Trị bệnh bằng tế bào gốc ngày càng hiện thực hơn
Xoay quanh vấn đề trị bệnh bằng tế bào gốc, PGS-TS Nguyễn Mộng Hùng, Khoa Sinh học, ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội (ĐH Quốc gia Hà Nội), một trong những chuyên gia hàng đầu ở Việt Nam trong lĩnh vực tế bào gốc trả lời phỏng vấn của phóng viên.
- Gần đây, đã có một số công bố về việc tạo tế bào gốc từ da người, hay từ phôi lai người động vật... Có phải, điều này cho thấy nhân loại ngày càng tiến gần hơn đến ứng dụng các phương pháp trị liệu bằng tế bào gốc?
- Tế bào gốc là loại tế bào chuyên biệt hoá, có nhiều tiềm năng - có thể biến thành nhiều loại tế bào khác. Phân biệt tế bào gốc phôi, từ thai và từ cơ thể trưởng thành.
Thường ở giai đoạn phôi thì nó có nhiều. Những thành tựu khoa học mới đây nhất đã cho thấy, từ cơ thể trưởng thành chúng ta đã có thể tách thành các tế bào gốc và từ đó có thể chuyển hoá thành nhiều loại tế bào khác.
Cụ thể, là từ tế bào da của người trưởng thành chuyển hoá thành các tế bào gốc, thông qua phương pháp chuyển-mở một số gen trong nhân tế bào, và làm cho chúng trở thành dạng sơ khai, dạng gốc ban đầu.
Việc này đưa lại nhiều triển vọng rất lớn trong trị liệu, ví như khi cơ thể của một ai đó bị thoái hoá các cơ tim chẳng hạn, thì người ta lấy tế bào gốc của chính người đó để chuyển hoá thành tế bào cơ tim và nuôi dưỡng chúng thành các cơ tim rồi làm các thủ thuật thay thế. Việc này đối với khoa học ngày nay là đơn giản rồi.
Trong quá trình nghiên cứu, người ta đã tạo ra được tế bào gốc từ nhiều loại tế bào khác nhau, từ phôi, thai, từ tế bào máu, từ tế bào âm đạo, và gần đây là từ tế bào da của người trưởng thành. Và từ tế bào gốc, các nhà khoa học cũng đã nghiên cứu thành công việc chuyển hoá chúng thành các loại tế bào, các loại mô, cơ khác nhau của cơ thể như tế bào thần kinh, tế bào máu, cơ tim, giác mạc mắt v.v... Với tế bào gốc từ cuống dây rốn, người ra đã có thể chữa được một vài bệnh liệt, tuỷ sống, bỏng...
Trên báo chí đã từng viết về những thành công như vậy tại một số nơi trên thế giới, còn trên các tạp chí chuyên ngành hẹp thì việc công bố những thành tựu khoa học như vậy chưa có nhiều, thậm chí tôi còn chưa gặp.
- Hiện ở Việt Nam đang có những dự án thành lập ngân hàng tế bào gốc (NHTBG)... Như vậy, triển vọng trị liệu bằng tế bào gốc ở nước ta là một hiện thực rất gần. Là một chuyên gia, ông có nhận thấy đúng là như vậy không?
- Mặc dù khoa học đã có khá nhiều thành công trong việc nghiên cứu tế bào gốc, nhưng không phải là mọi sự đã thuận lợi - vì khoa học còn chưa biết được - liệu các tế bào gốc sau khi được chuyển hoá thành các loại mô, cơ, tế bào khác thì sẽ tồn tại được bao nhiêu lâu, chúng có bị thoái hoá không, chúng có thể tiếp tục phát triển sang một hướng khác như trở thành các tế bào ung thư hay không v.v... Tất cả những điều này phải chờ thời gian và chờ những nghiên cứu thực nghiệm tiếp theo mới rõ được. Hơn nữa, hầu hết các nghiên cứu tế bào gốc trong quá khứ về cơ bản là được làm trên động vật, còn các nghiên cứu thực nghiệm trên người chỉ mới gần đây và còn rất hạn chế do nhiều yếu tố.
- Nhưng các NHTBG sắp được thành lập ở Việt Nam theo như được biết là sẽ tế bào gốc khai thác từ nguồn cuống dây rốn do các đối tượng gởi vào... Điều đó có mang lại một triển vọng lạc quan hơn?
- Việc chữa bệnh với nguồn "thuốc điều trị" từ tế bào gốc của chính cơ thể người bệnh hay từ cơ thể người khác, là còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó đáng kể nhất yếu tố luật pháp. Luật không cho phép thì không thể làm gì được - và nếu điều luật không "kín kẽ" sẽ dẫn đến việc lợi dụng để buôn bán, thương mại hoá.
