Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ ba, 27/07/2010 22:16 (GMT+7)

Về vị trí Đông Bộ Đầu trong cuộc kháng chiến chống Mông – Nguyên lần thứ nhất

Phần lớn các tài liệu lịch sử trước đây đều cho rằng địa phương này thuộc huyện Thượng Phúc, hay là huyện Thường Tín. Tuy nhiên, trong các nghiên cứu gần đây, mà khởi đầu là Vũ Tuấn Sán và cố GS Trần Quốc Vượng (1) đã xác định lại địa điểm Đông Bộ Đầu nay thuộc khu vực phố Hàng Than, gần đầu cầu Long Biên, Hà Nội. Bài viết này nhằm hệ thống lại và bổ sung các nguồn tư liệu để làm rõ hơn địa điểm Đông Bộ Đầu.

Sử liệu với địa danh Đông Bộ Đầu

Nguồn sử liệu được đề cập ở đây là các chính sử mà tiêu biểu là Đại Việt sử ký toàn thưđã ghi chép như sau:

“Tháng 12, ngày 12 [1257], tướng nhà Nguyên là Ngột Lương Hợp Thai xâm phạm Bình Lệ Nguyên. Vua thân hành đốc chiến, xông pha tên đạn. Quan quân hơi súng, vua ngoảnh trông tả hữu, chỉ có Lê Phụ Trần một mình một ngựa, ra vào trận giặc, sắc mặt bình thản như không. Lúc ấy có người khuyên vua dừng lại để chỉ huy chiến đấu. Phụ Trần cố sức can vua: “Nay thì bệ hạ chỉ đánh một ván dốc túi thôi. Hãy nên tạm lánh chúng, sao lại có thể dễ dàng tin lời người ta thế”. Bấy giờ vua mới lui quân đóng ở sông Lô (tức sông Hồng). Phụ Trần giữ phía sau. Quân giặc bắn loạn xạ, Phụ Trần lấy ván thuyền che cho vua khỏi trúng tên giặc. Thế trận rất mạnh, vua phải lui về giữ sông Thiên Mạc.

Vua dời thuyền hỏi Thái sư Trần Thủ Độ, Thủ Độ trả lời: Đầu thần chưa rơi xuống đất, bệ hạ đừng lo gì khác.

Ngày 24, vua và Thái tử ngự lâu thuyền, tiến quân đến Đông Bộ Đầu đón đánh, cả phá được quân giặc. Quân Nguyên chạy trốn về, đến trại Quy Hoá, chủ trại là Hà Bổng chiêu tập người Man ra tập kích, lại cả phá bọn chúng…” (2).

Sự kiện trên được ghi trong chính sử cho thấy quân Mông tiến quân đánh chiếm Thăng Long từ phía Bắc xuống, chứ không phải đi bằng đường thuỷ từ biển lên. Do thế địch mạnh, mà vua tôi nhà Trần phải tạm rút bằng đường sông Hồng lui xuống phía Thiên Mạc thuộc vùng Châu Giang, Hưng Yên ngày nay. Và sau đó đã phản công đánh chiếm lại Thăng Long cũng bằng đường thuỷ theo cửa sông Hồng vào Thăng Long từ bến Đông Bộ Đầu. Vậy thì Đông Bộ Đầu không thể ở vùng Thường Tín cách Hà Nội vài chục cây số như thế được mà phải ở một địa điểm nào đó sát cửa sông vào Thăng Long Hà Nội thì mới tái chiến được Thăng Long.

Việc lý giải địa danh Đông Bộ Đầu

Hầu hết trong các bản dịch tài liệu lịch sử, địa danh Đông Bộ Đầu này đều không giải thích rõ ràng. Chính vì thế, đã có không ít công trình nghiên cứu lịch sử trước đây đã nhầm lẫn địa danh lịch sử này với địa danh tương tự thuộc huyện Thượng Phúc nay là Thường Tín. Bởi lẽ tại huyện Thượng Phúc trước kia có địa danh Bộ Đầu mà nay vẫn còn. Sự tích về địa danh này qua câu chuyện sau:

