Việt Nam xây dựng tiêu chuẩn kháng chấn như thế nào?
GS.TSKH Nguyễn Đăng Bích, chủ trì đề tài cho biết về những vấn đề, chung quanh khả năng đối phó với động đất của các công trình xây dựng hiện nay.
* Bây giờ mới đang trong quá trình soạn thảo, có nghĩa là trước nay các công trình xây dựng ở Việt Nam không buộc phải thiết kế kháng chấn?
- Không phải. Quy chuẩn xây dựng Việt Nam ban hành năm 1997 đã quy định rất rõ ba vấn đề. Thứ nhất, các công trình xây dựng được thiết kế kháng chấn theo ba cấp: công trình cấp 1 thiết kế kháng chấn với cấp động đất (ĐĐ) cực đại có thể xảy ra; công trình cấp 2, chủ đầu tư (CĐT), tư vấn thiết kế có thể lựa chọn cấp ĐĐ phù hợp để thiết kế kháng chấn công trình cụ thể của mình và công trình cấp 3 không yêu cầu kháng chấn.
Thứ hai, cấp ĐĐ để làm căn cứ thiết kế kháng chấn xác định theo bản đồ phân vùng ĐĐ mà Viện Vật lý địa cầu đã công bố. Thứ ba là, trong khi Việt Nam chưa có tiêu chuẩn thiết kế kháng chấn công trình, CĐT và các nhà tư vấn thiết kế khi chọn giải pháp và tính toán thiết kế kháng chấn được lấy theo tiêu chuẩn có liên quan của nước ngoài.
"Tiêu chuẩn có liên quan" ở đây được hiểu là tiêu chuẩn được chọn phải đồng bộ với các tiêu chuẩn thiết kế khác. Chẳng hạn, một nhà cao tầng, thiết kế kết cấu bê-tông, kết cấu thép... theo tiêu chuẩn Mỹ thì thiết kế kháng chấn cũng nên theo tiêu chuẩn Mỹ. Như vậy thì dù Việt Nam chưa có tiêu chuẩn riêng về kháng chấn công trình nhưng không có nghĩa rằng chưa có quy định về yêu cầu kháng chấn.
* Trên thực tế, Quy chuẩn xây dựng về kháng chấn công trình có vẻ ít được quan tâm, hay chí ít là đã có nhiều CĐT bỏ qua do tăng một cấp ĐĐ chi phí xây dựng đội lên từ 20 - 50%?
- Như tôi đã nói, yêu cầu kháng chấn trong Quy chuẩn xây dựng Việt Nam là yêu cầu bắt buộc. Nếu không làm như vậy thì cơ quan thẩm định thiết kế và quản lý chất lượng sẽ có ý kiến, còn nếu thông qua mà để xảy ra sự cố khi có ĐĐ thì trước hết CĐT là người có trách nhiệm.
* Đứng về mặt quản lý Nhà nước thì phải có chế tài ràng buộc về trách nhiệm kháng chấn cho công trình, thưa ông. Bởi vì nếu phải lựa chọn giữa an toàn khi có ĐĐ (một điều không cụ thể) với chi phí thấp trước mắt, chắc chắn CĐT sẽ chọn chi phí thấp ?
- Theo Luật Xây dựng hiện hành thì đã có nhiều ràng buộc. Công trình của CĐT nhưng khi xây dựng phải tuân thủ các trình tự thủ tục, thí dụ thiết kế công trình phải được thẩm định; CĐT được lựa chọn cấp kháng chấn phù hợp cho công trình của mình nhưng phải thẩm định xem chọn như vậy có hợp lý và an toàn không.
* Với tư cách là một nhà chuyên môn, theo ông những ngôi nhà của người dân tự xây dựng hiện nay có đủ điều kiện kháng chấn không?
- Nhà ở của người dân tự thiết kế và xây dựng hiện nay phần lớn chưa chú ý đến giải pháp kháng chấn. Ở TP Hồ Chí Minh vừa rồi chỉ là vài cơn ĐĐ nhẹ nên chưa gây thiệt hại gì cho công trình xây dựng nhưng ở những vùng có nguy cơ cao hơn như Điện Biên, Lai Châu, Hà Nội... thì ngay cả nhà thấp tầng do người dân tự thiết kế, xây dựng cũng nên lưu ý đến giải pháp cấu tạo kháng chấn - nó không làm tăng chi phí xây dựng mà lại tăng độ an toàn cho ngôi nhà của mình.
* Bản tiêu chuẩn thiết kế kháng chấn công trình của Việt Nam khi nào sẽ hoàn thành?
- Dự kiến tiêu chuẩn phải bảo vệ ở Hội đồng khoa học công nghệ các cấp vào đầu năm 2006. Theo chỉ đạo của Bộ Xây dựng, tiêu chuẩn thiết kế kháng chấn công trình của Việt Namdựa theo tiêu chuẩn của châu Âu song phải trên cơ sở đặc thù Việt Nam như: bản đồ phân vùng ĐĐ, đường cong hệ số ĐĐ, phân cấp công trình thiết kế kháng chấn...
Khi có bản tiêu chuẩn này thì ngay cả một người dân bình thường cũng có thể tham khảo để chọn giải pháp thiết kế kháng chấn cho ngôi nhà của mình.
* Xin cảm ơn ông !
Lời khuyên cho người dân khi tự thiết kế và xây dựng nhà ở Người dân nên chú ý, nếu mở cửa sổ, cửa đi quá lớn so với kích thước mảng tường khi xây dựng sẽ làm yếu khả năng chịu lực của mảng tường hoặc sàn của tầng; nên là sàn liên tục, không nên làm kiểu lệch tầng; nhà hình chữ L, chữ U thường bị phá hoại khi có động đất do tập trung ứng suất ở các góc. Hoặc có một điều rất đáng lưu ý là hiện nay nhiều gia đình thường cắt bỏ dầm trần ở những phòng cần trang trí (phòng khách chẳng hạn) khiến cho khung bê-tông có độ cứng không đồng đều, khả năng chịu lực kém. Ngay cả cách đổ khung (cột, dầm) trước, xây tường chèn sau cũng không đảm bảo sự liên kết chắc chắn giữa tường và khung dẫn đến khả năng kháng chấn không cao. (GS.TSKH Nguyễn Đăng Bích) |