Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 15/01/2015 22:06 (GMT+7)

Tư tưởng Hồ Chí Minh về trí thức

Mục đích sử dụng trí thức của các ông là nhằm vào việc cải tạo thế giới, giải phóng xã hội, giải phóng con người. V.I.Lênin định nghĩa về trí thức: “Trí thức bao hàm không những chỉ các nhà trước tác mà thôi, mà còn bao hàm tất cả mọi người có học thức, các đại biểu của những nghề tự do nói chung, các đại biểu của những người lao động trí óc”(1). Quan niệm của V.I.Lênin về người trí thức cũng rất rõ ràng: “Người trí thức đấu tranh, tuyệt nhiên không phải là bằng cách dùng thực lực theo lối này hay lối khác, mà là bằng cách dùng những lý lẽ. Vũ khí của họ chính là sự hiểu biết của cá nhân họ, những năng lực của cá nhân họ, lòng tin của cá nhân họ. Họ chỉ nhờ vào những phẩm chất cá nhân của họ, cho nên mới có thể đóng được một vai trò nào đó. Vì vậy, đối với họ, quyền được hoàn toàn tự do biểu hiện bản chất cá nhân của mình là điều kiện đầu tiên để công tác được kết quả. Với tư cách là một bộ phận trong toàn thể, họ chỉ phục tùng toàn thể đó một cách miễn cưỡng, phục tùng vì bắt buộc, chứ không phải tự nguyện. Họ chỉ thừa nhận kỷ luật là cần thiết đối với quần chúng, chứ không phải đối với những nhân vật được lựa chọn. Dĩ nhiên là họ xếp mình vào những hàng ngũ những nhân vật được lựa chọn...”(2). Hồ Chí Minh định nghĩa về trí thức: “Trí thức là hiểu biết. Trong thế giới chỉ có hai thứ hiểu biết: một là hiểu biết sự tranh đấu sinh sản. Khoa học tự nhiên do đó mà ra. Hai là hiểu biết tranh đấu dân tộc và tranh đấu xã hội. Khoa học xã hội do đó mà ra. Ngoài hai cái đó, không có trí thức nào khác. Một người học xong đại học, có thể gọi là trí thức. Song y không biết cày ruộng, không biết làm công, không biết đánh giặc, không biết làm nhiều việc khác. Nói tóm lại: công việc thực tế, y không biết gì cả. Thế là y chỉ có trí thức một nửa. Trí thức của y là trí thức học sách, chưa phải trí thức hoàn toàn. Y muốn thành một người trí thức hoàn toàn, thì phải biết đem trí thức đó áp dụng vào thực tế”(3).

Qua nghiên cứu những trước tác của Hồ Chí Minh, có thể rút ra một số vấn đề trong tư tưởng Hồ Chí Minh về trí thức: 1) Trí thức phải biết lấy việc phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc làm mục tiêu phấn đấu suốt đời của mình. 2) Trí thức phải đồng hành với dân tộc, cùng dân tộc tiến hành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước phồn vinh. 3) Trí thức phải có tinh thần yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội. 4) Trí thức phải biết đem kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ và sự hiểu biết của mình áp dụng vào thực tế. Xa rời thực tế, trí thức trở thành lý luận suông. 5) Trí thức phải gắn bó mật thiết với công nhân, nông dân và nhân dân lao động và cũng phải học hỏi họ ở tinh thần cần cù lao động. 6) Trí thức phải tiếp tục học hỏi, không ngừng chiếm lấy đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật. 7) Trí thức phải có cuộc sống lành mạnh, có đạo đức và tư cách. 8) Đảng và Chính phủ phải biết tôn vinh trí thức và trí thức phải biết tôn trọng Đảng, Chính phủ, tôn trọng nhân dân lao động. 9) Đảng và Chính phủ phải có chính sách trọng dụng trí thức, trọng dụng nhân tài, hiền tài. 10) Đảng và Chính phủ phải thật sự dân chủ đối với trí thức.

