp hoàn cảnh này có tâm lý không tự nhiên nên đi tiểu không được như bình thường, kết quả thiếu tính chính xác và cũng không lưu lại được. Về nhà anh suy nghĩ tìm một giải pháp có phần tế nhị hơn, tham khảo thêm về chuyên môn y học của những người quen, anh đã chế tạo thành công chiếc máy niệu dụng kế, giúp sinh viên ngành y vừa có thể thực tập được vừa giúp bệnh nhân không ức chế tâm lý và kết quả khám bệnh vẫn chính xác. Giải pháp này đã đoạt giải Eureka năm 1994.
Học đại học, nhà rất nghèo nên anh Dũng phải đi làm tiếp thị cho các công ty bán bia tươi, trong quá trình làm việc anh lại thấy có chuyện bất cập: việc giữ lạnh bia tươi rất quan trọng, trong quá trình vận chuyển nếu không đảm bảo vấn đề này thì chất lượng bia sẽ giảm, đã có nhiều trường hợp xảy ra tranh chấp giữa nhà sản xuất và nhà phân phối do không đảm bảo vấn đề này. Làm sao xác định được lỗi do ai? Vậy là vừa làm tiếp thị bia anh vừa chế tạo thiết bị lưu lại tất cả các dữ liệu của quá trình vận chuyển bia. Với chúng, các công ty có thể dễ dàng xác định lỗi tại ai khi bia bị hư hỏng. Kết quả này cũng đoạt giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học.
Sống ở ký túc xá nóng quá và ô nhiễm, anh lại nghĩ đến một chiếc máy lọc và làm mát không khí, đem đi dự thi đoạt Giải thưởng Sáng tạo kỹ thuật TP.HCM.
Giải quyết vấn đề nan giải của mạng điện thoại vô tuyến cố định
Thời gian trước đây, người sử dụng mạng điện thoại vô tuyến cố định ở TP.HCM rất bực mình vì chất lượng rất kém: cuộc gọi không thực hiện được, đang nói chuyện thì bị nhiễu các tiếng ò í e rất khó chịu (giống điện thoại di động), nếu ai ở trong khu nhà chung cư có cửa sắt khi người khác gọi đến sẽ bị báo “số máy không có thực”, thậm chí đang nói chuyện mà đóng cửa là... mất sóng! Tuy nhiên, thời gian gần đây các nhược điểm này đã được giải quyết, chất lượng cuộc gọi tốt hơn hẳn, người tìm ra giải pháp cho vấn đề này cũng chính là KS. Vũ Đức Dũng.
Anh nói: “Giải pháp là làm anten có độ nhạy cao hơn, tuy nhiên mua anten của nước ngoài thì rất mắc, loại thường khoảng 20 USD, chuyên nghiệp thì phải vài trăm đến hàng ngàn USD, không khả thi, đó là chưa kể phải mua thêm một số thiết bị khác. Đặc biệt vấn đề “suy hao” đường truyền của các thiết bị này cũng rất lớn. Bây giờ là phải làm sao có anten và các thiết bị thích hợp với Việt Nam và giá rẻ”.
Loại anten của KS. Dũng nghiên cứu thiết kế là loại anten bướm, ở nước ngoài thường được chế tạo bằng thanh đồng bẻ cong, nhưng làm như vậy thì công nghệ sản xuất của Việt Nam hiện nay chưa chế tạo được đến độ chính xác yêu cầu. Ngoài ra, thanh đồng sẽ co giãn nhiệt theo thời gian, khoảng cách giữa thanh đồng và mặt phản xạ rất khó giữ ổn định, do nắng, mưa, đồng sẽ co giãn. Đồng cũng rất dễ bị oxy hóa, do đặc tính của truyền dẫn sóng là truyền trên bề mặt, nếu bề mặt bị oxy hóa sẽ làm giảm chất lượng. Giải pháp của anh là vẽ mạch in rồi phủ một lớp keo lên bề mặt, sản phẩm rẻ hơn của nước ngoài đến 1/5 lần, độ bền cao, đạt tiêu chuẩn kỹ thuật yêu cầu. Bưu điện TP.HCM đã đặt mua hàng ngàn thiết bị này để sử dụng.
Về các giải thưởng thì KS. Vũ Đức Dũng đoạt khá nhiều, chủ yếu là Giải thưởng Sáng tạo kỹ thuật TP.HCM (năm 1994, 1999, 2001, 2004). Năm 2005, anh đoạt liền ba giải: hai giải thưởng “Ý tưởng xanh Bưu điện TP.HCM” và Giải thưởng Sáng tạo kỹ thuật TP.HCM năm 2005. Anh đã được trao tặng Giấy khen “Người có nhiều công trình khoa học hiệu quả”. Anh còn là Bí thư Chi Đoàn xuất sắc của Trung tâm Kỹ thuật viễn thông Kasati.
Nguồn: Khoa học phổ thông 5/5/2006