Trạng Trình
Bài tựa về Trạng Trình của tiến sĩ Vũ Khâm Lân có vị trí quan trọng để góp phần tìm hiểu thân thế và sự nghiệp của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tác phẩm này được viết năm 1743 cho tập gia phả dòng họ Trạng Trình sau khi cụ Trạng đã mất khoảng 158 năm. Vũ Khâm Lân còn có tên là Vũ Khâm Thận, sinh năm 1702 tại làng Ngọc Lặc, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Ông đỗ tiến sĩ năm 1727 làm quan đến chức Tham tụng, Ngự Sử đài, tước Ôn Quận công. Bài tựa này được chép trong quyển “Công Dư Tiệp Ký” (Những chuyện ghi nhanh trong lúc rãnh việc quan) của Vũ Phương Đề, cuốn 3, tờ 166- 175. Quyển “Công Dư Tiệp Ký” là của Vũ Phương Đề do vậy có người nghi vấn tác giả bài tựa này là Vũ Phương Đề, sinh năm 1697, người làng Mộ Trạch, huyện Đường An, nay là Bình Giang, Hải Dương, đỗ tiến sĩ năm 1736. Căn cứ trên văn bản thì tác giả “Bài tựa” này là của Vũ Khâm Lân mà Vũ Phương Đề là người chép lại.
“Bài tựa” này được đánh máy và post lên mạng qua sưu tầm, tuyển chọn từ các nguồn tài liệu của nhà nghiên cứu Phạm Đan Quế năm 2000, đối chiếu với bản dịch ở quyển “Bạch Vân Quốc ngữ Thi tập” của Nguyễn Quân, nhà xuất bản Sống Mới- Sài Gòn năm 1974 và một số tài liệu khác. Đây là một văn bản rất quý đã trải qua sự sàng lọc của thời gian 265 năm (1743- 2008). Nguồn tư liệu là chuẩn mực, tin cậy với nhiều dẫn liệu chọn lọc, xác thực, lời văn chặt chẽ, súc tích và khoáng đạt.
Ngày xuân đọc Trạng Trình, học gương đạo đức thương dân, lý học của ông. Học sự mình triết thuận lý, tuỳ thời, xuất xử hợp hoàn cảnh của kẻ sĩ ở thời biến động phức tạp. Học sự thanh nhàn vô sự, thung dung tự tại, gần gũi với thiên nhiên và dân chúng. Học những trang thơ văn, sấm ký, thấm đẫm tình người và sự minh triết, những giai thoại, lời truyền và tâm thức dân gian, di tích lịch sử, văn hoá đọc, văn hoá mạng về Người. Càng đọc, tôi càng thấy sự dạy và học thật tâm huyết, trí tuệ và vinh dự biết bao!
BÀI TỰA
NGUYỄN CÔNG VĂN ĐẠT PHỔ KÝ
(Trích Gia phả dòng họ Trạng Trình)
Tiến sĩ Vũ Khâm Lân (viết năm 1743)
Trình Quốc công Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (còn có tên khác là Nguyễn Văn Đạt) tự Hành Phủ, đạo hiệu là Bạch Vân cư sĩ, người làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, tỉnh Hải Dương. Tiên tổ ngày xưa tu nhân, tích đức nhiều, nay không thể khảo cứu được, chỉ biết từ đời cụ tổ được tập phong Thiếu bảoTư Quận công, cụ bà được phong Chính phu nhân Phạm Thị Trinh Huệ. Nguyên trước các cụ lập gia cư ở nơi có núi sông bao bọc hợp với kiểu đất của Cao Biền, tay phong thủy trứ danh đời Đường.
Phụ thân cụ Trạng được tặng phong tước Thái bảo Nghiêm Quận công, mỹ tự là Văn Định, đạo hiệu là Cù Xuyên tiên sinh. Cụ Văn Định học rộng, tài cao, có đức tốt và đã có lần sung chức Thái học sinh đời Lê.
