Vaccine khống chế ‘đại dịch’ trong ngành chăn nuôi
Cụm công trình đã vinh dự được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2005.
Những thành công ban đầu
PGS, TS. Lê Văn Tạo - Phó Viện trưởng Viện Thú y Quốc gia - thành viên nhóm nghiên cứu cho biết: Cụm công trình được tiến hành nghiên cứu từ những năm kháng chiến chống Mỹ, khi đất nước còn rất nhiều khó khăn về điện lực, vật tư, kỹ thuật, hóa chất, kinh phí... Trong những năm tháng ấy, đàn lợn mắc nhiều loại bệnh gây tổn thất lớn như: đóng dấu lợn, tụ huyết trùng lợn, dịch tiêu chảy lợn con là nguồn cung cấp cơ bản cho chăn nuôi lợn. Lúc đó, tuy đã có những vaccine chế tạo theo quy trình và phương pháp của nước ngoài nhưng hiệu lực không cao nên việc nghiên cứu chế tạo ra vaccine phòng bệnh là một trong những yêu cầu cấp thiết.
Công việc nghiên cứu vaccine được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất vào năm 1970-1980. Từ một vaccine đông khô có tên ABP của Liên Xô (trước đây), nhóm tác giả đã nghiên cứu, cải tiến môi trường và sản xuất thử nghiệm. Sau khi sản xuất thành công, nhóm đã nghiên cứu và lấy tên là vaccine đóng dấu lợn 2 (ĐD2), vaccine này thay thế cho vaccine trước đây của Trung Quốc là vaccine đóng dấu lợn 1.
Qua nghiên cứu thử nghiệm trong phòng thí nghiệm và ngoài thực địa thấy vaccine ĐD2 có khả năng miễn dịch kháng tất cả các serotyp Erysipelas insidiosa gây bệnh với hiệu quả cao đồng thời chống được nhiều chứng gây bệnh và liều tiêm ngắn hơn. Trong khi đó vaccine đóng dấu lợn keo phèn trước đây chỉ có khả năng miễn dịch kháng serotyp B và A. Vì vậy, nó được ứng dụng rất nhanh và trở thành loại vaccine chủ đạo trong việc chống được bệnh đóng dấu lợn tại Việt Nam (VR2).
Theo PGS, TS. Lê Văn Tạo: Từ khi có vaccine VR2, từ năm 1985 trở lại đây bệnh đóng dấu lợn tại Việt Nam dần được khống chế. Tuy nhiên, việc xuất hiện bệnh tụ huyết trùng lợn lại gây rất nhiều thiệt hại vật chất, nhóm đã bàn bạc và nghiên cứu cần phải có một loại vaccine mới có hiệu lực cao hơn.
Từ một chủng tụ huyết trùng lợn cường độc phân lập được một ổ dịch ở Hà Tây, nhóm tác giả đã cấy vào môi trường, cho tác động tia tử ngoại, liên tiếp cấy chuyển qua môi trường nghèo dinh dưỡng buộc vi khuẩn đó phải phát sinh đột biến, sau đó chọn lọc được một chủng tụ huyết trùng lợn vô độc đối với lợn, có khả năng miễn dịch tốt được đặt tên là AvPS3. Với loại vaccine mới này, chỉ cần tiêm một mũi mà có thể phòng được hai bệnh tụ huyết trùng và đóng dấu lợn, cho nên đã giảm được công tiêm, công vận chuyển và giảm được lần bắt gia súc tiêm.
Sau khi đã phòng được bệnh tụ huyết trùng và đóng dấu lợn có hiệu quả, lại xuất hiện một loại bệnh mới ở lợn, gây thiệt hại rất lớn đặc biệt khi lợn đang phát triển đó là bệnh tiêu chảy ở lợn con. Nhóm tác giả đã nghiên cứu tìm ra nguyên nhân những vi khuẩn chủ yếu gây tiêu chảy, bệnh này có thể làm chết lợn con khoảng 40-50%. Khi xác định được vi khuẩn gây bệnh, nhóm đã chọn ra được một tập đoàn vi khuẩn. Từ các vi khuẩn tìm ra được tại các ổ bệnh dịch tại Việt Nam, nhóm đã tìm ra những chủng động lực cao để sản xuất ra một loại vaccine mới là Salsco có thể phòng được cả ba loại vi khuẩn gây bệnh rất an toàn và có hiệu quả đối với lợn.
Giá trị khoa học - công nghệ và giá trị thực tiễn
Mặc dù trong điều kiện làm việc trước đây còn nhiều khó khăn, mỗi công trình nghiên cứu từ 10-20 năm mới thành công nhưng với nỗ lực không ngừng của nhóm tác giả, cụm công trình đã có nhiều sáng kiến cải tiến chế tạo, sử dụng các vaccine phù hợp với các serotyp vi khuẩn gây bệnh ở Việt Nam.
Nhất là trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước, vừa có hiệu quả phòng trừ bệnh cao vừa hạ được giá thành vaccine, tiết kiệm được nguyên liệu sản xuất như việc tạo được chủng vô độc dùng để chế vaccine như chủng AvPS-3, kết hợp với chủng vaccine đóng dấu đã chế ra vaccine kép tụ dấu 2-3 phòng hai bệnh tụ huyết trùng và đóng dấu lợn.
Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, cụm công trình đã cung cấp nhiều tư liệu khoa học mới phục vụ giảng dạy ở các trường đại học và trung học chuyên nghiệp, đồng thời mang lại những phương hướng mới để phục vụ công tác nghiên cứu và chỉ đạo phòng chống dịch lợn trong cả nước.
Có thể nói, cụm công trình ra đời đã mang lại lợi ích kinh tế cao. Người chăn nuôi có điều kiện, yên tâm sản xuất nhất là đối với những vùng đang phát triển chăn nuôi trang trại, cũng như những vùng vươn lên làm giàu, xóa đói giảm nghèo. Điều đặc biệt là đã xóa bỏ việc sản xuất vaccine cũ, vừa tốn kém, vừa hiệu quả không cao, đã tạo được phương pháp sản xuất phù hợp với điều kiện Việt Nam, giảm dược tỉ lệ dịch bệnh và giảm nhân lực vận chuyển, tiêm phòng.
Nguồn: nhandan.com.vn 13/10/2005