Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 10/08/2005 14:15 (GMT+7)

Từ sự cố đền Cẩu Nhi: 4 bài học trong ứng xử với di tích!

“Sự tích đền Cẩu Nhi vốn chỉ là một sự bịa đặt hoang đường. Nay, xây đền thờ Chó để lễ bái đã là việc làm quái dị”-  PGS-TS Đỗ Văn Ninh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Sử học, đã viết như vậy trong  thư ngỏ gửi lên Chủ tịch UBND thành phố.

Từ việc tranh cãi của những nhà khoa học, chúng tôi đã đi tìm hiểu về dự án phục hồi, tôn tạo đền Cẩu Nhi và nhận thấy có nhiều bất cập.

Thứ nhất: Đã bỏ qua thực trạng di tích

Nếu tôi không bí mật đổ bộ lên hòn đảo đầy sóng gió này, mà chỉ căn cứ trên báo cáo kỹ thuật dự án thì tôi đã nhầm lẫn tai hại… Người ta nói rằng Cẩu Nhi là “đảo hoang giữa lòng thành phố”. Nhìn vào cả chục bức ảnh kèm theo dự án, chụp dưới nhiều góc độ, người ta chỉ thấy cảnh hòn đảo hoang tàn, rậm rạp, chứ tuyệt nhiên không thấy có công trình kiến trúc gì. Vì thế ai cũng nghĩ, phải xây lên một cái gì ở đó chứ!

Tuy nhiên, khi lên đảo, tôi rất ngạc nhiên, thấy đằng sau vẻ hoang lạnh, đảo Cẩu Nhi rất đẹp, một vẻ đẹp không thể nhìn thấy nếu chỉ đứng trên đường Thanh Niên. Xung quanh đảo, cây cối mọc um tùm, xòa bóng xuống mặt nước, những bụi tre, trúc rậm rạp, hàng cau vươn thẳng,  những cây đa, cây si cổ thụ, rễ và dây leo phủ kín mặt đất.

Bước lên đảo, tôi thấy ở giữa là một kiến trúc tám mái, bằng gỗ rất hợp với cảnh quan, rộng gần 30m 2. Bên dưới có bia đá, đặt trên bệ lát đá, có đường đá bao quanh. Hóa ra cách đây 17 năm, ngày 4-6-1988, chính Sở VH-TT Hà Nội đã bỏ tiền ra dựng nhà bia này rồi…bỏ đấy! Xin nói rõ rằng, nhà bia này được làm bằng gỗ tốt, vẫn còn nguyên vẹn,  nhưng do quá lâu không có người thăm nom, nên khuôn viên đầy rác rưởi.

Cứ theo báo cáo kỹ thuật dự án thì nhà bia này sẽ bị hạ giải! Một sự lãng phí không cần thiết?

Đảo Cẩu Nhi & 20 năm sóng gió

Khoảng đầu những năm 80 của TK trước, do những biến động lịch sử, những người đến lễ bái ở đảo Cẩu Nhi thưa dần - hòn đảo trở nên hoang tàn, ngôi miếu đổ nát. Đó là thời kỳ bọn ăn cắp, bọn lang thang, bọn trái gái hay dẫn nhau ra đấy làm những chuyện bậy bạ. Chúng lội ra bằng cách nào chẳng ai biết, có khi là để cây chuối ở bờ rồi bơi ra.

Chính quyền quận Ba Đình không quản được. Bấy giờ có ông Trần Ngọ là lãnh đạo quận, mới nghĩ ra cách cho bắc một cây cầu, lập ra một cái quán ăn ở trên đảo, lấy tên là Restaurant Cổ Ngư. Thế nên mới xảy ra vụ án đền Cẩu Nhi, tội danh “phá hoại di tích liên quan đến việc dời đô về Thăng Long” là một trong những tội khiến ông Ngọ mất chức. Sau vụ này, quán ăn bị dẹp, nhà bia được dựng lên và để trong hoang tàn cho đến tận bây giờ.

Tại hội thảo vừa qua, bàn về việc khôi phục di tích này, khi GS Đỗ Văn Ninh đòi lật lại vấn đề không có đền Cổ Nhi; có người hỏi lại: Nếu đúng như thế, thì chẳng nhẽ vụ án đền Cổ Nhi lại phải xem xét lại hay sao? Ông Ninh trả lời đại ý, đây thuần túy là vấn đề khoa học, vả lại ông Ngọ cũng chết rồi, án oan hay không cũng không quan trọng bằng sự thật lịch sử.

