Vài dòng về nhà toán học Henri Cartan (1904-2008)
Ông là nhà toán học Pháp nổi danh, cựu giáo sư đại học Paris và Ecole normale supérieure rue d’Ulm, và là người đồng sáng lập ra nhóm Bourbaki (1935) với các nhà toán học Claude Chevalley, Jean Coulomb, Jean Delsarte, Jean Dieudonné, Charles Ehresmann, René de Possel, Szolem Mandelbrojt, André Weil. Ông là chuyên gia về hàm giải tích nhiều biến phức, tôpô đại số, đại số đồng điều. Ông có nhiều học trò là những nhà toán học nổi tiếng như các giáo sư JP.Serre (huy chương Fields 1954 và giải Abel 2003), René Thom (huy chương Fields 1958), vv. và “xêmina Cartan” (khoảng từ 1948 đến 1964) ở Ecole normale supérieure được coi là một đóng góp rất quan trọng cho nền toán học. Đã có nhiều nhà toán học nói và viết về những công trình của ông. Tôi không thuộc ngành chuyên môn của ông, nên không thể “múa rìu qua mắt thợ”.
José Luis Massera |
Nếu tôi viết những dòng này về ông, là vì lý do khác. Ông là một trong những nhà khoa học bền bỉ ủng hộ cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc của Việt Nam , và đấu tranh cho hòa bình sớm trở lại trên đất nước này trong thời gian chiến tranh Việt-Mỹ.
Riêng tôi có hai kỷ niệm liên quan đến ông.
Một lần (với thời gian trôi qua, tôi không nhớ chắc thời điểm, có lẽ vào năm 1973 gì đó), ông Cartan gọi điện mời tôi đến gặp ông ở nhà riêng của ông ở boulevard Jourdan, Paris quận 14, “có việc”. Tôi tới gặp, mới rõ là ông nhờ tôi nhắn cho ông Lê Văn Thiêm rằng Hội Toán học Việt Nam nên làm đơn xin gia nhập Liên hiệp Toán học quốc tế (IMU, International Mathematical Union). Ông giải thích: vì ông là chủ tịch IMU khóa 67-70, nên ông đương nhiên là Phó chủ tịch Hiệp hội này khóa tiếp theo, và sắp hết nhiệm kỳ. Ông đang phụ trách nên có ảnh hưởng, có thể giúp thực hiện việc Hội Toán học Việt Nam gia nhập IMU. Ông còn ân cần căn dặn là đừng lo không có tiền đóng hội phí, cứ gia nhập rồi sẽ liệu sau. Tôi chuyển lời đó cho ông Thiêm và sự việc sau đó diễn ra cũng có kết quả. Vào dịp đó ông Cartan cũng kể với tôi là khi ông Thiêm còn đang soạn luận án dưới sự hướng dẫn của ông G.Valiron (cũng là người hướng dẫn luận án ông Laurent Schwartz, tuy ông Thiêm có một thời theo học ở Thụy Sỹ nơi nhà toán học R.Nevanlinna), ông Valiron ở gác trên, ông Cartan ở gác dưới cùng địa chỉ, ông Thiêm hay lại, nên gặp luôn.
Việc thứ nhì mà tôi muốn kể là tháng 12/1975, vợ chồng tôi được mời dự Hội nghị Liên-Mỹ về giảng dạy toán học (Conferencia Interamericana sobre Educacion Matematica) ở Caracas( Venezuela ). Trước khi trở về Pháp, mấy nhà toán học Nam Mỹ nhờ vợ chồng tôi cầm về Paris một bức thư khẩn thiết kêu gọi các nhà toán học Pháp can thiệp để cứu nhà toán học tiến bộ José Luis Massera nước Uruguay, đang bị chính quyền nước này bắt giam với nguy cơ bị tử hình. Tôi cầm bức thư đó về chuyển cho nhà toán học Jean-Pierre Kahane. Với sự can thiệp của Ủy Ban Toán học (Comité des mathématiciens), một tổ chức mà ông Cartan thành lập mấy năm trước đó cùng với các nhà toán học Pháp Laurent Schwartz và Mỹ Lipman Bers, ..., và với sự hỗ trợ của nhiều nhà khoa học thế giới, rốt cục ông Massera được giải thoát.
Lê Văn Thiêm |
Nhưng có điều mà tôi có thể khẳng định được, là ông Henri Cartan là người tiến bộ và hào hiệp; danh vọng không làm ông quên việc giúp đỡ người khác. Viết mấy dòng ngắn ngủi này tưởng niệm ông, tôi không có ý “thấy sang bắt quàng làm họ”, tôi chỉ muốn bày tỏ cái ý: dù trong thời đại thị trường hóa mà ý tưởng cá nhân làm giàu đang được coi là siêu việt, vẫn còn có những người Việt Nam không quên công ơn những người đã giúp nước mình trong những ngày gian khổ.