Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ bảy, 05/08/2006 00:00 (GMT+7)

Trường hợp đột tử của vua Lê Thái Tông dưới cái nhìn y học

Tháng 8 ngày mồng 4, vua về đến vườn Vải huyện Gia Định, bỗng bị bạo bệnh rồi băng.

Các quan bí mật đưa về.

Ngày mồng 6 về tới kinh, nửa đêm đem vào cung rồi mới phát tang. Mọi người đều nói là Nguyễn Thị Lộ giết vua.

Ngày 16, giết Hành khiển Nguyễn Trãi và vợ là Nguyễn Thị Lộ, bắt tội đến ba họ.

Tháng 9, ngày 9, giết bọn hoạn quan Đinh Phúc, Đinh Thắng vì khi Nguyễn Trãi bị hành hình có nói là: “ Hối không nghe lời của Thắng và Phúc”.

Đó là tất cả dữ kiện có được của bi kịch về cái chết của gia đình Nguyễn Trãi mà các sử gia để lại cho đời sau được trích ra từ bộ Đại Việt sử ký toàn thư(ĐVSKTT) (Quyển XI trang 351).

Chỉ trong từng ấy chữ mà chúng ta có thể rút ra một số chi tiết để qua đó thử tìm hiểu và phác họa ra bi kịch đó được hình thành như thế nào?

Vua chết vì bạo bệnh hay do Thị Lộ giết?

Rải rác trong bộ ĐVSKTT ta cũng có thể tìm ra vài chi tiết đôi khi mâu thuẫn nhau, đó là do sự kém cỏi của các sử gia hay do cố ý của các bậc tiền bối khi muốn mô tả một sự kiện khó nói, một điều cấm kỵ mà các sử gia miêu tả theo một lối khác thay vì bạch văn, thì bắt buộc người đọc, thế hệ hậu sinh phải nhạy cảm, phải suy luận mới hiểu được ý đồ của các bậc sử gia tiền bối.

Thí dụ trang 352 quyển XI chép: Vua về đến vườn Vải huyện Gia Định, bỗng bị bạo bệnh rồi băng.

Ở một đoạn khác lại chép:

Mọi người đều nói là Nguyễn Thị Lộ giết vua.

Câu thứ nhất là một câu xác định sự việc rất rõ ràng, chính xác và dứt khoát là vua chết vì bệnh nặng

Câu thứ hai là một câu rất mơ hồ có ý xấu, muốn ghép tội cho Thị Lộ

Mọi người đây là ai?Những người chứng kiến cái chết tại hiện trường của vua hay là những kẻ thù của Nguyễn Trãi, của Thị Lộ

Thị Lộ giết vua. chữ giết ở đây được hiểu như thế nào, nó có ẩn ý gì không?Giết là một hành động bạo lực hay chỉ cách nói gợi ý là Thị Lộ có tham dự một cái gì đó làm cho hay gây cho vua chết vì trong một đoạn khác của ĐVSKTT trang 352, dòng 17 có chép rằng: “Trước đây Nguyễn Thị Lộ ra vào cung cấm, Thái Tông trông thấy rất ưa, liền cợt nhả với thị…”.

Hay ở dòng 5 lại chép thêm: “Trước đây vua thích vợ của Thừa chỉ Nguyễn Trãi là Nguyễn Thị Lộ, người rất đẹp, văn rất hay, gọi vào cung phong làm Lễ nghi học sĩ, ngày đêm hầu bên cạnh. Đến khi đi tuần miền Đông, xa giá về tới vườn Vải, xã Đại Lại, ven sông Thiên Đức, vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi băng”.

Có phải vì vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ đã gây ra cái chết của vua không?

Có phải vì cợt nhả, vì vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ mà có một số ít người cho rằng vua chết vì thượng mã phong. Thượng mã phong không phải là một loại bệnh mà chỉ trường hợp chết bất đắc kỳ tử, một trường hợp chết trong lúc đang hoạt động tình dục.

Y học Tây phương và y học hiện đại gọi cái chết đó là đột tử (sudden death) cho nên một số người khác lại cho rằng vua Lê Thái Tông chết là vì bệnh nhồi máu cơ tim (myocardial infarction) hay tai biến mạch máu não là những nguyên nhân thường gặp nhất trong các trường hợp đột tử.

Hay vua chết vì một bệnh khác?

Hiện tại muốn tìm nguyên nhân gây ra tử vong thì dùng biện pháp giải phẫu tử thi để xác định, với một trường hợp cách đây trên 550 năm thì thật khó lòng, chúng ta phải cố gắng tìm trong bệnh án, trong tiểu sử hay trong đời sống sinh hoạt để tìm ra một dấu chỉ nào đó cho phép suy luận theo các phương pháp khoa học thống kê hiện đại để tìm ra được nguyên nhân cái chết của nhà vua.

Những chi tiết về Hoàng đế Lê Thái Tông mà chúng ta có được trong ĐVSKTT vô cùng nghèo nàn.

