Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ sáu, 23/05/2014 20:25 (GMT+7)

“Trường Sa, Hoàng Sa là máu thịt Việt Nam”

  Cuốn sách được biên soạn công phu, tập hợp các bài viết của nhiều nhà nghiên cứu thuộc các lĩnh vực: Lịch sử, khảo cứu, đồ bản, địa lý, văn hóa… của các tác giả: TS Mai Hồng, GS, TS Lê Trọng, nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Đắc Xuân, TS Đinh Công Vĩ, nhà báo Văn Cường, nhà báo Hiệp Đức... tạo thành một hệ thống tư liệu, thư tịch phong phú, khoa học, chuẩn xác nhằm khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ xa xưa đã thuộc chủ quyền của Việt Nam, tuyệt nhiên không nằm trong vùng “tranh chấp” giữa Việt Nam và nước ngoài trên Biển Đông.

Chỉ cần đọc tên các bài trong sách: “Bản đồ Trung Quốc 1904 không có Hoàng Sa, Trường Sa” của TS Mai Hồng; “Giá trị khoa học của “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” nhà nghiên cứu lịch sử Phan Duy Kha; “Dư luận sau khi TS Mai Hồng trao tặng “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” cho Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam” của TS Đinh Công Vĩ; “Hoàng Sa và Trường Sa là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam” mãi mãi không thể cắt rời” cuả TS Đinh Công Vĩ; “Công cuộc bảo vệ biển đảo Tổ quốc của thời các Chúa Nguyễn” của nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Đắc Xuân; “Lý Sơn - đảo tiền đồn canh giữ Hoàng Sa, Trường Sa” của nhà báo Từ Khôi; “Các bản đồ, tài liệu của Trung Quốc tự nói lên Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam” của Luật gia Bùi Phúc Hải… hẳn quý đọc giả đã thấy được tính thuyết phục to lớn của tập sách chứa đựng một khối lượng tri thức khá phong phú này.

Phần “Một số ảnh tư liệu khẳng định chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa” mang đến cho người đọc một cái nhìn khái quát, sinh động mà rất rõ chủ quyền của Việt Nam đã được xác lập từ lâu đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đó là:

- Bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” do các Hoàng đế nhà Thanh (Trung Quốc) trực tiếp chỉ đạo xây dựng trong gần hai thế kỷ, được các giáo sĩ phương Tây đảm nhiệm kỹ thuật đo đạc, can vẽ, công bố năm 1904, thể hiện rõ cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam, hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa không thuộc lãnh thổ của nước họ.

- Bản đồ tỉnh Quảng Đông trong cuốn Atlas of the Chinese Empire (Trung Quốc địa đồ) xuất bản năm 1908. Phần lãnh thổ cực Nam của Trung Quốc trong bản đồ này chỉ đến đảo Hải Nam.

- “Đại Nam nhất thống toàn đồ” là bản đồ Việt Nam thời Nguyễn, triều Minh Mạng (1820-1841) đã vẽ “Hoàng Sa”, “Vạn lý Trường Sa” thuộc lãnh thổ Việt Nam, phía ngoài các đảo ven bờ miền Trung Việt Nam).

- “An Nam đại quốc họa đồ” là bản đồ Việt Nam trong cuốn Từ điển La tinh - Việt Nam của Giám mục Jean Louis Taberd, xuất bản năm 1838, khẳng định Cát Vàng (Hoàng Sa) là Paracels và nằm trong vùng biển Việt Nam.

- “Bản đồ các đài khí tượng Đông Dương” (năm 1940) chỉ rõ Đài khí tượng ở Pattle (Hoàng Sa) và Đài khí tượng ở Itu Aba (Trường Sa) là hai đài khí tượng quan trọng nhất ở Đông Dương.

- Những “Châu bản triều Nguyễn” - nguồn sử liệu có giá trị thể hiện chủ quyền từ lâu của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

- Cửu đỉnh - Báu vật thời Nguyễn khẳng định chủ quyền biển đảo.

v.v…

Căn cứ vào các nguồn sử liệu trên, GS Đinh Xuân Lâm khẳng định: “Hoàng Sa và Trường Sa là một bộ phận không tách rời của Việt Nam. Triều đình coi đấy là đất của mình và có trách nhiệm với đất của mình”; GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đánh giá: “Đây là những tư liệu đặc biệt quan trọng khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi được của đất nước ta với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa”.

