Trần Thị Dung, nữ tướng đời nhà Trần
Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông năm Mậu Ngọ (1258), trước thế giặc mạnh, chủ trương của triều đình nhà Trần là tạm thời rút khỏi thành Thăng Long, thực hiện vườn không nhà trống nhằm tiêu hao sinh lực địch rồi sau đó tổ chức đánh úp. Cuộc rút lui khỏi thành Thành Long gặp rất nhiều khó khăn và phức tạp bởi ngoài lực lượng quân đội còn có hoàng tộc, thân nhân quan lại. Nhận thấy năng lực và tinh thần trách nhiệm của phu nhân Thái sư Trần Thị Dung, triều đình đã ủy thác cho bà toàn bộ trọng trách bảo đảm an toàn cho hoàng gia và tích trữ hậu cần cho quân đội trong cuộc rút lui. Trước khi quân ta rút khỏi Thăng Long, bà đã đôn đốc công việc chuẩn bị tích trữ lương thực, vận chuyển về hậu phương an toàn. Dưới sự chỉ huy của bà, các thuyền bè lánh nạn có thu giấu binh khí đều bị khám xét và tịch thu để dùng vào việc quân. Ngày 13 tháng Chạp năm Đinh Tị (1257), khi quân nhà Trần cho phá cầu Phủ Lỗ (nay thuộc địa bàn huyện Đông Anh, Hà Nội), bày trận ở bên sông, chặn giặc Mông Cổ thì Linh Từ quốc mẫu Trần Thị Dung chỉ huy hoàng gia lặng lẽ, trật tự tản cư khỏi kinh thành Thăng Long. Quân Mông Cổ vào Kinh thành nhưng Thăng Long không lương thực. Ngày 24 tháng Chạp, quân dân nhà Trần mở trận đánh úp ở Đông Bộ Đầu (bến sông Hồng, khoảng phía trên cầu Long Biên, Hà Nội), đang trong tình thế quẫn bách tiến thoái lưỡng nan và cũng không kịp trở tay, quân Mông Cổ đành rút chạy về nước. Thành Thăng Long được giải phóng sau 9 ngày bị giặc chiếm đóng. Cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông lần thứ nhất (1258) của quân dân nhà Trần thắng lợi lớn, chiến công đó có sự đóng góp không nhỏ của nữ tướng hậu cần Trần Thị Dung
Không chỉ là nữ tướng giỏi trong việc nước mà trong gia tộc họ Trần, bà Trần Thị Dung còn là một phụ nữ rất có uy tín và có sức thuyết phục. Khi An Sinh Vương Trần Liễu có hiềm khích với em trai mình là vua Trần Thái Tông, bà Trần Thị Dung với tư cách là người cô của vua đã đứng ra dàn xếp cuộc hòa giải. Nhờ đó, tình nghĩa huynh đệ được thắt chặt hơn và trên hết là sức mạnh của hàng ngũ lãnh đạo nhà Trần được phát huy tối đa trước họa ngoại xâm bên ngoài.
Tháng Giêng, năm Kỷ Mùi (1259), bà qua đời, hưởng thọ gần 70 tuổi, được vua Trần Thái Tông phong là Linh Từ Quốc mẫu, đây là đặc cách của nhà Trần vì theo qui định vinh hiện nay chỉ ban cho Hoàng hậu nhà Trần mà thôi. Lịch sử ghi nhận vương triều nhà Trần đã sản sinh ra các vị vua anh minh tuấn kiệt như Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông và rất nhiều tướng soái tài ba, nhiều nhân vật lịch sử kiệt xuất như Trần Thủ Độ, Trần Hưng Đạo… nhưng không thể không nhắc đến Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung, người phụ nữ mà cuộc đời và tên tuổi không chỉ lịch sử chế độ quân chủ Việt Nam mà còn mang sứ mệnh đúng như sử thần Ngô Sĩ Liên đã nhận định: "Thế mới biết trời sinh ra Linh Từ là để mở nghiệp nhà Trần vậy".
Cuối năm 2008, cùng với lẽ yên vị thánh tượng các vua đầu triều Trần và Thái Thủ Độ, thánh tượng Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung cũng được long trọng đưa vào thời phụng tại nội điện Thái Đường Lăng (cụm di tích Đền thờ các vua Trần), nay thuộc địa bàn làng Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình; điều này không chỉ thể hiện sự ghi ơn của hậu thế về công lao to lớn của bà mà còn là sự tôn vinh tấm gương người phụ nữ Việt Nam trong lịch sử dân tộc.