Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ hai, 18/02/2008 15:06 (GMT+7)

Trà đắng phân vân

Vốn là một lương y quen học theo sách thuốc cổ truyền, thú thật tôi không rành tên khoa học các loài cây thuốc. Nhưng nghiệp dĩ hàng ngày tiếp xúc với bệnh nhân hay có tập quán có bệnh thời vái tứ phương thường sưu tầm nhiều phương thuốc, vị thuốc mang đến nhờ tôi tư vấn hướng dẫn sử dụng. Đôi lúc gặp các vị thuốc lạ ngoài danh mục thuốc thường dùng của mình, đành phải trông cậy vào các Dược thư, Dược điển của các chuyên gia, đành phải mày mò tập đánh vần những cái tên lạ lẫm vô cùng khó đọc. Khổ nỗi nhiều khi vật lộn với những cuốn sách gối đầu giường dày cộm, tra cứu đến toát mồ hôi mà vẫn không tìm được chính danh cây thuốc vị thuốc cần tìm. Kinh nghiệm của tôi những lúc ấy nên tìm đến những bạn đồng hành đáng tin cậy như các số tạp chí CTQ, TSK... sẽ tìm được những thông tin mà các Dược thư Dược điển lớn chưa cập nhật kịp. Cây trà đắng là một trường hợp như vậy.

Khỏi phải nói ai cũng biết Trà đắng là một thức uống thời thượng cho nhiều người trong mấy năm gần đây. Với một vị đắng đặc thù và tinh khiết, khi đã làm quen với một ngưỡng đắng thích hợp, thì vị trà này có một sức quyến rũ không khác gì Cà phê hay các chất đắng được ưa chuộng khác. Ấy là chưa nói đến sự hấp dẫn bởi công dụng đặc biệt như đã được quảng cáo trên các nhãn gói trà đắng Cao Bằng. Đó là các tác dụng: Điều hoà khí huyết, mát gan; trợ tim, thông mật, bổ thận; tiêu viêm, giải độc, trừ say; kích thích tiêu hoá, thanh nhiệt; an thần, giảm căng thẳng thần kinh; chống bệnh ung thư nội tạng; chữa dạ dày, giảm béo phì. Xin được nói trước, bản thân người viết bài này chưa có kinh nghiệm sử dụng Trà đắng, nên cũng không dám khẳng định hay phủ định các tác dụng nêu trên. Chỉ xin mạo muội chia sẻ những ý kiến phân vân trong bước đầu tìm hiểu trên sách báo về cây Trà đắng cùng bạn đọc và BBT tạp chí CTQ.

Trước hết, xin cám ơn một bạn đọc có thư hỏi và Đặc san Những Cây Thuốc Quý (NCTQ) đã có bài trả lời Về cây chè đắng ở Cao Bằng trên trang 34 NCTQ số 08/2002. Bài này chỉ vắn tắt cho biết theo sách Cây cỏ Việt Nam quyển II của Phạm Hoàng Hộ thì họ AQUIFOLIACEAE có 42 loài Ilex, trong đó chỉ có mỗi một loài số 4628 Ilex trifloraBl (cây Bùi ba hoa) được ghi ở Cao Lạng nhưng loài này chỉ cao có 3 - 4m. Trong khi đó theo Từ điển cây thuốc Việt Nam của Võ Văn Chi có ghi 4 loài Ilex là: Llex godajamColebr (số R189), Lex rotundaThunb (B215), Llex viridisChamp. Ex Benth(N180) và Llex wallichiiHook.f (B216). Với sự thận trọng cần có khi chưa tra cứu kỹ, NCTQ chưa có khẳng định cây Trà đắng Cao Bằng là cây nào trong bài này.

Theo đề nghị của nhiều bạn đọc muốn hiểu rõ hơn về Trà đắng, NCTQ đã giới thiệu tiếp bài viết Các cây thuốc thuộc chi ILEX L. Họ Nhựa ruồi hay Bùi - AQUIFOLIACEAE của Võ Văn Chi đăng liên tiếp 2 kỳ trên Đặc san NCTQ số 11 và 12. Trong số 12 cây thuốc được tác giả giới thiệu, theo thiển ý của tôi thì có 2 loại Chè đắng là Llex kaushues.Y.Hu (I.Kudingcha C.J.Tseng, Chè đắng có tên khác là Chè khôm, Chè vua) và Llex latifoliaThunb. (Chè đắng lá to, tên khác là Đại diệp đông thanh, Khổ đinh trà, Khổ đăng trà, Đại diệp trà).