Trang 309 chép rằng: Năm Quý Mão (1423), mùa Đông tháng mười một ngày 20, sinh ra vua. Năm thứ 6 (1433), tháng 9 ngày mồng8 lên ngôi. Bấy giờ vua mới 11 tuổi.

Năm Nhâm Tuất (Đại Bảo) thứ 3 (1442) tháng 8 ngày mồng 4, vua về đến vườn Vải huyện Gia Định, bỗng bị bạo bệnh rồi băng.

Như vậy ta có thể tính chính xác tuổi của vua cho đến khi chết: Sinh 20 tháng 11 năm Quý Mão (1423), chết ngày 4 tháng 8 năm Nhâm Tuất (1442) tức là vua chết vào khoảng 18 tuổi 9 tháng theo tuổi tây, tính theo tuổi ta là gần 19 tuổi.

Chi tiết tuổi tác trong y khoa rất quan trọng, nhất là trong các trường hợp đột tử.

Trang 309 chép rằng: “Vua thiên tư sáng suốt, song đam mê tửu sắc, đến nỗi thình lình băng ở bên ngoài cũng là tự mình chuốc lấy tai họa”.

Hoặc “Vua hằng ngày vui đùa với bọn hầu cận trong cung, các đại thần muốn khuyên vua học, cùng nhau tâu lên xin cử sáu văn thần là bọn Hành khiển thừa chỉ Nguyễn Trãi, Trung thư thị lang Trình Thuấn Du…đi theo hai, ba đại thần chia phiên nhau vào hầu kinh diên. Vua sai Đinh Phúc trả lại tờ tâu không nhận.”

Về hôn nhân thì vua có vợ lúc 14 tuổi và có rất nhiều cung tần mỹ nữ hầu hạ bên cạnh trong đó có cả Thị Lộ.

Mặc dù có nhiều vợ vua cũng còn thích gái đẹp. Trang 350 chép: “Năm Tân Dậu (1441) ra lệnh chỉ tuyển con gái đẹp ở các huyện. Mùa thu, tháng 8, tuyển chọn con gái đẹp ở sân điện…”.

Cho đến một tháng trước khi băng hà vua đã có 4 con trai, đó là các hoàng tử Nghi Dân, Bang Cơ, Khắc Xương và Tư Thành chưa kể các con gái. Với số con nhiều như vậy ở tuổi 18, 19 thì cũng có thể hình dung được hoạt động tình dục của vua rất cao và vấn đề suy nhược không thể nào tránh khỏi cho nên mới có câu : “song đam mê tửu sắc, đến nỗi thình lình băng ở bên ngoài”là thế.

Tóm lại chi tiết chính mà chúng ta có được là:

- Vua chết ở tuổi rất trẻ gần 19 tuổi

- Là một cậu bé vừa tới tuổi trưởng thành ham mê tửu sắc

- Chết trong tình trạng bạo bệnh, sau khi nói chuyện suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ

- Chết trong trạng thái đột tử

Thế nào là đột tử?

Theo GS Burton E, Sobel, và Eugene Brawald (Đại học Y khoa Harvard) trong Harrison’s principples of Internal Medicine(trang 279) một sách y học nổi tiếng trên thế giới thì đột tử được định nghĩa như sau: “Tử vong xảy ra bất ngờ và tức khắc hoặc trong vòng 1 giờ từ khi bắt đầu có triệu chứng ở một người mà trước đó có biết hay không biết bệnh tim. Thường là từ khi trụy mạch đột ngột tới lúc xuất hiện tổn thương không hồi phục do thiếu máu hệ thần kinh trung ương chỉ tính theo phút...”.

Hamman đã thống kê hàng ngàn trường hợp cho thấy nguyên nhân và tỉ lệ đột tử như sau: Bệnh do động mạch vành 40%; Do phình và vỡ động mạch chủ 12%; Bệnh van tim 2%; Bệnh cơ tim 8%; Xuất huyết não 8%; Thuyên tắc động mạch phổi 5%; Xuất huyết trong phổi 5%; Các trường hợp khác 10%.

GS William M, Miles trong Cecil Essential of Medicinethì cho rằng bệnh do động mạch vành như nhồi máu cơ tim, xuất huyết não do cao huyết áp, suy tim do hở hẹp van tim. Chế độ ăn protein lỏng, thoái hoá tiên phát hệ thống truyền nhĩ thất chỉ xảy ra ở những bệnh nhân sau 40 tuổi hay có một quá trình bệnh lý lâu dài.

Trong thống kê thì những trường hợp đột tử của những người dưới 20 tuổi thường có nguyên nhân từ:

Não: Như xuất huyết não do dị dạng mạch máu não (Hemorrhage from vascular malfrmation), dị dạng này có thể ở trong intracerebral hoặc parenchymal.

Tim: Như hẹp van động mạch chủ bẩm sinh hay tắc động mạch phổi diện lớn thường gây ra đột tử trong vòng vài phút.

