Triết vương Trịnh Tùng với lịch sử dân tộc Việt Nam
Triết vương Trịnh Tùng là một trong 12 vị chúa Trịnh của thời kỳ vua Lê, chúa Trịnh, mà các nhà sử học xưa nay, quen gọi là thời Lê Trung hưng. Dọc các bộ chính sử của nước ta chúng ta đều dễ nhận thấy trong khoảng thời gian chừng hơn 50 năm, từ cuối thế kỷ XVI đến đầu thế kỷ XVII, hầu hết những sự kiện chính trị, xã hội, văn hóa, quân sự, bang giao và giáo dục - khoa cử của nước ta đều có liên quan, thậm chí chịu sự chi phối bởi một nhân vật, đó là Triết vương Trịnh Tùng.
Trên cơ sở tình hình nghiên cứu về Triết vương Trịnh Tùng còn nhiều khoảng trống, Hội khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp với Hội đồng họ Trịnh Việt Nam tổ chức cuộc Hội thảo khoa học về Triết vương Trịnh Tùng, nhằm làm sáng tỏ thêm một bước nhân cách đạo đức và những đóng góp của ông đối với lịch sử dân tộc.
Cuộc Hội thảo khoa học “ Kỷ niệm 385 năm ngày Triết vương Trịnh Tùng băng hà” lần này, đã được các nhà khoa học trong và ngoài nước (Nga, Đức) nhiệt tình hưởng ứng. Cho đến hôm nay, chúng tôi đã nhận được 15 bản tham luận khoa học từ các nơi gửi về.
Để hội thảo của chúng ta đạt được những yêu cầu đã đặt ra, tôi xin phép nêu lên một số vấn đề tương đối thống nhất và những vấn đề còn vài ý kiến khác nhau để Hội thảo tập trung trao đổi, thảo luận nhằm đi đến những kết luận thỏa đáng. Chúng tôi xin phân chia làm 3 nhóm vấn đề sau:
1. Đánh giá nhân cách văn hóa - chính trị của Triết vương Trịnh Tùng.
2. Công lao của Triết vương Trịnh Tùng trong việc hoàn thành công cuộc trung hưng nhà Lê.
3. Triết vương Trịnh Tùng trong sự nghiệp văn trị, phục hồi đất nước sau chiến tranh.
Đánh giá nhân cách văn hóa - chính trị của Triết vương Trịnh Tùng
Về việc đánh giá nhân cách văn hóa - chính trị của Triết vương Trịnh Tùng, trong cuộc Hội thảo này, có các tham luận của GS Văn Tạo, PGS. TS Nguyễn Minh Tường, TS. Trương Thị Yến, Nghiên cứu viên Ngô Vũ Hải Hằng…
Có một điều, khi nhìn nhận về nhân cách văn hóa - chính trị của Triết vương Trịnh Tùng, nhiều tác giả biểu thị sự đồng tình với nhận định dưới đây của sử gia Phan Huy Chú ở thế kỷ XIX: “Ông tính khoan hậu, yêu người, khéo vỗ về tướng sĩ, đoán thế giặc không sai…” ( Lịch triều hiến chương loại chí).
Trong cuộc đấu tranh giữa các tập đoàn chính trị - quân sự, người xưa từng nhận định: “ Thiên thời không bằng địa lợi, địa lợi không bằng nhân hòa”, việc nhà Lê - Trịnh chiến thắng được nhà Mạc vào năm 1592, Nguyễn Minh Tường cho rằng: chủ yếu bởi “ nhân hòa” thuộc về phía Nam triều. Và trong sự so sánh này, thì người đứng đầu của Nam triều và Bắc triều là biểu tượng cho việc thu phục được hay không thu phục được nhân tâm thời bấy giờ. Nếu Triết vương Trịnh Tùng đứng đầu Nam triều “một con người đầy khoan dung đại lượng, tài ba sáng suốt?”, thì nhà Mạc dưới sự trị vì của Mạc Mậu Hợp là người có năng lực và tư cách rất kém…
TS. Trương Thị Yến phân tích một trong những kỳ tích đưa Nam triều từ yếu kém trở thành hùng mạnh để chiến thắng Bắc triều, bởi có Trịnh Tùng là “người cứng rắn, kiên quyết”. Ngoài ra, theo tác giả, “Trịnh Tùng ngoài tài năng quân sự kiệt xuất, sự quyết đoán nắm lấy vận mệnh thời cơ, ông còn ý thức thu phục lòng người. Đây cũng là một trong những yếu tố thể hiện bản lĩnh của người làm chính trị…
Nghiên cứu viên Ngô Vũ Hải Hằng sau khi điểm lại sự đánh giá và nhận định về Triết vương Trịnh Tùng qua các thư tịch cổ của nước ta, đã nhận định: “Từ sau năm 1599, Triết vương Trịnh Tùng lên ngôi Chúa, đích thân cầm quyền, đã ban bố khá nhiều chính sách về kinh tế - xã hội và về văn hóa - giáo dục… có tác dụng thúc đẩy, phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dan, dần dần đưa đất nước vào con đường yên bình… xứng đáng được hậu thế chúng ta tìm hiểu một cách kỹ lưỡng hơn, để đánh giá đúng mức công lao, sự nghiệp của ông đối với lịch sử dân tộc”.