Đề Bộ Đầu ở xã Bộ Đầu huyện Thượng Phúc nay là huyện Thường Tín, thành phố Hà Nội, là nơi thờ Huyền Thiên đại thánh Thiên vương. Tương truyền có người đàn bà trong làng ra bờ sông gánh nước, bị con thuồng luồng lôi tuột xuống sông. Bà cất tiếng gọi con đến cứu. Bỗng thấy người con từ trên trời sà xuống tóm bắt hai con thuồng luồng, cứu mẹ đem về đầu làng, rồi quay trở lại bờ sông giẫm đầu thuồng luồng cho chết hẳn. Rồi người con của bà cũng hoá luôn, để lại trên bờ sông một vết chân to lớn. Dân làng thấy sự việc linh thiêng, lập đền thờ ở cạnh chỗ đó, cho là do Huyền Đại Thánh nhập thân vào người con trai giết thuồng luồng cứu mẹ. Xã ấy sau có tên Bộ Đầu vì có vết chân của Đại Thánh. Lại truyền rằng, Thành tổ Triết vương Trịnh Tùng (1570 – 1623) đem quân đi đánh nhà Mạc, khi thuyền qua sông xã Bộ Đầu không tiến được, Trịnh Tùng bèn lên bờ thắp hương cầu khấn, xin thần linh phù trợ, khi thắng trận về sẽ cho tu sửa miếu mạo. Nhưng sau khi dẹp được nhà Mạc, Trịnh Tùng quên lời hứa trước nên bị Đại Thánh báo mộng quở trách. Trịnh Tùng tỉnh dậy bèn sai người tu sửa đền thờ, lại sai thợ theo hình dạng của người trong mộng tạc thành pho tượng của Đại Thánh bằng gỗ cao đến 21 thước ta, chân đạp lên đầu con thuồng luồng. Hàng năm đến ngày 19 tháng 9 là ngày hoá của Đại Thánh, dân làng mở hội tế, người gần xa đến dự lễ rất đông (3).

Sách Công dư tiệp ký, cũng chép rằng ngôi đền Độc Bộ ở huyện Thượng Phúc vào thời Lê sửa lại, tạc tượng thần cao 3 trượng 6 thước, hai chân đạp lên đầu con giao long, Bát bộ kim cương đứng hai bên. Phong Thần là Đổng Sóc Huyền Thiên đại thánh thần. Thời Nguyễn, nơi đây có tên xã là Bộ Đầu. Xã này cùng các xã Chương Lộc, Tự Nhiên Châu, Kỳ Dương làm thành Tổng Chương Dương thuộc huyện Thượng Phúc.

Rõ ràng địa danh Bộ Đầu ở Thượng Phúc và Đông Bộ Đầu là hai địa danh khác nhau. Đông Bộ Đầu thực chất là Bộ Đầu ở phía Đông thành Thăng Long.

Đông Bộ Đầu tức bến Bộ Đầu phía Đông thành Thăng Long

Diện mạo và quy mô thành Thăng Long có nhiều biến đổi qua các giai đoạn lịch sử, nhất là cửa phía đông mà tư liệu văn bia hiện còn ở khu vực quận Hoàn Kiếm, đã phản ánh khá rõ nét.

Văn bia chùa Cầu Đông dựng năm Vĩnh Tộ 6 (1624) cho biết: “Chùa Đông Môn là một danh lam cổ tích, có sông Nhị Hà chảy quanh phía trước, thành Thăng Long ở phía sau… Cũng ở đây có bài minh trên chuông chùa khắc nẳm Cảnh Thịnh 8 (1800) cho biết vị trí cụ thể của cửa Đông Hoa “Duy nơi chùa cổ có cầu đá phía Đông, sông Tô chảy bên trái, Cửa Hoa bên phải”.

Bia Thái Cam tự bidựng năm Minh Mệnh 3 (1822) ghi rõ: Phía ngoài thành xưa có chùa Thái Cam, vốn là bãi bể nương dâu nay biến thành chùa. Vốn là thành Đông quan xưa thời Lê. Vào năm Giáp Tý niên hiệu Gia Long, tổ tiên trong thôn tập hợp dân chúng xây dựng mới cho làng ở ngoài thành Thăng Long, trong làng có đình, bên cạnh đìnhg có chùa Thái Cam. Đất này có núi Nùng bao quanh, sông Nhị Hà uốn quanh phía trước, thật là cảnh đẹp thiên tạo.

