Tuổi 70 và đôi chân vạn dặm
Một ngày nào đó trên đường, bắt gặp một người “bụi đời” ăn mặc tuềnh toàng đạp xe xẹp lốp, một “lão nông” ngồi núp lùm giữa đồng hoang, một “tiều phu” cô độc chốn rừng sâu..., có thể bạn đã hân hạnh gặp được một nhà khoa học lừng danh đấy!
70 tuổi, cả một đời dâng hiến cho khoa học. Tôi hỏi ông điều gì đã tạo nên những thành tựu khoa học trong suốt cuộc đời ông, ông chỉ cười: “Đôi chân tôi đây!”. Trong cái lạnh giá của rừng Lạc Dương, Lâm Đồng, tôi đã cảm nhận được lời ông nói...
44 năm băng rừng, vượt núi
Cánh rừng già trong núi Bi Đúp, Lạc Dương đã quá quen thuộc với GS-TS Phan Kế Lộc. Cách nay bảy năm, ông và nhóm nghiên cứu đã sống như những người dân tộc thiểu số nhiều tháng liền. Trước chuyến đi lần này, ông cố gắng liên lạc với anh tài xế chiếc xe tải đã chở mình bảy năm trước.
Ông mừng vì tìm lại được người quen cũ, hỏi thăm những thanh niên người dân tộc thiểu số đã đi cùng ông chuyến lên rừng lần trước. Đêm trước khi khoác balô vào rừng, ông và GS-TS người Nga Leonid Averyanov đã ép plastic cẩn thận tấm hình họ đã chụp để tìm tới nơi tặng các anh này.
Chân ông bước thật dẻo dai, nhiều khi mất hút khỏi tầm mắt những người thanh niên đang đi phía sau, cho thấy cái tuổi 70 của ông chỉ là “hình thức” so với sức lực và lòng nhiệt huyết vẫn đang cuồn cuộn trong ông. Chuyến đi lần này kéo dài một tháng. Ông và các đồng sự đưa ra kế hoạch nghiên cứu sâu về 3/6 loài thông bị đe dọa tuyệt chủng.
70 tuổi, ông đã có 44 năm đi thực tế hầu khắp các vùng rừng núi của đất nước, thu thập hơn 10.000 số hiệu mẫu thực vật và cùng đồng nghiệp thu thập hơn 8.000 số hiệu mẫu thực vật khác, góp nguồn tư liệu quan trọng vào việc xây dựng các bộ sưu tập mẫu thực vật khô của VN, là cơ sở để phát hiện một số loài thực vật mới cho thế giới.
Tháng 11-2005, ông là đồng tác giả của sáu quyển sách khoa học, điển hình là quyển thứ 30 của bộ sách Hệ thực vật Campuchia, Lào và Việt Nam do ông cộng tác với GS-TS J.E.Vidal (người Pháp) phân loại thông của ba nước Đông Dương. Ông cũng là đồng tác giả của quyển sách Lan hài Việt Nam (bản tiếng Anh và tiếng Việt), một trong các tác giả của quyển Thông Việt Nam nghiên cứu hiện trạng bảo tồn thông bằng tiếng Anh và tiếng Việt; là tác giả, đồng tác giả của hơn 170 bài báo khoa học về thực vật VN.
Kể cả sau khi nghỉ hưu (tháng 10-2000), ông cũng dành toàn bộ thời gian và sức lực cộng tác với các nhà khoa học trong và ngoài nước thuộc Chương trình bảo tồn thực vật VN - chương trình hợp tác giữa Viện Sinh thái và tài nguyên sinh vật (VN) và Vườn thực vật Missouri (Mỹ) - để nghiên cứu tính đa dạng của hệ thực vật và thảm thực vật VN, nhất là các thực vật bị đe dọa tuyệt chủng, nhằm mục đích sử dụng bền vững chúng, trong đó có việc bảo tồn.
