Trần Trọng Kim với bộ sách giáo khoa bậc sơ học
Sách giáo khoa bậc sơ học trước Trần Trọng Kim
Từ khi mới tổ chức nền giáo dục ở Nam kỳ (1861) cho đến trước cải cách giáo dục lần thứ nhất (1906), nhà cầm quyền Pháp đã gặp một vấn đề nan giải là sách giáo khoa, vì không có người đủ năng lực để biên soạn đã đành, mà còn làm sao cho nội dung của sách phù hợp với tâm sinh lý của lớp trẻ vốn chỉ quen học đạo lý của nền giáo dục Nho giáo. Thời kỳ đầu chưa có sách giáo khoa, họ đã phải cho học sinh dùng tờ Gia Định báolàm sách tập đọc. Một thời gian sau họ lại mang sách từ Pháp sang nhưng vì không hợp với năng lực của giáo viên và trình độ của học sinh nên kết quả rất hạn chế. Cho đến những năm 80 của thế kỷ XIX, Trương Vĩnh Ký và một số giáo viên người Việt và người Pháp ở cơ quan học chính Nam kỳ đã biên soạn hoặc dịch một số sách giáo khoa tiếng Pháp để dạy trong các trường tiểu học. Những sách này dần dần được bổ sung thêm một số quyền khác và đã thành những sách dạy trong các trường tiểu học lúc đó (1).
Đa số những sách này hoặc do chữ Quốc ngữ mới ở thời kỳ đầu sơ khai, hoặc mô phỏng sách giáo khoa tiểu học Pháp, hoặc trình độ dịch còn non yếu nên câu chữ lủng củng và do đó, cách diễn đạt nội dung có phần hạn chế. Cũng do mô phỏng nên 82 bài trong Sách tập họccủa Pottaux (Sài Gòn 1875) thì 70 bài là khoa học thường thức về địa lý (núi non, sông biển, các nước trên địa cầu…), cơ khí máy móc (các nguyên lý máy móc, đường sắt, xe lửa…), còn lại hai bài có nội dung xã hội nhưng là của nước Pháp nhiều hơn là của Việt Nam (Ông Montyon, Chuyện một công chúa làm phước, Những người tu trên núi St Bernard…). Sau cải cách giáo dục lần thứ nhất (1906), sách giáo khoa vẫn chưa được cải thiện là bao nhiêu. Sách cách trí và ngay cả sách địa dư cũng do một số người Pháp biên soạn và người mình dịch lại (2). Như vậy việc biên soạn một bộ sách giáo khoa phù hợp với trình độ của học trò sơ học là rất cần thiết và cấp bách.
Trần Trọng Kim và bộ sách giáo khoa bậc sơ học
Theo quy chế của cải cách giáo dục lần thứ 2 (1917) thì bậc tiểu học có 5 lớp (đồng ấu, dự bị, sơ đẳng, lớp nhì và lớp nhất), đến 1925 lại có thêm lớp nhì đệ nhất cộng là 6 năm. Bậc tiểu học được chia làm hai: sơ học là 3 lớp dưới gồm đồng ấu (lớp năm), dự bị (lớp tư), sơ đẳng (lớp ba) và tiểu học là 3 lớp trên (nhì đệ nhất, nhì đệ nhị, lớp nhất). Ba lớp dưới được dạy hoàn toàn bằng chữ Quốc ngữ, chỉ có trường nào dạy toàn cấp (tiểu học bị thể hay kiêm bị) thì mới dạy chữ Pháp. Bộ sách giáo khoa của Trần Trọng Kim dùng cho ba lớp như ta đã biết gồm:
- Sử ký địa dư giáo khoa thư(Đồng ấu, dự bị, sơ đẳng).
- Luân lý giáo khoa thư(Đồng ấu, dự bị, sơ đẳng).
- Quốc văn giáo khoa thư(Đồng ấu, dự bị, sơ đẳng).
