Vài chi tiết thú vị về Bác Hồ qua một cuốn sách
Bức hoạ vẽ một người Âu béo phị nằm dài trên một chiếc xe kéo do một người Việt Nam gầy gò kéo. Bức hoạ ghi lời người Âu ngồi trên xe. “Chạy nhanh lên. Hãy chứng tỏ lòng trung thành vì Thượng đế…”
Điều thú vị là khi gặp lại Bác năm 1946, khi Bác với tư cách là thượng khách của Chính phủ Pháp, qua dự hội nghị Fontainebleau, danh hoạ Picasso đã kể lại cảm tưởng của ông đối với bức hoạ của Hồ Chủ tịch. Ông Vũ Đình Huỳnh, thư ký riêng của Bác có mặt trong cuộc gặp gỡ Hồ Chí Minh – Picisso đã thuật lại lời của danh hoạ Picasso như sau:
“Chỉ mấy nét vẽ này ta đã thấy một tư tưởng lớn, một tâm hồn lớn tàng ẩn bên trong. Nếu như anh tiếp tục con đường hội hoạ thì cũng có thể là một danh hoạ. Nhưng hôm nay anh Nguyễn đã là Chủ tịch Hồ Chí Minh, tác giả tập tranh đi hàng đầu trong cuộc đấu tranh cho độc lập tự do của một dân tộc.”
Lời bình của Picasso tương xứng với lời bình của giáo sư William J. Duiker khi đánh giá cuộc đời của Hồ Chủ tịch: trong cuốn sách Anh ngữ vừa mới xuất bản: “ Hochiminh, a life”.
“Không những ông Hồ là người sáng lập Đảng và sau này là Chủ tịch nước, ông còn là chiến lược gia chủ yếu, và là biểu trưng của đất nước tạo ra cảm hứng mạnh mẽ nhất. Ông là một nhà tổ chức tài ba, đồng thời còn là một nhà chiến lược khôn ngoan và một người lãnh đạo hấp dẫn. Con người Hồ Chí Minh, một nửa là Lê-nin, một nửa là Gandhi, và là sự kết hợp năng động của cả hai. Cuộc giải phóng dân tộc Việt Nam là một sự kiện tất yếu không thể tránh, siêu việt lên trên số phận của những con người cá biệt, nhưng nếu không có ông Hồ thì sự kiện đó sẽ có một cục diện rất khác, những hậu quả rất khác… Ông kết hợp được trong bản thân ông hai trong những lực lượng trung tâm của lịch sử Việt Nam hiện đại: Hoài bão có được độc lập dân tộc và hoài bão có được công bằng xã hội - kinh tế. Vì rằng hai lực lượng đó vượt ngoài bờ cõi của quốc gia ông, cho nên ông Hồ có khả năng truyền đạt thông điệp của ông đến khắp các dân tộc thuộc địa trên thế giới, và đáp ứng yêu cầu của họ về một cuộc sống danh dự và tự do, thoát khỏi ách áp bức của chủ nghĩa đế quốc. Bất kể lời phán xét cuối cùng như thế nào đối với di sản của ông để lại cho dân tộc của mình, Hồ Chí Minh vẫn có vị trí trên tượng đài của các vị anh hùng cách mạng đã chiến đấu ngoan cường cho những người cùng khổ trên thế giới, giúp họ nói lên được tiếng nói đích thực của họ”.
Vì sao tôi theo chủ nghĩa Mác? (lời giải thích của Bác Hồ)
Cuốn sách “ Hochiminh, alife” còn đưa ra một chi tiết, ở trang 572, khi Bác trả lời một câu hỏi của Charles Fenn, nhân viên Cục Tình Báo Trung ương Mỹ vào năm 1945 trong những ngày đầu cuộc cách mạng tháng Tám thành công:
“Trước hết ông phải hiểu rằng giành được độc lập từ một cường quốc lớn như Pháp là một nhiệm vụ rất nặng nền, nó chỉ có thể thành công với một sự hỗ trợ nào đó từ bên ngoài, không nhất thiết là bằng vũ khí, mà còn trong các lĩnh vực như là lời khuyên, các cuộc giao tiếp. Trên thực tế, người ta không thể giành được độc lập bằng cách ném bom, v.v… Đó là lỗi lầm mà các nhà cách mạng trước đây thường mắc phải, người ta phải giành độc lập qua các khâu tổ chức, tuyên truyền, huấn luyện và kỷ luật. Người ta cũng cần một loạt những niềm tin, một Phúc âm (a Gospel), một sự phân tích thực tiễn, ông có thể nói một Kinh thánh (a Bible). Chủ nghĩa Mác-Lênin cho tôi tất cả những bộ phận đó”.
Kèm theo là bức thư bằng Anh ngữ Bác Hồ gửi cho Charles Fenn khi ông này đang ở miền Nam Trung Hoa. Bức thư cho biết Bác Hồ vốn có nhiều thiện cảm với nước Mỹ và có ý tưởng kêu gọi Mỹ ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam .
Sau đây là toàn văn bức thư Bác Hồ gửi cho hai ông Bernard và Fenn, nhân viên Cục Tình báo Trung ương Mỹ dưới quyền của tướng Chenault:
“Hai ông Bernard và Fenn thân mến.
Tôi rất cảm ơn các ông đã săn sóc những người của chúng tôi (2). Tôi mong là họ sẽ học được những chuyên môn cần thiết cho cuộc đấu tranh chung của chúng ta chống bọn Nhật Bản.
Tôi hy vọng các ông sẽ sớm đến thăm chúng tôi ở đây, tại căn cứ địa của chúng tôi. Nó sẽ được mở rộng. Cho phép tôi gửi lời kính trọng đến tướng Chenault.
Những lời chúc tốt nhất từ người bạn chân thành.
Mùng 5 tháng 5”
Cuối bức thư trên có đoạn ngắn không viết tay mà đánh máy. Đoạn ấy như sau:
“Ông Fenn thân mến,
Tôi rất cảm ơn ông nhiều về tình bạn tích cực của ông. Tôi sẽ cố gắng cử một người đến gặp ông. Nhờ chuyển lời chào của tôi đến các bạn của chúng ta. Tôi gửi ông lời chúc tụng thân mến nhất và Hồ Chí Minh mãi mãi là người bạn chân thành của ông”.
Chúng ta chú ý là Bác Hồ có một chữ ký vắn tắt khác với chữ ký sau này thường thấy của Bác, ghĩ rõ cả họ tên Hồ Chí Minh.
_________________
1) William J. Duiker là giáo sư môn Đông Á học tại trường Đại học Bang Pensylvania. Ông vốn là một quan chức ngoại giao từng công tác nhiều năm tại Việt Nam trước năm 1975. Ông là một chuyên gia về lịch sử Việt Nam hiện đại và Trung Hoa. Để viết cuốn sách “ Hochiminh, a life” ông đã ra công thu thập tư liệu hơn 30 năm và đi lại Việt Nam nhiều lần sau năm 1975.
2) Trong thư, Bác Hồ sử dụng từ Anh ngữ “our boys” để chỉ các cán bộ Việt Nam gửi cho Cục Tình báo Trung ương Mỹ huấn luyện về các môn như thu phát tin tức qua điện đài, nhảy dù, sử dụng vũ khí mới v.v… Như các ông Phan Lôi, Lê Giản, Trần Hiệu v.v…
Nguồn: Xưa và Nay, số 102, tháng 10/2001