Trồng và chăm sóc cây dừa
Chọn đất, đào hố trồng dừa
Dừa là cây trồng không kén đất, song đòi hỏi có tầng đất dày. Nên chọn trồng dừa ở những nơi gần sông, mương rạch để dễ tưới, bồi bùn. Trồng dừa theo hố, kích thước hố 70x70x70cm. Khoảng cách giữa các cây 7-8m. Khi đào hố, phần đất mặt để riêng một chỗ. Bón lót mỗi hố lượng phân như sau: 10-15kg phân chuồng, 0,5kg NPK loại 16-16-8, sau đó lấp đất lại, phần đất mặt cho vào hố sau cùng, lấp lên phía trên để sau này tiếp xúc trực tiếp với cây giống. Việc đào hố cần làm trước ít nhất một tháng để đất được dẽ, khi trồng cây không bị tróc gốc.
Trồng dừa
Chỉ chọn trồng những cây dừa giống cao ít nhất từ 30 đến 35cm. Khi bứng cây dừa con,dùng xẻng bén xắn ngọt đất gần trái dừa. Bứng xong, dùng kéo sắc cắt bớt 2/3 rễ và lá nhằm kích thích cây ra nhiều rễ con, đồng thời làm cây tránh mất nước héo lá. Đặt cây dừa con đã tỉa bớt rễ và lá nhúng trong nước phân 10-15cm (nước phân được pha từ phân chuồng hoai với nước). Làm như thế rễ cây sẽ tiếp xúc với phân, rễ cây chóng hồi phục, mau chóng phát triển hút dinh dưỡng nuôi cây.
Đặt cây dừa con ngay thẳng vào hố, vun lấp đất rồi dầm nén chặt đất để rễ dừa tiếp xúc với đất. Cắm ba cọc xung quanh để cây tựa vào rồi tưới đẫm nước cho cây.
Chăm sóc
Trong một tháng đầu sau trồng cần làm dàn che cho cây, giữ đất luôn ẩm để cây sống và phát triển tốt. Vào mùa khô có thể phủ gốc dừa bằng rơm, rạ hay những tấm phủ bằng nhựa để giữ ẩm cho đất đồng thời hạn chế cỏ dại. Vào thời kỳ nắng khô hạn phải tưới nước hai ngày một lần, bồi bùn vào giữa mùa nắng và cuối mùa mưa.
Thường sau khi trồng, đối với những vùng đất tốt, dừa phát triển mạnh lá xanh tốt thì 6-8 năm đầu không phải bón phân. Chỉ bón phân khi cây có biểu hiện thiếu dinh dưỡng như dừa sinh trưởng kém, gốc nhỏ, lá ít, lá kém xanh, dừa ra quả chậm và ít trái. Khi bón phân, bón mỗi cây 5-10kg vôi, phân hỗn hợp NPK 16-16-8 10kg/cây. Có thể dùng phân chuồng ủ, rác mục, bùn vét mương bón xung quanh gốc cây. Có nơi dùng bã dừa, bã khô lạc, xác xương cá…để bón cho cây cũng rất tốt.
Phòng trừ sâu bệnh hại
- Kiến:hại cây dừa thời kỳ cây con và dừa đang thu hoạch. Kiến phá hại tạo các vết đục ngoằn nghoèo vào thân cây hay trên nách lá, và đẻ trứng vào các tàn dư thực vật bên dưới gốc dừa hay xung quanh vườn. Để phòng trừ kiến cần dọn sạch các đống rác, cây cỏ mục là nơi đẻ trứng của kiến; các gốc dừa mục cần phá đốt bỏ hay phun thuốc diệt kiến và trứng kiến. Có thể phun lên cây bị kiến hại Aldrin 25% dạng bột, hòa nước nồng độ 0,5%, hay Confidor 100 SL tỷ lệ 30ml trong 10 lít nước, tưới xuống đất xung quanh cây.
-Bọ dừa:là sâu hại nguy hiểm, cắn đọt non cây dừa gây tác hại rất lớn. Để tiêu diệt bọ dừa cần phun Decis, Polytrin; Sumicidin, tỷ lệ pha theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
- Chuột hại:phá hại trên những trái dừa mới có cơm, gáo chưa cứng. Chuột đục khoét dừa ăn rồi làm tổ luôn trên cây. Để phòng trừ, dọn sạch tàn dư, cắt bỏ mo nang tạo điều kiện thông thoáng không cho chuột làm tổ ngay trên cây dừa; dùng bẫy bắt chuột ; buộc xương rồng xung quanh hay phết dầu trơn quanh thân dừa để chuột không leo lên phá được.
Ngoài các loại sâu hại, dừa còn bị một số bệnh như rụng quả non, nứt trái, bệnh thối lá thối cùi…
Bệnh thối lá thối cùi do nấm Thiellaviopsis paradoxal hại. Dùng thuốc trừ nấm Bayfidan 250 EC liều lượng 4ml pha trong 10 lít nước tưới cho cây, sau 2-3 tháng lại xử lý một lần nữa.
Dừa sau trồng 3 năm sẽ cho thu hoạch. Nếu cây được chăm sóc cẩn thận, cây dừa cho thu hoạch 50-100 năm (thu trái trọn đời). Năng xuất mỗi cây trung bình 100quả/năm, mỗi quả trung bình cho 180g cơm dừa.
Nguồn: Khoa học và Đời sống, số 71 (1789)