Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 01/08/2007 23:41 (GMT+7)

Văn hóa đô thị với nếp sống người Hà Nội

Sự khác biệt trên, cho thấy quan hệ cư trú, ứng xử ở nông thôn qua nhiều tầng nấc trong nhà, ngoài ngõ mới ra đến xã hội; còn đô thị từ gia đình ra phố đã là xã hội. Môi trường thiên nhiên sinh thái ở nông thôn được khắc họa bằng các thể khối kiến trúc (nhà tranh, nhà ngói) ẩn mình giữa thiên nhiên (vườn, lũy tre làng, cánh đồng). Còn đô thị chủ yếu được đặc tả bởi các thể khối kiến trúc có điểm xuyết những hàng cây bên đường, công viên, hồ nước. Nghĩa là nông thôn môi trường tự nhiên thiên tạo tức thiên nhiên thứ nhất vẫn ngự trị, còn đô thị, môi trường tự nhiên nhân tạo tức thiên nhiên thứ hai do con người tạo dựng đã chi phối, quán xuyến sinh thái.

Từ cái nền đó, văn hóa đô thị có những nét đặc trưng riêng so với nông thôn. 

Thứ nhất, văn hóa đô thị, nhất là đô thị hiện đại, mọi sinh hoạt gia đình và cá nhân (từ nhà ở, ăn uống, đi lại...) đều chủ yếu phụ thuộc vào các dịch vụ. Đối với nông thôn, thường mỗi gia đình có đời sống văn hóa vật chất riêng, vẫn nặng tính tự cung, tự cấp. Nhu cầu tiêu dùng của cư dân đô thị thường lớn, đa dạng và có xu hướng đổi mới nhanh. Do đó mạng lưới dịch vụ càng trở nên quan trọng, là một bộ phận hữu cơ của môi trường sống đô thị và là một phần cơ bản tạo nên văn hóa đô thị.

Thứ hai, ở đô thị, hệ số sử dụng phương tiện giao thông lớn và tăng cùng với quá trình hiện đại hóa. Hệ thống giao thông nối liền nơi ở với nơi làm việc, học tập, giải trí, sinh hoạt khác... Trong giao thông, người dân đô thị phải sử dụng phương tiện (xe đạp, xe máy, ôtô...). Bởi đơn giản, không gian giao tiếp của đô thị rộng hơn, phức tạp hơn không gian giao tiếp trong xóm, ngoài làng. Đối với cư dân đô thị, đường phố, phương tiện giao thông có tầm quan trọng không kém nhà ở. Thành thử văn hóa ứng xử ở nơi công cộng có vị trí quan trọng chẳng kém trong gia đình.

Thứ ba, văn hóa đô thị có tính phân hóa cao và rõ nét. Quá trình đô thị hóa cơ bản là do quá trình gia tăng dân số phi nông nghiệp. Đô thị càng lớn, càng tụ cư mọi thành phần xã hội. Sự phân hóa thành phần xuất thân, phân hóa thu nhập hay địa vị kinh tế xã hội được thể hiện ngay trong phân hóa cách sống, sinh hoạt của từng thành phần xã hội. Sự phân hóa này không phải lúc nào cũng ở thế đối xứng, có thể nhận rõ qua cách thức tiêu dùng, hưởng thụ. Người giàu sang thường mua thực phẩm tại siêu thị, có chất lượng cao và hầu như được chế biến sẵn; đi xe máy đắt tiền hoặc ôtô. Người nghèo thường mua thực phẩm tại chợ cóc, chợ quê cốt vì số lượng và chủ yếu tự chế biến; đi xe đạp, xe máy rẻ tiền. Sự phân hóa đó đã mặc nhiên quy định tính hai mặt trong phát triển nhân cách người dân đô thị; tính cộng đồng dễ gắn liền tính vị kỷ; tính công dân dễ gắn liền tính phi công dân hay tính giống loài, tính xã hội; tính văn hóa dễ gắn liền tính phi văn hóa. Đô thị càng lớn thì tính hai mặt trên càng rõ hơn, sâu sắc hơn. Trong kinh tế thị trường, sự phân hóa nghề nghiệp, thu nhập nhanh chóng dẫn đến phân hóa tư tưởng, đạo đức, cách sống; tổng hòa những sự phân hóa ấy sẽ là sự phân tầng về văn hóa.