Đình Thành Hà ở gần chân cầu Long Biên có 9 văn bia, trong đó có bia Tối linh từ bi kídựng ở Hậu cung dình năm Minh Mệnh 2 (1840) cho biết: Bản thôn khi chưa có nhà cửa cũng chỉ là nơi luyện tập của binh lính mà thôi. Mãi đến năm Giáp Tý đời vua Gia Long 3 (1804) muốn xây dựng thành quách Thăng Long, có một dải đất trống chạy dọc theo mạch chính của núi Nùng, dường như có thế núi Phật đặt trúng vào đó. Đình mới dựng trên nền cũ, có sông Hà bao quanh phía trái, núi dọc phía trước lấp lánh như đàn cá chầu, lại sông Tô nhấp nhô sóng bạc phía sau. Một văn bia khác ở đình Thanh Hà là Thanh Hà ngọc phả bi kícho biết nơi đây vốn là một ngôi đền cổ phụng thờ vị Phúc Thần nằm ở phía nam sông Tô Lịch. Đó là tướng quân Trần Lựu thời Trần có công đánh dẹp giặc ngoại xâm. Sau khi thắng trận, về Kinh đô báo tiệp, đến đất Thành Hà khao thưởng binh sĩ. Sau Đại vương hoá ở đây.

Tư liệu này cho biết nơi đây từng ở gần sát bến sông Nhị Hà đương thời. Cũng tại khu vực này còn có ngôi cổ quán Huyền Thiên ở phố Hàng Khoai phường Đồng Xuân. Quán thờ Huyền Thiên đế quân, cũng gọi là Huyền Thiên chân Vũ nguyên quân. La thành ở nước Nam là nơi cảnh đẹp, đế quân Nam du, dừng chân bên hồ Linh Động ở làng Long Đỗ dựng nhà cỏ làm nơi tu hành. Sau khi tu hành đắc đạo, Đế quân cưỡi hạc bay lên trời. Dân địa phương tưởng nhớ ân đức, bèn sửa sang nơi ở cũ của Đế quân làn đền thờ. Từ năm Thiệu Bình (1434 – 1439) đời vua Lê Thái Tông dân địa phương xây thành Đạo quán để phụng thờ. Thời Trần Băng Hồ Trần Nguyên Đán (1325 – 1390) đã đề thơ ở quán Huyền Thiên này như sau: “Bạch nhật thăng thiên dị, Trí quân Nghiêu Thuấn nan, Trần ai lục thập tải, Hồi thủ quý hoàng nam”, nghĩa là “Ban ngày lên trời dễ, Giúp vua, thật gian nan, Cõi đời dăm sáu chục, Ngoái đầu thẹn áo khăn” (4).

Quán Huyền Thiên hiện nay đang lưu giữ trên dưới năm chục văn bia, trong đó có bia Trùng sánh Huyền Thiên bi minh, dựng năm Vĩnh Tộ 4 (1644), ghi rằng: Phía đông gối vào sông Nhị Hà trắng xoá, phía tây nhìn sang non Tản xanh tơ, phía nam có cầu Hà Kiều, phía bắc có chùa Hồng Phúc thật là một thắng tích.

Nguồn tư liệu văn bia trên đây cho biết khu vực các di tích này nằm ở phía Đông thành Thăng Long thời Lê, sang thời Nguyễn, do thu hẹp thành Thăng Long lại, nên khu này bị hoang phế và sau đó được tái lập khẩn hoang. Vì thế khu vực phía đông thành Thăng Long này thời Ký Trần cận kề sông nước mà nơi đây có tên Hồ Khẩu, có bến sông “Bộ đầu”.