Công lao của Triết vương Trịnh Tùng trong việc hoàn thành công cuộc trung hưng của nhà Lê
Đây là vấn đề có tính chất căn bản để các nhà sử học thời phong kiến đánh giá vị trí, công lao của Trịnh Tùng đối với lịch sử trong thời gian hơn 20 năm cuối thế kỷ XVI. Nhà Mạc cướp ngôi triều Lê vào năm 1527, các nhà sử học phong kiến theo quan niệm chính thống của Nho giáo, từ Phạm Công Trứ, thế kỷ XVII, Lê Quý Đôn thế kỷ XVIII đến Phan Huy Chú thế kỷ XIX, dễ dàng đi tới thống nhất: ca ngợi sự nghiệp hoàn thành công cuộc trung hưng triều Lê của Triết vương Trịnh Tùng. Tuy nhiên, nguyên nhân nào dẫn tới thành công trên, thì chưa được các sử gia thời phong kiến làm rõ.
Trong Hội thảo khoa học này, đi sâu nhằm làm sáng tỏ chủ đề trên có những tham luận khoa học của PGS. TS Tạ Ngọc Liễn, Nhà nghiên cứu Trịnh Xuân Tiến, PGS. TS Nguyễn Minh Tường.
-Trong báo cáo của mình, PGS. TS Tạ Ngọc Liễn đã phân tích khá sâu sắc và có sức thuyết phục về tài năng quân sự của Trịnh Tùng trong sự nghiệp hoàn thành công cuộc trung hưng nhà Lê. Theo tác giả thì cuộc chiến tranh Nam - Bắc triều có thể chia thành 2 giai đoạn: 1. Giai đoạn 1: Từ 1546 đến 1583 là giai đoạn ở thế giằng co giữa Lê và Mạc; Giai đoạn 2: từ 1583 - 1592 là giai đoạn Nam triều tấn công Bắc triều. Tạ Ngọc Liễn cho rằng: “ Trong cuộc đánh bại nhà Mạc, khôi phục cơ nghiệp nhà Lê, Trịnh Tùng đã đóng vai trò hết sức quan trọng và qua cuộc chiến này, chúng ta thấy Trịnh Tùng thể hiện rõ là một nhà chỉ huy chiến lược xuất sắc, một vị tướng cầm quân tài giỏi”.
Nhà nghiên cứu Trịnh Xuân Tiến lại có cách tiếp cận khác, khi ông dựa vào những tư liệu văn hóa dân gian, hoặc các tác phẩm thơ Nôm như: Thiên Nam minh giám…để khẳng định công lao của Triết vương Trịnh Tùng trong việc trung hưng nhà Lê. Qua đó, cho chúng ta thấy công lao, sự nghiệp của Trịnh Tùng không phải chỉ được các sử gia ghi chép lại, mà còn được các tác giả dân gian ghi nhận.
Triết vương Trịnh Tùng trong sự nghiệp văn trị, khôi phục đất nước sau chiến tranh
Theo chúng tôi đây là vấn đề mà Hội thảo của chúng ta cần thảo luận sâu hơn và kỹ hơn. Đối với các nhà sử học thời phong kiến, nhất là số sử thần triều Lê Trung hưng, họ quan tâm nhiều tới vấn đề công lao của Trịnh Tùng trong việc trung hưng nhà Lê, còn với các nhà sử học ngày nay, cần phải làm rõ những đóng góp của Triết vương Trịnh Tùng đối với đất nước sau năm 1592, tức là sau khi cuộc chiến tranh Nam – Bắc triều kết thúc.
