Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 27/07/2005 13:53 (GMT+7)

Viêm gan virus và thai nghén

Viêm gan A lây truyền qua đường tiêu hóa do phân, nước, rác. Viêm gan B lây qua nhau thai từ mẹ sang con, qua tiêm truyền hay qua đường tình dục. Viêm gan C lây chủ yếu qua đường máu, một phần qua đường tiêu hóa và tình dục. Tuy đường lây khác nhau nhưng bệnh cảnh lâm sàng của các loại viêm gan virus gần giống nhau với hình thái chung là: suy nhược toàn thân, mệt mỏi tăng dần, sốt, đau đầu và đau khớp, ăn không ngon miệng, buồn nôn và nôn mửa, đau vùng thượng vị; vàng da (thấy rõ rất nhanh, cũng có khi không có). Viêm gan virus có thể xảy ra bất cứ lúc nào và nếu xảy ra ở 3 tháng cuối của thai nghén thì sẽ có nhiều ảnh hưởng rất xấu như đẻ non, biến chứng chảy máu nặng do suy gan cấp tính, dẫn tới rối loạn đông máu trong khi sinh đẻ.


Để chẩn đoán xác định, cần xét nghiệm kháng nguyên và kháng thể. Thai phụ cần phối hợp chặt chẽ với các thầy thuốc chuyên khoa truyền nhiễm. Cách tốt nhất để làm giảm biến chứng là cải tiến chế độ dinh dưỡng cho sản phụ để tránh tình trạng thiếu protein.


Với trường hợp mạn tính, cần nghỉ ngơi, ăn uống đủ chất, giàu vitamin, hết sức tránh ngộ độc cho gan. Không được uống rượu và hút thuốc. Bệnh nhân cần được theo dõi sát bởi 2 chuyên khoa sản và nội.


Trường hợp bệnh tiến triển nặng, chế độ ăn cần nhiều chất có đường, bổ sung các vitamin. Bệnh nhân nên ăn các loại chất đạm dễ tiêu như: đậu, cá, hạn chế ăn các chất mỡ; nằm nghỉ hoàn toàn tại giường; đề phòng và điều trị hạ đường huyết. Nên kiểm tra tình trạng đông máu để phát hiện sớm rối loạn đông máu (khắc phục bằng tiêm vitamin K). Nếu thiếu máu nặng, phải truyền máu, truyền đạm thích hợp.


Khi sinh, phải rút ngắn thời gian chuyển dạ, cố gắng để đẻ đường dưới, hạn chế can thiệp bằng thủ thuật, phẫu thuật. Phải chuẩn bị sẵn máu cùng nhóm, khi cần thì truyền ngay. Cần cho bệnh nhân dùng kháng sinh phổ rộng để dự phòng bội nhiễm; theo dõi đều đặn về mạch, huyết áp, nhịp thở, chảy máu đường âm đạo trong 24 giờ sau đẻ. Các dụng cụ và đồ dùng sau khi sử dụng phải được triệt khuẩn để tránh lây chéo cho bệnh nhân khác.


Trong trường hợp nặng, nếu chưa chuyển dạ, sau khi đã hồi sức tích cực, bác sĩ sẽ tùy theo tình trạng bệnh nhân để giữ thai hoặc lấy thai ra sớm. Nếu chuyển dạ kéo dài hoặc khó khăn cũng phải phẫu thuật lấy thai. Dù sinh theo đường nào thì điều quan trọng nhất vẫn là đề phòng rối loạn đông máu.
                                           Nguồn: vnexpress.net   18/7/2005

Xem Thêm

Hà Giang: Hội thảo quản lý sử dụng, giải pháp nhân rộng 2 mô hình KHCN tiêu biểu
Ngày 04/4/2024, tại Hà Giang, Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Hà Giang phối hợp với Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD) - Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Đánh giá công tác quản lý, sử dụng mô hình nhà tiêu sinh học (NTSH) không dùng nước; hệ thống cấp nước sạch và nước uống trực tiếp (mô hình nước uống học đường - NUHĐ).

Tin mới

Điện Biên Phủ: Điểm hẹn lịch sử
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức khai mạc Triển lãm “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử”, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7-5-1954 / 7-5-2024).