Thân mẫu cụ Trạng được phong tặng tước Từ Thục phu nhân. Bà là người làng An Tử Hạ, huyện Tiên Minh cũng thuộc tỉnh Hải Dương, con gáí quan Thượng thư Bộ Hộ Nhữ Văn Lân. Bà thông minh, học rộng, văn hay, lại tinh thông tướng số. Ngay đời Hồng Đức (niên hiệu vua Lê Thánh Tôn), bà đã đoán trước rằng vận mệnh nhà Lê chỉ bốn mươi năm nữa là suy đồi khó gỡ. Bà có chí hướng muốn phò vua giúp nước như một bậc trượng phu nên chỉ chịu kết duyên khi gặp người trai vừa ý. Bà kén chồng đến ngót hai mươi năm, cho đến khi gặp ông Văn Định là người có tướng sinh quý tử, mới thành lập gia thất.
Sau khi lấy ông Văn Định, có lần qua bến đò Hàn thuộc sông Tuyết (sông thuộc làng Cổ Am) gặp một chàng thanh niên khác, bà nhìn người này và ngạc nhiên than rằng “lúc trước không gặp, ngày nay sao đến đây làm gì?”. Bọn theo hầu không hiểu nghĩa gì, cầm roi toan đánh đuổi chàng thanh niên ấy, bà cản lại và hỏi tên họ. Khi được biết, bà buồn rầu, hối hận đến cả mấy năm trời. Người thanh niên ấy không ai khác hơn là Mạc Đăng Dung, Thái Tổ của nhà Mạc sau này.
Bỉnh Khiêm sinh năm Hồng Đức thứ 21 (tức năm Tân Hợi 1491), lúc nhỏ có vóc dáng kỳ vĩ, chưa đầy một năm đã nói sõi. Một hôm vào buổi sáng sớm, Văn Định được bế cậu trên tay, bỗng thấy cậu nói ngay rằng: “Mặt trời mọc ở phương Đông” ông lấy làm lạ. Xem đó đủ biết con người khác thường, từ lúc thơ ấu đã có vẻ khác thường.
Năm Bỉnh Khiêm được bốn tuổi, thân mẫu dạy cậu học các bài chính nghĩa của Kinh, Truyện (tức các bài chính của các sách Tứ Thư, Ngũ Kinh). Bà dạy bằng cách khi ru, khi hát, nhưng dạy đến đâu cậu thuộc lòng đến đó. Cũng vào khoảng năm ấy, về thi ca, Bỉnh Khiênm đã thuộc vanh vách đến cả mấy chục bài quốc âm (thơ Nôm)…
… Trong tám năm ở triều, tiên sinh dâng sớ hạch tội mười tám kẻ lộng thần, xin đem ra chém để làm gương, bởi vì bản tâm. Tiên sinh chỉ muốn trăm họ được an vui, những người tàn tật mù loà được hành nghề hát xướng bói toán nhưng rồi thấy người con rể là Phạm Dao ỷ thế lộng hành , tiên sinh sợ liên luỵ đến mình nên cáo quan về nghỉ. Năm ấy là năm Quảng Hoà thứ hai (1542) đời Hiến Tông nhà Mạc, tiên sinh mới 52 tuổi.
Treo mũ về quê, tiên sinh dựng am Bách Vân ở phía đông làng và vẫn lấy biệt hiệu là Bạch Vân cư sĩ. Tiên sinh bắc hai chiếc cầu là Nghinh Phong và Trường Xuân để hóng mát, đồng thời dựng một cái quán ở bến sông Tuyết gọi là Trung Tân quán, hiện nay quán này còn tấm bia đá làm di tích để lại.
