Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 07/02/2022 11:34 (GMT+7)

TSKH Nghiêm Vũ Khải: Quốc hội Việt Nam luôn là Quốc hội của dân, do dân, vì dân

Theo Tiến sĩ khoa học Nghiêm Vũ Khải- nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, XIV (TSKH Nghiêm Vũ Khải), trải qua 76 năm hình thành và phát triển, việc Quốc hội tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất cho thấy sự thích ứng một cách kịp thời, giải quyết được những yêu cầu cấp bách của đất nước trong những tình thế cam go

tm-img-alt

Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khoá XV, tháng 01/2022

Ngày 06/01/1946, cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam đã được tổ chức thắng lợi, đánh dấu sự ra đời của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Trải qua 76 năm hình thành và phát triển, Quốc hội đã ngày càng khẳng định vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Trong những năm qua, Quốc hội luôn không ngừng phấn đấu thực hiện tốt chức năng cơ bản về công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Những hoạt động của Quốc hội đã và đang thực sự bám sát, gắn thực tiễn với sự phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trong đời sống của Nhân dân, được nhân dân trong nước cũng như cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Theo thường lệ, Quốc hội tổ chức 2 kỳ họp/năm. Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu của năm 2022, Quốc hội khóa XV đã có sự thay đổi lớn với việc tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu Nhà Quốc hội kết nối cùng với 62 điểm cầu của các Đoàn Đại biểu các tỉnh, thành phố. Đây được coi là sự đột phá trong hoạt động của Quốc hội khóa XV. Đặc biệt, kỳ họp diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường với việc thông qua 01 luật và 04 Nghị quyết với sự thống nhất cao đã cho thấy quyết tâm của Quốc hội trong việc đưa cuộc sống vào pháp luật cũng như đưa pháp luật vào cuộc sống.  

Kỳ họp diễn ra khi đất nước đang nỗ lực thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Kỷ niệm 76 năm  Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam (06/01/1946 - 06/01/2022). Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng đã nhấn mạnh, với thành công của Kỳ họp thứ nhất và Kỳ họp thứ Hai, những kết quả đạt được tại Kỳ họp bất thường lần này sẽ góp phần rất quan trọng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội không chỉ trong năm 2022 mà cho cả nhiệm kỳ 5 năm 2021 – 2025.

Nhìn lại 76 năm Quốc hội hình thành và phát triển cũng như sự đột phá trong Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Tiến sĩ khoa học Nghiêm Vũ Khải- nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, đại biểu Quốc hội  khóa XI, XII, XIV, cho rằng, việc Quốc hội tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ nhất đã thể hiện quyết tâm trong việc triển khai những nhiệm vụ chiến lược mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra trong bất kỳ tình huống nào. Điều này cũng cho thấy, Quốc hội đã thích ứng một cách kịp thời, đáp ứng được yêu cầu cấp bách của quá trình phát triển đất nước.

tm-img-alt

TSKH.Nghiêm Vũ Khải - nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ,nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, XIV.

Phóng viên: Quốc hội đã trải qua 76 năm hình thành và phát triển. Xin ông có thể điểm lại những hoạt động nổi bật của Quốc hội trong những năm qua đối với sự phát triển của đất nước?

TSKH.Nghiêm Vũ Khải: Ngay sau khi Cách mạng Tháng 8 thành công và sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ngày 02/9/1945), thì ngày 06/01/1946, nước ta đã tiến hành cuộc Tổng tuyển cử  bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên trong lịch sử của đất nước. Tiếp theo đó, Quốc hội đã ban hành bản Hiến pháp đầu tiên với tên gọi Hiến pháp năm 1946. Có thể nói, lịch sử 76 năm hình thành và phát triển của Quốc hội là một pho lịch sử bằng vàng. Trải qua các cuộc kháng chiến gian lao và anh dũng của dân tộc, rồi đến giai đoạn đổi mới đất nước, hội nhập khu vực và quốc tế của đất nước trong tiến trình của thế kỷ XX – đầu thế kỷ 21, Quốc hội Việt Nam luôn xứng đáng là Quốc hội của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Quốc hội luônthực hiện tốt 3 chức năng cơ bản là lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước.