Có mặt trong Lễ bàn giao Bản đồ cổ Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ của Trung Quốc (xuất bản năm 1904) cho Bảo tảng Lịch sử Quốc gia, nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định: “Bản đồ được xem là một trong những tư liệu lịch sử, cho nên việc sưu tập bản đồ là hết sức cần thiết trong công tác nghiên cứu nói chung, trong đó có những vấn đề liên quan đến chủ quyền. Chúng ta biết rằng, việc xây dựng được một tấm bản đồ chẳng hạn như Bản đồ “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” mang tính khoa học cao, do vậy cũng có tính thuyết phục rất cao”.

Sẽ là thiếu sót nếu trong bài viết này không điểm qua các bài: “Lịch sử dạy ta qua những mâm cỗ cúng, tế vong linh binh lính Hoàng Sa - Trường Sa” của PGS, TS Lê Trọng; “Những người nặng lòng với Biển Đảo quê hương” của nhà báo Văn Cường…

Trong Lời giới thiệu cho cuốn sách, GS, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu nhấn mạnh: “Cuốn sách này đã thêm một lần nữa ghi lại những khúc tráng ca về đội hùng binh giữ đảo từ đời này qua đời khác, về cuộc sống sinh động của những con người nơi đầu ngọn sóng hôm nay. Họ là những con người đang viết tiếp bài ca giữ nước của ông cha ta để Hoàng Sa, Trường Sa mãi mãi là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam”.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của cuốn sách và như một lời hứa với tổ tiên đã bao đời anh dũng quật cường và mưu lược đánh thắng giặc ngoại xâm giữ nước và xây dựng đất nước, ngày 8-11-2013, một số nhà nghiên cứu lịch sử, nhà văn, nhà báo… là những người đã góp phần hoàn thành cuốn sách, đã trân trọng dâng và hóa sách tại đền Ngọc Sơn - Hà Nội, nơi thờ Đức Thánh Trần, vị anh hùng dân tộc có công đại thắng quân Nguyên thế kỷ 13 như một lời hứa quyết bảo vệ giang sơn gấm vóc!

Báo Quân đội nhân dân cuối tuần, số 937 (1215), ngày 15-12-2013

Hoàng sa - Trường Sa Là máu thịt Việt Nam

Cuốn sách “Hoàng sa - Trường Sa là máu thịt Việt Nam” (Nhiều tác giả, TS. Mai Hồng và PGS. TS. Lê Trọng là đồng chủ biên, NXB Thông tin và Truyền thông phối hợp với Trung tâm Văn hóa Tràng An xuất bản, phát hành 10/2013). Cuốn sách là hệ thống tự liệu phong phú, quý giá có giá trị khoa học, lịch sử, pháp lý cao khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Đó là các bản đồ, thư tịch, sự kiện… của Việt Nam, các nước phương Tây và của chính Trung Quốc như:

- “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ”: Tấm bản đồ cổ của Trung Quốc, được xây dựng qua gần 2 thế kỷ dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các Hoàng đế nhà Thanh (công bố 1904), được các giáo sỹ phương Tây đảm nhiệm kỹ thuật đo đạc, can vẽ đã thể hiện rõ cực nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam; hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa không thuộc lãnh thổ của nước họ.

- Các bản đồ, atlas khác của Trung Quốc cũng đều khẳng định đảo Hải Nam là cực nam của Trung Quốc, không hề có Hoàng Sa - Trường Sa trong lãnh thổ nước họ.