Nhận thức của Đảng ta về trí thức 

Nghiên cứu về quá trình nhận thức của Đảng ta về vấn đề trí thức, thấy rằng, nó phát triển từ thấp đến cao, từ chưa đúng đến đúng. Giai đoạn mới thành lập, Đảng đánh giá thấp đội ngũ trí thức nước nhà. Năm 1930, Xứ uỷ Trung kỳ ra chỉ thị về vấn đề thanh Đảng. Chỉ thị viết: “Thanh trừ trí phú địa hào, đào tận gốc, trốc tận rễ”(4). Trước một nhận định không đúng đắn về trí thức của một đảng bộ lớn, Trung ương Đảng đã kịp thời uốn nắn nhận thức tư tưởng lệch lạc này, cho rằng, “như vậy thì gốc đâu mà đào, xem rễ ở đâu mà trốc, quả là một ý nghĩ mơ hồ, một chỉ thị võ đoán và là một lối hành động quàng xiên chí tướng”(5). Trung ương yêu cầu Xứ uỷ Trung Kỳ phải có nhận thức đúng đắn đối với trí thức nhằm lôi kéo họ về với cách mạng và không được đẩy họ về phía khác. Tuy nhiên, nhận thức của Đảng lúc này đối với trí thức vẫn còn nặng nề, chưa thấy sáng, vẫn xếp trí thức tiểu tư sản vào hàng ngũ của giai cấp tư sản dân tộc cải lương, chưa đặt họ vào hàng ngũ công – nông(6). Ngay trong Luận cương chánh trị của Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 10-1930) cũng xếp trí thức, tiểu tư sản, học sinh “là bọn xu hướng quốc gia chủ nghĩa”(7). “Trong thời kỳ chống đế quốc chủ nghĩa thì bọn ấy cũng hăng hái tham gia, nhưng chỉ lúc đầu mà thôi; chúng nó không thể binh vực quyền lợi cho dân cày được, vì chúng nó phần nhiều có dây dướng với bọn địa chủ”(8). Tới trước năm 1951, Đảng ta vẫn xếp hai động lực chính (hai lực lượng chính) của cách mạng Đông Dương là thợ thuyền và nông dân. Đến Đại hội II của Đảng (tháng 2-1951), vấn đề trí thức mới dần dần được gỡ ra, khi nhận định rằng, trước kia, tầng lớp này bị đế quốc, phong kiến và tư sản trong nước áp bức, bóc lột. Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã mang lại cho họ ít nhiều quyền lợi. Vì vậy, nói chung, họ có tinh thần cách mạng và là bạn đồng minh có thể tin cậy của giai cấp công nhân. “Nhưng họ không thể lãnh đạo cách mạng, vì do địa vị xã hội của họ, họ có thái độ không được dứt khoát”(9). Đại hội II xác định: “Động lực của cách mạng Việt Nam là nhân dân. Kẻ lãnh đạo cách mạng Việt Nam là giai cấp công nhân”(10). Đối với tầng lớp trí thức, văn kiện Đại hội II xác nhận họ “là bạn đồng minh có thể tin cậy”(11). Các Đại hội III (năm 1960), Đại hội IV (năm 1976), Đại hội V (năm 1982) của Đảng đều có sự đánh giá đúng đắn về đội ngũ trí thức nước nhà. Đến Đại hội VI của Đảng (năm 1986), Đại hội định ra đường lối đổi mới toàn diện, thì vấn đề trí thức được thực sự mở ra với những điểm sáng mới. Trước hết là Đảng cần đổi mới tư duy trong vấn đề nhìn nhận trí thức. “Phá bỏ những quan niệm hẹp hòi, không thấy tầng lớp trí thức ngày nay là những người lao động xã hội chủ nghĩa, được Đảng giáo dục và lãnh đạo, ngày càng gắn bó chặt chẽ với công nhân và nông dân”(12). “Điều quan trọng nhất là bảo đảm quyền tự do sáng tạo. Đánh giá đúng năng lực và tạo điều kiện cho năng lực được sử dụng đúng và phát triển”(13). Sự nhìn nhận với tư cách là Đảng lãnh đạo, vấn đề trí thức Việt Nam đã được thể hiện với tư duy mới trong “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” (Cương lĩnh năm 1991): “Đào tạo, bồi dưỡng và phát huy mọi tiềm năng của đội ngũ trí thức để tạo nguồn lực trí tuệ và nhân tài cho đất nước”(14). Hội nghị Trung ương 7, Khoá X, ra nghị quyết chuyên đề về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Nghị quyết đã đánh giá về sự phát triển và đóng góp của đội ngũ trí thức; công tác xây dựng đội ngũ trí thức; chỉ ra những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, qua đó, xác định mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ mới. Vấn đề thực hiện chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức được nêu khá đầy đủ trong nghị quyết, bảo đảm để trí thức phát triển bằng chính phẩm chất, tài năng và những kết quả cống hiến của mình cho đất nước.