Trong điều kiện và môi trường đô thị, con người phát hiện thêm nhiều năng lực ứng xử của mình. Do đó có thể thúc đẩy sự phát triển văn hóa đô thị, song không phải lúc nào cũng theo hướng tiến bộ. Trong sự phát triển văn hóa đô thị không tránh được những chiều cạnh phát triển phi tiến bộ, phản tiến bộ. Vì thế trong cái gọi là văn hóa thị dân có cả những phản giá trị, phi giá trị, ví dụ thú tiêu khiển cờ bạc, nghiện hút, mại dâm... Đây là kết quả và sự thể hiện tính hai mặt trong nhân cách người dân đô thị.

Thứ tư, ứng xử của cư dân đô thị hay nông thôn đều thể hiện trong quan hệ với thiên nhiên, xã hội và bản thân. Tuy nhiên, tại đô thị, các quan hệ ứng xử đa phương, đa dạng hơn và theo hướng ngày càng rộng mở. Ngoài quan hệ gia đình, xóm phố, bạn bè như nông thôn, cư dân đô thị còn nhiều mối quan hệ đồng nghiệp, đồng hương, đồng sở thích... Cư dân đô thị có nhiều quan hệ giao tiếp ẩn danh, ngẫu nhiên và giao tiếp công cộng hơn. Thí dụ các quan hệ tại nơi làm việc, quan hệ qua các loại dịch vụ, các quan hệ thoả mãn nhu cầu tinh thần văn hóa vào các kỳ nghỉ...

Tính chất và cách thức ứng xử ở đô thị cũng khác nông thôn, vì thường thiên về quan hệ pháp luật, thị trường... và thường phát triển hơn ở nông thôn, do đó khả năng khách quan hóa các quan hệ ứng xử của cư dân đô thị thường cao hơn. Kết quả là văn hóa ứng xử ở đô thị thường lạnh lùng và ẩn danh hơn; cái tình người ẩn dưới những ứng xử mang tính khách quan, tính cưa đứt đục suốt.

Thứ năm, văn hóa đô thị là phức hợp văn hóa bác học (hàn lâm, chuyên nghiệp), văn hóa dân gian và văn hóa đại chúng. Tại đô thị tập trung các cơ quan văn hóa chuyên nghiệp, giới trí thức, vì thế văn hóa bác học phát triển (khoa học, giáo dục, nghệ thuật...). Đô thị tập trung các cộng đồng dân cư khác nhau nên mỗi cộng đồng lại có văn hóa dân gian của mình. Tại đô thị do tính giao lưu văn hóa cao, sống động và với sự tập trung của phương tiện thông tin đại chúng nên văn hóa đám đông (đại chúng) cũng phát triển. Sự tương tác của ba dạng văn hóa đó tạo nên đặc trưng của văn hóa đô thị, trong đó tính hai mặt (tích cực, tiêu cực) của văn hóa đại chúng khiến văn hóa đô thị diễn biến phức tạp. Văn hóa đô thị thường dễ chuyển và dễ gắn với văn minh hơn là văn hóa nông thôn. Văn minh là kết quả của văn hóa; nhưng khi văn hóa đã chuyển hóa thành văn minh cũng tức là các giá trị vật chất, tinh thần đều có sức biến đổi, sức phát triển năng động, nên rất dễ xảy ra tình trạng xô bồ, va đập giữa các giá trị, nhất là giữa giá trị vật chất và tinh thần. Văn minh đô thị chứng tỏ sức chuyển hóa, sức phát triển của văn hóa đô thị là mạnh hơn văn hóa nông thôn.

Từ những đặc trưng trên, chúng ta có thể quan niệm văn hóa đô thị là tổng thể các giá trị vật chất, tinh thần và cả các hoạt động văn hóa nhằm tôn vinh, làm sản sinh, truyền bá và thực hành các giá trị chân, thiện, mỹ, nhằm làm giàu tính người trong đời sống đô thị.

Từ những đặc điểm riêng về điều kiện kinh tế xã hội, văn hóa đô thị và văn hóa nông thôn có sự khác biệt, nếp sống, nếp ứng xử cũng có những biểu hiện riêng, khác nhau. Đặc trưng nổi bật khi so sánh với văn hóa nông thôn, cho thấy văn hóa đô thị là một thực thể văn hóa phức hợp có tính biến đổi cao, nhất là ở đô thị hiện đại. Là một đô thị lớn, lại có lịch sử hình thành sớm, là trung tâm, gắn với cả vùng nông thôn Bắc Bộ rộng lớn lại đang trên đà phát triển theo hướng hiện đại, nên Hà Nội còn ẩn chứa nhiều tiềm năng văn hóa đậm chất truyền thống nhưng cũng đang khơi nguồn, bắt mạch để hòa nhập, tiếp thu những tinh hoa, tiến bộ của văn hóa nhân loại.