Tên gọi Bộ đầu này đã xuất hiện khá sớm từ thời Lý Trần mà nguồn tư liệu thư tịch đã ghi lại được. Chẳng hạn Đại Việt sử ký toàn thưkhi viết về loạn Quách Bốc năm Trị Bình Long Ứng thứ 5 đời Lý Cao Tông (1209) cho biết Tướng của Bỉnh Di là Quách Bốc biết tin Bỉnh Di bị bắt, liền đem quân vào cửa Đại Thành, bị người giữ cửa kháng cửa, nên đã đột nhập vào lấy xe chở Bỉnh Di đi ra từ cửa Việt Thành, xuống bến Đông Bộ,…

Cũng sự kiện này, Việt sử lượccho biết rõ hơn là “Năm 1209 Thuận Lưu Khoái vì việc Bỉnh Di chết, mà đem thuỷ quân đến đánh kinh sư. Tiền quân đỗ ở bến Đông Bộ từ cửa nách bên trái vào thẳng Cấm Thành cướp lấy các bảo vệ” (5). Rõ ràng là địa danh Đông Bộ Đầu tức bến Bộ Đầu ở phía đông Thăng Long.

Địa danh Đông Bộ Đầu này liên tục xuất hiện trong các giai đoạn sau. Chẳng hạn trên bia chùa Sùng Khánh Báo Thiên ở thôn Tự Tháp huyện Báo Thiên cho biết trước ngày các vị bô lão kể truyền lại rằng nước ta có bốn khí vật quan trọng, là tháp Báo Khánh (Thiên), đỉnh Phổ Minh, tượng chùa Quỳnh Lâm và chuông Quy Điền. Về sau vào đời Vĩnh Lạc, người Minh dời chiếc đỉnh từ Bộ Đầu đến Đông Tân rồi phá huỷ cả chuông và đỉnh để đúc súng dạn, chỉ còn lại ngôi chùa và toà tháp.

Đại Việt sử ký toàn thưchép sự kiện lịch sử vua Lê đánh thành Đông Quan vào năm Bính Ngọ 1426 như sau: “Tháng 11, ngày 22 vua tiến quân đến Tây Phù Liệt. Ngày 23, vua sai bọn Trần Hãn, Lê Bị đem hơn trăm chiếc thuyền thuỷ quân, ngược dòng sông Đại Lũng ra cửa sông Hát, rồi thuận dòng xuôi xuống đến bến Đông Bộ Đầu sông Lô (sông Hồng), bon Lê Lễ đem hơn 1 vạn quân bộ bí mật tiến đến cầu Tây Dương. Vua đích thân dẫn binh tượng đến cửa Nam ngoài thành Đại La để đánh thành Đông Quan” (6).

Tài liệu khảo cổ học cũng cho biết địa danh Bộ Đầu ở sát thành Thăng Long thời Lý Trần. Minh văn khắc trên gốm tháp Bến Lăn thời Trần (Lục Yên, Yên Bái) có dòng chữ: “Đại thủ thuộc Thượng Lâm tràng là Hoàng Lộc Thiện… vào ngày 20 tháng 8 năm Nhâm Dần đến xứ Bộ Đầu của cung Quảng Từ, cảm đức từ bi mà nghĩ đến chùa Thượng Miện…” (7). Cung Quảng Từ là một cung trong thành Thăng Long thời Lý Trần. Do đó xứ Đông Bộ ở đây là địa danh sát kinh thành Thăng Long.

Thực tế, địa hình Thăng Long thời Lý Trần hầu như có nhiều sông lạch thông với sông Nhị. Tài liệu dư địa chí cho biết nước từ sông Nhị chảy thẳng vào vùng Nhật Tân xuống Hồ Khẩu, tạo thành một nhánh sông con. Nhánh ấy là sông Tô Lịch. Sông Tô Lịch chia thành 2 nhánh, một xuống phía Nam và một bên phía Bắc. Ở nhánh phía Nam còn có sông Kim Ngưu là phụ lưu của sông Tô Lịch.

Từ thế kỷ XVII – XVIII khi Phố Hiến là một trong thị tứ ở nước ta là đầu mối giao thương bằng đường sông từ biển đông lên Thăng Long. Nhiều ghi chép của học giả phương Tây và tranh vẽ về kinh kỳ thấy rất nhiều thuyền buôn neo đậu ở sông Hồng sát kinh đô Thăng Long, đó chính là cửa ngõ phía đông, nơi có bến Bộ Đầu.