Theo bài viết này thì loài đầu là cây bản địa vùng núi đá vôi phân bố ở Nam và Đông Nam Trung Quốc và các tỉnh Cao Bằng, Lào Cai, Hoà Bình và Ninh Bình nước ta; còn loài sau thì vốn phân bố các tỉnh Đông và Nam Trung Quốc, và Nhật Bản, nước ta có mua cây con từ Quảng Tây - TQ về gây giống tại Hạ Long và tỉnh Cao Bằng. Với tư cách là một bạn đọc trung thành của CTQ từ những ngày còn là đặc san, tôi rất biết ơn tác giả Võ Văn Chi và BBT qua bài báo nói trên đã cung cấp cho tôi những thông tin đầu tiên và căn bản về cây Trà đắng Cao Bằng để có thể giải đáp thắc mắc cho các thân chủ bệnh nhân của mình. (Những mô tả và tác dụng - công dụng chi tiết của 2 loài Trà đắng trên xin miễn ghi lại ở đây, bạn đọc cần biết xin tìm đọc trên NCTQ11&12/ 2002).

Một phần nội dung về cây Chè đắng tên khoa học ilex kaushues. Y.Hu = Ilex kudingchaC.J.Tseng được tái xác nhận qua bài Tránh nhầm lẫn Chè đắng với Chè dây của tác giả V.C (tôi phỏng đoán là một bút danh của GS.Vũ Văn Chuyên) trên tạp chí CTQ số 5/2003. Trong bài này tác giả có chú ý cho biết loài Chè đắng đang đề cập chưa thấy nói đến trong các sách về cây thuốc của các tác giả Phạm Hoàng Hộ, Võ Văn Chi, Đỗ Tất Lợi, và cả trong Từ điển Bách khoa Dược học. Thế nhưng đến CTQ số 21, như đã nêu ở đầu bài viết này, lại có nhận định ngược lại: “Dưới tên gọi khác (Súm, Chè cẩu...) thì Trà đắng Cao Bằng thuộc họ Chè THEACEAE, có tên khoa học là Eurya nitidaKorth, được nêu trong các các sách: Từ điển cây thuốc Việt Nam (Võ Văn Chi) ...”.

Mong tác giả và BBT xem xét lại ở đây có sự nhầm lẫn gì không mà tên khoa học của Trà đắng Cao Bằng nêu trong các số tạp chí chưa có sự thống nhất.


Xin được nói thêm, gần đây đọc bài Trà đắng Cao Bằng của DS.Lê Văn Nhân và DS.Huỳnh Thị Ngọc Lan trên báo TSK số 254, bên cạnh các thông tin nghiên cứu mới khá bổ ích về Trà đắng, tác giả khẳng định “loài Trà đắng Trung Quốc có tên khoa học là Llex kudingcha, trong khi loài ở Cao Bằng, Việt Nam tên là Llex latifolia”, tôi thấy hơi phân vân vì không giống với ý kiến tác giả Võ Văn Chi đã nói ở trên (loài Llex kudingchavốn là cây bản địa có tại Cao Bằng và nhiều vùng núi đá vôi khác, còn Llex latifoliamới được du nhập vào trồng ở Cao Bằng). Một đoạn khác trong bài báo này cho biết: “Ngày nay, khoảng 90% Trà đắng ở Trung Quốc chế biến từ giống Llex kudingcha, trong khi phần còn lại chế biến từ cây Ligustrumdùng ở Tứ Xuyên và Nhật Bản.”


Cũng trong bài báo đó cho biết Trà đắng, còn gọi Khổ đinh trà (lá Trà đắng được sao chế cuộn lại như một cái đinh), được mô tả trong Bản thảo cương mục với tên là Đông thanh (cây xanh mùa đông). Vì danh tác của Lý Thời Trân biên soạn từ thế kỷ XVI chưa có ghi tên khoa học, nên tôi tra trong Tân biên Trung y học khái yếu (NXB Nhân dân vệ sinh, Bắc kinh, 1974), một cuốn sách viết cho các bác sĩ y học hiện đại học tập sử dụng Đông y của Trung Quốc, được biết Đông thanh còn gọi Tứ quý thanh (cây Xanh bốn mùa), có tên khoa học là Llex chinensisSims. Vậy cây Ligustrumcũng như loài Llex chinensisSims liệu có thể có và lẫn lộn với các cây Trà đắng Cao Bằng đang được thu hái, chế biến và lưu hành rộng rãi trên thị trường hiện nay hay không?