Đô thị Hà Nội có cội nguồn từ một làng Việt cổ ven sông Tô Lịch. Vài thế kỷ trước Công nguyên, nơi đây đã là điểm cư trú khá đông đúc của người Việt Đông Sơn. Ở ven Hồ Tây và làng Ngọc Hà đã tìm thấy trống đồng loại 1 và đồ đồng Đông Sơn có niên đại cách đây 2500 năm (1).

Văn hóa đô thị Hà Nội đã có từ trước thế kỷ X. Nhưng phải từ khi trở thành quốc đô, văn hóa đô thị Hà Nội mới phát triển. Người Hà Nội lớp lớp kế tiếp nhau là dân tứ chiếng tụ về. Họ sống và hoạt động trong môi trường đô thị với những đặc trưng văn hóa đa quan hệ, đa phương tri thức, đa ngành nghề, đa phong cách văn hóa địa phương. Tuy nhiên, qua bao biến thiên lịch sử, Hà Nội vẫn định hình được những nếp sống thanh lịch trong văn hóa đô thị của mình.

Nếp sống thanh lịch Hà Nội được hình thành không chỉ thông qua quá trình định hình, định tính của văn hóa đô thị mà đồng thời còn là kết quả của quá trình giáo hóa có chủ đích của các triều đình phong kiến, của các dòng họ và gia đình về đạo đức, về kỹ năng, kỹ thuật sống để làm rạng danh bản sắc văn hóa Việt Nam, bản sắc văn hóa kinh kỳ, bản sắc người Tràng An. Nghĩa là nếp sống vừa phản ánh nhu cầu khách quan của đời sống, vừa thể hiện ý chí chủ quan của con người. Cộng đồng xã hội cũng như mỗi cá nhân, gia đình có thể từ nhận thức và ý chí của mình, tác động lại nếp sống xã hội, để hình thành nếp sống thích hợp nhất với lợi ích của mình.

Nếp sống được coi là tổng hòa những dạng hoạt động sống điển hình và tương đối ổn định của con người được vận hành theo một bảng giá trị xã hội nhất định và chịu sự quy định của các điều kiện sống. Nếp sống chính là mặt ổn định của văn hóa lối sống. Nó bao gồm những cách thức, những quy ước đã trở thành thói quen trong lao động, sinh hoạt và tổ chức đời sống xã hội như phong tục, lễ nghi, đạo đức... (2). Nó không chỉ là những cách thức, quy ước trong ứng xử với xã hội, với bản thân, mà cả trong ứng xử với tự nhiên. Nhờ có nếp sống mà xã hội và con người không phải đi đường vòng, không phải bắt đầu lại những quá trình lịch sử đã qua, và những kinh nghiệm, tri thức quý báu trong lối sống của xã hội và con người được giữ gìn và phát triển.

Nếp sống thanh lịch của đô thị Hà Nội được thể hiện ở nhiều phương diện.

Nếp nghĩ, nếp cảm: Nếu văn hóa đô thị ở Huế được đặc trưng ở nếp sống thiên về cân bằng - tĩnh, ở TP.HCM thiên về cân bằng - năng động, thì ở Hà Nội, thiên về cân bằng - linh hoạt. Nếp nghĩ, nếp cảm là phương diện ý thức của nếp sống; nó định hướng cách sống dần tạo thành thói quen, thành nếp trong hoạt động sống (kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa) và cả trong sinh hoạt thường nhật khiến cách sống định hình, định tính thành cách thức, quy ước ổn định, trở thành nếp sống.

Tổ chức đời sống cộng đồng: Cân bằng giữa biểu tượng và bản sắc quốc gia với biểu tượng và bản sắc kinh kỳ (Thủ đô).

Tổ chức đời sống cá nhân: thể hiện ở tín ngưỡng, phong tục, tập quán, nghệ thuật ngôn từ, sinh hoạt, giao tiếp và ứng xử. Trong đó nổi bật là nét hào hoa, tinh tế, nhẹ nhàng, sáng tạo và nhạy cảm; lịch sự, xã giao mà không khó gần, sang trọng mà không cầu kỳ và đặc biệt có ngôn ngữ thuộc loại chuẩn cho tiếng Việt cả nước.