Sử ký địa dư giáo khoa thưlớp sơ đẳng là cuốn sách đầu tiên chúng tôi muốn giới thiệu. Cuốn này do hai ông Trần Trọng Kim và Đặng Đình Phúc biên soạn. Mở đầu các tác giả viết:
“Theo quy chế mới thì lớp Đồng ấu không dạy sử, còn lớp Dự bị sử ký chỉ dạy những truyện cổ tích, truyện ký sự và những truyện của các danh nhân trong lịch sử theo đúng chương trình đã định. Đến lớp Sơ đẳng thì mới dạy sử ký và không dạy lẻ loi từng truyện một như ở lớp Dự bị nữa; từ đầu đến cuối bài nọ liên lạc với bài kia và các sự biến cố lớn đều quan hệ với nhau” (3).
Do đó ta thấy môn Sử ký lớp Dự bị là những truyện Sơn tinh Thủy tinh, Phù đổng thiên vương đánh giặc Ân, Lê Lợi đánh quân Minh… Còn Sử ký lớp Sơ đẳng được chia làm 6 chương, gồm:
Chương một:Thượng cổ thời đại nói về nguồn gốc dân tộc, sự tích Lạc Long Quân, Âu Cơ; 18 đời vua Hùng…
Chương hai:Bắc thuộc thời đại, với những cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc: lần thứ nhất kết thúc bằng cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng; lần thứ hai kết thúc với cuộc giành độc lập của Lý Bôn thành lập nhà Tiền Lý; Bắc thuộc lần thứ ba kết thức bằng sự dấy nghiệp của Khúc Thừa Dụ.
Chương ba:chấm dứt ba lần Bắc thuộc hơn nghìn năm mở đầu cho “tự chủ thời đại” với các võ công văn trị của các triều Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê.
Tiếp theo là chương bốncó tiêu đề “Nam Bắc phân tranh thời đại” với những cuộc nội chiến liên miên giữa Trịnh - Mạc rồi Trịnh - Nguyễn và cuối cùng là khởi nghĩa Tây Sơn, chấm dứt một thời gian dài nội chiến và chia cắt.
Nhưng cuộc thống nhất thực sự và hoàn toàn phải đến sau khi Nguyễn Ánh đánh thắng nhà Tây Sơn. Do đó chương nămlà đề mục của Thống nhất thời đại với các triều Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và các sự biến loạn dưới triều Tự Đức. Cuối cùng là chương sáu“Người Pháp sang bên ta” với các hòa ước 1862, 1885 rồi “Các công cuộc người Pháp làm ở nước Nam” như “dẹp loạn” (người Pháp còn dùng từ “bình định”), xếp đặt việc cai trị, xây dựng kinh tế, mở mang y tế và học hành…
Cuối sách còn có niên biểu chép từ họ Hồng Bàng đến 1926 là năm vua Bảo Đại lên ngôi.
Ta thấy cuốn sách trình bày khá hợp lý. Tác giả đã tóm tắt cốt lõi của lịch sử, viết hết sức ngắn gọn, sự kiện cuối cùng của một chương thường là nguyên nhân mở đầu cho chương sau. Ví dụ: Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán đã chấm dứt thời kỳ Bắc thuộc, mở đầu cho thời kỳ tự chủ; hoặc lợi dụng lúc nhà Tây Sơn suy yếu, Nguyễn Ánh đã đánh bại nhà Tây Sơn, chấm dứt thời kỳ chia cắt, mở đầu thời kỳ thống nhất đất nước.