Đến đây, vấn đề được đặt ra cho bài viết này đã thật sự vượt tầm kiểm soát của tác giả. Thú thật, ý định ban đầu của người viết muốn thông qua chuyên mục Bạn đọc & Toà soạn nêu vấn đề mong được các chuyên gia xác định chính xác và thống nhất tên khoa học của cây Trà đắng làm cơ sở để tra cứu tìm hiểu về dược liệu này. Ai cũng biết hệ thực vật ở nước ta cực kỳ phong phú và đa dạng, thì việc đồng thời có nhiều giống loài Trà đắng tương tự trên cùng một địa phương như Cao Bằng hoàn toàn có thể xảy ra. Nếu ta chưa xác định chính xác các giống loài Trà đắng, chưa có những nghiên cứu toàn diện và đầy đủ, mà cứ khai thác và sử dụng ồ ạt, đua nhau “cứ tin và uống cái đã” theo các khuyến cáo chưa được kiểm chứng, thì liệu đến một lúc nào đó câu chuyện biết ra thì đã muộn rồi từ muôn năm cũ lại tái diễn là điều khó tránh khỏi. Chúng tôi hy vọng thông qua diễn đàn tạp chí CTQ, Hội Dược liệu Việt Nam, các ban ngành chức năng, các học giả, các nhà nghiên cứu chuyên môn sẽ nhập cuộc làm sáng tỏ các vấn đề đã và đang đặt ra với cây Trà đắng nói riêng và thị trường dược liệu nói chung.


Sở dĩ chúng tôi đặt vấn đề về Trà đắng như vậy, không phải là không có căn cứ. Bởi vì, trong số sách vở ít ỏi của một thầy thuốc chân đất chốn quê mùa, tôi đã tìm được vài dòng tư liệu xin được nêu ra để cảnh báo cùng mọi người. Đó là, ở trang 1955 sách Trung Quốc y học đại từ điển (Thương vụ ấn thư quán, Thượng Hải, tái bản lần thứ IV), trong mục Khổ đinh trà (tức Trà đắng) cho biết vị này tính chất đắng ngọt, không độc, công dụng tán can phong, thư thái đầu mắt, trị tai ù, tai điếc, tai chảy mủ, thông hành huyết mạch, mát tử cung, triệt sản (tán can phong, thanh đầu mục, trị nhĩ minh, nhĩ lung, đình nhĩ lưu nùng, hoạt huyết mạch, lương tử cung, tuyệt dựng). Lời bình luận cuối mục nhấn mạnh thêm: Thứ sản vật này phụ nữ uống có thể suốt đời không có thai, nó là thuốc triệt sản tuyệt vời (thử vật phụ nhân phục chi, năng chung thân bất dựng, vi đoạn sản diệu dược).


Mong rằng trong số quý bà quý cô từng nghiện vị Trà đắng lâu ngày, không có ai phải giật mình khi đọc đến những dòng cuối cùng của bài báo này.


Mong lắm thay!


Nguồn: Cây thuốc quý, số 23

Xem Thêm

Tiếp tục đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ
Hiện nay Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (LHHVN) có trên 500 tổ chức khoa học và công nghệ (KH &CN). Các tổ chức KH&CN trực thuộc này được thành lập và hoạt động trên cơ sở các quy định của Luật Khoa học và Công nghệ và nghị định của Chính phủ, điều lệ của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Tìm giải pháp chuyển đổi số toàn diện tại Liên hiệp Hội Việt Nam
Hơn 40 năm thành lập, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp Hội Việt Nam) đang nỗ lực hiện đại hóa hoạt động trong bối cảnh chuyển đổi số trở thành yêu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, Liên hiệp Hội Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều hạn chế về hạ tầng công nghệ và nhận thức, đòi hỏi những bước đi chiến lược hơn trong tương lai.

Tin mới