Nếp ứng xử với môi trường tự nhiên: Từ ăn, mặc, ở, đi lại cho đến cách thức sản xuất, kinh doanh thể hiện sự thanh đạm, hào hoa, khéo léo, chuyên cần và giàu óc sáng tạo. Nét hào hoa và tao nhã nhuốm sang cả cách thức làm ăn, như làm giấy dó, trồng hoa, cây cảnh, rau thơm và các nghề thủ công mỹ nghệ tinh xảo...

Nếp ứng xử với môi trường xã hội: Thể hiện ở tính dung hợp, tính khoan dung văn hóa trong giao tiếp, ứng xử với phong tục, tập quán, tôn giáo, văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ từ các địa phương trong nước cũng như khu vực và thế giới.

Nếp sống thanh lịch Hà Nội nhìn chung không chỉ giới hạn ở giao tiếp, ứng xử và ở sinh hoạt cá nhân, cộng đồng mà hơn thế, nó thể hiện một văn hóa lối sống mang đậm chất văn hiến Việt Nam . Nó thể hiện trong nhận thức và cả trong lao động, sản xuất, kinh doanh cũng như trong các hoạt động xã hội khác, như văn hóa, văn nghệ, tổ chức đời sống cá nhân và xã hội. Nó không chỉ là sản phẩm thụ động và cơ giới của quá trình sàng lọc lối sống tứ chiếng, để định hình, định tính nếp sống thanh lịch Kinh kỳ (Thủ đô) mà đồng thời còn là kết quả của quá trình giáo dục và quản lý của địa phương Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội và của chính quyền Trung ương nhằm định hình một biểu trưng của sự hội tụ và chắt lọc cái tốt, cái hay, cái đẹp về lối sống của một quốc gia có chủ quyền và có nền văn hiến lâu đời.

Văn hóa đô thị Hà Nội được đặc trưng ở nếp sống thanh lịch. Tuy nhiên, quá trình chuyển sang kinh tế thị trường và bước đầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã làm sắc nét và mở rộng phạm vi biến đổi và biến động của lối sống Thủ đô, trong đó có nếp sống thanh lịch. Trong lịch sử và hiện tại, tính biến đổi của nếp sống Thủ đô luôn là một vấn đề có tính quy luật phổ biến không chỉ riêng ở Việt Nam .

Bởi lẽ, Thủ đô là nơi tập trung các hoạt động chủ yếu của các cộng đồng xã hội, nơi hội tụ hầu hết các giá trị thuộc loại tiêu biểu của quốc gia, dân tộc hoặc của khu vực rộng lớn xung quanh. Quy mô đô thị càng lớn thì càng kết tụ đậm đặc các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa và giao dịch quốc tế, nhất là trong kinh tế thị trường hội nhập quốc tế. Không gian đô thị với những đại lộ mới, cao ốc, công viên và các đô thị vệ tinh làm giãn nở tầm nhìn con người. Còn nhịp sống bươn trải thị trường và nhịp sống công nghiệp thì dồn nén thời gian trong mọi hơi thở, sinh hoạt thường nhật và hoạt động sống gấp gáp. Sự đi nhanh của thời gian đô thị đang từng bước nhân lên nhịp sống con người nơi đây.

Là trung tâm chính trị, đời sống Thủ đô đã tác động đến thế giới tinh thần, làm phát triển nhanh ý thức chính trị, ý thức dân chủ và công dân. Là trung tâm khoa học, văn hóa và giao dịch quốc tế, đời sống Thủ đô có nhiều khả năng bồi dưỡng tri thức và năng lực sinh hoạt công cộng, nhờ đó có thể phát triển thế giới quan, nhân sinh quan và xã hội quan của từng người. Là trung tâm kinh tế lớn, Thủ đô có nhiều điều kiện nâng cao mức sống cho đại bộ phận thành viên xã hội.

Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế thị trường cạnh tranh đã và đang diễn ra sự phân hóa giàu nghèo, phân hóa xã hội ngày càng gay gắt. Trong đời sống văn hóa của Thủ đô Hà Nội hiện nay, sự phân hóa giàu nghèo đã và đang dẫn đến sự phân hóa trong quan hệ đối với tư liệu sản xuất, vai trò tổ chức và quản lý lao động, và phân hóa trong tư tưởng, đạo đức, lối sống.
Nhìn chung cơ cấu xã hội đô thị, nhất là Thủ đô, thường rất đa dạng về cư dân, sắc tộc, tôn giáo, học vấn, nghề nghiệp... Người trí thức nói chung, sống đan xen với giới công chức, doanh nhân, người buôn bán nhỏ hoặc người thất nghiệp tại khắp các quận nội, ngoại thành.

Bên cạnh việc tiếp thu cái hay, văn hóa Thủ đô cũng tiếp thu cả những cái dở từ nhiều địa phương khác nhau. Các dòng di cư tự do và sự dịch chuyển nhân lực của các cơ quan, doanh nghiệp Trung ương đóng trên địa bàn Hà Nội đã tiếp thêm nhiều nguồn lực cho Thủ đô, song cũng làm cho nếp sống thanh lịch của đất Tràng An không còn ổn định trước nếp sống tứ chiếng. Các dòng du lịch và giao dịch quốc tế, các phương tiện thông tin đại chúng từng ngày, từng giờ truyền bá lối sống tiêu dùng mang tính đại chúng đã làm văn hóa khởi sắc song cũng hàm chứa nguy cơ đồng dạng hóa văn hóa trước lối sống đại chúng mang tính toàn cầu.

Những chuyển động về nhân lực và văn hóa kể trên phản ánh những xu hướng mới của quá trình đô thị hóa Hà Nội. Cho đến gần đây, tiến trình đô thị hóa Hà Nội (và các thành phố khác của Việt Nam ) về cơ bản gắn với chức năng thương mại và hành chính. Nếp sống thanh lịch nói riêng và văn hóa đô thị Hà Nội nói chung cơ bản được định hình trên những đặc điểm này của tiến trình đô thị hóa. Tuy nhiên, từ khoảng giữa thập niên 90 đến nay, tiến trình đô thị hóa ở nước ta, trong đó có Thủ đô, đã bắt nhịp với quy luật chung của quá trình đô thị hóa trong thế giới hiện đại và gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Ở Hà Nội, xu hướng hình thành các vành đai 1,2,3 (và có thể là 4), xu hướng hình thành các tuyến giao thông - dịch vụ - dân cư theo các tuyến đường 1, 5, 31 và xu hướng xác lập nhiều trung tâm với kết cấu đô thị vệ tinh mở, đang làm biến đổi văn hóa đô thị trên nhiều phương diện, từ cái ăn, cái mặc, cái ở (và cả cái chết) đến học hành, làm việc, nghỉ ngơi, giải trí... Chỉ riêng việc mở rộng địa bàn tới các vùng vốn trước đây thuộc xứ Đoài, xứ Bắc cũng đòi hỏi phải mở rộng nội hàm khái niệm nếp sống thanh lịch của người Hà Nội. Tiến trình đô thị hóa giờ đây gắn kết chặt chẽ với công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng đặt ra vấn đề không chỉ giới hạn nếp sống thanh lịch ở lời ăn tiếng nói, quần chùng áo dài, ở ứng xử thường nhật giữa người với người, mà còn ở cách làm ăn trong điều kiện cơ chế thị trường.

Nghĩa là nếp sống thanh lịch nói riêng và văn hóa đô thị Hà Nội hiện nay cần phải tiếp nhận những nội dung mới và phải lược bỏ được những nét tiêu cực trong văn hóa đô thị cổ truyền.

_______________________
1. Trần Quốc Vượng, Giữ gìn di sản của lịch sử văn hóa ở Hà Nội, Báo Khoa học và Đời sống, số 44 (4/11/1993).
2. Nguyễn Viết Chức (chủ biên), Nếp sống người Hà Nội, Viện Văn hóa và Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2001, tr.23.

