Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 26/12/2005 13:45 (GMT+7)

Vấn đề đưa chữ Hán vào giảng dạy ở nhà trường một bài toán chưa có lời giải

Lỗi nói sai, viết sai từ Hán Việt không riêng ở lớp người “ít chữ” mà ngay cả học sinh, sinh viên, thầy giáo, nhà báo, nhà văn và thậm chí người có học hàm, học vị cao và cả cán bộ lãnh đạo nhiều khi cũng dùng từ sai hoặc thiếu chính xác. Cầm bất cứ một tờ báo nào lên đọc ta cũng dễ dàng phát hiện một vài “hạt sạn” của việc dùng từ Hán Việt hoặc những kiến thức liên quan. Xin nêu lên một vài dẫn chứng:

Trên báo Thanh niên số 151 (31/5/2005) có bài Bệnh nhân phong đầu tiên sống thọ 100 tuổi tại Việt Nam.Bài báo cho biết một bà cụ bị bệnh phong từ nhỏ, tứ chi co quắp dị dạng và không có chồng, nhưng bài báo lại viết: Cụ đã sống vui vẻ và thọ đến “bách niên giai lão”.Bách niên giai lãolà thành ngữ tiếng Hán dùng để chỉ vợ chồng hoà thuận, chung sống hạnh phúc với nhau trọn đời đến lúc đầu bạc răng long. Câu này có khi cũng dùng để chúc đôi vợ chồng trẻ. Trường hợp nêu trên đối với cụ già suốt đời sống độc thân thì không dùng được câu Bách niên giai lão. Nghe nói trước đây cũng đã có một cán bộ muợn câu này để chúc thọ Bác Hồ trong dịp Tết.

Trong bài Phạm Văn Đồng-nỗi đau sự nghiệp lớn(Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh số 9-2005 ra ngày 5/5/2005) một tác giả viết: “Ông (Phạm Văn Đồng) không muốn đề cao mình. Thật may dường như đã “thiên tri mệnh” mùa xuân năm 1999, lựa khi đẹp trời nhất, ông kể chuyện riêng tư”. Tri thiên mệnh(chứ không phải thiên tri mệnh) là câu nói của Khổng Tử - ông tổ Nho giáo – Câu nói như sau (lời dịch): Ta 15 tuổi dốc chí vào việc học tập, 30 tuổi thì đã vững vàng (vì đã học được lễ), 40 tuổi thì không còn mê hoặc (vì đã có tri thức), 50 tuổi thì biết được mệnh trời (tức là tri thiên mệnh - chữ ta đang bàn), 60 tuổi thì tai thuận (biết phân biệt phải trái), 70 tuổi thì dẫu theo lòng ta muốn cũng chẳng có điều gì trái khuôn phép.

Câu viết trong bài báo nêu trên không rõ tác giả muốn diễn đạt ý gì, vì vào năm 1999 thì cụ Phạm Văn Đồng đã ở vào tuổi 93, tức là gần gấp đôi tuổi tri thiên mệnh.

Trong quá trình phát triển, tiếng Việt đã tiếp nhận một số lượng lớn từ Hán Việt (khoảng trên 70%) làm phong phú cho kho từ vựng của mình và đã có ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều lĩnh vực sinh hoạt tinh thần của dân tộc ta. Riêng về mặt văn hoá truyền thống, chữ Hán đã để lại dấu ấn thật sâu đậm: từ việc thờ cúng gia tiên, ma chay giỗ chạp, hoành phi, câu đối, cuốn thư, bài vị, gia phả dòng họ đến văn tế, văn bia, thần tích, thần phả, sắc phong, khế ước, hương ước… gắn với lễ hội, đình chùa, miếu mạo khắp các làng quê.

Về mặt văn học, chúng ta đang được thừa hưởng một kho tàng thư tịch đồ sộ của tổ tiên viết bằng chữ Hán Nôm. Nếu không biết chữ Hán mà chỉ dựa vào chú thích trong văn bản thì vấn đề cảm thụ văn chương cũng có phần hạn chế và đó cũng là một thiệt thòi lớn.