Về luật pháp, nhiều quốc gia trên thế giới không cho phép sử dụng phôi người, thai người (ngay cả thai đã được "nạo" bỏ đi) vào việc nghiên cứu hay sử dụng nó để tạo ra các sản phẩm thương mại. Còn với tế bào gốc khai thác từ cuống dây rốn (từ máu dây rồn, từ màng dây rốn...) chắng hạn thì công việc thuận lợi hơn nhiều.
Nhà khoa học Phan Toàn Thắng đã nghiên cứu thành công vấn đề này, và có patent (bằng sáng chế) nữa. Nhưng việc chuyển giao các thành quả nghiên cứu này về nước cũng còn khá nhiều yếu tố cần quan tâm như ai tiếp quản, điều kiện tiếp quản, ai sẽ là người tiếp tục nghiên cứu hay ứng dụng thành quả nghiên cứu này...
Sơ đồ tạo tế bào gốc từ da người... Một thành tựu đáng chú ý trong lĩnh vực nghiên cứu tế bào gốc trong năm 2007 |
- NHTBG ở Việt Nam sẽ hoạt động như thế nào để đáp ứng nhu cầu trị bệnh?
- Khi chúng ta có NHTBG thì mọi chuyện tiếp theo cũng đơn giản thôi. Các tế bào (từ cuống dây rốn của trẻ sơ sinh chẳng hạn) được tách ra, nuôi cấy và được lưu giữ trong ni-tơ lỏng. Những việc tiếp theo chỉ đơn giản là cần trả phí khoảng 100 USD/năm/1 hồ sơ là ổn.
Với hàng vạn, hàng triệu hồ sơ tế bào gốc từ cuống dây rốn của các trẻ sơ sinh, thì trong tương lai chúng ta có nhiều triển vọng hợp tác với các nước trên thế giới trong việc chữa bệnh cho chính những người có hồ sơ trong NHTBG - hoặc cho những người có dữ liệu về sinh học tương đồng.
- Khi đã có tế bào gốc trong NHTBG, thì việc thay thế một tổ chức cơ quan nào đó cho người bệnh được tiến hành có thuận lợi không, thưa ông?
- Việc thay thế một cơ quan nội tạng nào đó dựa trên nguồn tế bào gốc trên thực tế chỉ có thể áp dụng trong một số trường hợp, và cũng cần cả thời gian nữa, chứ không phải bệnh nào cũng chữa được.
Trong trường hợp cần thay tim ngay do tai nạn chẳng hạn, thì không thể chờ nhân nuôi và phát triển cả một quả tim từ tế bào gốc được. Nhưng ứng dụng sẽ dễ dàng thành công trong trường hợp các bệnh có thời gian để... chờ, như với bệnh suy tuỷ xương, hay vá da do bỏng, ghép giác mạc chẳng hạn..., nói tóm lại là với những loại bệnh không bị sức ép thời gian...
- Trên trường quốc tế, việc hình thành NHTBG của Việt Nam có đem lại điều gì đặc biệt không, thưa ông?
- Khi thành lập NHTBG, chúng ta sẽ hòa vào với cả mạng lưới NHTBG của thế giới, với những xét nghiệm, những cơ sở dữ liệu đầy đủ cho mỗi hồ sơ.
Từ đó, khi gặp những ca bệnh cần chữa trị thì việc đối chiếu các xét nghiệm, đối chiếu hồ sơ qua hệ thống dữ liệu của toàn hệ thống sẽ tìm ra được những hồ sơ tế bào gốc nào là thích hợp nhất, ít gây ra xung khắc miễn dịch nhất để đưa ra hướng giải quyết, điều trị bệnh.
Ví dụ như bệnh nhân A ở Ấn Độ có thể trao đổi, điều đình với chủ nhân B của hồ sơ tế bào gốc tại Việt Nam thông qua luật sư, khi vấn đề được giải quyết, cũng đồng nghĩa với việc có thu nhập. Tức là việc thương mại hoá vấn đề này trong tương lai là hoàn toàn có thể.
- Hiện ngày càng có nhiều thông tin về thành tựu nghiên cứu tế bào gốc trên thế giới... Ở Việt Nam, các nhà khoa học đã có đạt được những kết quả gì trong lĩnh vực này?
Những chú gà khảm 1 ngày tuổi được các nhà khoa học VN tạo ra với mục đích dùng gà để sản xuất thuốc |
Các tế bào gốc từ phôi gà Lương phượng (gà có lông màu đỏ) đã được các nhà khoa học tiêm cho phôi của gà ác tiềm (gà có lông trắng hoàn toàn). Gà con nở ra là gà khảm (con gà ác với bộ lông của gà Lương phượng).