Nhận thức là một quá trình. Mục đích của nhận thức là đạt tới chân lý khách quan. Nhận thức của Đảng về vấn đề trí thức Việt Nam cũng là một quá trình. Lúc đầu, có phần chủ quan, phiến diện, nhưng càng về sau, qua những đóng góp thực tiễn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, sự nhìn nhận về đội ngũ trí thức nước nhà có phần khách quan hơn. Tuy nhiên, sau khi có Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7, Khoá X về trí thức, nhiều nhà trí thức cho rằng, muốn tạo sự chuyển biến thật sự đối với vấn đề trí thức Việt Nam, các nhà lãnh đạo cần phải đổi mới mạnh hơn nữa tư duy đối với trí thức, tư duy ấy phải thể hiện bằng những giải pháp đối nhân xử thế đối với những người thật sự có khả năng quản lý và khả năng nghiên cứu khoa học, những người có phẩm chất công tác; không định kiến, mặc cảm đối với họ, thật sự dân chủ đối với họ; quan hệ tốt với họ; tỉnh táo trong việc dùng người, cảnh giác đối với bọn cơ hội, tài giả, đức giả nhưng lại đòi leo lên ghế lãnh đạo, ghế quản lý. Cái mà người trí thức sợ nhất là người lãnh đạo, người quản lý định kiến đối với họ. Mọi sự định kiến đều dẫn đến thui chột tài năng và sự mặc cảm rất nặng nề. Mong rằng, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7, Khoá X về vấn đề trí thức sẽ ló ra tia hy vọng đối với trí thức nước nhà bằng việc giải quyết những chính sách đối với họ.      

 Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước

Về phía Đảng và Nhà nước:

- Cần quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh đối với trí thức: “Kiến thiết cần có nhân tài. Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm, nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển càng thêm nhiều”(15). Triệt để vận dụng tư tưởng đó vào trong công tác nhân sự dùng người một cách có hiệu quả nhất và đúng đắn nhất.

- Có chế độ, chính sách (gọi chung là cơ chế) đối với trí thức là các nhà khoa học tự nhiên và khoa học xã hội thật sự có năng lực quản lý và năng lực chuyên môn, trong đó có chính sách dùng người, chính sách tiền lương, chính sách khen thưởng, chính sách nhà cửa, chính sách đối với những phát minh của họ.

 Xây dựng đội ngũ những người làm công tác cấp uỷ, những người làm công tác tổ chức nhân sự thật giỏi, bảo đảm phải nhìn cho ra được những con người tài thật, đức thật và những con người tài giả, đức giả để gạt bỏ và trọng dụng. Phương thức “gạt bỏ và trọng dụng” là phương thức cần được áp dụng trong công tác nhân sự đối với trí thức. Hiện nay, chúng ta đang ở trong tình trạng dùng người lẫn lộn, giả, thật, thật, giả không phân miêng, dẫn đến nghĩa tình không trọn vẹn, ảnh hưởng rất nhiều đến tâm tư, tình cảm của trí thức.

