Việt Nam tham gia đấu thầu giảm khí gây hiệu ứng nhà kính
Để các nước đang phát triển giảm phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính, Nghị định thư Kyoto đã cho phép các nước này được đồng thực hiện và buôn bán quyền phát thải và phát triển sạch với các nước phát triển. Hoạt động theo hướng nêu trên, Chính phủ Bỉ, vốn là một thành viên trong Nghị định thư Kyoto đã lập quỹ tài trợ cho các dự án năng lượng sạch, năng lượng tái sinh, hạn chế khí thải đối với những nước đang phát triển trị giá khoảng 9,3 triệu euro.
Để được tham gia vào chương trình này, các nước đang phát triển phải đưa dự án của mình tham gia đấu thầu. Chính phủ Bỉ sẽ tài trợ cho các dự án trúng thầu khoảng 50% tổng vốn đầu tư (nhưng không quá 2,3 triệu euro).
Trung tâm Tiết kiệm năng lượng thuộc Sở KH&CN Tp.HCM là một trong những đơn vị đã mạnh dạn đề xuất đưa 5 dự án: Xây dựng nhà máy phong điện với công suất 6MW tại huyện Cần Giờ, giảm thiểu khoảng 11.000 tấn CO 2/năm; Đổi mới công nghệ hệ thống nhà máy thép, giảm thiểu khoảng 50.000 tấn CO 2/năm;
Nâng cao hiệu quả sử dụng điện năng trong các nhà máy cấp nước trên địa bàn thành phố, giảm thiểu khoảng 18.000tấn CO 2/năm; Cải tạo hệ thống chiếu sáng công cộng hiệu quả năng lượng các tỉnh miền Đông Nam bộ, giảm thiểu khoảng 70.000 tấn CO 2/năm và dự án Hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng năng lượng trọng điểm giảm thiểu sử dụng năng lượng, giảm thiểu khoảng 22.000 tấn CO 2/năm tham gia đấu thầu chương trình của Chính phủ Bỉ. Tổng số vốn dự kiến cho mỗi dự án thấp nhất là 1,8 triệu USD đến cao nhất là 5,8 triệu USD.
Theo Sở KH&CN Tp.HCM, không phải ngẫu nhiên 5 dự án này được chọn tham gia đấu thầu. Cả 5 dự án này đều mang những nội dung về tiết kiệm năng lượng, đổi mới công nghệ… để giảm bớt khí thải mà thế giới rất quan tâm nên khả năng được Chính phủ Bỉ xem xét khá cao.
Đáng chú ý nhất là dự án xây dựng Nhà máy Phong Điện tại huyện Cần Giờ và tiết kiệm năng lượng điện cho hệ thống chiếu sáng công cộng thành phố, nếu được thực hiện sẽ giải quyết phần nào những khó khăn về thiếu hụt điện ở nước ta hiện nay, đồng thời nâng cao hơn nữa ý thức của người dân trong việc sử dụng tiết kiệm nguồn năng lượng hiện hữu và khuyến khích họ sử dụng nguồn năng lượng sạch trong tương lai.
Ông Nguyễn Xuân Bảo Tâm, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài nguyên- Môi trường) cho biết, Việt Nam là một trong 111 nước tham gia Nghị định thư Kyoto. Ngay từ năm 2000, Bộ TN&MT đã nhanh chóng phối hợp với các cơ quan chức năng khác để hoàn thiện cơ chế hướng dẫn triển khai thực hiện các chương trình hợp tác trong khuôn khổ Nghị định thư Kyoto . Cho đến nay, đã có 2 doanh nghiệp được quốc tế công nhận phát triển sạch.
Việc Sở KH&CN Tp.HCM chủ động tham dự đấu thầu lần này, nếu trúng thầu thì ngoài việc mang lại những lợi ích về mặt kinh tế như hỗ trợ vốn đầu tư các công trình phát triển sạch, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thu được nguồn lợi lớn nhờ bán quyền phát thải, còn có ý nghĩa lớn hơn đó là tạo tiền đề thúc đẩy các doanh nghiệp tự xây dựng cho mình một kế hoạch để giảm khí thải, tranh thủ được các nguồn lợi từ việc bán quyền phát thải; mở rộng đối tượng tiếp cận với nguồn quỹ hỗ trợ giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính của các nước phát triển.
Nguồn: Báo Khoa học và phát triển, số 38(343)