Ước mơ nguồn nước sạch
2 năm theo đuổi đề tài, Đinh Đức Anh và Nguyễn Thị Thanh Huyền - cô bạn học cùng lớp Môi trường 48, Khoa Đất môi trường đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn, mà "nan giải nhất" vẫn là vấn đề kinh phí. Phải tự trang trải toàn bộ kinh phí trong quá trình thực hiện đề tài, chỉ là một trong rất nhiều "chướng ngại vật" mà thầy trò họ đã vượt qua. Nhắc lại kỷ niệm về những ngày cần mẫn xoay xở với các thử nghiệm, phân tích, Đức Anh và Thanh Huyền nhớ mãi tấm lòng và sự động viên của người thầy hướng dẫn, Tiến sĩ Trịnh Quang Huy, bởi : "Nhờ có thầy khích lệ và hỗ trợ cả tinh thần và vật chất, chúng em mới có thêm quyết tâm để đi đến cùng!".
Quá trình khảo sát, Đức Anh và Thanh Huyền nhận thấy ở nông thôn Việt Nam, người dân chủ yếu sử dụng nước mưa và nước ngầm làm nước sinh hoạt hàng ngày. Nguy cơ ô nhiễm nguồn nước rất cao do việc sử dụng phân hoá học bừa bãi, chăn nuôi chưa hợp vệ sinh và rác thải chưa được xử lý. Các chất ô nhiễm trong nước ngầm có nhiều loại khác nhau, nhưng đặc biệt là nồng độ amôni (NH 4+) khá lớn. Việc sử dụng nước bị nhiễm bẩn NH 4+hay nitrat gây nguy hiểm cho sức khỏe, trong đó trẻ em là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất. Trẻ em uống nước bị nhiễm bẩn NH 4+hay nitrat có thể dẫn tới tử vong nếu nồng độ cao và nồng độ thấp cũng gây ra bệnh xanh xao, chậm phát triển.
Khi bắt tay vào nghiên cứu đề tài, Đức Anh và Thanh Huyền đã tìm đọc rất nhiều các tài liệu nước ngoài. Trên thế giới có nhiều phương pháp xử lí NH 4+trong nước ngầm đã được thử nghiệm và đưa vào áp dụng như: Nitrat hóa bằng phương pháp sinh học; Nitrat hóa kết hợp với khử nitrat; phương pháp điện hóa... Tuy nhiên việc áp dụng các kỹ thuật này khó có thể thực hiện trong điều kiện thực tế của nông thôn Việt Nam. Thật may, trong quá trình tìm kiếm, hai sinh viên đã đọc được tài liệu nghiên cứu cho thấy hiệu quả loại bỏ NH 4+bằng zeolite là rất khả quan. May mắn hơn nữa zeolite lại là khoáng dễ dàng được tổng hợp từ các vật liệu có sẵn ở Việt Nam như: khoáng sét, khoáng benzonite, bụi cacbon… Hai sinh viên đã quyết định lựa chọn phương pháp xác định hấp phụ NH 4+bằng zeolite với mục đích xây dựng mô hình cột hấp phụ bằng zeolite đơn giản, có thể ứng dụng dễ dàng vào việc xử lý nước nhiễm bẩn NH 4+ở từng hộ gia đình ở mọi vùng nông thôn Việt Nam. Qua thời gian thí nghiệm kiểm tra khả năng loại bỏ NH 4+của zeolite cho thấy hiệu suất loại bỏ cao, thời gian loại bỏ diễn ra khá nhanh (10 phút). Từ những kết quả thu được ở thí nghiệm, Đức Anh và Thanh Huyền đã xây dựng mô hình cột hấp nhồi zeolite với độ nén của khoáng cao, diện tích tiếp xúc của khoáng với dung dịch là cao nhất. Kết quả thu được rất khả quan, mẫu nước thu được cuối cùng có hàm lượng NH 4+còn lại là 2.25mg/l thấp hơn tiêu chuẩn cho nước sinh hoạt Việt Nam (3mg/l - TCVN 5502:2003). Tính khả thi của mô hình này còn ở chỗ cột hấp phụ này thiết kế đơn giản, khoáng dễ kiếm.
Đề tài "Nghiên cứu ứng dụng cột hấp phụ bằng Zeolite vào xử lý nước sinh hoạt nông thôn bị nhiễm bẩn amôni" sẽ được báo cáo tại Hội nghị khoa học sinh viên do trường tổ chức tháng 10 tới. Đức Anh cho biết: đây chỉ là kết quả bước đầu, thời gian tới em và Huyền sẽ tiếp tục nghiên cứu để giảm giá thành cột hấp phụ.
Từ một "khát vọng xanh" của tuổi trẻ, niềm hy vọng của nhiều gia đình nông thôn Việt Nam được dùng nước sạch đang ở rất gần.
Nguồn: monre.gov.vn, 27/09/2006