Ven đô Hà Nội có một “làng khoa bảng”
Làng nông nghiệp “trình độ cao”
Hội Phụ là một làng nông nghiệp như nhiều làng xã khác, nhưng trong những năm gần đây, việc học của người trong làng có những bước phát triển mạnh mẽ, hàng năm số học sinh, con em của làng Hội Phụ thi đỗ vào đại học chiếm tỉ lệ ngày càng cao, làng Hội Phụ còn trở thành điểm sáng tiêu biểu của xã Đông Hội trong công tác khuyến học, khuyến tài.
Họ Phạm và họ Chử là hai dòng họ có truyền thống khoa cử và có số con cháu học hành thành đạt chiếm tỉ lệ cao nhất so với các họ khác trong làng. Ông Chử Văn Luận, 59 tuổi, bí thư chi bộ thôn Hội Phụ cho biết: “Trong gia phả của họ Chử có ghi lại việc họ Chử cùng với họ Đào, họ Vương, Trương Tạ là 1 trong 4 họ đầu tiên đến lập làng ở Hội Phụ từ rất xa xưa” . Hiện nay họ Chử gồm “5 chi họ, 151 hộ gia đình, 604 nhân khẩu”, xưa kia họ Chử có đến 4 người đỗ đại khoa (tiến sĩ thời phong kiến) được khắc bia tiến sĩ ở Văn bia Quốc Tử Giám Hà Nội.
Hàng năm, ban chuyến học họp toàn thể các gia đình trong dòng họ, phân tích đánh giá tình hình học tập của từng con em, đề ra những biện pháp khắc phục để thúc đẩy phong trào học tập, làm thay đổi nhận thức và hành động của mọi người, mọi nhà, quan tâm và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho con em được học hành góp phần hình thành một phong trào thi đua học tập trong dòng họ. Vào ngày giỗ tổ, những gia đình hiếu học được biểu dương. Từ năm 1993 đến nay, dòng họ Chử có đến 33 người đỗ đạt, trong đó có 2 tiến sĩ, 2 thạc sĩ, 26 người là kỹ sư, cử nhân và sinh viên đang học tập ở các trường đại học.
Làng Hội Phụ có 12 họ, trong đó dòng họ Phạm thành đạt hơn cả, cũng là dòng họ lớn thứ hai ở Hội Phụ. Theo ông Phạm Cảnh Thuần, 92 tuổi, trưởng họ Phạm, họ gồm 3 chi họ với 76 hộ, 304 nhân khẩu đang sinh sống ở làng và một bộ phận không nhỏ đang sinh sống, học tập, công tác trên mọi miền tổ quốc và ở nước ngoài. Trong những năm qua, dòng họ Phạm thôn Hội Phụ có 223 cháu đạt danh hiệu học giỏi và sinh tiên tiến, 31 người có trình độ trên đại học, đại học, đang học đại học, trong đó có 1 giáo sư, 1 phó giáo sư, nhiều tiến sĩ, thạc sĩ.
Khoảng 10 năm trở lại đây, con cháu họ Phạm thành đạt bên ngoài thường trở về thăm gia đình, quê hương vào dịp lễ tết, hội làng, tự nguyện quyên góp ủng hộ quỹ khuyến học dòng họ mỗi năm lên tới hàng chục triệu đồng. Quỹ khuyến học dòng họ được dùng vào việc trao thưởng cho các em học sinh đỗ ĐH, CĐ, học sinh giỏi, tiên tiến, học sinh đạt giải các cấp, hỗi trợ một số học sinh trong họ có hoàn cảnh khó khăn.
Cái gì làm nên điều kỳ diệu?
Một làng làm nông nghiệp, nhưng việc học tập của con em trong làng phát triển rất mạnh mẽ, có người trở thành giáo sư, phó giáo sư và nhiều tiến sĩ, một nguyên nhân quan trọng góp phần làm nên điều kỳ diệu này là phong trào khuyến học của dòng họ. Kết quả nghiên cứu rút ra được nhiều bài học quý giá.
Thứ nhất là tạo ra môi trường coi trọng sự học: từ năm 1993 đến nay, việc học đi vào cuộc sống, được cả cộng đồng địa phương cùng đầu tư và chăm lo, sự học trở thành ưu tiên và lựa chọn hàng đầu của mọi người.
Thứ hai, để phát triển sự học, làng Hội Phụ đã xây dựng được những mô hình làm khuyến học hiệu quả, phù hợp với đặc điểm của địa phương; từ việc xây dựng chi hội khuyến học của thôn Hội Phụ đến việc xây dựng ban khuyến học ở từng dòng họ, động viên, khuyến khích việc học bằng nhiều hình thức.
Thứ ba, Hội Phụ rất coi trọng công tác giáo dục, khuyến học trong gia đình, dòng họ, sự quan tâm của từng gia đình, dòng họ với sự học của con em là yếu tố góp phần quyết định. Mỗi dòng họ, gia đình ở Hội Phụ luôn chú ý đến việc phát huy, coi trọng giá trị truyền thống, tự hào của dòng họ, giáo dục tinh thần hiếu học, động viên tinh thần học tập của con em với sự học.
Thứ tư, làng Hội Phụ kết hợp chặt chẽ giữa địa phương và nhà trường trong công tác khuyến học, khuyến tài. Gia đình, địa phương chủ động phối hợp chặt chẽ với nhà trường làm tốt công tác giáo dục đạo đức, giáo dục phòng chống tệ nạn xã hội, giáo dục ý thức, phương pháp học tập, công tác khuyến học, xây dựng môi trường giáo dục từ nhà, địa phương đến trường học trở thành môi trường “tích cực, lành mạnh, thân thiện”.