Để khắc phục tình trạng “mù chữ Hán”, GS Nguyễn Đình Chú đã đề xuất Cần khẩn trương khôi phục việc dạy chữ Hán trong nhà trường phổ thông Việt Nam (1).Ông nêu cụ thể như sau: học từ Hán Việt được phiên âm bằng chữ Quốc ngữ đối với ban A (khoa học tự nhiên) và học từ Hán Việt bằng chữ Hán đối với ban B (khoa học xã hội). Theo GS Nguyễn Đình Chú thì nên dạy chữ Hán từ PTCS mỗi tuần một tiết cho đến bậc PTTH và đề nghị đưa và Luật sửa đổi về giáo dục. Chia sẻ với những bức xúc của GS Nguyễn Đình Chú, PGS.TS Sử học Nguyễn Minh Tường cũng có bài viết “Suy nghĩ về lợi ích của việc dạy chữ Hán cho lớp trẻ hiện nay (2)”.Ông kêu gọi chúng ta nên học tập kinh nghiệm dạy chữ Hán trong các trường phổ thông của các nước có hoàn cảnh văn hoá, địa lý tương tự như nước ta: Trung Quốc, Nhật Bản, Đại Hàn, Singapore.

Nhà giáo lâu năm Nguyễn Xuân Thìn cũng có bài trao đổi về vấn đề này dưới nhan đề Vấn đề đưa chữ Hán vào nhà trường phổ thông (3).Ông không phủ nhận lợi ích của việc học chữ Hán, nhưng phân vân một điều là chương trình học của các em hiện nay đã quá nặng và không nên dạy thêm môn này nữa, nên chăng chỉ cần tăng thêm giải thích từ Hán Việt trong giờ giảng văn những bài thơ chữ Hán và nên tập trung cho việc đào tạo những cán bộ Hán Nôm có trình độ chuyên sâu.

Lúc sinh thời, nhà sư phạm tâm huyết Nguyễn Lân cũng đã có ý kiến đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo về vấn đề này, ông đã viết bài Nên chăng thêm môn Hán tự ở một số trường (4).Ông cho biết là không dám đề nghị dạy Hán tự ở tất cả các trường trung học vì xét tình hình lúc đó (1997) không thể có đủ thầy dạy. Và có lẽ Bộ đã có quá nhiều việc nên không ai chú ý đến đề nghị này và sau gần 10 năm tình hình cũng chẳng có biến chuyển và vấn đề học chữ Hán trong nhà trường lại một lần nữa được nhắc đến. Chúng tôi mong rằng những ai quan tâm đến vấn đề này nên cùng nhau trao đổi, nếu thực sự là cần thiết thì dù khó khăn đến đâu ta cũng sẽ tìm ra lời giải.

(1)   Tạp chí Hán Nôm số 2-2005
(2)    Tạp chí Hán Nôm số 3-2005
(3)    Văn nghệ số 28 (9/7/2005)
-Tạp chí Hán Nôm số 3-2005
(4) Nhân dân cuối tuần số 9 (2/3/1997)

Nguồn: Thông tin KH-CN Nghệ An, số 4/2005

Xem Thêm

Tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ
Hiện nay Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) có trên 500 tổ chức khoa học và công nghệ (KH &CN). Các tổ chức KH&CN trực thuộc này được thành lập và hoạt động trên cơ sở các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và nghị định của Chính phủ, điều lệ của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Tìm giải pháp chuyển đổi số toàn diện tại Liên hiệp Hội Việt Nam
Hơn 40 năm thành lập, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đang nỗ lực hiện đại hóa hoạt động trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, Liên hiệp Hội Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều hạn chế về hạ tầng công nghệ và nhận thức, đòi hỏi những bước đi chiến lược hơn trong tương lai.

Tin mới

CHỦ TỊCH VUSTA PHAN XUÂN DŨNG CHÚC MỪNG NĂM MỚI XUÂN ẤT TỴ 2025
Nhân dip Xuân Ất Tỵ 2025, TSKH Phan Xuân Dũng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã viết thu tay chúc mừng năm mới gửi tới các Hội thành viên, các tổ chức KH&CN trực thuộc; các nhà khoa học, hội viên, cán bộ, viên chức, người lao động thuộc hệ thống VUSTA. Ban biên tập Vusta.vn xin trân trọng đăng toàn bộ nội dung bức thư.
Hà Giang: Tổng kết hoạt động năm 2024 triển khai nhiệm vụ năm 2025
Ngày 16/01, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tỉnh Hà Giang đã tổ chức hội nghị Ban chấp hành (BCH) Liên hiệp hội nhằm tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025; tham dự hội nghị có đại diện Ban Dân vận Tỉnh uỷ, một số sở, ngành, hội thành viên Liên hiệp hội tỉnh.