Trái đất trước thảm hoạ hiệu ứng nhà kính
Đến năm 1958, các cuộc nghiên cứu của Mauna Loa Observatory (Hawai) đặt ở độ cao 3345 m mới chứng minh được khí CO 2là nguyên nhân chính yếu của sự gia tăng nhiệt độ này. Đến năm 1976, các chất khí metan, Nitơ oxit (NO) cũng được xác nhận là nguyên nhân của hiệu ứng nhà kính.
Từ năm 1979 đến 1983, nhiều báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ đã chứng minh và cảnh báo rằng nơi nào có ô nhiễm không khí trầm trọng thì nguy cơ có nhiệt độ không khí tăng càng lớn. Các cuộc nghiên cứu mới nhất do hai nhà khoa học Karl và Trenberth trên tạp chí Sciences số tháng 12/2003 nói lên tính cách khẩn thiết của vấn đề này. Theo ước tính của hai ông thì từ 1990 đến 2100, nhiệt độ trên mặt địa cầu sẽ tăng từ 3,1 đến 8,9 oF (1,6 đến 4,2 oC). Sự gia tăng nhiệt độ này sẽ làm nóng chảy hai tảng băng ở Greenland và Nam Cực và có thể làm ngập lụt các bờ biển. Điều đó sẽ làm thu hẹp diện tích sống của con người trên quả địa cầu. Dự tính trong thời gian tới Trái đất sẽ phải chịu đựng những luồng khí nóng bất thường, hạn hán sẽ thường xuyên hơn và xảy ra ở nhiều nơi. Mưa to, bão tố xảy ra bất thường cũng như không thể tiên liệu trước như hiện nay. Hệ thực vật, sinh vật bị thay đổi, và nước biển sẽ dâng cao ở nhiều nơi, ước tính khoảng 75 cm năm 2100.
Băng ở Greenland tan chảy nhanh tới mức đáng báo động: 10m/năm |
Còn ở vùng núi Himalaya cũng đang phải đối mặt với thảm hoạ băng tan gây ngập lụt. Trên đỉnh Himalaya hiện có hơn 40 chiếc hồ lớn có thể tràn bờ bất cứ lúc nào và đổ xuống những biển nước kéo dài hàng trăm km. Các "quả bom nổ chậm" này có thể san phẳng nhiều ngôi làng nằm ở cuối đường đi của chúng. Khi phân tích 5000 hồ và sông băng ở Himalaya, các nhà khoa học nhận thấy có 20 hồ băng ở Nepal và 24 ở Bhutan đã đạt tới ngưỡng tràn và sẽ vỡ bờ trong vòng 5-10 năm tới, đó là chưa kể hàng trăm thuỷ vực vẫn nằm ngoài vùng khảo sát. Theo nhóm nghiên cứu, những chiếc hồ này đầy lên do nhiệt độ trong vùng gia tăng (ước tính hiện cao hơn 1 độ C so với thập kỷ 70), làm tan chảy những khối băng và sông băng chảy vào đó. Nằm đầu tiên trong danh sách báo động là hồ Tsho Rolpa thuộc Nepal, nó đã mở rộng diện tích gấp 6 lần so với cuối những năm 1950. Theo cảnh báo, một trận lụt từ hồ này có thể gây thiệt hại cho khoảng 10.000 người, hàng nghìn gia súc, đất nông nghiệp, cầu cống và các công trình hạ tầng khác. Sự cố tràn bờ của các hồ băng thường lặp lại khoảng 1 lần sau 500 năm. Nhưng kể từ những năm 1950 trở đi, thảm hoạ loại này diễn ra thường xuyên hơn, người ta đã ghi được 12 lần xảy ra ở Tây Tạng từ năm 1950 và cũng ngần ấy lần nước tàn phá các làng mạc ở Nepal. Năm 1954 hồ Sangwang ở Tây Tạng tràn bờ, trận lụt do nó gây ra đã phá huỷ một thành phố cách đó 120 km. Năm 1985 một bức tường nước cao 15 m đã vượt khỏi hồ Dig Tsho ở Nepal, đập tan 14 cây cầu và cuốn trôi hàng chục người.
Nam cực cũng đang chịu những tác động của việc thay đổi khí hậu. Các ảnh chụp từ máy bay cho thấy hơn 200 sông băng ven biển đang thu hẹp nhanh do hiệu ứng nhà kính làm nhiệt độ tăng cao (nhiệt độ trung bình ở Nam cực đã tăng thêm 2 độ trong 50 năm qua). 87% sông băng đã thu hẹp trung bình là 650m, đặc biệt sông băng Widdowson đã thu hẹp 2,8 km, tốc độ này tăng mạnh trong 5 năm qua và tiếp tục tăng.
Như vậy có thể thấy tác hại to lớn của việc nhiệt độ toàn cầu gia tăng. Với hiệu ứng nhà kính, CO 2đang biến hành tinh chúng ta thành một cái bẫy nhiệt khổng lồ, cuộc sống của con người trên trái đất trong tương lai sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Con người cần phải có ngay những hành động để cứu trái đất. Nghị định thư Kyoto - một dự thảo hiệp ước do Liên hiệp quốc bảo trợ và đã được 166 nguyên thủ quốc gia trên thế giới đồng ý trên nguyên tắc quy định rằng: đến năm 2012 các quốc gia trên thế giới phải giảm thiểu 5,2% các khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với định mức của năm 1990. Dự thảo nghị định thư này gồm 26 điều khoản và 2 phụ lục sẽ trở thành một quyết định chung cho toàn cầu nếu có trên 55% tổng số các quốc gia phê chuẩn, tính theo tỷ lệ năng lượng cần thiết trong các quá trình sản xuất kỹ nghệ của từng quốc gia một. Mỹ là quốc gia có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới (6,5 tỷ tấn trong tổng số 22 tỷ tấn của toàn cầu) đã không tham gia phê chuẩn nghị định thư. Lý do Mỹ từ chối vì bất đồng trong việc phân chia tỷ lệ trách nhiệm về lượng khí thải của các quốc gia phát triển và miễn cho các quốc gia đang mở mang, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ. Mỹ đòi Trung Quốc phải chịu trách nhiệm 5,1% lượng khí thải. Nhưng lý do chính mà Mỹ khước từ phê chuẩn nghị định thư vì nếu phải giảm khí thải như quy định của nghị định thư, Mỹ sẽ suy thoái kinh tế do các nhà máy phải hạn chế sản xuất.
Để giảm thiểu hiệu ứng nhà kính cần sự tự giác của mỗi quốc gia và từng cá nhân. Các công ty lớn cần chuyển đổi qua các quy trình công nghệ sạch, cũng như nghiên cứu phương pháp làm giảm lượng khí thải hồi như làm đông đặc hay chuyển vào lòng đại dương để xử lý. Các quốc gia nên có chính sách hỗ trợ tài chính, giảm thuế cho các công ty đã thực hiện tốt việc giảm thiểu khí thải. Và cuối cùng, với mỗi con người chúng ta, việc thay đổi và điều chỉnh cuộc sống hàng ngày cho thích ứng với nguy cơ hiện tại như: tiết kiệm năng lượng, sử dụng nước sinh hoạt hợp lý không bừa bãi, phí phạm... là hết sức cần thiết.