Một trong những thành tựu nổi bật của lịch sử 76 năm qua là Quốc hội luôn đổi mới, nghiên cứu, tiếp thu những kinh nghiệm quý báu của Quốc hội các nước trên thế giới và áp dụng sáng tạo vào điều kiện Việt Nam. Quốc hội Việt Nam đã trở thành thành viên tích cực của các tổ chức nghị viện khu vực và thế giới như Liên minh Nghị viện Thế giới, Diễn đàn Nghị sĩ Châu Á-Thái Bình Dương, Liên nghị viện các nước Đông Nam Á...

Phóng viên: Những hoạt động của Quốc hội đã và đang thực sự bám sát, gắn thực tiễn với sự phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trong đời sống của Nhân dân, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Ông nhìn nhận về quan điểm trên như thế nào?

TSKH.Nghiêm Vũ Khải : Tôi nhất trí cao với nhận định nêu trên.

Đối với chức năng lập pháp, trong những năm qua, Quốc hội đã hoàn thiện và xây dựng hệ thống pháp luật rất đồ sộ về quy mô, phạm vi điều chỉnh cũng như đối tượng áp dụng nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập và xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra 3 nhiệm vụ đột phá gồm: hoàn thiện thể chế; đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển cơ sở hạ tầng. Trong đó, việc hoàn thiện thể chế là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu; nền tảng của thể chế là Hiến pháp và pháp luật. Nếu như trước đây, công tác xây dựng pháp luật được triển khai theo hình thức luật hóa các chủ trương, đường lối của Đảng thì hiện nay, Quốc hội thực sự tham gia vào quá trình xây dựng đường lối, chính sách. Từ thực tế cuộc sống, Quốc hội đã chủ động và tích cực tham gia vào quá trình đề ra những chủ trương, chính sách mới; đồng thời thể ché hóa bằng pháp luật.

Song song với công tác xây dựng pháp luật, vai trò của hoạt động giám sát đóng vai trò hết sức quan trọng và là cơ sở để chúng ta xây dựng, hoạt thiện hệ thống pháp luật và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước theo yêu cầu đề ra, như Lê-nin đã từng nói: không có thanh tra, kiểm tra, giám sát thì không có quản lý. Một trong những hoạt động giám sát được quan tâm nhất là chất vấn và trả lời chất vấn. Thông qua đó, Quốc hội và Chính phủ có thể phát hiện những vấn đề bất cập, lỗ hổng pháp luật để điều chỉnh kịp thời, khơi thông chính sách, sửa đổi các quy định của pháp luật, khơi dậy tiềm năng cũng như phát huy các quyền và sự đóng góp của tổ chức, cá nhân.   

Trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội ngày càng chủ động, chuyên nghiệp hơn trong quyết định ngân sách, dự án đầu tư quan trọng quốc gia. Ví dụ trong Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất vừa qua, Quốc hội khóa XV đã thông qua một số Nghị quyết quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, như Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được dư luận xã hội hết sức quan tâm. Mặc dù Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất diễn ra trong thời gian ngắn nhưng kết quả đạt được có ý nghĩa hết sức quan trọng khi thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Phóng viên: Trong 76 năm qua, các kỳ họp của Quốc hội luôn mang một ý nghĩa và đưa ra những quyết sách lớn đối với sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên, từ ngày 04-11/01/2022, Quốc hội khóa XV đã tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã biểu quyết thông qua một số nội dung quan trọng, cấp thiết trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường. Ông nhìn nhận về sự khác biệt của Kỳ họp bất thường này với các Nghị quyết đã được thông qua so với những Kỳ họp Quốc hội đã tổ chức trước đó như thế nào?

