Vai trò của sách Khoa học và Công nghệ trong phát triển tại Việt Nam
Ngày 18/11, Nhà xuất bản Tri Thức, tổ chức Hội thảo về “Vai trò của sách Khoa học và Công nghệ trong phát triển tại Việt Nam” tại TP HCM
Sách là tài sản trí tuệ của quá trình nghiên cứu khoa học
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lê Thanh Tùng – Trưởng ban TT&PBKT Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam cho biết: Cùng với hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội, thì hoạt động về tuyên truyền phổ biến kiến thức đang được nhìn nhận và đánh giá là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của phát triển khoa học và công nghệ nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội nói chung của Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam.
Hội thảo Vai trò của sách KH&CN trong phát triển tại Việt Nam, ngày 18/11 tại TP HCM |
Công tác phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ (KH&CN) được đa dạng hóa với nhiều hình thức như: biên soạn, xuất bản sách tham khảo, sách hướng dẫn, các loại báo, tạp chí, phát hành các ấn phẩm truyền thông về KHCN...
Tuy nhiên, hiện nay ngành xuất bản nói chung đang gặp nhiều khó khăn thách thức như: Nhu cầu về văn hóa đọc của xã hội ngày càng cao và đa dạng; sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa các nhà xuất bản, giữa xuất bản sách với các phương tiện truyền thông khác... Và một thực tế không thể phủ nhận là sách in không còn giữ vị thế độc tôn như những năm trước. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sự ra đời của ebook (sách điện tử), nhất là các thiết bị, phần mềm hỗ trợ đọc, trao đổi, mua bán sách trực tuyến đã tạo ra một cuộc cách mạng thật sự trong giới xuất bản.
Ông Lê Thanh Tùng – Trưởng ban TT&PBKT Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam phát biểu khai mạc buổi lễ |
“Do đó, nhiệm vụ xuất bản sách KH&CN hiện nay cần thích ứng với cơ chế thị trường và có bước phát triển đáng kể trong đổi mới, nghiên cứu bổ sung thêm mục xuất bản sách điện tử; chất lượng sách cả về nội dung và hình thức. Đồng thời, việc tương tác với truyền thông trong công tác phát hành là quan trọng.
Ban lãnh đạo LHH luôn mong muốn tạo điều kiện cho NXB Tri Thức tổ chức các hội thảo, các hoạt động giúp cho việc phổ biến kiến thức KH&CN cũng như công tác phát hành của NXB Tri Thức được tốt hơn trong thời gian tới”- Ông Lê Thanh Tùng nhấn mạnh.
GS.TS Nguyễn Văn Phước – Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT TPHCM phát biểu tại hội thảo |
Chủ tịch HĐQT Alpha Books nói về tầm quan trọng của sách khoa học, công nghệ: “chúng ta coi khoa học, công nghệ là nền tảng, trụ cột, thì tri thức khoa học phải được quan tâm phát triển hơn nữa”. Sách khoa học kỹ thuật có loại mang tính chất phổ biến kiến thức đại cương, đại chúng, và những sách phục vụ nghiên cứu, sách chuyên khảo, chuyên sâu. Đây là nguồn tri thức quan trọng trong nâng cao trình độ nhà khoa học, năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia.
Hàng chục đầu sách KH&CN được NXB Tri Thức giới thiệu, trưng bày tại hội thảo |
LHH TP HCM sẽ tiếp tục nghiên cứu đổi mới và phát huy vai trò, tăng cường hỗ trợ công tác in ấn và xuất bản sách KH&CN, cũng như quảng bá trên các kênh khác nhau, phản ánh kịp thời hoạt động KH&CN thực tiễn đang diễn ra trên địa bàn thành phố để các thông tin khoa học đến gần hơn với người đọc. LHH KHKT Việt Nam cần thành lập Hội đồng sách, để xác định định hướng phát triển kinh tế xã hội trong tương lại. Sau đó mới phổ biến triển khai có hệ thống.
Việt Nam cần đẩy mạnh văn hoá khoa học, văn hoá đọc để phát triển
Nhận thức được tầm quan trọng của sách KH&CN, nhưng làm thế nào để không chỉ những người làm công tác nghiên cứu khoa học mới “yêu” sách KH&CN mà phải trở thành văn hoá đọc sách KH&CN?
Bà Phạm Thị Bích Hồng – Giám đốc NXB Tri Thức cho rằng, xuất bản sách trong lĩnh vực KH&CN là nhiệm vụ, mục tiêu chính của Nhà xuất bản Tri thức |
Dịch giả Nguyễn Xuân Xanh cho rằng, Việt Nam cần một văn hoá khoa học, một văn hoá đọc sách. Bởi hiện nay văn hóa khoa học hiện chưa phát triển mạnh. “Có một số sách hay, nhưng chưa phải là một xu hướng, một định hướng. Chưa có nhà sách nào ở TP bán sách khoa học nước ngoài. Mọi người qua Thái Lan, Singapore sẽ thấy khác. Họ có những nhà sách ngoại văn lớn, với rất nhiều sách vật lý, và các ngành khoa học tự nhiên, khác hàng vô ra nườm nượp...”- ông Xanh cho biết.
Cần mở rộng tầm nhìn ra thế giới bắt đầu từ những cuốn sách KH&CN của các nước |
“Nếu khoa học, giáo dục đại học là định mệnh của các quốc gia, thì sách vở, tư liệu khoa học là phần không thể thiếu. Chúng ta cần một cuộc dịch thuật vĩ đại như châu Âu Trung cổ từng làm từ di sản khoa học Hy lạp sang tiếng La tinh, để hồi sinh và phát triển giáo dục đại học; cũng như cuộc dịch thuật của giới Lan học Nhật Bản để hiểu biết sự phát triển khoa học của châu Âu.... Cần nhanh chóng thay đổi và xây dựng văn hóa khoa học và văn hóa đọc cho quốc gia” – ông Xanh nói.
Cùng chia sẻ về định hướng phát triển sách KH&CN tại Việt Nam, bà Phạm Thị Bích Hồng – Giám đốc NXB Tri Thức cho biết, xuất bản sách trong lĩnh vực khoa học và công nghệ là nhiệm vụ, là mục tiêu chính của Nhà xuất bản Tri thức.
Khách mời và các Dịch giả chụp hình lưu niệm tại hội thảo |
Trong hành trình mang tri thức đến gần hơn với bạn đọc, NXB Tri Thức đã phát triển Tủ sách Tinh hoa tri thức thế giới. Tủ sách gồm khoảng 500 cuốn, giới thiệu những tri thức và giá trị văn hóa phổ quát của nhân loại một cách có chọn lọc và phù hợp đến với bạn đọc Việt Nam, thông qua việc dịch thuật và xuất bản các tác phẩm kinh điển trong kho tàng tri thức và văn hóa cực kỳ đồ sộ của thế giới như: Bàn về tự do của J.S.Mill; Thế giới như tôi thấy của A.Einstein; Tâm lý học đám đông của Gustave Le Bon; Nền dân trị Mỹ của Alexis de Tocqueville; Khảo luận thứ hai về chính quyền của John Locke; Dân chủ và giáo dục và Cách ta nghĩ của J.Dewey...
Cũng tại hội thảo, nhiều ý kiến đóng góp của các dịch giả về phong trào đọc sách, đón nhận sách nói chung, sách KH&CN nói riêng của văn hoá đọc nhiều quốc gia trên thế giới.