- Các bản đồ cổ của Việt Nam và Pháp (“Đại Nam nhất thống toàn đồ” - bản đồ được làm dưới triều Minh Mạng 1820 - 1841 đã vẽ “Hoàng Sa”, “Vạn Lý Trường Sa” thuộc lãnh thổ Việt Nam, phía ngoài các đảo ven bờ miền Trung Việt Nam; “An Nam đại quốc họa đồ” in trong cuốn Từ điển La tinh - Việt Nam xuất bản 1938 khẳng định Cát Vàng tức Hoàng Sa là Paracels và nằm trong vùng biển Việt Nam; “Bản đồ các đài khí tượng Đông Dương”, in năm 1940 ghi rõ Đài Pattle tức Hoàng Sa và đài Itu Aba tức Trường Sa là hai đài khí tượng cấp quan trọng nhất ở Đông Dương; v.v…) đều phản ánh Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam.

Sau khi đưa ra các chứng cứ lịch sử đầy sức thuyết phục trên, các tác giả: TS. Mai Hồng, PGS. TS. Lê Trọng, Nhà nghiên cứu Lịch sử Nguyễn Đắc Xuân, TS. Đinh Công Vĩ, Nhà nghiên cứu Lịch sử Phan Duy Kha… đã phân tích sâu sắc để chứng minh rằng những yêu cầu của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa là không có căn cứ.

Các tư liệu, chứng cứ lịch sử nêu trên cũng là các tư liệu đã được ông Lê Khả Phiêu - nguyên Tổng Bí thư BCH TƯ Đảng CSVN, GS. Đinh Xuân Lâm, GS. Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc xem và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. PGS. TS. Lê Trọng còn nhấn mạnh: “Hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa và vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông không phải là vùng tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc” (trang 77).

“Cuốn sách này đã thêm một lần nữa ghi lại những khúc tráng ca về đội hùng binh giữ đảo từ đời này qua đời khác, về cuộc sống sinh động của những con người nơi đầu ngọn sóng hôm nay. Họ là những con người đang viết tiếp bài ca giữ nước của ông cha ta để Hoàng Sa, Trường Sa mãi mãi là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam” - GS. AHLĐ.Vũ Khiêu kết luận.

Vì giá trị to lớn, trình bày trang nhã, in ấn chất lượng cao, sách này được khẳng định là: Sách của mọi người, mọi nhà - Sách của hôm nay, mai sau! 

Bùi Phúc Hải

Báo Người cao tuổi cuối tuần, số 153 (1314), ngày 21-12-2013

CHÚNG TÔI SOẠN SÁCH “HOÀNG SA, TRƯỜNG SA LÀ MÁU THỊT VIỆT NAM”

Chúng tôi soạn cuốn sách “HOÀNG SA, TRƯỜNG SA LÀ MÁU THỊT VIỆT NAM” trong khi hàng ngày trên Biển Đông nhà cầm quyền Trung Quốc đang ngang nhiên xâm phạm chủ quyền biển đảo của chúng ta. Họ bất chấp lịch sử, pháp lý, đạo lý vẽ ra “đường lưỡi bò” rồi bảo đó là phạm vi chủ quyền của nước họ…

Ngày 25.7.2012, tại Bảo tàng Quốc gia Việt Nam đã diễn ra lễ tiếp nhận tấm bản đồ quý “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” của Trung Quốc (công bố 1904, xác định rõ cực nam của nước họ chỉ đến đảo Hải Nam) do Tiến sĩ Mai Hồng hiến tặng. Ngay sau đó hệ thống báo chí, kể cả báo giấy và báo mạng, đồng loạt đưa tin và ảnh về sự kiện lịch sử này. Nghĩa cử của TS. Mai Hồng đã gây xúc động lớn đối với tất cả người Việt Nam và bạn bè quốc tế, những ai quan tâm đến vấn đề Hoàng Sa – Trường Sa của chúng ta(1).

Ngày 26.7, theo lời mời của Giám đốc Bùi Phúc Hải, chúng tôi có một buổi tọa đàm tại Trung tâm Văn hóa Tràng An về việc sẽ soạn ra một cuốn sách về chủ quyền biển đảo của Việt Nam, nhân sự kiện TS. Mai Hồng hiến tặng tấm bản đồ trên của Trung Quốc cho Tổ quốc và nhân dân ta.

