Về nhóm từ chỉ không gian
1. Tuy một mà hai
Tác giả nói nhiều đến nghĩa chiều kích của các từ chỉ không gian trong tiếng Việt (1). Đúng là các từ cao, sâu, dài, rộng, dày, xa đều nêu nghĩa đầu tiên bắt đầu bằng mấy chữ “có khoảng cách…”. Tuy nhiên, giữa hai câu “Cô ấy cao mét bảy” và “Cô ấy cao thật”, ta thấy có sự khác nhau về nghĩa của từ “cao”. Nghĩa về “độ dài” chỉ có ở câu trên. Ở câu dưới, cái nghĩa đánh giá về “độ dài” mới là chính. Từ điển tiếng Việtđều ghi loại nghĩa này tách ra với nghĩa trên. Chính từ cái nghĩa thứ hai này mới tạo ra nhiều điều “lí thú” trong nói năng.
Trước hết là chuyện căn cứ đánh giá . Gặp một cô gái nước ngoài cao tới mét bảy có thể có hai lời đánh giá:
- Cô ấy cao nhỉ?
- Cao gì mà cao!
Ấy là vì người trước so với mức trung bình của ta, còn người sau so với mức trung bình của tây.
Trong các từ chỉ không gian, còn có nhiều điều khá phức tạp khi đánh giá nữa. Với chiều sâu của một cái giếng có thể có:
- Giếng này sâu lắm, tới hơn chục mét.
- Nước sâu lắm, không thấy (vật bị mất) đâu.
- Em tưởng giếng sâu, em nối sợi gầu dài…
Có những cách đánh giá chiều sâu khác nhau ấy là do có sự khác nhau ở các “mốc” có thể là chiều sâu từ mặt nước đến đáy giếng hoặc từ miệng giếng tới đáy. Cũng có thể có cách đánh giá chiều sâu từ miệng giếng tới mặt nước: “sâu lắm, không vớt được đâu, phải kiếm cái gậy nào thôi” (vật rơi nổi).
Đối với từ “cao” trong câu tác giả nêu ra “Cô diễn viên đi trên day cao, mẹ nhỉ”, thì cũng chỉ là sự đánh giá về độ cao. Có điều đánh giá về đối tượng nào: cô diễn viên hay cái dây?
Cũng chính từ ý nghĩa đánh giá này ta có những từ trái nghĩa: thấp, lùn(với cao), nông, cạn(với sâu), hẹp(với rộng), ngắn(với dài), mỏng(với dày), gần(với xa). Các từ trái nghĩa này không có ý nghĩa khoảng cách, độ dài mà chỉ có sự đánh giá về chúng.
2. Ý nghĩa vị trí
Tác giả nêu ra ý nghĩa, vị trí của các từ này, hơi lạ là Từ điển tiếng Việtkhông ghi nhận ý nghĩa đó. Nghĩ tiếp thì thấy là từ điển có lí.
Tác giả đưa ra dẫn chứng sau đây để phân tích:
- Bạn có biết hồ nào cao nhất thế giới?
- Mình biết hồ Titicaca ở Pêru là hồ cao nhất thế giới.
Tác giả cho rằng caoở phát ngôn này hàm ý vị trí của hồ. Thực ra caotrong phát ngôn này hàm ý vị trí nơi có hồvì nó chỉ sự tỉnh lược chữ ở cao mà thôi. Vì khi nói đến hồ đã có cái hàm ý vùng đất trũng ấy ở nơi nào đótrên đất liền (cả đảo). Cái hàm ý vị trí này có thể nói là nằm trong tiền giả định của từ. Cũng như các tiền giả định khác (như “có cảnh vật xung quanh”, “có vùng khí hậu thế nào đó”…) ý nghĩa “vị trí” sẽ hiện thực hoá, nổi lên với một số hồ nào đó, trong ngữ cảnh nào đó. Nói đến hồ Hoàn Kiếm sẽ nổi lên vị trí (“trung tâm Thủ đô” trước đây). Nói đến hồ Xuân Hương (Đà Lạt) thì ý cảnh quan sẽ nổi lên (nơi có cảnh đẹp). Cũng như vậy, nói caotrong “Cành cao che mát sân nhà” là sự đánh giá cũng được. Còn nói là vị trí cũng là nói vị trí (cành mọc ra) trên cây cao mà thôi. Cành mọc từ nhánh, từ thân cây ra, nhưng là vị trí cao thấp khác nhau ở cây.
