Việt Nam nghiên cứu sơn bảo vệ đạn súng SPG-9
Nhóm cán bộ khoa học trẻ thuộc Viện Hóa học-Vật liệu (Viện Khoa học và Công nghệ quân sự) đã bước đầu nghiên cứu chế tạo thành công loại sơn dùng để sơn bảo vệ, chống gỉ cho đai định tâm đạn cối và đạn OG-9 (loại đạn nổ phá mảnh dùng cho súng chống tăng SPG-9). Sản phẩm được chế tạo trên cơ sở phối trộn giữa nhựa aklyd gầy với nhựa isobutylat melamin.
Qua thử nghiệm, màng sơn có các tính năng kỹ thuật cao như: Độ bám dính điểm 1, độ bền uốn 2mm, hàm tro ở 500 độ C là 6,02%, độ bền nhiệt ẩm (sau 7 chu kỳ) và độ bền mù muối (sau 3 chu kỳ) không xuất hiện vết gỉ, màng sơn phẳng, không bị phồng rộp.
Quân đội ta đã sản xuất và đưa vào trang bị nhiều chủng loại vũ khí, khí tài khác nhau trong đó có đạn cối và đạn OG-9.
Đạn cối có cấu tạo cơ bản như sau: Phần vỏ được chế tạo bằng vật liệu gang hoặc gang cầu có hình dạng khí động học. Phần trong của quả đạn cối là không gian trống để nhồi thuốc nổ TNT. Phía ngoài thân quả đạn cối có bộ phận đai định tâm có tác dụng định hướng cho quả đạn rơi tự do trong nòng súng cối. Đai đạn cối cũng được chế tạo bằng vật liệu gang hoặc gang cầu nhưng được đánh bóng đạt độ bóng cao.
Với phần đai đạn cối, lớp sơn không những có vai trò chống gỉ mà còn phải đảm bảo đồng thời các tính năng đặc biệt như: Có độ bóng và độ cứng cao để giảm ma sát khi trượt, đảm bảo cho quả đạn cối có đủ động năng trong quá trình trượt trong nòng súng cối; có độ bám tốt trên nền vật liệu gang cầu đã được đánh bóng; bền trong các môi trường khác nhau, đặc biệt là trong môi trường biển đảo; có khả năng khô trong khoảng thời gian ngắn ở nhiệt độ dưới 80 độ C (yêu cầu này rất quan trọng nhằm đảm bảo an toàn cho người và trang thiết bị, nhà xưởng vì theo dây chuyền sản xuất, thuốc nổ phải được nạp vào trong quả đạn cối trước khi tiến hành sơn bảo vệ cho phần thân và phần đai của đạn cối)...
Việc chế tạo thành công hệ sơn bảo quản đai định tâm đạn cối nói trên có ý nghĩa lớn bởi hiện tại, đai định tâm đạn cối và đạn OG-9 do các nhà máy quốc phòng của Việt Nam sản xuất vẫn được bảo quản bằng các hệ sơn bán trên thị trường.
Hệ sơn này thuộc họ sơn polyeste và có các tính năng kỹ thuật chưa đáp ứng được yêu cầu dùng để sơn bảo quản đai đạn. Cụ thể: Hệ sơn có độ cứng không cao nên màng sơn có hệ số ma sát lớn; độ bền va đập thấp nên màng sơn hay bị bong tróc; hàm tro cao nên dễ gây hiện tượng kẹt đạn trong súng khi phải bắn liên tục; độ bền nhiệt ẩm thấp (sau 7 chu kỳ xuất hiện các vết gỉ trên đai).
Để hoàn thiện sản phẩm, thời gian tới, nhóm đề tài sẽ tiếp tục thử nghiệm để sơn bảo quản đai định tâm đạn trong các điều kiện niêm cất, bảo quản thực tế tại một số đơn vị trong quân đội; nghiên cứu và bắn thử nghiệm đạn cối và đạn OG-9 để đánh giá ảnh hưởng của màng sơn đến khả năng làm việc của đạn; hoàn thiện và xây dựng quy trình công nghệ chế tạo sản phẩm ở quy bán công nghiệp…