Rõ ràng là phía đông thành Thăng Long thời Lý Trần và đầu thời Lê nằm sát sông Hồng, có bến nước và là nơi cập bến của thuyền bè đường sông từ phía Bắc xuống, từ phía Đông và Nam lên. Chính vì thế, nơi đây không chỉ là nơi tập kết của cửa ngõ đường sông vào kinh thành, mà còn là trung tâm buôn bán và tụ cư của người Hoa khi đến định cư ở Thăng Long – Hà Nội.

Văn bia chùa Hoè Nhai và địa danh Đông Bộ Đầu ở Thăng Long

Địa điểm Đông Bộ Đầu ở Thăng Long xuất hiện thời Lý Trần được xác định cụ thể hơn qua tài liệu văn bia chùa Hoè Nhai, mà tên chữ là Hồng Phúc tự ở phường Thạch Khối huyện Vĩnh Thuận tục gọi là Hàng Than, nay thuộc số 19 phố Hàng Than phường Nguyễn Trung Trực quận Ba Đình, Hà Nội. Bia dựng năm Chính Hoà thứ 24 (1703), hiện ở bên phải phía trước toà đại bái chùa. Văn bia do Tiến sĩ Hà Tông Mục (9) soạn, có đoạn mở đầu ghi rằng:

“Phường Hoè Nhai ở bến Đông Bộ Đầu của thành Thăng Long nước Đại Việt ta, có ngôi chùa tên là Hồng Phúc. Chùa lấy sông Lô giang làm đai, Tô Lịch làm vạt, chắn ngang non Tản mà chầu về. Phong cảnh hữu tình, tinh khí ngưng tụ. Từ xưa tăng già đại sĩ trụ trì đèn nhang tụng Phật, trên là chúc Thánh nhân trường thọ, dưới là cầu cho dân khang vật phụ, quốc đảo dân cầu đền linh ứng, là danh thắng trong cõi đô hội đại danh lam vậy” (Lô giang mà văn bia này ghi chính là sông Hồng).

Tư liệu trong văn bia này do Hà Tông Mục nêu ra là hoàn toàn tin cậy được. Chính bài văn bia này được soạn khi Hà Tông Mục đang ở phủ Phụng Thiên và giữ chức này, nên ông đã khảo cứu khá kỹ và tường tận mọi nguồn sử liệu.

Chú thích

1. Trần Quốc Vượng, Vũ Tuấn Sán “Xác định địa điểm Đông Bộ Đầu” trongNghiên cứu lịch sử, số 8 năm 1965.

2.Đại Việt sử ký toàn thư , bản dịch, Nxb KHXH, Hà Nội, 1998, tập 2, tr 28 - 29.

3. TheoHoàng Việt địa dư chí, sách chữ Hán, kí hiệu thư viện Hán Nôm A. 1074.Di tích lịch sử văn hoá Việt Nam (Ngô Đức Thọ chủ biên), Nxb, KHXH, H. 1991. Tr 109.

4.Di tích lịch sử văn hoá, sđd, tr 332.

5.Việt sử lược , Trần Quốc Vượng dịch, Nxb. Thuận Hoá, 2001, tr 175.

6.Đại Việt sử ký toàn thư , Sđd, Bản dịch, tập II, tr 260.

7. Uỷ ban Nhân dân tỉnh Yên Bái,Di tích lịch sử - Khảo cổ học Hắc Y, Sở Văn hoá Thông tin Yên Bái, 2008, tr 50.

8. Hà Tông Mục, người xã Tỉnh Thạch huyện Thiên Lộc, đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Thìn (1688) niên hiệu Chính Hoà thứ 9 đời vua Lê Hy Tông. Hiện nay tại quê ông, làng Tỉnh Thạch xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc tỉnh Hà Tĩnh có Từ chỉ phụng thờ ông, được gọi là Sùng chỉ. Sùng chỉ tuy bị hư hại nặng, song vẫn còn 2 văn bia ghi tiểu sử và sự nghiệp của Hà Tông Mục, cùng nghi thức cúng tế ông. Xem Đinh Khắc Thuân,Văn bia Hà Tĩnh, Sở Văn hoá Thông tin và Du lịch Hà Tĩnh, 2007, tr 141 – 150.