- Phải có những giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của đất nước. Đây là vấn đề vừa nổi cộm, vừa nóng bỏng nhất hiện nay. Người nước ngoài họ kêu ca rất nhiều về chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam. Đào tạo và giáo dục là vấn đề liên quan trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực. Theo “Báo cáo giám sát toàn cầu về giáo dục cho mọi người – mục tiêu có đạt được vào năm 2015 hay không?” đã được UNESCO công bố ngày 3-11-2008, thì Việt Nam đang đứng thứ 79/129 nước được điều tra về chỉ số phát triển giáo dục (EDI). Dư luận báo chí nước ngoài cho rằng, hệ thống giáo dục của Việt Nam dường như không có khả năng cung cấp những lao động có tay nghề cao cần thiết cho một nền kinh tế hiện đại. “Diễn đàn kinh tế thế giới” xếp giáo dục đại học của Việt Nam đứng thứ 93/131 nước được điều tra, sau cả Bôlivia, Xrilanca, thua xa Thái Lan (44/131), Philíppin (66/131), Inđônêxia (65/131).

Xây dựng chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam theo các tiêu chí nào cần phải bàn luận cho thấu đáo. Vấn đề ở chỗ phải xác định rõ nguồn nhân lực là tài nguyên quý giá nhất của Việt Nam trong công cuộc đổi mới và phát triển đất nước. Một đất nước rất ít tài nguyên thiên nhiên như ở Việt Nam, cần phải lấy nguồn nhân lực làm tài nguyên thay thế, gọi là tài nguyên nguồn nhân lực, hoặc tài nguyên con người. Phải có nhiều trường đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nghề nghiệp và chuyên môn với chất lượng cao. Phải nâng cao hơn nữa đến chất lượng con người và chất lượng cuộc sống. Phải không ngừng nâng cao trình độ học vấn của cả nước lên, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.

Về phía người trí thức:

- Phải thường xuyên rèn luyện nhân cách của người trí thức trong chế độ xã hội chủ nghĩa, có tinh thần yêu nước theo quan điểm mới, gắn bó với dân tộc, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân trong mọi hoàn cảnh. Phải xác định quan điểm mình đã làm gì cho dân tộc, cho đất nước trước khi đưa ra đòi hỏi đất nước, dân tộc phải cho mình những gì. Ra sức học tập tấm gương của các bậc trí thức đàn anh thật sự tài năng, tiêu biểu như Tôn Thất Tùng, Trần Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu, Lương Đình Của, Trần Đức Thảo, Vũ Đình Cự, Nguyễn Văn Hiệu, Phạm Minh Hạc,...

- Đi sâu nghiên cứu khoa học, phấn đấu quyết liệt để có những công trình sáng giá, phục vụ thiết thực đời sống xã hội và phát triển kinh tế; nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn, thành thục công việc; nâng cao trình độ lãnh đạo, trình độ quản lý, biết vạch phương hướng, chiến lược, dự báo khoa học để giúp cho Đảng và Nhà nước đề ra được những chính sách tốt. 