Tuy viết cho học sinh nhỏ tuổi nhưng tác giả cũng đã cho các em tập làm quen với sự chân xác lịch sử, hoặc những nghi vấn, ví như họ Hồng Bàng cả thảy có 20 đời vua trị vì trong 2621 năm (1879 - 258 TCN) mỗi đời vua là 138 năm “thì vật là vô lý. Cho dù tuổi thọ của người xưa có thể dài nhưng cũng không thể sống lâu được như vậy”. Hoặc đánh giá đúng mức một số quan Tàu có công trong việc truyền bá văn minh cho dân nước ta buổi đầu: Tích Quang thái thú quận Giao Chỉ, Nhâm Diên thái thú quận Cửu Chân đã bắt dân ta theo lễ nghĩa, con trai con gái ăn ở với nhau phải theo phép cưới hỏi; Sĩ Nhiếp đã có công đưa chữ Hán sang dạy người nước ta… “Đó là những nguyên nhân chính muốn mở mang cho người mình” (4). Hay như phong trào chống Pháp của nhân dân ta cuối thế kỷ XIX, tác giả cho rằng: “Các quan và đảng Văn Thân tuy phần nhiều là người có nghĩa khí, nhưng thế lực không đủ, lâu ngày cũng phải tan cả” (5).
Đó là về sử ký, còn về địa dư, cuốn sách trình bày các vấn đề địa lý của năm xứ Bắc ký, Trung kỳ, Nam kỳ, Ai Lao (Lào) và Cao Miên (Campuchia). Tuy rất ngắn gọn nhưng học sinh cũng có thể phân biệt được những yếu tố cấu thành địa lý của từng xứ: hình thứ (vị trí, giới hạn, diện tích) khí hậu, sông ngòi; chính trị; kinh tế; công nghệ; giao thông thủy bộ, các thành phố lớn… Tuy nhiên tác giả cũng lưu ý:
“Trước khi học địa dư toàn xứ cần cho trẻ học địa dư tỉnh nó ở và các tỉnh lân cận”. Tác giả đã lấy tỉnh Hà Đông làm ví dụ và viết tiếp: “Ông thầy theo những bài ấy mà đặt những bài mình phải dạy” (6).
Luân lý giáo khoa thư lớp Sơ đẳnglà cuốn thứ hai mà chúng tôi muốn giới thiệu. Từ năm 1917 khi đang làm chủ nhiệm tờ Học báolà nội san hướng dẫn phương pháp sư phạm và nội dung giảng dạy bậc sơ đẳng tiểu học cho mãi đến sau này, Trần Trọng Kim vẫn luôn giữ mục Luân kývà Lịch sử Việt Nam.Năm 1925, cuốn Luân lý giáo khoa thư lớp Đồng ấura đời; sau đó lần lượt các cuốn của lớp Dự bị và Sơ đẳng nhưng Luân lý lớp Sơ đẳnglà đầy đủ hơn cả, ngoài 4 chương chính còn có phụ lục về phong tục, đơn từ, thư khế (7).
Trong bốn chương thì chương 1 và 4 là quan trọng nhất, chiếm số bài nhiều hơn cả (chương 1: 16 bài, chương 4: 18 bài).
Chữ Hiếu được coi trọng hàng đầu trong chương “Bổn phận đối với gia tộc”. Nó không chỉ là thương yêu bố mẹ, vâng lời bố mẹ mà còn phải phụng dưỡng cha mẹ khi già yếu, thờ cúng khi bố mẹ đã mất. Nó liên quan đến nghĩa gia tộc, tức là cháu đối với ông bà, anh trưởng đối với em…
Còn “Bổn phận đối với học đường” thì không những phải đi học, phải luôn luôn quan tâm đến học vấn tức là “Kiến thức thâu thái được ở trường” và giáo dục tức là “cách mở mang trí tuệ, rèn luyện cho có đủ tư cách làm một người dân trong xã hội”, mà còn phải coi trọng bổn phận đối với thầy, đối với bạn khi đang ngồi trên ghế nhà trường cũng như khi đã thôi học.
Đối với bản thân thì sao? Đó là phải biết trọng linh hồn, biết quý thân thể. Ăn uống điều đồ, rèn luyện thể chất, xa rời cờ bạc, rượu chè và nhất là không nghiện thuốc phiện.