Xem Thêm

Văn hóa đọc là giá trị nền tảng góp phần phát triển con người và xã hội trong kỷ nguyên mới
Trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa, để đất nước vươn mình sánh vai cùng các cường quốc năm châu, không thể thiếu ánh sáng của tri thức, mà trong đó sách đóng vai trò trung tâm. Sách và Văn hoá đọc chính là nền tảng để xây dựng một xã hội học tập, sáng tạo và phát triển bền vững.
Giải pháp nào để phát triển các mô hình NN, thủy sản hiệu quả cao theo hướng an toàn, bền vững tại các tỉnh ĐBSCL?
Đó là những nội dung được các đại biểu đưa ra tại hội thảo khoa học “Giải pháp phát triển các mô hình nông nghiệp, thủy sản hiệu quả cao theo hướng an toàn, bền vững tại các tỉnh ĐBSCL” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) phối hợp với LHH tinh Kiên Giang và Viện Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ (Viện IHT) tổ chức ngày 12/4 tại TP Rạch Giá.
Sơn La: Tìm giải pháp quản lý, bảo vệ và sử dụng nguồn nước
Ngày 2/4, Liên hiệp hội tỉnh phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Môi trường tổ chức hội thảo "Thực trạng và giải pháp quản lý, bảo vệ và sử dụng nguồn nước". Sự kiện thu hút sự tham gia của hơn 40 đại biểu đến từ các sở, ban, ngành, doanh nghiệp, trường đại học, cao đẳng và cơ quan truyền thông địa phương.
Huế: Hội nghị về Nội tiết và Đái tháo đường năm 2025
Ngày 29/3, Hội Nội tiết và Đái tháo đường thành phố Huế phối hợp với Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam đã tổ chức hội nghị khoa học Cố đô mở rộng lần thứ 8 về bệnh nội tiết, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa năm 2025.

Tin mới

Thúc đẩy hoạt động đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN tại Việt Nam
Sáng ngày 29/4/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Hải Phòng tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Thúc đẩy công tác đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp tại Việt Nam”. Hội thảo do PGS.TS Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam và TS. Bùi Thanh Tùng, Chủ tịch Liên hiệp Hội thành phố Hải Phòng đồng chủ trì.
Hà Giang: Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 06 Luật
Ngày 29/4, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hà Giang (Liên hiệp hội) đã tổ chức hội thảo tư vấn, phản biện (TVPB), góp ý đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.
Phát huy sức mạnh trí tuệ và tâm huyết của trí thức KHCN trong thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị
Nhằm triển khai hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam - LHHVN) xác định phát huy trí tuệ, trách nhiệm và tâm huyết của đội ngũ trí thức là nhiệm vụ trung tâm, tạo động lực để khoa học công nghệ và chuyển đổi số trở thành lực lượng sản xuất chủ đạo thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
An Giang: 30 trí thức KH&CN tiêu biểu được tôn vinh 2025
Chiều ngày 28/4, tại trụ sở Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh An Giang, Hội đồng xét chọn trí thức Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tiêu biểu tỉnh năm 2025 đã tổ chức phiên họp chính thức. Đây là lần thứ hai An Giang triển khai hoạt động xét chọn và tôn vinh trí thức KH&CN tiêu biểu.
Quảng Ngãi: Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III đã tìm ra nhà vô địch
Sau 2 ngày tranh tài sôi nổi, chiều ngày 27/5, tại Nhà thi đấu IEC Quảng Ngãi, Ban tổ chức Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III, năm 2025 đã tổ chức bế mạc, trao 16 giải thưởng cho các đội đoạt giải. Đội CFF đến từ trường THPT Lê Trung Đình đã xuất sắc giành giải Nhất chung cuộc.
Khởi động Chương trình Biểu dương TOP Công nghiệp 4.0 năm 2025
Chương trình Biểu dương TOP Công nghiệp 4.0 nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao, nghiên cứu và phát triển sản xuất các sản phẩm, nền tảng, giải pháp dựa trên công nghệ số để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hiện thực hóa các cơ hội, tiềm năng mà chuyển đổi số mang lại khi đưa được công nghệ số vào mọi lĩnh vực đời sống xã hội, đến từng người dân.
Khai mạc Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III
Ngày 26/4, tại Quảng Ngãi, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ngãi và Tỉnh đoàn tỉnh Quảng Ngãi tổ chức khai mạc và vòng loại Cuộc thi Sáng tạo Robot Quảng Ngãi lần thứ III, năm 2025.
Văn hóa đọc là giá trị nền tảng góp phần phát triển con người và xã hội trong kỷ nguyên mới
Trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa, để đất nước vươn mình sánh vai cùng các cường quốc năm châu, không thể thiếu ánh sáng của tri thức, mà trong đó sách đóng vai trò trung tâm. Sách và Văn hoá đọc chính là nền tảng để xây dựng một xã hội học tập, sáng tạo và phát triển bền vững.