Xem Thêm

Văn hóa đọc là giá trị nền tảng góp phần phát triển con người và xã hội trong kỷ nguyên mới
Trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa, để đất nước vươn mình sánh vai cùng các cường quốc năm châu, không thể thiếu ánh sáng của tri thức, mà trong đó sách đóng vai trò trung tâm. Sách và Văn hoá đọc chính là nền tảng để xây dựng một xã hội học tập, sáng tạo và phát triển bền vững.
Giải pháp nào để phát triển các mô hình NN, thủy sản hiệu quả cao theo hướng an toàn, bền vững tại các tỉnh ĐBSCL?
Đó là những nội dung được các đại biểu đưa ra tại hội thảo khoa học “Giải pháp phát triển các mô hình nông nghiệp, thủy sản hiệu quả cao theo hướng an toàn, bền vững tại các tỉnh ĐBSCL” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) phối hợp với LHH tinh Kiên Giang và Viện Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ (Viện IHT) tổ chức ngày 12/4 tại TP Rạch Giá.
Sơn La: Tìm giải pháp quản lý, bảo vệ và sử dụng nguồn nước
Ngày 2/4, Liên hiệp hội tỉnh phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Môi trường tổ chức hội thảo "Thực trạng và giải pháp quản lý, bảo vệ và sử dụng nguồn nước". Sự kiện thu hút sự tham gia của hơn 40 đại biểu đến từ các sở, ban, ngành, doanh nghiệp, trường đại học, cao đẳng và cơ quan truyền thông địa phương.
Huế: Hội nghị về Nội tiết và Đái tháo đường năm 2025
Ngày 29/3, Hội Nội tiết và Đái tháo đường thành phố Huế phối hợp với Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam đã tổ chức hội nghị khoa học Cố đô mở rộng lần thứ 8 về bệnh nội tiết, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa năm 2025.

Tin mới

Hà Giang: Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 06 Luật
Ngày 29/4, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hà Giang (Liên hiệp hội) đã tổ chức hội thảo tư vấn, phản biện (TVPB), góp ý đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.
Phát huy sức mạnh trí tuệ và tâm huyết của trí thức KHCN trong thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị
Nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam - LHHVN) xác định phát huy trí tuệ, trách nhiệm và tâm huyết của đội ngũ trí thức là nhiệm vụ trung tâm, tạo động lực để khoa học công nghệ và chuyển đổi số trở thành lực lượng sản xuất chủ đạo thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
An Giang: 30 trí thức KH&CN tiêu biểu được tôn vinh 2025
Chiều ngày 28/4, tại trụ sở Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh An Giang, Hội đồng xét chọn trí thức Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tiêu biểu tỉnh năm 2025 đã tổ chức phiên họp chính thức. Đây là lần thứ hai An Giang triển khai hoạt động xét chọn và tôn vinh trí thức KH&CN tiêu biểu.
Quảng Ngãi: Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III đã tìm ra nhà vô địch
Sau 2 ngày tranh tài sôi nổi, chiều ngày 27/5, tại Nhà thi đấu IEC Quảng Ngãi, Ban tổ chức Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III, năm 2025 đã tổ chức bế mạc, trao 16 giải thưởng cho các đội đoạt giải. Đội CFF đến từ trường THPT Lê Trung Đình đã xuất sắc giành giải Nhất chung cuộc.
Khởi động Chương trình Biểu dương TOP Công nghiệp 4.0 năm 2025
Chương trình Biểu dương TOP Công nghiệp 4.0 nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao, nghiên cứu và phát triển sản xuất các sản phẩm, nền tảng, giải pháp dựa trên công nghệ số để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hiện thực hóa các cơ hội, tiềm năng mà chuyển đổi số mang lại khi đưa được công nghệ số vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội, đến từng người dân.
Khai mạc Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III
Ngày 26/4, tại Quảng Ngãi, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi và Tỉnh đoàn tỉnh Quảng Ngãi tổ chức khai mạc và vòng loại Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III, năm 2025.
Văn hóa đọc là giá trị nền tảng góp phần phát triển con người và xã hội trong kỷ nguyên mới
Trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa, để đất nước vươn mình sánh vai cùng các cường quốc năm châu, không thể thiếu ánh sáng của tri thức, mà trong đó sách đóng vai trò trung tâm. Sách và Văn hoá đọc chính là nền tảng để xây dựng một xã hội học tập, sáng tạo và phát triển bền vững.