Trồng ổi voi
Cây ổi voi dễ trồng, không kén đất, chịu được úng và khô hạn, khả năng kháng bệnh cao, có thể trồng ở nhiều vùng khí hậu khác nhau, từ đồng bằng đến những vùng núi cao. Tuy nhiên, nên trồng ổi voi ở những vùng đất có tầng canh tác dày, tơi xốp, giữ nước và thoát nước nhanh, chiếu sáng đầy đủ.
Nhân giống cây
Ổi voi ít trồng bằng hạt mà nhân giống vô tính bằng cách chiết cành hay ghép, như thế cây chóng ra quả, đồng thời quả có chất lượng tốt.
- Chiết cành:Chọn những cây được 4-5 năm tuổi để chiết, lựa những cành khoẻ mạnh, không sâu bệnh, đường kính 2-3 cm. Cắt khoanh vỏ ngoài một đoạn 7-8cm, để 5-7 ngày sau cho khô nhựa, dùng hỗn hợp bùn, rơm rạ băm nhỏ bó bầu rồi bọc bằng nilon, giữ cho bầu luôn đủ ẩm. Sau 4-5 tuần, rễ con mọc nhiều thì cắt đưa trồng xuống đất. Có thể chiết cành bằng cách khác: đối với những cành gần mặt đất, sau khi khoanh vỏ, vít cành xuống sát đất, phủ đất lên trên, tưới ẩm thường xuyên. Khi cành chiết ra rễ thì cắt rời khỏi cây mẹ đem giâm trong bầu đất hay vườn ươm, tiếp tục chăm sóc cho cây ra rễ thứ cấp rồi đem trồng.
- Ghép cây:Dùng cây ổi ta gieo ươm từ hạt làm cây gốc ghép. Chọn những cây có năng suất cao, chất lượng quả ngon, chống chịu sâu bệnh tốt để lấy mắt ghép. Tiến hành lấy mắt vào những ngày mát trời, khô ráo. Ghép vào tháng 7-8 là tốt nhất. Dùng phương pháp ghép chữ “T” và ghép “mắt nhỏ có gỗ” để ghép là thích hợp.
Sau khi ghép 10-15 ngày thì mở dây buộc mắt ghép và cắt ngọn gốc ghép; sau 15-20 ngày nữa mầm ghép sẽ mọc. Chăm sóc cây đến khi cành ghép cao 50-60cm thì có thể đánh đem trồng.
Trồng cây
Đào hố kích thước 60x60x60cm, khoảng cách hố 4x4m. Nên đào hố trước khi trồng khoảng một tháng. Bón lót vào hố 10kg phân chuồng, 1kg NPK cho mỗi hố. Trộn đều phân, dùng đất mặt tơi xốp lấp đầy hố. Xé bỏ bầu nilon, đặt cây vào hốc giữa hố, vun đất kín bầu và nén chặt tay. Trồng xong tưới đẫm ngay cho cây. Che nắng cho cây trong 1-2 tuần đầu.
Chăm sóc cây
Thời gian đầu cần tưới thường xuyên đủ ẩm cho cây. Năm đầu bón thúc 0,2kg NPK/gốc. Từ năm sau 0,5kg/gốc. Có thể dùng bùn ao đã ải đắp bổ sung vào gốc cây. Xới xáo làm cỏ quanh gốc, loại bỏ những cành mọc từ gốc ghép. Khi cành cấp 2 mọc (từ cành ghép) vươn dài 40-50cm thì bấm ngọn, kích thích cành cấp 3 mọc. Giữ số cành cấp 3 từ 8-10 cành là vừa. Không để các cành vươn lên cao, có thể uốn cong hay cắt bớt để tạo cây có tán đều và thấp.
Khi cây ra quả, cần theo dõi và tỉa bớt quả trên các chùm. Để lại mỗi chùm 1-2 quả để cây tập trung dinh dưỡng nuôi quả. Khi quả lớn, nặng, dễ kéo gãy cành cần làm cọc chống đỡ giữ lấy quả.
Phòng trừ sâu bệnh
Dùng Sherpa nồng độ 0,2% hay Trebon 0,2% để phun trừ rệp, các loại sâu ăn lá và ruồi đục quả. Ổi voi cũng có thể bị bệnh đốm quả, dùng Ridomyl nồng độ 0,2% hoặc Anvil 0,2% phun vào tháng 5-6. Phun 2-3 đợt, mỗi đợt cách nhau 7-10 ngày. Khi trái ổi lớn ổn định, có thể dùng bao nilon bọc quả, vừa tránh sâu bệnh, vừa tăng phẩm chất quả.
Thu hoạch
Cây ổi voi ra hoa đợt 1 vào tháng 4-5, quả chín vào tháng 7-8; đợt ra hoa thứ 2 vào tháng 10-11 và quả chín vào tháng 2-3 năm sau. Khi vỏ quả chuyển từ màu xanh sang màu vàng sáng là quả chín, nên thu hoạch. Không thu hái quả khi còn non hay để chín quá, chất lượng sẽ bị ảnh hưởng. Quả thu về không ăn ngay mà giữ 2-3 ngày sau mới dùng, quả sẽ ngọt và thơm ngon hơn.
Nguồn: Khoa học và Đời sống, số 98(1816), ngày 9/12/2005, trang 10