Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 10/10/2011 20:28 (GMT+7)

Trao đổi ý kiến về kiểm toán môi trường

Kiểm toán môi trường là gì?

Kiểm toán môi trường không còn xa lạ ở các nước có nền công nghiệp hiện đại, tuy nhiên cũng còn khá mới mẻ ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam . Khái niệm kiểm toán môi trường bắt đầu xuất hiện vào những năm đầu của thập kỉ 80, sau hàng loạt các thảm họa môi trường xảy ra tại Anh và Mỹ. Có nhiều khái niệm khác nhau về kiểm toán môi trường, trên giác độ chung nhất có thể hiểu như sau:

Kiểm toán môi trường là hoạt động kiểm tra, khảo sát, đánh giá về việc tổ chức, quản lý môi trường (hệ thống trang thiết bị và quá trình hoạt động của một đơn vị), nhằm mục đích đánh giá về tính hợp lý, hiệu quả của những thủ tục và hệ thống quản lý nội bộ của đơn vị được kiểm toán so với các tiêu chuẩn và thông số kỹ thuật về bảo vệ sự phát triển bền vững của môi trường.

Tại sao cần kiểm toán môi trường?

Có thể đưa ra 2 lý do cơ bản cần phải kiểm toán môi trường sau đây:

Góp phần tăng cường năng lực quản lý và bảo vệ môi trường của các cơ quan quản lý chức năng

Việt Nam là một trong những quốc gia đang bị đe dọa nhiều nhất bởi hiện tượng khí hậu toàn cầu. Khi nhiệt độ trái đất tăng lên thì có thể dẫn đến hàng triệu người Việt Nam sẽ mất nhà và nhiều diện tích đất nông nghiệp ở Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ bị chìm trong nước biển… Do đó, vấn đề phát triển bền vững và bảo vệ môi trường và mọi đơn vị, tổ chức, cá nhân đều phải có trách nhiệm thực hiện tốt các quy định, chính sách bảo vệ môi trường và phát triển bền vững mà Chính phủ và các cơ quan chức năng ban hành để bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường.

Qua kiểm toán môi trường sẽ thấy được mức độ tuân thủ các chế độ, chính sách hiện hành về quản lý và bảo vệ môi trường của đơn vị được kiểm toán, phát hiện được những tồn tại, bất cập trong việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường, như tồn tại trong việc lập, phân bổ và giao dự toán; Tồn tại trong việc chấp hành chế độ thu, chi, quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường; Tồn tại trong việc thực hiện kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng… Đồng thời qua kiểm toán cũng chỉ ra những bất cập của các văn bản pháp luật liên quan đến việc quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường…. Trên cơ sở những tồn tại, bất cập đã phát hiện được, kiểm toán viên sẽ đưa ra kiến nghị cụ thể đối với các đơn vị (Bộ và tỉnh, thành phố, doanh nghiệp…được kiểm toán); Kiến nghị với các cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Chính phủ và Quốc hội. Những kiến nghị đó có tác động đáng kể để cải thiện tình hình về quản lý và bảo vệ môi trường cả trên giác độ về xây dựng và thực hiện chính sách, chế độ phù hợp, về quản lý và bảo vệ môi trường nói chung, nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường nói riêng, đảm bảo sự phát triển bền vững của từng đơn vị cũng như toàn bộ nền kinh tế, và quan trọng hơn, sẽ góp phần tăng cường năng lực quản lý và bảo vệ môi trường của các cơ quan quản lý chức năng.

