Triển khai các mô hình trồng rừng ngập mặn
Theo đánh giá của Cục Lâm nghiệp, 5 mô hình trồng rừng ngập mặn phòng hộ xung yếu, đang được triển khai thí điểm tại một số tỉnh ven biển như Hải Phòng và Cà Mau, đã phát huy hiệu quả, tăng cường tác dụng bảo vệ đê biển và đem lại giá trị kinh tế cho người dân địa phương.
5 mô hình trồng rừng được Cục Lâm nghiệp và Trung tâm Nghiên cứu Sinh thái-Môi trường rừng thực hiện bao gồm trồng rừng ngập mặn bảo vệ đê biển và tăng cao tốc độ bồi lắng phù sa lấn biển, nuôi tôm kết hợp trồng rừng ngập mặn, khôi phục rừng ngập mặn trong các đầm nuôi tôm bị thoái hóa, cải tiến thiết kế đầm nuôi tôm lâm ngư nghiệp kết hợp và trồng rừng ngập mặn trên bờ bao các đầm nuôi tôm.
Kết quả cho thấy diện tích rừng với các loại cây bần, trang trưởng thành đã góp phần làm giảm tới 75-83% độ cao của sóng biển truyền qua rừng ngập mặn so với nơi không có rừng phòng hộ đê biển.
Việc tiến hành trồng rừng theo tỉ lệ 70% diện tích rừng ngập mặn với 30% diện tích nuôi tôm, đã góp phần nâng tỷ lệ cây sống lên tới 80%, năng suất tôm nuôi tăng gấp hơn 4 lần, từ 80 kg/ha/vụ lên 350 kg/ha/vụ, và hạn chế tình trạng bỏ hoang các đầm nuôi sau khi thu hoạch tôm.
Nông dân tự nguyện trồng cây trên nền đất rừng đã bị tàn phá (Ảnh: VOV) |
Cả nước hiện có khoảng gần 606.000ha đất ngập mặn ven biển, bao gồm trên 155.290 ha rừng ngập mặn ven biển, gần 226.000 ha đất ngập mặn ven biển không có rừng ngập mặn và hơn 226.000 ha đầm nuôi nước lợ có đê cống.
Do sức ép về gia tăng dân số, lạm phát tình trạng khai thác gỗ củi, phá rừng ngập mặn làm đầm nuôi tôm, diện tích đất ngập nước ven biển đang bị thu hẹp nhanh chóng và suy thoái nghiêm trọng, nhất là tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, nơi chiếm gần 62% đất ngập mặn và trên 53% đất rừng ngập mặn của cả nước.
Nguồn: vnn.vn