Ngoài ra, tiên sinh còn tu bổ chùa chiền. Tiên sinh thường cùng các lão tăng đàm luận và thường khi thả thuyền dạo chơi Kim hải hay Úc hải để xem người đánh cá. Các chỗ danh lam thắng cảnh như Yên Tử, Ngoạ Vân, Kinh Chủ, Đồ Sơn, nơi nào tiên sinh cũng chống gậy trèo lên, thừa hứng ngâm vịnh, có khi quên cả sớm chiều. Mỗi khi ngắm cảnh non cao chót vót, rừng rậm xanh rờn, gió động rì rào, chim ca thánh thót, tiên sinh lại hớn hở tự đắc, phiêu phiêu như một vị lục địa thần tiên (thần tiên ở thế gian).
Thời gian tiên sinh dưỡng lão ở quê hương, tiên sinh không tham dự quốc chính nhưng nhà Mạc vẫn kính như bậc thầy. Mỗi khi có việc trọng đại, vua Mạc thường sai quan về hỏi hoặc mời lên kinh đô nói chuyện. Tiên sinh dâng lên ý kiến được bổ ích rất nhiều. Mỗi lần lên kinh, xong việc, tiên sinh lại xin về, triều đình ân cần lưu lại, thế nào cũng không được. Sau tiên sinh được nhà Mạc xếp vào hạng đệ nhất công thần, phong tước Trình Tuyền hầu, rồi thăng dần tới tước Lại bộ Thượng thư, Thái phó, Trình Quốc công. Ông bà hai đời cũng được truy tặng chức tước, ba người vợ và bảy người con cũng được thứ tự phong hàm.
Năm Cảnh Lịch thứ ba (1555) đời Mạc Tuyên Tôn (Mạc Phúc Nguyên) Thư Quốc công Nguyễn Thiến (người làng Khoa Hoạch, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông) cùng con trai là Quyện và Miễn (cũng đọc Mồi) về hàng quốc triều (nhà Lê), tiên sinh làm bài thơ gửi cho Thiến trong có câu: Cố ngã tồn cô duy nghĩa tại/ Tri quân xử biến khởi cam tâm (Ta giúp con côi vì nghĩa trọng/ Ông khi xử biến khá cam lòng) ; Lại có câu: “Vận chuyển nhất chu ly phục hợp/ Tràng giang khởi hữu hạn đông nam (Vận chuyển một vòng tan lại hợp/ Trường giang đâu có hạn đông nam). Thiến xem thơ, trong lòng cảm thấy bứt rứt. Quyện là viên tướng có tài, luôn luôn lập được chiến công. Mạc Phúc Nguyên lấy làm lo ngại sai vời tiên sinh lên hỏi kế. Tiên sinh tâu: “Cha Quyện với hạ thần là chỗ bạn chí thân ngày trước, có lúc đã ở tại nhà thần, nay ra trấn thủ Thiên Trường, đang ở vào tình thế bán tín bán nghi nay muốn bắt lại, thật chẳng khó gì, cũng như thò tay vào túi để móc một vật gì ra thôi”. Tiên sinh nói đoạn, xin Mạc Phúc Nguyên giao cho một trăm tráng sĩ, sai đi phục sẳn trên bắc ngạn, rồi tiên sinh gửi thư mời Quyện sang bên thuyền uống rượu để gặp và nói chuyện tâm tình. Quyện nhận lời ngay; thừa lúc quá say, phụ binh nổi dậy, bắt cóc đem về nam ngạn. Quyện cảm động quá khóc nức nở. Tiên sinh dẫn Quyện theo lại nhà Mạc và sau đó trở thành một danh tướng lừng lẫy. Nhờ đó nhà Mạc duy trì được mấy chục năm nữa.
Trong thời gian ấy, đức Thế Tổ (tức Trịnh Kiểm) nhà chuá Trịnh đã dấy nghĩa binh, thanh thế vang dội khắp xa gần; trong trận giao tranh ở cửa biển Thần phù, Khiêm Vương Mạc Kính Điển (con thứ của Mạc Đăng Doanh) thua to. Thừa thắng, đức Thế tổ tiến binh theo đường núi phía tây ra tiến đánh Kinh Bắc, trong ngoài nơm nớp lo sợ. Nhà Mạc nhờ tiên sinh hiến kế rất nhiều, mới ổn định được tình thế lúc ấy.