Con người luôn là con người xã hội, cho nên tác giả đã dành 18 bài cho chương 4, chương cuối cùng và cũng là một trong hai phần quan trọng nhất của cuốn sách. Nếu như chương I “chữ hiếu” là vấn đề quán xuyến thì ở đây tinh thần “Công bằng và nhân ái” là sợi chỉ xuyên suốt, gồm những vấn đề như trọng tính mệnh tài sản và danh giá người khác; không nói vu, không nói xấu. Lòng nhân ái bao gồm cả tình hữu ái, lòng thí xã, việc thiện, bố thí, thương yêu loài vật. Cuốn sách cũng không quên gói lại bằng một bài “kính mến và biết ơn Nhà nước”.
Mỗi bài học đều có nội dung rất ngắn gọn, tiếp theo là một tiểu dẫn có tính minh họa, cuối cùng là một câu cách ngôn hoặc chữ Hán hoặc tiếng Việt thâu tóm cái “thần” của bài học (8). Phần phụ gồm Phong tục đơn từ, thư khế có thể coi như phần thu nhỏ của giáo dục công dân. Từ chương I đến chương VI là tóm lược tổ chức chính quyền xã, huyện, tỉnh của năm xứ Đông Dương và chính thể Đông Pháp. Chương VII là cúng lễ, hội hè. Chương VIII nói về lễ hôn và lễ tang. Chương IX gồm đơn xin khẩn điển, giảm thuế, văn tự vay nợ, chúc thư chia gia tài…
Tóm lại, nếu học đầy đủ Luân lý giáo khoa thư lớp Sơ đẳng,học sinh cũng đã có thể hiểu được bổn phận đối với gia đình và xã hội, những điều sơ đẳng về thể chế, pháp luật cần tuân theo để làm một công dân tốt.
Tuy nhiên nói đến sách giáo khoa sơ học của Trần Trọng Kim thì Quốc văn giáo khoa thư ba lớp Đồng ấu, Dự bị và Sơ đẳngđược người ta chú ý hơn cả.
Tuy nói là “quốc văn” nhưng nội dung chủ yếu của lớp Dự bị lại là lịch sử hay đúng hơn là những nhân vật lịch sử như Truyện hai chị em Bà Trưng, Truyện Ngô Quyền, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Kim;ông tổ sáng nghiệp ra nhà Nguyễn: Nguyễn Hoàng. Có khi thông qua một nhân vật mà nói lên một sự kiện trọng đại của lịch sử đất nước như Vua Lý Thái Tổ dời đô ra Hà Nội, Cố A. Đờ Rốt và việc đặt ra chữ Quốc ngữ, Lũy Đồng Hới (gắn liền với tên tuổi của Đào Duy Từ và thời kỳ Trịnh Nguyễn phân tranh). Chữ Nho.Còn nội dung cuốn Quốc văncủa lớp Đồng ấu và Sơ đẳng thì người ta lại nói nhiều đến luân lý, tính văn học chỉ là điểm xuyết của một số bài tả cảnh, “mùa cấy”, “mùa gặt”, “cảnh mùa xuân”, “cánh đồng nhà quê” của lớp Đồng ấu, ca dao hoặc một vài bài thơ cổ “con cò mà đi ăn đêm” của lớp Dự bị, “vào hè”, “vịnh cái chổi”, của lớp Sơ đẳng…
Tại sao tác giả lại chú ý đến luân lý như vậy? Ta biết rằng bậc sơ học chủ yếu là dạy cho học trò ở nông thôn: “Học trò phần nhiều chỉ có thể học mấy năm cho biết đọc biết viết rồi về làm ruộng, không có chí học đến lấy bằng tốt nghiệp tiểu học thì chỉ nên đặt trường sơ đẳng mà thôi” (9). Có thể nói mục tiêu của trường sở đẳng là đào tạo “trí thức làng xã”, mà tầng lớp này thì không thể vội vã “chỉ trong hai thế hệ là có thể làm cho họ nói và suy nghĩ bằng tiếng Pháp” được. Bởi vì đối với người Việt Nam thì “Những nguyên tắc làm cho gia đình vững chắc, cha mẹ được tôn kính, chính quyền được tuân thủ, đều rút từ sách Hán học. Bắt đầu tập đọc những chữ đầu tiên là học những nguyên tắc rường cột của luân lý đạo Nho, học khắc sâu vào lòng những nguyên tắc sẽ hướng dẫn họ suốt cả cuộc đời. Chính các trường làng sẽ cung cấp cho họ nền giáo dục đó (TG nhấn mạnh) (10).