Giúp tăng cường nhận thức và hành động về bảo vệ môi trường của lãnh đạo và nhân viên trong đơn vị, thúc đẩy phát triển bền vững và bảo vệ môi trường chung theo hướng "sản xuất sạch hơn"

Qua kiểm toán môi trường, đơn vị được kiểm toán sẽ hiểu rõ hơn về mức độ tuân thủ các chế độ, chính sách hiện hành về quản lý và bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động của đơn vị, xác định được những tồn tại cụ thể trong việc thiết kế và vận hành các hệ thống quản lý môi trường của đơn vị mình (nhất là đối với đơn vị đã triển khai áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo ISO 14000). Kết quả kiểm toán môi trường sẽ đưa ra kết luận và những con số cụ thể về hạn chế hoặc sai phạm trong quá trình và kết quả quản lý môi trường của đơn vị, chỉ ra những bất cập như rò rỉ khí đốt, rò rỉ điện.. gây lên lãng phí năng lượng và ô nhiễm môi trường, hay vấn đề chất thải công nghiệp chưa được xử lý đúng yêu cầu… (có thể sẽ là những con số khổng lồ). Những tồn tại đó vừa dẫn đến tăng chi phí, giảm lợi nhuận vừa dẫn đến ô nhiễm môi trường, và có thể doanh nghiệp phải chịu thêm khoản tiền phạt lớn hay ảnh hưởng xấu đến uy tín và vị thế cạnh tranh của đơn vị… Những kết luận và kiến nghị của Kiểm toán viên sẽ giúp cho đơn vị nhận thức rõ hơn về tác dụng kép về kinh tế "giảm chi phí, tăng uy tín và hiệu quả hoạt động" của việc bảo vệ môi trường trong quá trình hoạt động của đơn vị. Theo đề xuất của Kiểm toán viên, đơn vị có thể thiết kế quy trình sản xuất hợp lý hơn để tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu chất thải, thay thế loại nguyên vật liệu phù hợp hơn để giảm thiểu chất thải rắn, chất thải khí, sử dụng trang thiết bị phù hợp để giảm thiểu phế liệu, phế thải v.v.. Mặt khác, việc đánh giá và kết luận hiện trạng môi trường của doanh nghiệp đối với việc đảm bảo các yêu cầu cơ bản về sức khỏe con người, có thể sẽ đưa ra những cảnh báo về ô nhiễm môi trường đã được phát hiện trong quá trình kiểm toán còn giúp Ban quản lý và cán bộ công nhân viên trong đơn vị nhận thức rõ nguy cơ ô nhiễm môi trường sẽ ảnh hưởng xấu đến chính bản thân họ như nguy cơ bệnh nghề nghiệp, nguy cơ suy giảm sức khỏe, giảm sút năng suất lao động ngay trong đơn vị, đồng thời cũng ảnh hưởng xấu đến môi trường chung và sức khỏe cộng đồng.

Ai kiểm toán môi trường?

Môi trường có vị trí vô cùng to lớn đối với sự tồn tại và phát triển của loài người. Môi trường và sự phát triển là vấn đề riêng của mỗi đơn vị, mỗi tổ chức, cá nhân mà đã và đang trở thành vấn đề của cả quốc gia, khu vực và quốc tế. Vấn đề làm sao để duy trì, bảo vệ phát triển môi trường một cách bền vững đã và đang được các quốc gia trên thế giới quan tâm, và trở thành vấn đề nóng trong những vấn đề cần quan tâmcủa mỗi Quốc gia. Với tư cách là công cụ quản lý quan trọng trong hệ công cụ quản lý của một quốc gia, Kiểm toán Nhà nước phải là lực lượng nòng cốt đảm nhiệm kiểm toán môi trường để thấy được bức tranh tổng thể về tình hình quản lý và bảo vệ môi trường của Quốc gia cũng như của các khu vực trọng điểm, trên cơ sở đó cung cấp thông tin cho Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan quản lý chức năng đưa ra những quyết định quản lý vĩ mô. Qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước sẽ đưa ra các kết luận, đánh giá và kiến nghị cụ thể về việc xây dựng và thực hiện các chính sách, quy định để phòng chống ô nhiễm, bảo vệ môi trường của Quốc gia, cũng như từng đơn vị, tổ chức; đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực trong việc sử dụng các nguồn kinh phí môi trường của Chính phủ đồng thời đánh giá tính hợp lý đúng đắn của các Báo cáo quyết toán các nguồn kinh phí này.