TSKH.Nghiêm Vũ Khải: Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 76 năm, Quốc hội khóa XV tổ chức Kỳ họp bất thường. Bất thường vì trong 14 nhiệm kỳ trước, Quốc hội họp 2 lần/năm và chưa lần nào tổ chức kỳ họp bất thường. Tuy nhiên, các hoạt động của Quốc hội tại Kỳ họp bất thường này đều thực hiện theo quy trình, thủ tục do luật định. Việc Quốc hội tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất đã cho thấy Quốc hội đã thích ứng một cách kịp thời, đáp ứng được yêu cầu cấp bách của quá trình phát triển đất nước trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường. Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã đưa ra những quyết định phù hợp và như Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định: với việc tổ chức thành công Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, chúng ta có bài học quý để những kỳ họp “bất thường” trở thành hoạt động “bình thường” của Quốc hội nhằm đáp ứng kịp thời đòi hỏi cấp bách của thực tiễn. Tôi cũng như cử tri cả nước thực sự mong rằng, Quốc hội không chỉ tổ chức 2 kỳ/năm mà còn có thể họp thường xuyên hơn khi cần thiết.

Tôi xin nêu một vài suy nghĩ đối với Nghị quyết về Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 với kinh phí đầu tư lớn. Đối với những dự án mà các thành phần kinh tế khác (tư nhân, nước ngoài…) không “mặn mà” thì sử dụng nguồn lực đầu tư công là việc phải làm, cần làm để phát huy hiệu quả kinh tế tổng hợp của nền kinh tế cả nước. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Nghị quyết trên thực tế đòi hỏi phải nỗ lực gấp nhiều lần so với việc ban hành Nghị quyết. Thực tế đã cho thấy, nhiều chính sách, nghị quyết, do buông lỏng công tác tổ chức triển khai, thanh tra, giám sát đã dẫn đến những kết quả không được như mong muốn, thậm chí thất bại.

Nhân đây, tôi muốn nhắc tới một chính sách rất đúng đắn được đề ra trong Luật Khoa học và Công nghệ (KH&CN) năm 2000 và tiếp tục khẳng định tại Điều 46 của Luật Khoa học và Công nghệ 2013. Đó là, các dự án phát triển kinh tế-xã hội, dự án đầu tư từ ngân sách Nhà nước phải có mục chi cho khoa học công nghệ. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, ứng dụng KH&CN sẽ mang lại hiệu quả cao và bền vững cho các dự án đầu tư. Ngược lại, dự án đầu tư giúp nâng cao năng lực KH&CN trong những lĩnh vực liên quan. Do đó, khi triển khai Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, chúng ta phải huy động sự tham gia của đội ngũ kỹ sư, công nhân kỹ thuật lành nghề. Đồng thời qua Dự án, chúng ta phải đào tạo được đội ngũ tổng công trình sư, kỹ sư và nguồn nhân lực chất lượng cao để tiếp tục thực hiện các dự án lớn hơn, có khả năng vươn ra khu vực và thế giới. Phát triển dự án công trình giao thông không chỉ là xây dựng một con đường, mà còn phục vụ một mục tiêu rất có ý nghĩa, đó là phát triển một số vùng kinh tế, khu đô thị dọc theo tuyến giao thông quan trọng đó.

Phóng viên: Để các hoạt động của Quốc hội thực sự bám sát cuộc sống và những biến động của đất nước, theo ông trong thời gian tới, Quốc hội cần triển khai những nhiệm vụ trọng tâm nào?