Chính theo định hướng trên mà Quốc văn giáo khoa thư bậc sơ học, bậc của học sinh nông thôn, rất quan tâm đến luân lý. Ngoài sách luân lý có tính “chuyên đề”, sách quốc văn vẫn nhắc lại một số nội dung chính. Như đã trình bày, sách luân lý lớp Đồng ấu chữ hiếu được để lên hàng đầu thì ở đây sách Quốc văn lớp Đồng ấu, chữ Hiếu vẫn là những bài học chiếm một tỷ lệ khá lớn. Chữ Hiếu được hiển hiện bằng những việc làm cụ thể: Giúp đỡ cha mẹ; Đi phải thưa, về phải trình; Sớm tối chăm nom cha mẹ; Gọi dạ bảo vâng; Thờ cúng tổ tiên; Cháu phải kính mến ông bà…
Một số “bổn phận” cũng được nhắc lại: Đối với bản thân: Đừng để móng tay dài; chớ nhổ bậy; chớ tắm rửa bằng nước bẩn; tham thực cực thân… Đối với học đường: Học trò phải biết ơn thầy; anh em bạn học phải giúp đỡ lẫn nhau (chuyện Lưu Bình – Dương Lễ)… Nếu như quốc văn lớp Đồng ấu chữ “hiếu” và những “bổn phận” được nhắc lại với những bài dễ thuộc dễ nhớ thì nội dung luân lý trong Quốc văn lớp Sơ đẳng được nâng cao và sâu sắc hơn. Ở đây chữ “hiếu” vẫn được đề cao nhưng không phải là những lời khuyên bảo về một công việc cụ thể mà là những điển hình như: “sự hòa thuận và thương yêu nhau trong gia đình” (Chuyện anh em họ Điền), “lòng thảo hiếm có” (chuyện Mẫu Tử Khiên đối với em khác mẹ), “Lòng kính yêu chị” (Lý Tích nấu cháo cho chị bị cháy cả râu”. Tình bạn thì “Đạo bằng hữu phải cho có thủy chung” (Chuyện Dương Tiêu Sơn và Từ Từ Dữ); “Lưu Bình – Dương Lễ”… Đặc biệt một số vấn đề lớn của luân lý Nho giáo được đề cập như tu thân: “Cách sửa mình” (Trình Tử) “Có học phải có hạnh” (chuyện Sài Thế Viễn trọng đạo đức hơn văn chương); “Không tham của người” (chuyện ông Nguyễn Đình Thản đào được vàng đã giao lại chủ cũ), “Cần phải giữ gìn tính hạnh của mình” (chuyện một người đi đường lội, lúc đầu thì chú ý giữ gìn đôi giày, nhưng sau khi bị bẩn thì cứ bước tràn đi). Lập chí: Người con trai là phải “quyết chí tu thân” để chờ “Phong vân gặp hội, anh hào ra tay” trong bài ca dao “Chí làm trai”. Không sợ nghèo khó (chuyện ông Châu Trí đốt lá đa mà học, sau đi thi đỗ giải Nguyên). Trị quốc: Nêu gương những nhân vật nổi tiếng của Trung Quốc và Việt Nam: Khổng Tử, Mạnh Tử, Chu Văn An…
Trở lên chúng tôi đã trình bày những nét cơ bản về nội dung của những sách giáo khoa thư bậc Sơ học. Còn hình thức thì sao? Hầu hết những cuốn giáo khoa thư này đều biên soạn khi mà nền quốc văn của ta không còn là sơ khai như đầu thế kỷ mà đã có những bước tiến rõ rệt về cách diễn đạt. Do đó những bài ca dao cổ, thơ cổ, tác giả thường để nguyên (Lính thú đời xưa; Thằng mõ (của Lê Thánh Tông). Cũng có một vài bài ca dao tác giả