Năm Diên Thành thứ 8 (1585) đời Mạc Mậu Hợp, tiên sinh lâm bệnh. Vua Mạc sai sứ đến thăm và hỏi kế quốc sự. Tiên sinh trả lời: Sau này nước nhà có bề gì thì đất Cao Bằng tuy nhỏ cũng thêm được vài đời (Tha nhật quốc sự hữu cố/Cao Bằng tuy thiểu, khả diên sổ thế). Qủa nhiên, cách bảy năm sau, nhà Mạc mất, các chuà nhà Mạc như Càn Thống, Long Thái, Thuận Đức, Vĩnh Xương rút lên Cao Bằng cũng còn giữ được hơn 70 năm, nghĩa là sau ba, bốn đời mới hoàn toàn bị diệt. Xem đó thấy lời dự đoán của tiên sinh rất nghiệm.
Ngày 28 tháng 11 (âm lịch) năm ấy, tiên sinh tạ thế, hưởng thọ 95 tuổi, học trò tôn hiệu là Tuyết Giang Phu tử. Phần mộ ở trên một mô đất khá cao trong làng…
Năm Thuận Bình thứ tám (1556) vua Lê Trung Tông băng, không hoàng nam nối ngôi, đức Thế Tổ (Trịnh Kiểm) do dự không biết lập ai, hỏi trạng nguyên Phùng Khắc Khoan, cũng không quyết định nổi, mới sai ngầm đem lễ vật ra tận Hải Dương hỏi tiên sinh. Tiên sinh không trả lời, chỉ quay lại bảo các gia nhân rằng:
- Vụ này lúa không được mẩy, chỉ tại thóc giống không tốt, vậy hãy đi tìm giống cũ mà gieo mạ. …
Nói xong, tiên sinh xe ra chùa, bảo các chú tiểu quét dọn và thắp nhang, ngoài ra không đã động gì đến chuyện khác, và đó là cái thâm ý tỏ ra cho biết “cứ việc thờ Phật thì sẽ có oản ăn”. Trạng Bùng thấy thế, hiểu ý, xin từ giả. Qua lời kể lại, đức Thế Tổ hiểu ngay, nên đón vua Anh Tôn về lập, tình hình nội bộ mới trở lại bình thường.
Trong thời gian ấy, Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng là con trai thứ Chiêu Huân Tĩnh Vương (Nguyễn Kim) đương ở trong tình thế nguy ngập, sợ không thát khỏi tay Trịnh Kiểm, thân mẫu ông, người làng Phạm Xá, huyện Tứ Kỳ, với tiên sinh là chỗ đồng hương, nên trước cảnh ấy, sai người bí mật về làng nhờ tiên sinh chỉ giúp con trai bà một lối sống. Sứ giả đặt gói bạc nén trước mặt,rồi chắp tay lạy mãi.
Tiên sinh thấy sứ giả cố năn nỉ nhưng vẫn không đáp, rồi đứng phắt dậy, cầm gậy thủng thẳng bước ra sau vườn. Đến chỗ núi non bộ (giả sơn) do mười tảng đá xanh xếp thành một dãy quanh co, tiên sinh thấy trên núi có bầy kiến đang men đá leo lên, đứng ngắm một lúc, mỉm cười đọc:
Hoành Sơn nhất đái, khả dĩ dung thân
Sứ giả hiểu ý trở về thuật lại, Nguyễn Hoàng liền nghĩ ra kế, xin vào trấn thủ Quảng Nam, đến nay con cháu còn hùng cứ một phương.
Trong lúc ngày thường, có lần tiên sinh cùng người học trò là Bùi Thời Cử bói dịch trúng quẻ Càn, thế mà tiên sinh dự đoán “chỉ sau tám đời cuộc can qua nổi dậy”. Sau đúng như thế. Lời đoán của tiên sinh quả thật thần diệu vậy.