TSKH.Nghiêm Vũ: Trong quá trình hoạt động của mình, vị thế và vai trò của Quốc hội ngày càng được nâng cao trong hệ thống chính trị, tạo được niềm tin trong Nhân dân. Để các hoạt động của Quốc hội thực sự bám sát cuộc sống và những biến động của đất nước, tôi cho rằng, trước tiên phải chú trọng nâng cao trình độ, tính chuyên nghiệp của các đại biểu Quốc hội. Chúng ta có những tiền đề, lợi thế rất khả quan. Đó là, gần 80% đại biểu Quốc hội khóa XV có trình độ thạc sỹ trở lên; nhiều người đã tham gia cơ quan dân cử nhiều khóa. Tuy nhiên, chúng ta phải tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể để phát huy tài đức của họ. Tăng cường năng lực của cơ quan phục vụ hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội là khâu có ý nghĩa quan trọng hàng đầu.  

Thứ hai, chúng ta phải tổng kết kinh nghiệm hoạt động của Quốc hội trong suốt 76 năm qua; đánh giá mặt được, mặt hạn chế, rút ra những bài học để mạnh dạn đổi mới, đáp ứng sự mong đợi của cử tri và đồng bào cả nước.

Thứ ba, Quốc hội cần tận dụng những cơ hội do quá trình hội nhập quốc tế mang lại để xây dựng khuôn khổ pháp lý vừa tương thích với hệ thống pháp luật quốc tế và các nước đối tác, vừa bảo đảm lợi ích quốc gia và công dân Việt Nam.

Thứ tư, xác định rõ hơn thẩm quyền, trách nhiệm và sự phân công và phối hợp giữa cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp, cũng như các cơ quan thuộc hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương; thực hiện sự kiểm soát quyền lực, kiểm tra, giám sát thường xuyên.

Thứ năm, thật sự tôn trọng và phát huy sự đóng góp trí tuệ, ý kiến của cử tri, đặc biệt là các nhân sĩ, trí thức, nhà khoa học, các cựu đại biểu Quốc hội vào hoạt động xây dựng pháp luật, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Như vậy, Quốc hội mới ngày càng hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trước cử tri, xứng đáng với danh hiệu cao quý và trách nhiệm thiêng liêng làm đại biểu của Nhân dân.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông, Nhân dịp Xuân Nhâm Dần 2022, kính chúc ông năm mới dồi dào sức khoẻ và tiếp tục có những đóng góp thiết thức cho Quốc hội nói riêng, nền khoa học nước nhà nói chung!

Xem Thêm

Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương: Khoa học phải luôn mở rộng hợp tác và học hỏi
GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, một trong những nhà khoa học hàng đầu về hàng không - vũ trụ của Việt Nam, đã có hơn nửa thế kỷ cống hiến cho ngành khoa học kỹ thuật hàng không vũ trụ. Không chỉ là người đặt nền móng cho các sản phẩm bay tiết kiệm chi phí cho Việt Nam, ông còn là người thầy tâm huyết, truyền cảm hứng và kiến thức cho nhiều thế hệ trẻ…
An Giang: Người thắp lửa sáng tạo cho học sinh tiểu học
Đam mê đặc biệt với khoa học và sáng tạo, thầy giáo Nguyễn Văn Trung đã không ngừng nỗ lực truyền cảm hứng cho học sinh tiểu học, đồng thời hướng dẫn các em đạt được những thành tích ấn tượng ở cả cấp tỉnh lẫn cấp quốc gia.
Phú Yên: Những nữ trí thức góp phần cải thiện đời sống người dân
Trong thời kỳ hội nhập, sự phát triển của khoa học và công nghệ đóng vai trò là nền tảng thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội khác phát triển. Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) nữ trí thức không chỉ thể hiện khả năng sáng tạo, nghiên cứu mà còn góp phần tạo ra những ứng dụng thực tiễn giúp cải thiện đời sống người dân và phát triển kinh tế.
Tấm gương sáng trong nghiên cứu và bảo tồn di sản lịch sử
Ông sinh năm1948 tại Phường Hồng Hà, thị Yên Bái, là nhà khoa học tâm huyết, là tấm gương sáng về lòng kiên trì, sự đam mê nhiên cứu và cống hiến hết mình cho sử học của tỉnh Yên Bái. Những đóng góp của Nguyễn Văn Quang đối với ngành sử học đã để lại những dấu ấn sâu sắc và có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn di sản lịch sử địa phương nơi có nhiều di tích lịch sử và văn hóa dân tộc vùng cao.
Trí thức tiêu biểu Nguyễn Tiến Quyết - Người chinh phục khoa học để lấy mạng sống cho con người!
Nhắc đến ông là nhắc đến chân dung của một người thầy thuốc tâm huyết, nhà khoa học nhiệt thành và một nhà giáo với tình yêu nghề đậm sâu. Có thể nói, xuyên suốt chặng đường cống hiến không ngừng nghỉ đã qua, bằng tâm sức, niềm đam mê khoa học bất tận, ông đã có những cống hiến đáng tự hào cho nền y tế nước nhà.