đã sáng tác để phục vụ cho một chủ đề nào đó, ví dụ “Đi học phải đúng giờ”, “khuyên học”. Tất cả những bài này đều theo thể lục bát, dễ nhớ, dễ thuộc (11). Còn những bài văn xuôi, trừ một số ít bài mô phỏng theo ngụ ngôn Ézope (Cái lưỡi), Lafontaine (Con chồn và con gà trống), Cổ học tinh hoa (cách sửa mình) còn đều là những sáng tác theo chủ điểm: trường học, luân lý, lịch sử, phong cảnh đất nước, một số hiểu biết về tự nhiên hoặc xã hội… Nhưng bất kỳ mô phỏng hay sáng tác, những bài quốc văn đều ngắn gọn, lời văn sáng sủa, đôi khi giải thích một vấn đề khó, trừu tượng hoặc mang một ý nghĩa triết lý nhân sinh nhưng vẫn dễ hiểu đối với lứa tuổi mới cắp sách đến trường (12). Chúng ta ai đã học ít nhiều ở trường Pháp - Việt trước 1945 hẳn cũng còn nhớ một vài câu rất ấn tượng: về một niềm vui nho nhỏ của một cậu bé “nhà quê”: Ai bảo chăn trâu là khổ? Không, chăn trâu sướng lắm chứ! Hay nỗi buồn của một chú bé lần đầu tiên xa nhà không da diết lắm nhưng cũng không kém phần sâu sắc: “Ôi! Cảnh biệt ly sao mà buồn vậy!” Nhà văn Sơn Nam đã từng viết về ảnh hưởng sâu sắc của những sách giáo khoa này đối với cả một thế hệ người Việt ở nông thôn cũng như ở thành thị, trong truyện ngắn nổi tiếng “Mối tình giáo khoa thư”.
Minh họa cũng là một bộ phận cấu thành của các cuốn sách. Nó làm cho nội dung phong phú hơn, sâu sắc hơn và cũng dễ hiểu hơn. “Sự mở mang của người Pháp ở xứ ta” trong sách luân lý lớp Sơ đẳng chỉ có một bài nhưng những minh họa đẹp về trường Cao đẳng, nhà Bưu chính, nhà thương chữa mắt, cầu Hàm Rồng… đã gây ấn tượng khá đậm trong đầu óc ngây thơ của trẻ em về những công trình hiện đại của người Pháp bên cạnh những bức tranh quen thuộc về cảnh gia đình, làng xóm… Riêng Sử kýlà cuốn sách có ưu thế nhất về minh họa, với tranh những vị võ tướng xưa giáp trụ oai phong, trường đao, đoản kiếm đầy vẻ lẫm liệt (Triệu Quang Phục, Lữ Gia…), Phù Đổng Thiên Vương cưỡi ngựa sắt phun ra lửa, vung roi sắt diệt giặc Ân, hoặc “quân đi điệp điệp trùng trùng” giữa đoàn voi chiến của “Hai Bà Trưng đánh giặc Hán”… đã làm tăng thêm thích thú học sử của lứa tuổi thiếu nhi.
Tuy nhiên bộ sách cũng bộc lộ một vài thiếu sót như chữ “hiếu” đã nói kỹ trong sách luân lý nhưng còn lặp lại quá nhiều trong sách quốc văn sẽ gây nhàm chán cho người đọc. Về các bài học, nói chung ngắn gọn nhưng trong sách Luân lý có những bài giải thích dài dòng (Ăn uống có điều độ, không nên nghiện rượu…). Hình thức trong Quốc văn giáo khoa thư có thể còn phong phú hơn nếu các tác giả chú ý đến các thể loại về tường thuật, tả cảnh, tả tình, thơ… thì còn gây thêm hứng thú cho người đọc.
