Về Mão Điền gặp "nhà sử học" nông dân
Tự học chữ Hán
Ông Hợp sinh ra trong gia đình có truyền thống hiếu học nên cũng được học dăm ba cái chữ. Biết chữ, lại có năng khiếu nên những năm 1960 ông làm nhiều thơ được đăng báo. Năm 1973, khi tỉnh Hà Bắc (trước đây) phát động phong trào sưu tầm văn hoá cổ, ông là một trong những thành viên tham gia tích cực. Công việc sưu tầm ngày càng cuốn hút ông, những tấm hoành phi - câu đối, những bản rập văn bia, gia phả của các dòng họ ở Mão Điền... được ông lưu giữ mặc dù không biết đọc (chữ Hán). Nhưng lòng ham hiểu biết khiến ông không dừng lại ở việc sưu tầm và lưu giữ, mà quyết định tự học chữ Hán. Ở tuổi 40 bắt đầu việc tự học chữ Hán là điều không đơn giản, học xong lại quên ngay. Nhưng niềm say mê hiểu biết đã thôi thúc ông vượt qua tất cả. Nhà nghèo lại đông con nên ban ngày ông phải tất bật lo cái ăn, cái mặc cho gia đình, đêm đến khi mọi người đã say ngủ ông mới chong đèn vật lộn với quyển Từ điển Hán Việt. Cẩn thận - tỉ mỉ - kiên trì, học được vốn chữ Hán nhất định, ông dịch một số bản gửi Tạp chí Hán Nôm để thử sức. Bài đầu tiên được đăng, ông muốn hét lên vì vui sướng và hạnh phúc – ông đã thành công. Từ đó ông bắt dầu dịch, ghi chép, và lưu giữ những điều người già không ai biết tới nữa.
Thành quả
Công việc sưu tầm văn hoá cổ đối với ông không đơn giản, bởi phải “cân đối” được cuộc sống cơm áo gạo tiền với niềm say mê. “Tôi tận dụng mọi lúc để sưu tầm. Hàng ngày tôi gánh cá giống đi bán khắp nơi, thấy ở đâu có đình chùa, di tích hay những câu ca dao hay là tôi chép luôn. Đi chơi hoặc đi ăn cỗ thì để ý hoành phi - câu đối, thậm chí đề nghị họ cho xem gia phả.... Cứ như vậy kiến thức, sử liệu ông thu được ngày một nhiều. Bản thân ông cũng không ngừng học chữ Hán và sưu tầm văn hoá địa phương. Từ năm 1973 đến 1981, bản thảo cuốn Phong Thổ Mão Điền được hoàn thành nhưng không ai để ý. Năm 2001, một Việt kiều về thăm quê đọc được bản thảo vô giá này liền tài trợ tiền xuất bản. Phong Thổ Mão Điền không phải là cuốn lịch sử mà là sách nhìn từ góc độ văn hoá, tìm đến vẻ đẹp làm nên bản sắc một vùng đất với tên gọi Mão Điền. Đồng thời giới thiệu về làm ăn kinh tế, học hành, đình chùa, lễ hội; về văn học dân gian và văn học thành văn ở địa phương. Ta bắt gặp khá nhiều điều thú vị trong cuốn sách này, ví dụ như lí giải tại sao Mão Điền thuộc Kinh Bắc mà hát Quan Họ không nhiều bằng hát Ví và hát Trống Quân; tại sao khi chia làng Đông và làng Đoài lại không phân chia theo địa giới mà lại chia theo dòng họ...
Sau cuốn Phong Thổ Mão Điền, năm 2003 ông lại xuất bản cuốn Danh nhân Nguyễn Gia Thiều và sắp tới sẽ xuất bản cuốn sách tập hợp tất cả những bài viết về các danh nhân của ông đã đăng lên báo. Bên cạnh nghiên cứu văn hoá, ông còn tham gia sáng tác thơ, viết lời Chèo. Thơ ông có bài nằm trong Tuyển tập những bài thơ về Hồ Chí Minh, 1 bài có mặt trong “Thơ tình tặng vợ”. Về viết Chèo ông khẳng định thành công bằng Huy chương Vàng cho vở “Giữ trọn lời thề” trong hội diễn chèo ở Bắc Ninh.
Lòng yêu quê hương tha thiết đã khiến ông Hợp lao động như một “anh hùng trên mặt trận văn hoá”, tạo ra những sản phẩm vô giá cho thế hệ mai sau và có ý nghĩa to lớn trong việc giữ gìn, bảo vệ văn hoá Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.