Tin mới

Quảng Ngãi: Tuyên truyền chủ trương của Đảng cho trí thức
Chiều ngày 19/11, Liên hiệp Hội tỉnh đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước cho đội ngũ trí thức tỉnh Quảng Ngãi với chủ đề: “Tình hình xung đột Israel-Hamas, Hezbollah; xung đột Nga-Ukraine. Tác động và xử lý của Việt Nam”.
Đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của đốt mở tại Việt Nam
Mặc dù 68% số người được khảo sát có ý thức về môi trường, 80% có ý thức về sức khỏe, nhưng vẫn thể hiện sẽ tiếp tục “đốt đồng” (đốt lộ thiên/đốt mở trong nông nghiệp), với lý do chủ yếu “vì tin có tác dụng tốt, nhanh, rẻ”. Do vậy, cần có giải pháp truyền thông phù hợp để thay đổi thói quen này.
Phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức KH&CN & LHHVN trong hoạt động của MTTQVN các cấp
Nhằm thảo luận, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh và phát huy sức mạnh trí tuệ của đội ngũ trí thức trong hệ thống LHHVN tham gia vào các hoạt động của MTTQVN, nhất là trong hoạt động TV,PB&GĐXH, LHHVN tổ chức Hội thảo Giải pháp phát huy vai trò, trách nhiệm của trí thức trong hoạt động của MTTQVN các cấp. Hội thảo được tổ chức vào chiều ngày 19/11, tại trụ sở LHHVN.
Tôn vinh và tri ân một nghề cao quý nhất
Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hằng năm là dịp để toàn xã hội tôn vinh và tri ân những người thầy, người cô đã tận tụy cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Đây không chỉ là ngày lễ ý nghĩa trong ngành giáo dục mà còn mang tính nhân văn sâu sắc, gắn kết tinh thần “tôn sư trọng đạo” - truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.
Mạng lưới cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao
Việc quy hoạch lại hệ thống cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giúp các cơ sở này nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu và khả năng thích ứng với những thay đổi của xã hội và nền kinh tế, cần tính toán nhu cầu đặc biệt quan trọng của đất nước về nguồn nhân lực chất lượng cao như kỹ sư bán dẫn, kỹ sư vận hành đường sắt tốc độ cao…
Tập huấn nâng cao kiến thức về chuyển đổi số cho hội viên tại tỉnh Lào Cai
Trong hai ngày 15 – 16/11, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Lào Cai và Trường Cao đẳng Lào Cai tổ chức Hội nghị tập huấn “Nâng cao kiến thức về chuyển đổi số” tại Tp. Lào Cai. Hội nghị đã thu hút sự tham dự của hơn 100 đại biểu, học viên là hội viên của Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Lào Cai.
Đề xuất giải pháp phát triển công nghiệp SX cây giống chất lượng phục vụ phát triển cây ăn quả khu vực miền núi phía Bắc
Ngày 12/11, Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Sơn La và Hội Giống cây trồng Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát triển công nghiệp sản xuất cây giống chất lượng phục vụ phát triển cây ăn quả khu vực miền núi phía Bắc” tại thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.