Vài nhận xét
Bộ sách giáo khoa bậc Sơ học do Trần Trọng Kim và các cộng sự biên soạn ra đời vào lúc cuộc cải cách giáo dục lần thứ hai (1917) đã tiến hành được gần 10 năm và đang đi dần vào ổn định. Chữ Quốc ngữ được phổ biến từ cuối thế kỷ XIX đến đây qua khỏi bước chập chững buổi đầu, trở nên nhuần nhuyễn hơn. Riêng đối với các tác giả thì đều là những người sâu sắc cựu học, vững vàng tân học, đa số là giáo chức ngạch bậc cao như Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc (thanh tra tiểu học), Đặng Đình Phúc (giáo viên hạng nhất ngạch bản xứ), hoặc có địa vị xã hội khá cao (Đỗ Thận, Ủy viên hội đồng Thành phố) và tất cả đều đã từng viết sách giáo khoa, nhất là Trần Trọng Kim và Đỗ Thận. Do đó từ việc lựa chọn nội dung, cách diễn đạt đều có một văn phong thống nhất, trong sáng và dễ hiểu. Đặc biệt trong tất cả các cuốn sách bóng dáng của những quan cai trị người Âu đều rất thưa vắng. Ngoại trừ Paul Bert, viên Tổng trú sứ kiêm nhà khoa học, nhà giáo dục và Bá Đa Lộc, người đã giúp Gia Long đánh bại nhà Tây Sơn ra, còn lại là những nhà khoa học lớn của nhân loại hoặc của dân tộc Việt Nam như Pasteur, Alexandre de Rhodes, một trong những người sáng chế ra chữ Quốc ngữ, hay bà phước Phêlixien đã tận tâm săn sóc người bị bệnh phong và đã từ trần ở Sóc Trăng vào cuối thế kỷ XIX. Nếu ta biết rằng ở giai đoạn trước (1906 - 1917) người ta đã đưa cuốn “Đại Pháp công thần” của Lê Văn Thơm làm sách giáo khoa do Trần Trọng Kim chủ biên đã có tính dân tộc rất cao, trong lịch sử là những anh hùng cứu nước, những vị vua sáng lập ra các triều đại, trong luân lý quốc văn là những người con hiếu thảo, nhằm nêu gương sáng về đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, tu thân, tề gia, trị quốc… Tất cả đã quán xuyến toàn bộ sách giáo khoa Sử ký, Địa dư, Luân lývà đặc biệt là ba cuốn Quốc văn giáo khoa thưcủa các lớp Đồng ấu, Dự bị, Sơ đẳng. Đó chính là những “giá trị dân tộc đích thực” (chữ của Trịnh Văn Thảo trong “Nhà trường Pháp ở Đông Dương”) và nhóm biên soạn đứng đầu là Trần Trọng Kim xứng đáng được đánh giá cao là những nhà sư phạm sáng giá, những nhà biên soạn sách giáo khoa mẫu mực của một giai đoạn lịch sử giáo dục của dân tộc ta.§
Chú thích:
1. Trương Vĩnh Ký, Abrégé de grammaire Annamite(Sơ lược ngữ Pháp An Nam), Sài Gòn, 1867; Cours d’histoire annamite(Lịch sử nước An Nam), Sài Gòn, 1875; Petit cours de géogaphie de la Basse Cochinchine(Sơ lược địa dư An Nam lục tỉnh), Sài Gòn, 1875; Thông loại khóa trình,Sài Gòn, 1888; Cours d’annamite(Bài tập tiếng An Nam), Sài Gòn, 1889. Huỳnh Tịnh Của, Sách bác học sơ giải,Sài Gòn, 1887. Trương Vĩnh Ký, Tập gạy học tiếng Pha lang sa và tiếng Annam,Sài Gòn, 1892.
2. Gourdon, Bác vật sơ độc nhập môn - Vô sanh động vật.Nguyễn Văn Mai dịch, Sài Gòn 1911. Ph.Eberhardt, Bài cách trí với tập đọc.Tập II. Thực vật,Trần Văn Thông dịch, Hà Nội 1912. Tập III. Người và động vật.Phạm Văn Hữu (giáo thụ trường Sư phạm Hà Nội) dịch, Hà Nội, 1912. Ruissier, Đông Dương địa dư,Đỗ Thận dịch.