Cũng phải nói rằng, sáng kiến trên của GĐ Bùi Phúc Hải nhanh chóng được tất cả chúng tôi tán thành. Chúng tôi (TS. Mai Hồng, TS. Đinh Công Vỹ, luật gia Bùi Phúc Hải và tôi - nhà nghiên lịch sử Phan Duy Kha) đã thống nhất một số nội dung cơ bản cuốn sách, phân công mỗi người viết một mảng nhưng đều có chung một chủ đề nhằm chứng minh hai quần đảo Hoàng Sa – Trường Sa thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam. Sau này chúng tôi còn nhiều buổi làm việc nữa, nhưng buổi gặp mặt đầu tiên này (26.7.2012) được coi là thời điểm chính thức chuẩn bị cho ra đời của cuốn sách.

Ngay sau buổi tọa đàm tại Trung tâm văn hóa Tràng An, chúng tôi về xúc tiến tìm tư liệu để viết bài: Hoàng Sa và Trường Sa là máu của máu Việt Nam là thịt của thịt Việt Nam mãi mãi không thể cắt rời (TS. Đinh Công Vỹ), Bản đồ Trung Quốc 1904 không có Hoàng Sa, Trường Sa (TS. Mai Hồng), Giá trị khoa học của “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ”(Phan Duy Kha), Dư luận sau khi TS. Mai Hồng trao tặng “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” cho Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam (TS. Đinh Công Vỹ), Thêm các bản đồ, tài liệu của Trung Quốc tự nói lên Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam (Bùi Phúc Hải), Một số ảnh tư liệu khẳng chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa (Bùi Phúc Hải)…

Sau đó chúng tôi mời một số tác giả có uy tín bổ sung thêm vào nội dung tập sách: PGS – TS Lê Trọng với bài Lịch sử dạy ta qua những mâm cỗ cúng, tế vong linh binh lính Hoàng Sa – Trường Sa, Nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Đắc Xuân với bài Công cuộc bảo vệ biển đảo Tổ quốc của thời các chúa Nguyễn, Nhà báo Từ Khôi với bài Lý Sơn đảo tiền đồn canh giữ Hoàng Sa – Trường Sa, nhà báo Trần Vân Hạc với bài Tiếng của non sông …

Chỉ cần đọc tiêu đề các bài viết ta có thể thấy được tính hệ thống và giá trị lịch sử, pháp lý cao của khối tư liệu phong phú là các bản đồ, thư tịch, atlas, di tích, nhân chứng, vật chứng… để khẳng định Hoàng Sa – Trường Sa không nằm trong vùng tranh chấp trên Biển Đông mà thuộc chủ quyền đầy đủ không thể tranh cãi của Việt Nam.

Hoàn tất bản thảo, GĐ Bùi Phúc Hải thay mặt nhóm biên soạn mời GS. Vũ Khiêu viết Lời giới thiệu cho cuốn sách. Đọc kỹ tập bản thảo, GS. Vũ Khiêu viết:

“Hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là những vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam. Dù cách xa đất liền hàng trăm hải lý nhưng nơi đảo xa ấy luôn chiếm một vị trí quan trọng trong trái tim mỗi người dân đất Việt. Trong ngàn năm lịch sử, biết bao thế hệ cha anh đã chiến đấu quên mình, hy sinh nơi biển cả để giữ vững chủ quyền biển, đảo.

Cuốn sách “HOÀNG SA, TRƯỜNG SA LÀ MÁU THỊT VIỆT NAM” do PGS. TS. Lê Trọng và Tiến sĩ Mai Hồng đồng chủ biên (Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông phối hợp với Trung tâm Văn hoá Tràng An xuất bản - phát hành) là một công trình được chuẩn bị hết sức công phu với hệ thống tư liệu phong phú có giá trị khoa học, lịch sử và pháp lý cao. Đặc biệt, việc sưu tầm và công bố hàng loạt những bản đồ cùng các thư tịch cổ của Trung Quốc và tài liệu phương Tây đã chứng minh những yêu cầu về chủ quyền của Trung Quốc đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là không có căn cứ. Những tư liệu quý giá ấy là bằng chứng hùng hồn để khẳng định chủ quyền từ lâu đời của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa.

Cuốn sách này đã thêm một lần nữa ghi lại những khúc tráng ca về đội hùng binh giữ đảo từ đời này qua đời khác, về cuộc sống sinh động của những con người nơi đầu ngọn sóng hôm nay. Họ là những con người đang viết tiếp bài ca giữ nước của ông cha ta để Hoàng Sa, Trường Sa mãi mãi là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam”.