Riêng số học trò của tiên sinh thì đông không biết bao nhiêu mà kể. Những người có danh vọng lừng lẫy của bản triều (nhà Lê) như Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyển Dữ và Trương Thời Cử đều là những người nhờ sự dạy dỗ của tiên sinh.
Nhắc đến Phùng Khắc Khoan khi còn theo học, bỗng một đêm tiên sinh đến thẳng nhà trọ, gõ cửa bảo: “Gà gáy rồi, sao chưa dậy nấu cơm, còn nằm ỳ ngủ vậy?”. Khắc Khoan hiểu ý, vội thu xếp hành lý, tìm đường vào Thanh Hóa, nhưng lại ẩn nơi nhà Nguyễn Dữ, người đã soạn bộ “Truyền kỳ mạn lục”. Bộ này được thành một tác phẩm “thiên cổ kỳ bút” là một phần lớn nhờ sự phủ chính rất nhiều của tiên sinh.
Xem đó thì thấy tiên sinh đối với bản triều (nhà Lê) cũng có góp phần đào tạo một số nhân tài vậy.
Tôi thấy tiên sinh là người lòng dạ khoáng đạt, tư chất cao siêu, sử dụng sự hồn nhiên, không chút cạnh góc, ai hỏi thì nói không thì thôi, đã nói câu gì là câu ấy không xê không dịch. Tiên sinh ở nơi thôn dã, vui với cúc tùng, hơn mười năm trời vẫn không quên nước.
Văn chương của tiên sinh thường bộc lộ cái tấc dạ ưu thời mẫn thế, không cần điêu luyện mà tự nhiên, giản dị mà lưu loát, thanh đạm mà ý vị, câu câu đều có chỗ ngụ ý răn đời. Thơ Quốc âm của tiên sinh có nhiều, trước đã soạn thành một tập gọi là Bạch Vân Quốc ngữ Thi tập, có cả ngàn bài nhưng nay chỉ còn độ hơn trăm. Thơ Hán tự cũng nhiều nhưng cũng thất lạc, tôi xem cũng đều thấy chứa những ý nghĩa thanh cao và siêu thoát. Thí dụ câu tiên sinh tự thuật chí hướng mình:
Cao khiết thùy vi thiên hạ sĩ
An nhàn ngã thị địa trung tiên
(Cao khiết ai là thiên hạ sĩ
An nhàn ta chính địa trung tiên)
Nói về gia đình thì tiên sinh có ba vợ:
Bà vợ cả người họ Dương, hiệu Từ Ý, quê tỉnh Hải Dương, người cùng huyện, là con gái quan Hình Bộ Thị lang Dương Đức Nhan.
Bà thứ hai, người họ Nguyễn, hiệu Như Tĩnh
Bà thứ ba hiệu Vi Tĩnh, cùng người họ Nguyễn
Tiên sinh có tất cả mười hai người con, gồm bảy người trai, năm người gái. Con trưởng lấy hiệu Hàn Giang Cư sĩ, được tập ấm phong hàm Trung Trinh đại phu, sau làm quan đến chức Phó hiến. Con thứ hai là Túy An tiên sinh được phong hàm Triều Liệt đại phu, tước Quảng Nghĩa hầu. Con thứ ba hàm Hiễn Cung đại phu, tước Xuyên Nghĩa bá. Con thứ tư hiệu Thuần Phu, hàm Hoằng Nghị đại phu, tước Quảng Đô hầu. Con thư năm là Thuần Đức, tước Bá Thư hầu (không thấy ghi người con thứ bảy). Mấy người này đều có quân công cả.
Sau đó, Hàn Giang sinh ra Thiết Đức, Thiết Đức sinh Đạo Tiến, Đạo Tiến sinh Đạo Thông. Đạo Thông sinh Đăng Doanh. Đăng Doanh sinh Thời Đương. Thời Đương lúc này đã 65 tuổi, sinh được ba người con trai, đều là cháu tám đời của tiên sinh vậy.
