Viêm tai ngoài ác tính
Viêm tai ngoài ác tính phát triển từ ngoài vào trong gây viêm tế bào, viêm xương và có thể làm liệt các dây thần kinh sọ, thậm chí có thể gây tử vong khi quá trình viêm lan tới lớp màng trong của não. Nếu điều trị kịp thời bằng kháng sinh, tiên lượng bệnh sẽ tốt hơn, ngăn ngừa được các tai biến nặng nề nói trên.
Những người bị suy giảm miễn dịch (đái tháo đường, nhiễm HIV, người già suy nhược) có nguy cơ mắc các bệnh viêm tai ngoài ác tính. Nhân tố gây bênh xâm nhập từ vết rách da ở ống tai ngoài, thường do rửa tai, ngoáy tai để lấy ráy.
Nhân tố gây bệnh
Nhân tố gây bệnh hầu hết là vi khuẩn làm mủ xanh Pseudomonas aeruginosa. Ở các bệnh nhân AIDS, có thể gặp hai loại nấm hình quạt (Aspergellus). Quá trình bệnh lý bắt đầu từ chỗ da bị tổn thương, từ viêm tế bào đến viêm sụn ở vùng lân cận, tiếp đến viêm các xương nhĩ (các xương búa, đe, bàn đạp ở màng nhĩ). Sau đó nếu không được điều trị phù hợp, viêm sẽ lan tới xương thái dương và các vùng gần đó như khớp thái dương hàm, tuyến nước bọt, các mô ở vùng dưới thái dương. Khi bị viêm, tuyến nước bọt sẽ có các biểu hiện dễ nhận biết nhất: sưng to, lan xuống má phía dưới, lan lên trên, đẩy dái tai lên cao. Bệnh sẽ tiếp tục lan tới phía đáy của xương sọ, làm liệt liên tiếp các dây thần kinh sọ, theo thứ tự phân số từ ngoài vào trong: trước tiên là dây thần kinh VII (thần kinh mặt), sau đó lần lượt các dây thần kinh hỗn hợp (vừa cảm giác vừa vận động): dây IX (thần kinh thiệt hầu), dây X (thần kinh phế vị), dây XI (thần kinh phụ) gây ra hiện tượng khó phát âm, rối loạn nuốt; tiếp đến liệt dây XII (thần kinh hạ thiệt) khiến lưỡi bị lệch về phía bên tai đau. Sau khi liệt mặt, mỗi khi có thêm một số rối loạn chức năng (nuốt, nói) là chắc chắn có thêm một dây thần kinh sọ bị tổn thương và càng xác định chẩn đoán viêm tai ngoài ác tính.
Tới nay, nguyên nhân và cơ chế sinh bệnh đã được biêt rõ nên ít khi phải đợi đến lúc dây thần kinh hỗn hợp bị liệt mới xác định được bệnh. Tuy nhiên, cũng vẫn còn nhiều trường hợp, do không làm đủ các xét nghiệm cần thiết, chỉ phát hiện được viêm tai ngoài ác tính khi bệnh nhân đã liệt mặt (tổn thương thần kinh VII).
Khi một người bị viêm tai ngoài ác tính, hút nhẹ các dịch tiết ra từ ống tai ngoài, bác sĩ sẽ thấy ống tai rỉ máu, màng nhĩ không thủng, phần dưới của màng nhĩ có các hạt lấm tấm. Các xét nghiệm cần làm bổ sung gồm: Xét nghiệm dịch mủ, rỉ từ tai ra để tìm nguyên nhân gây bệnh; xác định tốc độ lắng máu (hầu hết các trường hợp viêm tai ngoài ác tính đều thấy tốc độ lắng máu tăng cao).Nếu còn nghi ngờ thì phải chụp cắt lớp điện toán (có đo mật độ xương) để kiểm tra hốc xương ở tai giữa và các xương nhĩ (búa, đe, bàn đạp) có bình thường không. Phương pháp này có thể giúp bác sĩ và bệnh nhân thấy được các hình ảnh viêm xương, những chỗ ống tai ngoài bị mòn vẹt do viêm gây ra cũng như các khối u của mô mềm lân cận làm hẹp ống tai ngoài.
Chụp cộng hưởng từ hạt nhân rất cần đối với các thể bệnh đang phát triển để đánh giá mức độ phá hủy xương và tổn thương của các mô mềm. Sau khi đã điều trị, bệnh nhân cần chụp nhấp nháy xương bằng chất đồng vị phóng xạ Gallium 67 để đánh giá mức độ khỏi bệnh.
Điều trị
Cần điều trị sớm bệnh viêm tai ngoài ác tính theo đơn thuốc của bác sĩ. Thường thì việc sử dụng kháng sinh phải kéo dài trong khoảng một tháng mới cho kết quả tốt, cứu bênh nhân khỏi tai biến liệt các dây thần kinh sọ như đã nêu ở trên.
Nếu bệnh nhân đã bị liệt dây VII và viêm xương chũm (phần xương sọ ở vùng sát với tai) thì việc áp dụng các can thiệp phẫu thuật như nạo bỏ xương bị viêm để giải phóng cho thần kinh khỏi bị chèn ép đều vô ích. Phương pháp này không giúp gì cho thần kinh mặt đã bị liệt, cũng không ngăn chặn được quá trình viêm đang phát triển, thậm chí còn làm liệt tiếp các dây thần kinh hỗn hợp ở gần đó. Chỉ có dùng kháng sinh mới phòng ngừa để các dây thần kinh hỗn hợp này khỏi bị viêm và liệt tiếp.
Để tránh thất bại, bác sĩ thường chỉ ngừng điều trị khi trên hình chụp nhấp nháy xương bằng Gallium 67 có dấu hiệu báo quá trình viêm xương đã ngừng lại.
Các di chứng thần kinh: Ở trường hợp điều trị muộn, kháng sinh chỉ ngăn không cho quá trình viêm tiếp tục lan tới các dây thần kinh sọ chưa bị tổn thương, còn dây VII (hoặc các dây thần kinh hỗn hợp khác) khi đã bị liệt rồi thì khó có thể hồi phục được. Vì thế, các di chứng này rất nặng nề đối với bệnh nhân.
Liệt dây thần kinh VII sẽ làm mặt biến dạng và tàn phế nặng, ảnh hưởng đến phát âm, ăn uống, nhất là rối loạn khép mi mắt (có nguy cơ cao bị loét giác mạc). Liệt các dây thần kinh hỗn hợp gây ra các di chứng nặng ở người cao tuổi, nhất là trường hợp liệt một bên cơ khít hầu, bệnh nhân không nuốt được, thường phải đặt ống dẫn thông dạ dày.
Nguồn: Khoa học và Đời sống, sô 68(1786)