Thứ 2: Diện tích quá nhỏ, xây lên sẽ phá hỏng cảnh quan?

Với diện tích quá nhỏ, liệu chúng ta có thể xây được đền Cẩu Nhi ở trên này không? Xin nói rằng hòn đảo hình tròn, tuy diện tích gần 500m 2, nhưng bán kính chỉ có 12m! Vậy nếu phá nhà bia hiện tại, để xây lên thành một ngôi đền nguy nga hoành tráng như trong dự án thì nó sẽ choán hết diện tích của đảo, chắc chắn sẽ phải phá trụi toàn bộ cây xanh hiện có.

Theo dự án, sẽ xây lên: Cổng Nghi môn và cầu đá bắc sang, xây tứ trụ nguy nga, làm sân và đền thờ chính, dựng Am hóa mã, đặt lư hương, xây nhà thủ từ, nhà vệ sinh, lại làm đường dạo bao quanh, tường rào hoa thấp, và hệ thống đèn trang trí xung quanh đảo…

Riêng đền thờ chính đã gần 90m 2(gấp 3 nhà bia hiện nay), vậy người ta sẽ đứng đâu để lễ bái, tham quan đây? Dự án cũng vẽ ra thảm cỏ và dăm sáu cây cổ thụ trên đảo nhưng với mật độ như vậy thì có lẽ chỉ trồng được những cây cọ như ở KS Daewoo!

TP Hà Nội đang có chủ trương giải tỏa bớt các hàng quán dọc đường Thanh Niên để trả lại không gian cây xanh - mặt nước cho Hồ Tây và hồ Trúc Bạch, vì thế rất cần phải thận trọng khi “bê tông hóa” hòn đảo này.

Thứ 3: Dự án thiếu thuyết phục ngay từ cách đặt vấn đề!

Tôi không hiểu nổi tại sao người ta lại “đồng ý về chủ trương” dự án có tên là “Phục hồi, tôn tạo đền Cẩu Nhi”, trong khi lại hoàn toàn bỏ qua tất cả những tư liệu liên quan đến cái được gọi là đền Cẩu Nhi trước đây.

Nhìn vào bản vẽ thiết kế, tôi thấy có nghi môn, tứ trụ, và ngôi đền chính cửa gỗ, bề thế, trong khi đó bức ảnh duy nhất chụp toàn cảnh ngôi đền này năm 1912 kích cỡ 13x18 (đề là đền Cá, hay Thủy Trung Tiên tự) thì “đó là một ngôi miếu nhỏ, lụp xụp giống như bất kỳ ngôi miếu ở góc đường, góc chợ nào” (lời GS Đỗ Văn Ninh). Trên thực địa không có bất kỳ một vết tích nào của ngôi đền Cá, trừ một viên ngói nhãn hiệu Satic (ngói thời Pháp).

Thứ 4: Đừng “vẽ rắn thêm chân”

Quan điểm của GS Đỗ Văn Ninh trong thư ngỏ gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội sẽ có phần hơi “cực đoan” khi phủ nhận hoàn toàn những lý do phục hồi (chính xác là xây mới) đền Cẩu Nhi chỉ vì tích Chó con, theo nghiên cứu của ông là…bịa đặt!

Theo một số sách thì trước khi Lý Công Uẩn lên làm vua, có con chó ở châu Cổ Pháp đẻ ra con sắc trắng có đốm đen thành hai chữ “Thiên tử” ứng với việc này (vì vua Lý tuổi Tuất). Mẹ con Cẩu Mẫu - Cẩu Nhi đã vượt sông Hồng về Thăng Long, thành thần, được Vua cho dựng miếu thờ (sau miếu chuyển ra đảo hồ Trúc Bạch).

Nhưng, nói như nhân vật trong Hồng Lâu Mộng, thì trên đời trừ Tứ Thư, Ngũ Kinh, phần nhiều là bịa đặt cả. Đình, đền, đạo quán nước ta còn thờ cả hổ, báo, rắn, thằng chết trôi, thằng ăn mày, hót cứt (thần Mũi Sung) nữa là…Nhưng, như tôi đã nói đây không phải là chuyện dân muốn phục hồi tôn tạo đền thờ Cẩu Nhi (có sẵn từ trước) mà là Thành phố đầu tư xây một cái đền mới. Vậy thì nếu không thờ một vị có công với nước với dân mà lại thờ thần “Chó con” thì… không thật sáng suốt lắm.  