PGS.TS  Đức Vượng
Viện trưởng Viện Khoa học nghiên cứu nhân tài, nhân lực;
 Chủ nhiệm Đề tài cấp nhà nước: "Xây dựng đội ngũ trí thức Việt Nam giai đoạn 2011-2020"

Chú thích:  1 V.I.Lênin: Toàn tập, tiếng Việt, Nxb Tiến Bộ, Mátxcva, 1978, tập 8, tr. 372.
2 V.I.Lênin: Toàn tập, tiếng Việt, Nxb Tiến Bộ, Mátxcva, 1978, tập 8, tr. 373.
3 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 235.
4 Dẫn theo “Chỉ thị của Trung ương gửi Xứ uỷ Trung Kỳ về vấn đề thanh Đảng Trung kỳ”, đề ngày 20-5-1931, xem “Văn kiện Đảng: Toàn tập”, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, tr. 157.
5 Văn kiện Đảng: Toàn tập, tập 3, đã dẫn, tr. 157.
6 Xem “Văn kiện Đảng: Toàn tập”, tập 3, đã dẫn, tr. 385..
7 Văn kiện Đảng: Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr. 96.
8 Văn kiện Đảng: Toàn tập, tập 2, đã dẫn, tr. 96.
9 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001,  tr. 78.
10 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, sách đã dẫn, tr. 81.
11 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, sách đã dẫn, tr. 81.
12 Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1987, tr. 115.
13 Văn kiện Đại hội VI của Đảng, đã dẫn, tr. 115.
14 “Cưng lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1991, tr. 15.
15 Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 99.

Xem Thêm

Kỷ niệm 5 năm thành lập báo điện tử Tầm nhìn
Tại Lễ kỷ niệm thay mặt Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, ông Phan Tùng Mậu đã chúc mừng tập thể cán bộ, phóng viên báo điện tử Tầm Nhìn nhân dịp 5 năm thành lập, ghi nhận những thành quả mà...
Chiến thắng vĩ đại mùa Xuân 1975
Chiến dịch lịch sử  Lúc này, tập đoàn phòng ngự lớn của địch ở Sài Gòn - Gia Định tuy số lượng còn đông nhưng đã bị chia cắt, cô lập cao độ và sức chiến đấu đã giảm sút hẳn. 
Vẻ đẹp đặc hiệu của nhà trí thức
Vàng là đẹp, là quý giá. Nhưng không phải vàng nào cũng giá trị như nhau? Có vàng thật, có vàng giả, có cả mạ vàng như thật. Học thức và bằng cấp cũng vậy. Có học thật, có học giả, có bằng thật, có bằng giả như thật. Đại...
Mùa Xuân là Tết trồng cây
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã đề xướng, tổ chức, xây dựng Tết trồng cây trở thành một phong trào quần chúng rộng rãi, sôi nổi và bền vững. Tháng 11-1959, nhân đợt thi đua lấy thành tích mừng Đảng ta 30 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh...
Bác Hồ vui Tết đón Xuân trong lòng Tổ quốc
Tết Mậu Tý (1948) Tết mừng chiến thắng Thu Đông năm Đinh Hợi phá tan cuộc tấn công của giặc Pháp lên Việt Bắc và phấn khởi mừng thọ Bác Hồ 58 tuổi: Chính phủ họp nghe Bộ Quốc phòng báo cáo chiến thắng giặc Pháp tại An toàn khu.
Đại tướng Lê Trọng Tấn - Những ngày đầu cách mạng
Giữa năm 1942, tôi đến một cơ sở cách mạng ở làng Lương Yên. Đang nói chuyện thì một quân nhân trong bộ đồ nhà binh Pháp ở phía cổng đi vào. Tôi lánh sang buồng bên cạnh nói chuyện với các em đang học. Khi người ấy về, chủ...

Tin mới

84 giải pháp đoạt giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 17
Tối 23/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (Vifotec) đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Ðoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức tổng kết và trao giải thưởng Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ 17 (2022-2023).
Bí thư TW Đảng Nguyễn Trọng Nghĩa: Hoạt động của LHHVN ngày càng đổi mới, ổn định và phát triển
Phát biểu tại buổi làm việc với LHHVN, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã khẳng định những thành quả, nỗ lực của LHHVN trên chặng đường hơn 40 năm hình thành và phát triển, đồng thời nhận định hoạt động của LHHVN có nhiều đổi mới, ổn định, phát triển hơn.