Một ví dụ khác của nghiên cứu với những con chuột được chiếu xạ liều 900 Rơnghen. Chỉ sau 1 tuần, chúng bị chết hết do tuỷ xương, hồng cầu, bạch cầu và các tế bào tạo máu bị phá huỷ. Nhưng khi lấy tế bào gốc từ phôi chuột tiêm vào những con chuột bị chiếu xạ đó thì chúng được cứu sống - chứng minh được là tế bào gốc của chuột có thể tạo máu, hay nói cách khác, có thể thay thế các tế bào bị chết trong cơ thể bằng tế bào gốc. Điều này mở ra triển vọng điều trị nhiều căn bệnh trên người bằng tế bào gốc.
Nói gọn thì trên thế giới có 2 hướng liên quan đến công nghệ tế bào gốc: hướng nghiên cứu tế bào gốc nhằm mục đích trị liệu (đang được nhắc đến nhiều trong dư luận xã hội) và hướng nghiên cứu thứ hai (ít được nói đến hơn) - đó là hướng nghiên cứu tế bào gốc để tạo ra những loài động vật chuyển gen.
Thực tế giải Nobel vừa rồi là đi theo hướng này - tạo những động vật chuyển gien, nhưng là những mô hình bệnh, nếu sử dụng tế bào gốc để xử lý, để nuôi tế bào gốc in-vitro rất thuận lợi (ví dụ gien gây bệnh thiếu máu, gien gây bệnh Alhizemer...) và đánh bật gien gây bệnh ra bằng cách thay gien lành từ tế bào gốc vào, sẽ cứu sống được con vật đó. Đó cũng là triển vọng rất lớn của hướng nghiên cứu này (dùng tế bào gốc để tạo động vật chuyển gien).
Hướng nghiên cứu của chúng tôi nhằm mục đích dùng động vật để tạo ra những protein của người (ví như việc sử dụng chuột để sản xuất kháng thể, có thể chữa được bệnh cho người là chuyện khoa học đã giải quyết dễ dàng rồi...)
- Để phát triển các nghiên cứu về tế bào gốc thì kinh phí đầu tư tối thiểu là bao nhiêu, và có điều gì cần bàn quanh vấn đề khung pháp lý không?
- Một số quốc gia trên thế giới như Hàn Quốc ủng hộ việc tạo ra phôi người qua nhân bản vô tính, rồi từ đó tách tế bào gốc để điều trị bệnh. Kinh phí đầu tư lên tới hàng trăm triệu đôla, với đội ngũ chuyên gia lên tới hàng trăm người.
Còn với chúng ta, việc đầu tư cho các trang thiết bị nghiên cứu là không lớn, để có được một phòng thí nghiệm nghiên cứu về tế bào gốc thì chỉ cần 5-7 tỉ đồng. Nhưng có nhiều việc đằng sau chuyện đầu tư kinh phí, ví như cơ chế tuyển người làm việc, hay quyền của người chủ trì công việc chẳng hạn, thì lại rất quan trọng.
Làm các nghiên cứu về tế bào gốc trên động vật thì đơn giản. Nhưng sau này, khi tạo ra những sản phẩm dược liệu có thể đem ứng dụng chữa bệnh cho người được thì rất cần đến khung pháp lý. Ngoài việc đưa ra các số liệu về lợi ích, về thành quả của các nghiên cứu của mình, nhà khoa học cần phải tính toán đến cả những yếu tố trái chiều để cảnh báo xã hội.
- Xin cảm ơn ông
Dùng kỹ thuật tế bào gốc tạo ra giống gà có khả năng sản xuất dược liệu |
Giải Nobel về tế bào gốc năm 2007 không phải về vấn đề trị liệu bằng tế bào gốc mà là kỹ thuật tạo mô hình chuột các bệnh ở người bằng chuyển gien qua tế bào gốc. Đây là vấn đề hiện đang được theo đuổi trong các năm gần đây tại phòng thí nghiệm ở khoa Sinh học - ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội. Mặc dù điều kiện nghiên cứu tại Việt Nam có nhiều khó khăn, nhưng nhóm nghiên cứu của PGS-TS Nguyễn Mộng Hùng vẫn cố gắng đi theo hướng này, trước tiên là làm cho con gà có thể sản xuất ra một protein dược liệu nào đó. Theo PGS-TS Nguyễn Mộng Hùng, trong số mới nhất của tạp chí New Scientistcũng vừa giới thiệu một công trình rất quan trọng. Đó là trường hợp chữa khỏi bệnh di truyền thiếu máu hồng cầu liềm ở chuột qua tế bào gốc từ chính con chuột đó. Các nhà khoa học lấy tế bào da đuôi, nuôi cấy, đánh bật gen hemoglobin đột biến gây bệnh thiếu máu hồng cầu liềm, thay bằng gen lành, tiếp theo chuyển gen để biến các tế bào da này thành tế bào gốc và tiêm lại cho chính con chuột cho da và đã chữa khỏi bệnh. Tuy nhiên do chuột có tuổi thọ ngắn nên chưa biết được là các tế bào gốc tiêm vào có gây ung thư hay không. Điều này còn cần phải theo dõi tiếp. |
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn (23/01/08)