Hiện nay Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã và đang triển khai thực hiện thí điểm kiểm toán môi trường. Kiểm toán Nhà nước đã thực hiện kiểm toán tại Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và một số thành phố lớ như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu… trên các nội dung: Kiểm toán việc chấp hành pháp luật, chính sách, chế độ quản lý tài chính, kế toán của Nhà nước; Kiểm toán công tác lập, phân bổ và giao dự toán các khoản thu-chi, lập dự toán, quyết toán kinh phí sự nghiệp môi trường; Kiểm toán kết quả thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng… Qua đó, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện được những tồn tại, bất cập trong công tác lập, phân bổ và giao dự toán như: ngành Tài nguyên và Môi trường chưa tổng hợp được nhu cầu kinh phí môi trường, việc tổng hợp, phân khai kinh phí sự nghiệp môi trường chủ yếu do Ngành Tài chính thực hiện; Các địa phương không giao riêng kinh phí sự nghiệp môi trường mà giao chung vào sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp kiến thiết thị chính, có địa phương xếp nhầm khoản mục kinh phí vệ sinh công cộng (Loại 21) vào chi phí hoạt động về bảo vệ môi trường (Loại 18)..; Tồn tại trong việc chấp hành chế độ quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường như thu phí nước thải công nghiệp thiếu kịp thời, thu theo số đơn vị tự kê khai, không nắm chính xác đối tượng thu, nhiều đơn vị thuộc đối tượng thu nhưng chưa được quản lý dẫn đến số đơn vị chưa nộp phí chiếm tỷ trọng lớn, một số doanh nghiệp đã được cấp giấy phép kinh doanh khai thác khoáng sản nhưng chưa thu phí khai thác khoáng sản, việc ban hành mức thu phí vệ sinh chưa đúng quy định hoặc thiếu kịp thời; Tồn tại trong việc quản lý và sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường như: Sử dụng sai nguồn thu phí được để lại, chi không đúng chế độ, vượt định mức, xác định kinh phí tiết kiệm bổ sung thu nhập chưa đúng quy định, đánh giá, thẩm định, phê duyệt lựa chọn nhà thầu không đúng quy định, hồ sơ dự thầu nạo vét sông không đáp ứng yêu cầu về năng lực tài chính và máy móc thiết bị thi công nhưng vẫn được xét trúng thầu… Một số đơn vị chưa nộp kịp thời các khoản phí phải nộp NSNN; Tỷ lệ cơ sở được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp quyết định chứng nhận hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để còn thấp, nhìn chung việc xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa đạt được tiến độ đề ra… Đồng thời qua kiểm toán cũng chỉ ra những bất cập của các văn bản pháp luật liên quan đến việc quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường như: Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về môi trường được ban hành chưa đầy đủ, chưa đồng bộ, chưa xây dựng được các định mức kinh tế, kỹ thuật, đơn giá làm cơ sở xây dựng dự toán, quyết toán; chế tài xử phạt về vi phạm Luật Bảo vệ môi trường chưa đủ mạnh nên một số đơn vị thực hiện không nghiêm; chưa quy định rõ thẩm quyền chức trách trong việc thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách Nhà nước; việc kiểm tra, thanh tra xử lý vi phạm về môi trường còn có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm giữa cấp trên và cấp dưới, giữa Trung ương và địa phương dẫn đến tình trạng môi trường ô nhiễm chưa được xử lý kịp thời và triệt để; chưa phát hiện kịp thời các cơ sở gây ô nhiễm; quy định mâu thuẫn về quy định đơn vị tính thuế và đơn vị tính phí bảo vệ môi trường nên khó khăn trong việc xác định mức thu phí; quy định mức phạt các đơn vị gây ô nhiễm môi trường quá thấp dễ dẫn đến đơn vị chấp nhận phạt chứ không đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn; quy định mức chi hợp đồng lao động thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ công tác về môi trường cấp xã còn thấp nên chưa có tác dụng khuyến khích người lao động tham gia công tác bảo vệ môi trường tại địa phương… Trên cơ sở những phát hiện trong kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã đưa ra kiến nghị cụ thể đối với các bộ và tỉnh, thành phố được kiểm toán; Kiến nghị một số giải pháp và điều kiện nhằm tăng cường quản lý môi trường đối với những cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan như Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Chính phủ và Quốc hội. Như vậy, cuộc kiểm toán môi trường mà Kiểm toán Nhà nước thực hiện đã có tác động đáng kể để cải thiện tình hình về quản lý và bảo vệ môi trường trên cả giác độ về xây dựng và thực hiện chính sách, chế độ phù hợp, về quản lý và bảo vệ môi trường trên cả giác độ về xây dựng và thực hiện chính sách, chế độ phù hợp, về quản lý và sử dụng kinh phí và báo cáo quyết toán… Nếu thực hiện trên diện rộng hơn, chắc chắn Kiểm toán Nhà nước sẽ phát hiện thêm những tồn tại để có những giải pháp tổng thể và chi tiết nhằm bảo vệ môi trường tốt hơn.