Khi nói “ nhà sâu trong ngõ” cũng không phải nói vị trí. Đó cũng là “vị trí ấy” được coi là mốc để tính từ mặt ngõ vào (cũng giống như người ta tính mặt nước làm mốc để đánh giá độ sâu mặt nước). Nên nói thêm, từ sâu ở đây cũng đã chuyển nghĩa, khác nghĩa gốc. Nó không chỉ khoảng cách (và sự đánh giá khoảng cách) theo chiều thẳng đứng tính từ trên xuống nữa. Những “ngõ sâu”, “hang sâu”, “rừng sâu”, “vùng sâu” là dùng theo nghĩa này.
3. Chuyện nghĩa mơ hồ
Phát hiện ra sự tách biệt hai nghĩa “độ dài” và “vị trí” của các từ chỉ không gian, tác giả rất thích thú đưa ra những câu “không rõ ràng về nghĩa” (mà nhiều người gọi là mơ hồ).
- Lan này, nhà cậu sâu thật đấy.
- Sao để cây cảnh cao vậy, anh Phương?
- Cô diễn viên đi trên dây cao, mẹ nhỉ?
Với câu “Cô diễn viên đi trên dây cao, mẹ nhỉ”, tôi đã nói đến sự đánh giá về hai đối tượng “cô diễn viên” hay “cái dây”. Người mẹ nếu không lơ đãng chắc sẽ phát hiện ra ngay cô bé định đánh giá về đối tượng nào. Bởi khi nói, ta có cách ngắt giọng phù hợp. Cô bé ngắt giữa “dây” và “cao thì đó là đánh giá về cô diễn viên (ngắt chủ/ vị) – còn nếu không thì “cao” là định ngữ của “dây” rồi!
Trong ngữ cảnh cụ thể, nếu nhà Lan không có độ sâu hơn mức bình thường thì Lan đâu phải “lăn tăn” hỏi lại. Còn nếu ngược lại, chắc cô Hoa phải tìm cách “hiển ngôn” để tránh hiểu lầm. Có thể là “ở sâu”, có thể… đi quanh co mãi!”. Cũng như vậy, nói về cây cảnh nếu có thể gây hiểu lầm thì anh/ cô bạn đã phải thể “ở cao” hoặc “…ai mà ngắm nổi”… Ở đây rất cần nhắc lại rằng, trong hành động nói năng cũng như trong tiếp nhận phát ngôn, bao giờ người ta cũng tôn trọng sự hiểu biết lẫn nhau, có sự hợp tác với nhau, nếu không cố ý trêu đùa nhau, gửi những thông điệp ngầm cho nhau thì người ta không nói những câu “mơ hồ” như vậy và những câu như vậy cũng khó mà “mơ hồ” đối với các đối ngôn có hiểu biết chung nhiều mặt (tri thức nền) cũng như hiểu biết về tâm lí, về sự quan tâm… của nhau. Chẳng nên cứ ngồi mà nghĩ ra các mô hình câu “mơ hồ” theo lí thuyết một cách chủ quan (2). Thiết nghĩ đó không phải là “ưu thế” mà người nghiên cứu cần “chứng tỏ”.
____________
Chú thích:
(1) Có lẽ dùng “Không gian ngôn ngữ” là hơi to tát và thiếu chính xác.
(2) Xem “Mơ hồ mà thế ư?” (Tạp chí Văn TP. HCM, tháng 3-4/2003).
Nguồn: Ngôn ngữ & Đời sống,số 5 (127), 2006