Năm Vĩnh Hựu nguyên niên (Ất Mão 1735 đời Lê Ý Tôn) người trong làng vì nhớ thịnh đức của tiên sinh nên đã dựng hai đền thờ này. Người hàng tổng cũng nhớ ơn đức, xuân thu hai kỳ đến tế lễ. Người trong họ của tiên sinh là Nguyễn Hữu Lý sợ sau này gia phả thất lạc có soạn lại một quyển và nhờ tôi viết cho bài tựa.
Tôi đây là người đất Hồng Châu, nghĩa là cùng quê với tiên sinh, nhưng nay đã cách 190 năm rồi, còn biết gì để viết.
Lúc thơ ấu , tôi cũng thường được nghe các bậc phụ huynh nói chuyện tiên sinh, nhưng cũng chỉ biết đại khái là cụ Trạng Trình thôi. Sau nhân những buổi bình luận về tiên hiền với các quan đại phu, tôi có thêm ít nhiều nên ước có dịp thuận tiện sẽ về tận quê quán của tiên sinh để tìm hiểu cho tường.
Ước mãi chưa được vì cứ luôn luôn bị việc quan bó buộc.
May thay! Năm Tân Dậu niên hiệu Cảnh Hưng (1741 đời Lê Hiển Tôn) tôi vâng mệnh đổi đi Hồng Châu, nhận thấy cùng với nơi nhà cũ tiên sinh chỉ trong gang tấc, tới lui dễ dàng, nhưng lại vì việc quân ngũ quá bề bộn nên mãi đến mùa xuân năm sau, tức năm Nhâm Tuất, trong khi vâng mệnh đi bối đắp đê sông Nhị Hà, mới thực hiện được ý định nói trên.
Đến quê hương của tiên sinh, tôi tìm đến nền quán Trung Tân, coi tấm bia cũ, nhưng nét chữ đã quá mờ, không sao đọc nổi. Tôi vào đền thờ bái yết, nhân tiện hỏi người cháu bảy đời là Nguyễn Thời Đương để xem hành trạng nhưng cũng không thâu thập được gì. Hỏi thăm các bô lão thì sau cơn binh lửa cũng chẳng còn ai biết; duy chỉ có viên hương ấp là Trần Bá Quang biết sơ qua về mấy việc cũ. Ông này ôn lại cho nghe bài phú quốc âm tức bài văn bia quán Trung Tân và đưa cho một bản lục ít bài thơ của tiên sinh. Nhân tiện tôi hỏi đến những di tích của cầu Trường Xuân, cầu Nghinh Phong rồi đi thăm nơi vườn cũ, tới nơi chỉ thấy ba gian nhà lá. Thời Đương và con cháu hơn mười người cũng ở căn nhà đó.
Tôi nhìn quang cảnh đã sinh lòng hoài cảm, lại trông bốn phía càng bồi hồi nữa. Này phía bên tả trước mặt là một cái đầm và bốn năm cái vũng, tất cả độ vài trăm mẫu, bề sâu chỉ độ hơn trượng, chỗ đứt chỗ nối, chỗ thắt chỗ phình, khi thì yên lặng, khi nắng vàng tỏa, phải chăng đây chính là chỗ kiểu đất Nghiễn trì thủy ảnh (mặt hồ nghiên, ánh nước long lanh) có khí thiêng chung đúc để sinh ra một đại nhân vậy?
Do đó tôi ngâm vịnh thẩn thơ, chẳng muốn dời chân. Ôi! Tôi muốn vì tiên sinh viết bài tựa quyển Gia phả, nhưng ngặt vì việc quân khẩn cấp, còn phải gác bút để đeo gươm, thành thử phải đợi ngày khác nữa.