Về chủ đề này, có các tham luaận của PGS. TS Lại Văn Hùng, PGS. TS Nguyễn Tá Nhí, ThS. Nguyễn Hữu Tâm, TS. Nguyễn Đức Nhuệ, PGS. TS Đinh Khắc Thuận, TS. Nguyễn Thị Phương Chi, GS Trịnh Tam Kiệt và họa sĩ Trịnh Quang Vũ.
![]() |
PGS. TS Lại Văn Hùng sau khi nghiên cứu về chính sách tuyển chọn và sử dụng nhân tài thời Trịnh Tùng cầm quyền, đã có nhận xét khái quát: “ Điều đáng nói nữa là nhà Lê Trung hưng không chỉ sử dụng được hết các “hiền tài nguyên khí” do chính mình đào tạo(như Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Văn Giai…) , mà còn dung nạp được cả những kẻ sĩ Bắc triều(như Đỗ Uông, Đồng Hãng, Ngô Thảo…)”. Dễ dàng nhận thấy rằng, muốn thực hiện được chính sách hợp phân tâm ấy, rõ ràng Trịnh Tùng phải là một người vừa có lòng vị tha, đại lượng, vừa có bộ óc minh triết, thực tế….
TS. Nguyễn Thị Phương Chi đã phác họa cho chúng ta một bức tranh khá đa dạng của Kinh đô Thăng Long thời Triết vương Trịnh Tùng cầm quyền. Có thể nói vào đầu thế kỷ XVII, nền kinh tế hàng hóa ở Thăng Long phát triển sầm uất hơn nhiều so với thời kỳ nhà Mạc.
Để thấy được những nét cởi mở trong đời sống tư tưởng, đời sống văn hóa - tín ngưỡng vào đầu thế kỷ XVII, PGS. TS Nguyễn Tá Nhí đã trình bày khá rõ về những chính sách của Triết vương Trịnh Tùng đối với Tam giáo (Nho - Phật - Đạo). Theo tác giả, đây là thời kỳ mà Phật giáo và Đạo giáo được phát triển khá tự do. Đặc biệt, tác giả đã công bố được một số tư liệu chữ Hán quý báu, đó là các lệnh chỉ do Triết vương Trịnh Tùng lưu hành nhằm bảo vệ quyền lợi cho các chùa quán, đình đền trong cả nước… Qua đó, tác giả cho chúng ta thấy, chính quyền Lê - Trịnh một mặt dựa vào Nho giáo để tổ chức chính quyền, đào tạo nhân tài… mặt khác, vẫn để cho Phật giáo và Đạo giáo hoạt động bình thường.
PGS. TS Đinh Khắc Thuận cho biết, sau khi hoàn thành sự nghiệp trung hưng, Triết vương Trịnh Tùng đã quan tâm ngay tới việc bình thường hóa quan hệ giao bang với nhà Minh. Tháng 3 năm Đinh Dậu (1597), nhà Minh sai ủy quan là Vương Kiến Lập đến nước ta đòi lễ cống và hội khám, thì ngay tháng 4, Triết vương Trịnh Tùng sai Tả thị lang bộ Công Phùng Khắc Khoan sang nhà Minh đặt vấn đề tuế cống và xin thụ phong. Đó là những việc làm cần thiết để giữ mối hòa hiếu giữa nước ta và Trung Quốc, tránh những mâu thuẫn và xung đột không có lợi cho việc khôi phục đất nước sau chiến tranh.
Điểm qua một số vấn đề chính yếu mà các bản tham luận khoa học đề cập tới, với tinh thần khoa học, chúng tôi xin lắng nghe mọi ý kiến phát biểu, thảo luận và trân trọng với từng dóng góp, dù nhỏ của mỗi người. Ở đây, không riêng gì những quan điểm khác biệt, mà ngay cả những điểm đã thống nhất, chúng ta vẫn có thể trao đổi xem lại có đủ luận cứ khoa học hợc đủ sức thuyết phục hay chưa. Tất nhiên, trong cuộc số Hội thảo khoa học lần này, chúng ta sẽ không thể giải quyết được những tồn nghi khoa học, nhưng chúng tôi vẫn hy vọng rằng, trong nỗ lực chung của mọi người, chúng ta có thể đi tới sự đánh giá có tính thống nhất cao về danh nhân lịch sử Triết vương Trịnh Tùng.