Vĩnh Phúc: Chuyển đổi số bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội
Ngày 29/9, Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh VĨnh Phúc tổ chức hội thảo Chuyển đổi số trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Đ/c Phan Tuệ Minh, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp Hội và Đ/c Mai Lâm Hạc PCT kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp Hội đồng chủ trì Hội thảo
Thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
Đến nay, toàn tỉnh có 68 hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý, nhiều ứng dụng, cơ sở dữ liệu thường xuyên được sử dụng; 3.000 trạm BTS, đã phủ sóng kín 3G, sóng 4G đến 2 thành phố và trung tâm các huyện; 2 trạm BTS 5G, cáp quang đã cung cấp đến 100% địa bàn tỉnh; 100% cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị 3 cấp tỉnh, huyện, xã đã được trang bị máy tính, mạng LAN, kết nối Interner băng thông rộng cố định. Cùng với đó, Trung tâm Dữ liệu tỉnh đang đáp ứng nhu cầu hạ tầng kỹ thuật triển khai các nền tảng số cho cả tỉnh. Các sở, ngành triển khai phần mềm, hạ tầng kỹ thuật do Trung tâm Hạ tầng thông tin tỉnh cung cấp, đội ngũ kỹ thuật trực và vận hành 24/7, bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ, giám sát, hỗ trợ kỹ thuật cho toàn bộ hệ thống đặt tại Trung tâm Hạ tâng thông tin tỉnh. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành đã kết nối với nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung liên thông đến các hệ thống khác với hơn 200 cơ quan, đơn vị của tỉnh tham gia sử dụng phần mềm; tỷ lệ ký số văn bản đi của cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã đạt trên 99%.
Mặc dù đạt được những kết quả ban đầu, song quá trình chuyển đổi số trên địa bàn trong thời gian qua vẫn diễn ra chưa đồng đều giữa các sở, ngành, địa phương; nhiều cơ quan, đơn vị chưa xác định rõ trách nhiệm, chưa đề xuất được các công việc cụ thể liên quan đến chuyển đổi số…
Tại hội thảo, các đại biểu đã phân tích cụ thể những thách thức, khó khăn trong quá trình chuyển đổi số, đưa ra những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số trên địa bàn.
Trình bày tham luận tại hội thảo, ông Chu Ngọc Anh - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông đã chỉ ra một số khó khăn, thách thức trong công tác xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số. Trước hết, nguồn nhân lực cho chuyển đổi số hiện nay đang thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Ngoài ra, chuyển đổi số phụ thuộc rất lớn vào 2 yếu tố là thể chế và công nghệ, trong khi công nghệ phát triển rất nhanh thì việc thay đổi thể chế, chính sách cần thời gian, qua nhiều trình tự, thủ tục. Về cung cấp dịch vụ công trực tuyến, việc rà soát điều chỉnh các thành phần hồ sơ thủ tục hành chính cho phù hợp với dịch vụ công trực tuyến còn chậm. Việc hướng dẫn về kiến trúc, quy mô, phạm vi triển khai các nền tảng số quốc gia còn chưa rõ ràng, gây ra lúng túng cho các địa phương.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, theo ông Anh cần nâng cao hiệu quả công tác xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, đồng chí đã đề xuất một số giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Trong đó, nhấn mạnh việc ban hành chính sách nhằm thu hút nhân lực về chuyển đổi số vào khối các cơ quan Nhà nước và đào tạo nguồn nhân lực chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, xã hội. Đồng thời, tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng số trên địa bàn tỉnh theo hướng hiện đại, ứng dụng điện toán đám mây, blockchain, đầu tư, quản lý vận hành, bảo vệ, bảo mật thông tin tập trung; hoàn thiện các nền tảng số là kênh giao tiếp giữa chính quyền với doanh nghiệp, người dân; tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, đào tạo, tập huấn cho người dân để nắm được những kỹ năng số cơ bản, các kỹ năng về bảo đảm an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân trên môi trường mạng.
Hội thảo cũng nhận được nhiều ý kiến góp ý, làm rõ hơn những thách thức, khó khăn trong trong quá trình chuyển đổi số trên các lĩnh vực: Y tế, Giáo dục & Đào tạo, Văn hóa, Nông nghiệp, Giao thông vận tải, Tài nguyên môi trường. Đồng thời, xác định mục tiêu, nội dung, giải pháp thực hiện của chuyển đổi số của các ngành, lĩnh vực cụ thể; đưa ra định hướng thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong thời gian tới...
Trên cơ sở các ý kiến tham gia góp ý, Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh sẽ tổng hợp, làm căn cứ để xây dựng báo cáo, tham gia góp ý xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số.