3. Trần Trọng Kim, Đặng Đình Phúc, Sử ký Địa dư giáo khoa thư lớp Sơ đẳng,in lần thứ 8, 1935, tr.1.
4. Trần Trọng Kim, Đặng Đình Phúc, Sử ký địa dư giáo khoa thư lớp Sơ đẳng(In lần thứ 3, Hà Nội, 1928, tr.13, 17).
5. Sđd, tr.91.
6. Bài mẫu: Địa dư tỉnh Hà Đông: 1. Hình thể; 2. Chính trị (Dân sự, cai trị); 3. Giao thông; 4. Kinh tế, sản vật công nghệ, thương mại. Thời gian này đã xuất hiện một số sách địa dư các tỉnh Nghệ An của đốc học Đào Đăng Hy, Hà Tĩnh của đốc học Trần Kinh, địa chí tỉnh Vĩnh Yên của Nha học chính Vĩnh Yên…
7. Sách này do bốn tác giả Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc và Đỗ Thận biên soạn. Bốn chương trình: 1. Bổn phận đối với gia tộc; 2. Bổn phận đối với học đường; 3. Bổn phận đối với bản thân; 4. Bổn phận đối với xã hội.
8. Ví dụ bài nói về “Phép dưỡng sinh”: An không quá no, uống không nhiều quá, đông đừng ấm quá, hè đừng mát quá, ngủ sớm dậy sớm, có giờ có giấc, làm lụng có chừng, nghỉ ngơi có độ, chơi bời vừa phải, đừng có điều gì thái quá. Tiểu dẫn: Hoa Đà trả lời học trò về cách sống lâu. Cách ngôn: Ăn để sống không phải sống để ăn.
Xem Lòng nhân ái, tiểu dẫn: Vua Lý Thánh Tôn cởi áo đắp cho người sắp bị chết rét. Cách ngôn: Thương người như thể thương thân.
Lòng thí xã, tiểu dẫn: Lê Lai cứu chúa. Cách ngôn: Cúc cung tận tụy, tử nhi hậu dĩ.
9. Tạp chí Nam Phong,số 12 (6 - 1918), tr.331.
10. Báo cáo của toàn quyền P.Doumer trước Thượng Hội đồng Đông Dương 1897 - 1902.
11. Lính thú đời xưa:
Ngang lưng thì thắt bao vàng
Đầu đội nón dấu vai mang súng dài.
Một tay thì cắp hỏa mai,
Một tay cắp giáo, quan sai xuống thuyền.
Thùng thùng đánh trống ngũ liên,
Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa.
Đi học phải đúng giờ
Xuân đi học coi người hớn hở
Gặp cậu Thu đi ở giữa đường
Hỏi rằng: sao đã vội vàng
Trống chưa nghe đánh tới trường làm chi
Thôi hãy hượm đừng đi anh ạ
Này con khăng tôi đã sẵn rồi
Cùng nhau ta hãy đánh chơi
Lát rồi ta sẽ tới nơi cũng vừa
Thu đáp: Dẫu giờ còn sớm
Cũng nên đi kẻo chậm thì sao?
Nếu chờ khi đánh trống vào
Dẫu ta rảo bước tài nào kịp cho
Trễ giờ ta phải nên lo.
12. Chuyện “Người đi đường với con chó”. Một người cưỡi ngựa bị một con chó đuổi theo. Người đi đường không cần đánh con chó mà chỉ kêu lên: Chó dại! Chó dại! Lập tức mọi người xung quanh đổ ra đánh chết con chó. Bài đọc kết luận: “Gớm thay! Lời nói có khi lợi hại hơn đồ binh khí”.
Giải nghĩa “mỹ thuật”… Cơm ăn đã vậy nhưng nếu xới vào bát kiểu và bằng đũa mun thì vẫn ngon hơn; quần áo mặc vậy nhưng điểm thêm cái nhẫn, chiếc vòng, đôi hoa thì người mới đẹp thêm ra…