Ở đây, chúng tôi miễn bàn những chuyện càng bàn…càng rối đó. Chúng tôi chỉ muốn cảnh báo một hiện tượng đáng ngại là xu hướng “vẽ rắn thêm chân” trong các di tích, đang diễn ra ở khắp mọi nơi.

Từ chuyện bịa đặt phi lịch sử những sự tích cho các hình thù trên các vách hang động (từ vịnh Hạ Long, đến Phong Nha - Kẻ Bàng), đến chuyện nhận lầm quốc tổ (tưởng thần Hà Bá được thờ là Lạc Long Quân) ở đền Sông và đền Thọ Vực ở Đan Phượng, Hà Tây. Sắp tới cụ đồ - nhà nghiên cứu Lê Xuân Quang sẽ “tiết lộ” trên báo chí một vài sự tích thần “bịa đặt” khác…

Trong khi chuyện Cẩu Nhi còn tranh cãi thì nay, những người lập dự án tu bổ di tích lại vội gán cho ngôi đền với những lời lẽ hào hùng sau: “Đền Cẩu Nhi gắn liền với truyền thuyết ra đời của Kinh thành Thăng Long… có một ý nghĩa lịch sử văn hóa lớn, trong lúc chúng ta đang hướng tới kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long/Di tích là một ngôi đền ra đời sớm nhất ở kinh thành Thăng Long/Di tích là niềm tự hào, là nơi tĩnh dưỡng tâm hồn, sinh hoạt tín ngưỡng truyền thống của dân tộc…”.

Vì thế mà chuyện đền Cẩu Nhi trở nên phản cảm đối với một số nhà nghiên cứu và dư luận chăng?

Chúng tôi cho rằng, tới đây chỉcần cải tạo đảo hồ Trúc Bạch trên cơ sở giữ nguyên hiện trạng với nhà bia, xây thêm cầu dẫn vào để làm thành một nơi sinh hoạt văn hóa cho người dân, bởi đảo Trúc Bạch đã bị lãng quên quá lâurồi.
                                                   Nguồn: tuoitre.com.vn

Xem Thêm

Yên Bái: Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà
Ngày 29/10, tại huyện Lục Yên, Liên hiệp hội tỉnh phối hợp với Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, UBND huyện Lục Yên và Hội Khoa học Lịch sử tỉnh đã tổ chức hội thảo Nghiên cứu di tích Lịch sử - Văn hóa vùng hồ Thác Bà phục vụ nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị và phát triển khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà.
Hướng tới một ngành chăn nuôi an toàn, hiệu quả và bền vững
Ngày 18/10 tại thành phố Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Chăn nuôi Việt Nam và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề: Áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và tuần hoàn nâng cao hiệu quả sản suất trong chăn nuôi trang trại nhỏ và hộ gia đình.

Tin mới

Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Vutsa thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP
Mới đây, Vusta tổ chức Hội thảo Góp ý Dự thảo Kế hoạch của Liên hiệp Hội Việt Nam thực hiện Nghị quyết 107-NQ/CP ngày 09/7/2024 nhằm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW về công tác trí thức. Ông Phạm Ngọc Linh – Phó chủ tịch Vusta và ông Nguyễn Quyết Chiến – Tổng Thư ký Vusta chủ trì hội thảo.
Phú Yên: Giải thể 03 tổ chức Hội thành viên
UBND tỉnh Phú Yên vừa ban hành các Quyết định số 1471, 1472, 1473/ QĐ-UBND về việc giải thể 03 tổ chức Hội là thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú gồm: Hội Kế hoạch hoá gia đình, Hội Phụ sản và Hội Y tế thôn bản. Đây là các Hội không còn hoạt động liên tục mười hai tháng theo quy định.
Cụm thi đua số 3 tổng kết công tác năm 2024
Ngày 22/11, tại thị xã Sa Pa, Hội nghị tổng kết công tác thi đua, khen thưởng năm 2024, triển khai phương hướng nghiệm vụ năm 2025 của Cụm thi đua số 3 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lào Cai làm cụm trưởng đã được tổ chức.
Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.