Chuyện tình khoa học
“Không đi một tuần là lại thấy chồn chân lắm, như người nghiện ấy!”- GS-TS Phan Kế Lộc cười khi ngồi nghỉ chân giữa rừng già Bi Đúp. Ông kể: “Do yêu thiên nhiên nên tôi mắc nợ gia đình nhiều lắm.
Ngay khi đứa con đầu lòng ra đời cũng là ngày tôi vác balô đi điền dã dài ngày ở Trung Quốc. Thời ấy bệnh viện phụ sản không cho nam giới vào, hàng rào hở cái lỗ be bé, bà ngoại giơ đứa con lên cho tôi coi, vì xa quá nên chẳng nhìn thấy mặt con như thế nào, chỉ kịp vẫy tay chào con và vác balô lên đường”.
PGS-TS Nguyễn Thị Kỳ, vợ ông, cũng là một nhà sinh học, chuyên ngành động vật ký sinh trùng. Cũng như ông, bà cũng bôn ba điền dã khắp núi rừng đất nước, rồi Liên Xô, Cuba… nên chia sẻ được nhiều về những chuyến ông phải đi công tác xa. Nhưng bà thật sự bị “sốc” khi hai vợ chồng đã qui ước hễ bà đi là ông ở nhà chăm sóc con, vậy mà bà vừa vác balô lên vai là ông cũng tay xách nách mang, thậm chí “tha” cả đứa con trai út vào rừng hay vào các khu bảo tồn để nghiên cứu!
Trong ngôi nhà ở phố Lê Duẩn (Hà Nội), TS Nguyễn Thị Kỳ kể về “mối tình khoa học” của họ bằng một chồng thư tình cao ngất mà bà cất giữ mấy chục năm nay. Ngày ấy, cô sinh viên Trường đại học Tổng hợp Hà Nội và thầy giáo trẻ Phan Kế Lộc yêu nhau, rồi cưới nhau, thời gian của họ “ở nhà tính ngày, đi xa tính tháng”.
Chồng đi, vợ cũng đi. Có khi hai người đi hai đoàn, tình cờ gặp nhau tại một điểm. Gần nhau được một buổi hai người lại chia hai ngả, biền biệt vài tháng trời. Những năm tháng chiến tranh, khi ông đi học ở Liên Xô, bà lại tay xách nách mang đứa con mới vài tuổi vừa đi sơ tán vừa đi thực địa.
Gần 70 tuổi, bà Kỳ nói rằng bà tự hào có một người chồng đam mê khoa học đến thế, nhưng không tránh khỏi nỗi cô đơn khi đến nay tuổi xế bóng rồi mà ông vẫn thường xuyên xa khuất đâu đó giữa núi rừng bạt ngàn...
“Ông thừa hưởng tính tình nho nhã, ham học của gia đình”- PGS-TS Nguyễn Thị Kỳ, vợ ông, nói. Sinh ra ở vùng đất “địa linh nhân kiệt” Đường Lâm, Sơn Tây (Hà Tây), GS-TS Phan Kế Lộc là con trai của cụ Phan Kế Toại (khâm sai đại thần thời chính phủ Trần Trọng Kim trước Cách mạng Tháng Tám 1945, phó thủ tướng Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa sau Cách mạng Tháng Tám). Mẹ ông là bà Nguyễn Thị Mão, giáo sư Trường nữ học Đồng Khánh (Hà Nội), một trong số rất ít phụ nữ trí thức thời kỳ ấy. Tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm Hà Nội cuối năm 1956, ông trở thành giảng viên Trường đại học Tổng hợp Hà Nội, sau đó đi nghiên cứu sinh tại Học viện Kỹ thuật lâm nghiệp Leningrad (Liên Xô cũ) và bảo vệ thành công luận án tiến sĩ sinh học vào năm 1969. |
Nguồn: hanoimoi.com.vn 16/6/2006