Thường đột tử chỉ xảy ra sau một cố gắng như ho sặc sụa kéo dài, lên cầu thang, rặn trong lúc đại tiện, rùng mình khi tắm nước lạnh, sợ hãi hay xúc động mạnh, hay một vận động gắng sức, hoặc một thao tác quá đáng. Hoạt động đó sẽ làm gia tăng đột ngột áp lực trong mạch máu và làm vỡ chỗ dị dạng, kết quả là bệnh nhân rơi vào hôn mê sâu và tử vong ngay tức khắc hoặc sau một giờ.

Đột tử thường xảy ra gấp 5 lần đối với người nghiện rượu và thuốc lá.

Tỷ lệ đột tử ở thanh thiếu niên nam có nguyên nhân dị dạng mạch máu não cao hơn nhiều lần đối với hẹp van động mạch chủ bẩm sinh hay thuyên tắc động mạch phổi.

Cá nhân vua Lê Thánh Tông có những yếu tố bệnh lý như tuổi tác, say mê tửu sắc, hoạt động gắng sức, tất cả gần với trường hợp đột tử có nguyên nhân dị dạng mạch máu não hơn bất cứ một nguyên nhân nào khác.

Nếu như nhà vua không bị Nguyễn Thị Lộ hay một ai đó đầu độc thì chỉ có một chuyện “Vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi băng”thì có thể phỏng đoán nguyên nhân cái chết của Lê Thái Tông Hoàng đế là do bị vỡ dị dạng mạch máu não.

­­­­­­­­____________________

Tài liệu tham khảo:

1/ Đại Việt sử ký toàn thư,Quyển XI trang 248, 309, 325, 329, 331, 335, 350, 351, 352, 370.

2/Burton E, Sobel, và Eugene Brauwald , Harrison s principles of In-ternal Medicine, trang 279-286, 1995.

3/Fred Plum , Cecil Essentials of Medicine-Ce rebrovascular disease, trang 825-850, 1993 .

4/ Sudden death-diagnosis differencial,trang 230-232.

Nguồn: Xưa & Nay, số 138, tháng 4 năm 2003, tr 19,20.

Xem Thêm

Văn hóa đọc là giá trị nền tảng góp phần phát triển con người và xã hội trong kỷ nguyên mới
Trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0 và toàn cầu hóa, để đất nước vươn mình sánh vai cùng các cường quốc năm châu, không thể thiếu ánh sáng của tri thức, mà trong đó sách đóng vai trò trung tâm. Sách và Văn hoá đọc chính là nền tảng để xây dựng một xã hội học tập, sáng tạo và phát triển bền vững.
Giải pháp nào để phát triển các mô hình NN, thủy sản hiệu quả cao theo hướng an toàn, bền vững tại các tỉnh ĐBSCL?
Đó là những nội dung được các đại biểu đưa ra tại hội thảo khoa học “Giải pháp phát triển các mô hình nông nghiệp, thủy sản hiệu quả cao theo hướng an toàn, bền vững tại các tỉnh ĐBSCL” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) phối hợp với LHH tinh Kiên Giang và Viện Nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ (Viện IHT) tổ chức ngày 12/4 tại TP Rạch Giá.

Tin mới

Thanh Hoá: Phản biện Đề án phát triển Viện Nông nghiệp tỉnh
Sáng ngày 06/05, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) tổ chức hội thảo phản biện “Đề án Phát triển Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, giai đoạn 2026 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Đề án) với sự tham dự của hội đồng phản biện, các chuyên gia của Liên hiệp hội và đại diện ban lãnh đạo, cán bộ nhân viên của Viện Nông nghiệp Thanh Hóa.
Sơn La: Góp ý kiến dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi)
Ngày 6/5, Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) đã tổ chức hội thảo tư vấn tham gia ý kiến dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Tham dự hội thảo có đại diện một số sở, ngành của tỉnh.
CT Phan Xuân Dũng: LHH Bình Định góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi mới, hội nhập, phát triển bền vững của tỉnh nhà
Trải qua 30 năm hình thành và phát triển (06/5/1995 - 06/5/2025), Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Bình Định (LHH) đã khẳng định vai trò là tổ chức hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ, là nơi quy tụ trí tuệ, lan tỏa tri thức, lực lượng nòng cốt phát triển KH&CN, góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững của tỉnh nhà.
Hà Giang: Góp ý dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi)
Ngày 05/5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) đã tổ chức hội thảo tư vấn, phản biện (TVPB), góp ý đối với dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi).Tham dự hội thảo có lãnh đạo đại diện các sở, ban ngành của tỉnh, các hội thành viên Liên hiệp hội, các chuyên gia TVPB ở trung ương và tỉnh.
Thúc đẩy hoạt động đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN tại Việt Nam
Sáng ngày 29/4/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Hải Phòng tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Thúc đẩy công tác đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp tại Việt Nam”. Hội thảo do PGS.TS Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam và TS. Bùi Thanh Tùng, Chủ tịch Liên hiệp Hội thành phố Hải Phòng đồng chủ trì.
Hà Giang: Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 06 Luật
Ngày 29/4, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hà Giang (Liên hiệp hội) đã tổ chức hội thảo tư vấn, phản biện (TVPB), góp ý đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Phá sản, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.