Sách in xong, tất cả anh em chúng tôi mừng vui khôn tả. Trong nhóm tác giả, người nào cũng đã có một số đầu sách in riêng, nhưng chưa lần nào ra sách mà chúng tôi lại cảm thấy xúc động như khi ra mắt cuốn sách in chung lần này!

Chiều ngày 8.11.2013, chúng tôi tới đền Ngọc Sơn, thực hiện lễ dâng sách lên Anh linh Đức Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, vị Anh hùng dân tộc, có công đầu trong ba lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên – Mông (một nghi lễ mà từ trước tới nay chúng tôi chưa bao giờ làm mỗi khi ra sách). Trước Ban thờ Đức Hưng Đạo Đại Vương, chúng tôi báo với Người về công việc đã làm, tâm nguyện đã hoàn thành, cầu xin Người phù hộ cho con cháu có đầy đủ ý chí, sức mạnh và quyết tâm hoàn thành sứ mệnh lịch sử là bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo thiêng liêng mà Tổ quốc và nhân dân giao phó.

Hà Nội, 19h ngày 8/11/2013

Xem Thêm

Kỷ niệm 5 năm thành lập báo điện tử Tầm nhìn
Tại Lễ kỷ niệm thay mặt Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, ông Phan Tùng Mậu đã chúc mừng tập thể cán bộ, phóng viên báo điện tử Tầm Nhìn nhân dịp 5 năm thành lập, ghi nhận những thành quả mà...
Chiến thắng vĩ đại mùa Xuân 1975
Chiến dịch lịch sử  Lúc này, tập đoàn phòng ngự lớn của địch ở Sài Gòn - Gia Định tuy số lượng còn đông nhưng đã bị chia cắt, cô lập cao độ và sức chiến đấu đã giảm sút hẳn. 
Vẻ đẹp đặc hiệu của nhà trí thức
Vàng là đẹp, là quý giá. Nhưng không phải vàng nào cũng giá trị như nhau? Có vàng thật, có vàng giả, có cả mạ vàng như thật. Học thức và bằng cấp cũng vậy. Có học thật, có học giả, có bằng thật, có bằng giả như thật. Đại...
Mùa Xuân là Tết trồng cây
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã đề xướng, tổ chức, xây dựng Tết trồng cây trở thành một phong trào quần chúng rộng rãi, sôi nổi và bền vững. Tháng 11-1959, nhân đợt thi đua lấy thành tích mừng Đảng ta 30 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh...
Bác Hồ vui Tết đón Xuân trong lòng Tổ quốc
Tết Mậu Tý (1948) Tết mừng chiến thắng Thu Đông năm Đinh Hợi phá tan cuộc tấn công của giặc Pháp lên Việt Bắc và phấn khởi mừng thọ Bác Hồ 58 tuổi: Chính phủ họp nghe Bộ Quốc phòng báo cáo chiến thắng giặc Pháp tại An toàn khu.
Đại tướng Lê Trọng Tấn - Những ngày đầu cách mạng
Giữa năm 1942, tôi đến một cơ sở cách mạng ở làng Lương Yên. Đang nói chuyện thì một quân nhân trong bộ đồ nhà binh Pháp ở phía cổng đi vào. Tôi lánh sang buồng bên cạnh nói chuyện với các em đang học. Khi người ấy về, chủ...

Tin mới

84 giải pháp đoạt giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 17
Tối 23/4, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam (Vifotec) đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Ðoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức tổng kết và trao giải thưởng Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ 17 (2022-2023).
Bí thư TW Đảng Nguyễn Trọng Nghĩa: Hoạt động của LHHVN ngày càng đổi mới, ổn định và phát triển
Phát biểu tại buổi làm việc với LHHVN, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đã khẳng định những thành quả, nỗ lực của LHHVN trên chặng đường hơn 40 năm hình thành và phát triển, đồng thời nhận định hoạt động của LHHVN có nhiều đổi mới, ổn định, phát triển hơn.