Trong những năm tới, để đảm bảo yêu cầu quản lý của Nhà nước và cả doanh nghiệp, nên đưa kiểm toán môi trường trở thành yếu tố bắt buộc. Đối với những công trình, dự án mới cần thực hiện Tiền kiểm toán môi trườngnhằm đảm bảo thiết kế hệ thống quản lý môi trường thích hợp, hiệu quả ngay từ đầu, tránh thiệt hại do phá đi, làm lại hay thay đổi trang thiết bị như một số đơn vị hiện nay. Tuy nhiên, để mở rộng kiểm toán môi trường đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ phía Kiểm toán Nhà nước cũng như các cơ quan quản lý chức năng. Bởi vì những quy định pháp lý về kiểm toán môi trường còn chưa rõ ràng, chưa đầy đủ và đồng bộ. Mặt khác, quy trình, phương pháp kiểm toán chưa được xây dựng đầy đủ, trang thiết bị phục vụ kiểm toán môi trường cũng chưa đáp ứng đủ nhu cầu công việc kiểm toán. Công tác đào tạo cán bộ về kiểm toán môi trường của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam còn hạn chế nên chưa có được một đội ngũ kiểm toán viên môi trường chuyên nghiệp.

Mặt khác, để công tác quản lý và bảo vệ môi trường được thực hiện tốt, cần tăng cường trách nhiệm xã hội của các đơn vị, tổ chức và cá nhân trong nền kinh tế, đặc biệt là các doanh nghiệp. Với chức năng tư vấn cho nhà quản trị đơn vị, Kiểm toán nội bộ trong các đơn vị cũng cần quan tâm đến công tác kiểm tra môi trường, như tư vấn cho lãnh đạo đơn vị có giải pháp phù hợp để thực hiện các kiến nghị của kiểm toán Nhà nước (nếu đơn vị đã được kiểm toán môi trường); Hoặc đề xuất nhà quản trị tổ chức kiểm toán môi trường (thêu kiểm toán hoặc thuê chuyên gia để phối hợp kiểm toán môi trường trong đơn vị…). Trong trường hợp đơn vị chưa đủ điều kiện thực hiện kiểm toán môi trường thì Kiểm toán nội bộ cần tư vấn lựa chọn đối tác cần thuê kiểm toán môi trường. Khi đã có kết quả kiểm toán môi trường, Kiểm toán nội bộ cần kiểm tra, đánh giá và đưa ra ý kiến kết luận về các giải pháp nhằm thúc đẩy đơn vị thực hiện tốt hơn các quy định pháp lý về quản lý và bảo vệ môi trường của Chính phủ và các cơ quan ban hành. Hơn nữa, đơn vị có thể tìm kiếm giải pháp đảm bảo sản xuất sạch hơn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong quá trình hoạt động của đơn vị.