Năm Quý Hợi (1743 đời Lê Hiển Tôn) khoảng mùa Đông, tôi vâng mệnh đi dẹp bọn thuỷ khấu ở vùng Đồ Sơn , nhân lúc đóng quân trên bờ sông Tuyết, lại đến yết kiến đền thờ của tiên sinh. Bọn Thời Đường cho tôi xem quyển Gia phả và nói:
Trước đây đã trãi bao phen loạn lạc, chẳng còn quyển nào, sau họ mới sưu tầm được mấy trang rách, trong đó chỉ biên tên họ tiền nhân, ngoài ra chảng có gì khác cả.
Vì thế tôi phải thâu nhặt ý kiến nhiều người, rồi hợp với những điều mắt thấy tai nghe để viết nên bài tựa. Còn việc sưu tầm những bài thơ của tiên sinh, xếp thành thiên, đóng thành tập, để lưu lại cho đời sau thì xin nhường phấn các vị cao minh khác.
Than ôi Phượng Hoàng, Kỳ Lân, đâu phải những vật thường thấy trong vũ trụ xưa nay, mà có thì chúng phải hiện ở những chỗ như vườn nhà Đường (vua Nghiêu) sân nhà Nhu (vua Thuấn) mới là điềm tốt lành.
Như tiên sinh đã có sẵn tư chất thông tuệ lại thâm hiểu đạo học thánh hiền, ví phỏng gặp thời để thi thố sở học thì chắc sẽ tạo ra được cảnh trị bình, biến đổi được thói ở trọc phù bạc ra lễ nghĩa văn minh. Khá tiếc thay, một người có tài đức phù tá Vương nghiệp lại sinh giữa thời đại bá giả, khiến cho sở học không áp dụng được gì.
Tuy nhiên, dùng thì làm, bỏ thì ẩn, sự đắc dụng hay không, đối với tiên sinh cũng chẳng quan trọng gì. Tôi rất hâm mộ điểm ấy của tiên sinh. Tiên sinh sinh trưởng trên đất nhà Mạc, có lúc thử ra làm quan để thi hành sở học thì cũng là việc bắt chước việc Khổng Phu Tử xưa đi ra mắt Công Sơn Phất Nhiễu; rồi khi thấy không thể giúp được, vội bỏ đi thì lại muốn theo trí sáng của Trương Tử Phòng theo gót Xích Tùng Tử xưa.
Nay tôi đọc những thi văn còn lại của tiên sinh, cũng chẳng khác nào được nghe tiếng reo ngọc khua vàng, sang sủa như thái dương, rực rỡ như mây màu, thơ thái như cái phong vị tắm nước sông Nghi rồi lên hóng mát ở Vũ vu của Tăng Điểm ngày trước, và cái phong độ yêu sen thích lan của các tiên nho xưa. Đồng thời cũng như thấy tiên sinh và được bái kiến tiên sinh ở chỗ đang ngồi dạy học vậy.
Ngoài ra, tiên sinh lại là người tinh thông Lý học, thấu triệt hoạ phúc, biết rõ dĩ vãng và tương lai, cả trăm đời sau chưa chắc đã có ai hơn được.
Ôi ! Thiên hạ xưa nay, các bậc quân vương và hiền giả thiếu gì nhưng sống thì phú quý vinh hoa còn khuất, hỏi thời gian sau, đã có mấy ai được người đời nhắc đến. Còn tiên sinh, nay con cháu đã bảy tám đời mà gần thì sĩ phu, dân thứ còn xem như sao Đẩu trên trời, cho cách nghìn năm cũng còn mường tượng như mới buổi sớm nào; xa thì sứ giả Thanh triều là Chu Xán khi nói đến nhân vật Lĩnh Nam cũng có câu “An Nam lý học hữu Trình Tuyền” (về môn lý học nước Nam có ông Trình Tuyền) rồi chép vào sách để truyền lại bên Tàu.
Như thế, đủ biết tiên sinh là người rất mực của nước ta về thời đại trước vậy.