Vi khuẩn và gien khiếm thị ở người cao tuổi
Kết quả nghiên cứu có thể khẳng định mối liên quan giữa bệnh AMD với một gien của hệ miễn dịch mà người ta cho rằng có dính líu đến bệnh mù lòa.
Các nhà nghiên cứu tại Viện Tai Mắt Massachusetts đã tìm ra vi khuẩn Chlamydia trong mô mắt bị bệnh của 5/9 bệnh nhân AMD. Vi khuẩn này không được tìm thấy trong mắt của 20 người không có bệnh. Theo các nhà nghiên cứu, phát hiện này cung cấp thêm bằng chứng cho thấy thoái hóa điểm đen có thể bắt nguồn từ sưng viêm.
Trưởng nhóm nghiên cứu, TS Murat Kalayoglu, viết trong báo cáo: “Nghiên cứu chỉ ra rằng vi khuẩn Chlamydia có khả năng thay đổi chức năng của các loại tế bào quan trọng giúp điều khiển hoạt động bình thường của mắt.
Chúng tôi đã thấy rằng vi khuẩn Chlamydia làm tăng lượng sản sinh VEGF, một loại protein liên quan đến AMD. Do đó, việc các tế bào mắt người bị nhiễm vi khuẩn Chlamydia gia tăng lượng VEGF là điều đáng lưu tâm và có thể lý giải phần nào nguyên do VEGF tăng ở rất nhiều người bị bệnh AMD”.
Nghiên cứu mới đây đã tìm ra rằng hơn ½ các ca AMD bắt nguồn từ sự thay đổi một gien gọi là Complement Factor H (CFH). Gien này tạo ra một protein điều khiển hệ miễn dịch và phản ứng sưng viêm của cơ thể.
Kalayoglu nói: “Giả thuyết của chúng tôi cho rằng vi khuẩn Chlamydia có thể là khớp nối chủ chốt giữa CHF và AMD. Có nghĩa là bệnh nhân bị biến đổi CHF rất dễ nhiễm trùng kinh niên và một vi khuẩn lây nhiễm như Chlamydia có thể đóng vai trò gia tăng tốc độ viêm sưng, khiến bệnh nhân chuyển sang giai đoạn bệnh AMD”.
Nguồn: nld.com.vn 15/11/2005