Trong tương lai gần, các tổ chức kiểm toán độc lập cũng có thể cung cấp các dịch vụ kiểm toán và tư vấn các giải pháp quản lý môi trường, tiết kiệm chi phí cho đơn vị được kiểm toán (nếu như có đủ lực lượng kiểm toán viên, trang thiết bị kiểm toán môi trường).

Trên đây là một số ý kiến luận bàn về kiểm toán môi trường. Hy vọng bài viết sẽ làm sáng tỏ hơn vấn đề nghiên cứu đã đặt ra.

Xem Thêm

Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Ngày 25/6/2025, tại Tp. Huế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) chủ trì, phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Huế (Liên hiệp Hội TP. Huế) tổ chức Hội thảo “Phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức để góp phần tích cực cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo tinh thần Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 24/11/2023”.
An Giang: 8 giải pháp thực hiện đột phá phát triển khoa học công nghệ
Đến nay, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội tỉnh) đã tập hợp được 40 hội, tổ chức thành viên với 9.554 hội viên cá nhân, trong đó có hơn 3.451 hội viên trí thức. An Giang xác định và đề ra mục tiêu về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (KHCN, ĐMST, CĐS) đến năm 2030.
Thanh Hoá: Hội thảo KH về giải quyết tình trạng thiếu lao động ở nông thôn, lao động trực tiếp tham gia SX nông nghiệp
Sáng ngày 27/5/2025, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Liên hiệp hội) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Viện Nông nghiêp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp giải quyết tình trạng thiếu lao động sản xuất ở khu vực nông thôn, lao động có kỹ thuật, tay nghề cao trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ”.
Bình Thuận: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất
Sáng ngày 27/5, tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Giải pháp đột phá trong ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào thực tiễn quản lý và sản xuất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”.

Tin mới

Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng dự Lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam
Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam được thành lập ngay sau giải phóng năm 1975. Trong suốt 50 năm qua, Hội đã có nhiều đóng góp quan trọng cho hoạt động tư vấn chính sách đối với các vấn đề trọng đại của đất nước. Gần đây nhất là phản biện trong góp ý văn kiện Đại hội XIII và XIV của Đảng, các đề án tăng trưởng xanh, đường sắt cao tốc, quy hoạch vùng và dự thảo nhiều chính sách kinh tế quan trọng...
Lãnh đạo VUSTA tham dự Hội nghị IAS 2025
Đoàn công tác của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) do PGS.TS Phạm Ngọc Linh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Phó Chủ tịch VUSTA, Giám đốc Ban Quản lý dự án Quỹ Toàn cầu - VUSTA về phòng, chống HIV/AIDS làm trưởng đoàn đã tham dự Hội nghị Khoa học quốc tế về phòng, chống HIV/AIDS 2025 (Hội nghị IAS 2025) tại Rwanda từ ngày 12/7 đến ngày 17/7/2025.
Thắp nến tri ân nhân Kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ
Ngày 24/7, nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947–27/7/2025), Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp cùng Đoàn Thanh niên Hội Nhà báo Việt Nam và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam trang trọng tổ chức Chương trình “Thắp nến tri ân” tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội).
Tuổi trẻ VUSTA tự hào được rèn luyện, trưởng thành dưới cờ Đảng quang vinh
Đại hội Đảng bộ Liên hiệp Hội Việt Nam (VUSTA) nhiệm kỳ 2025–2030 được tổ chức thành công vào sáng ngày 21/7. Tại Đại hội, đại diện Đoàn Thanh niên VUSTA đã có bài phát biểu chúc mừng đại hội. Bí thư Đoàn Thanh niên Lê Thị Thủy khẳng định: “Tuổi trẻ VUSTA tự hào được rèn luyện, trưởng thành dưới cờ Đảng quang vinh và luôn xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong công cuộc đổi mới đất nước”.