Tính giản dị trong giáo luật và giáo lễ của đạo Hòa Hảo
An Giang là vùng đất dung hợp nhiều tôn giáo bản địa đã một thời in dấu ấn mạnh mẽ đến cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Bửu Sơn kỳ hương, Tứ ân hiếu nghĩa và một số tín ngưỡng dân gian khác đã từng nảy sinh tại nơi này. Theo dòng chảy của lịch sử, những giáo phái ấy dần dần nhạt theo năm tháng, duy chỉ có Phật giáo Hòa Hảo (thường gọi và viết tắt là Hòa Hảo) vẫn tồn tại. Là một trong sáu tôn giáo lớn của Việt Nam, Phật giáo Hòa Hảo tồn tại và phát triển ở vùng đất An Giang và còn mở rộng ra ở một số miền quê khác trong cả nước.
1. Tính giản dị của giáo luật Phật giáo Hòa Hảo
Giáo luật của Hòa Hảo dễ nhớ, dễ làm đối với nông dân. Người theo đạo phải thề theo đạo cho đến hết đời. Nam giới để râu để tóc búi. Tín đồ ăn chay từ thấp đến cao; những ngày không ăn chay vẫn phải tránh ăn thịt các con giáp chuột, trâu, hổ, mèo (Mai Thanh Hải, 2002, tr.497).
“Lời khuyên bổn đạo” còn được gọi là “tám điều răn cấm”, là giới luật căn bản của Phật giáo Hòa Hảo, là sơ đồ để con người thực hiện đạo nhân, chủ yếu xoay quanh các nội dung như: khuyên bổn đạo phải giữ tròn luân lý, không sa vào các thói hư tật xấu; phải biết chăm chỉ làm ăn, biết tha thứ cho người khác; phải tiết kiệm, không vì tiền của mà quên đạo nghĩa; không nguyền rủa Phật Trời; không nên ăn thịt trâu, chó, bò, những con vật vốn gần gũi và giúp ích cho con người, không sát sanh hại vật để cúng thần thánh; không lãng phí tiền của vào việc đốt giấy tiền vàng bạc; phải biết suy xét cẩn thận trước khi phán đoán mọi việc; quan trọng nhất là toàn bổn đạo phải “thương yêu lẫn nhau như con một cha, dìu dắt lẫn nhau vào con đường đạo đức” (Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, 1966, tr.403).
Về hôn nhân, phật giáo Hòa Hảo quan niệm rằng, đây là việc hệ trọng, cha mẹ không nên để con cái quá tự do trong việc lựa chọn bạn đời vì tuổi trẻ thường hay bồng bột, thiếu kinh nghiệm, nhưng cũng không vì thế mà ép uổng quá đáng. Bổn phận làm cha mẹ là phải cân nhắc, chọn lựa người bạn đời phù hợp cho con, cốt sao cho con được hạnh phúc. Nên bỏ tục thách cưới. Đừng nên tổ chức tiệc lễ linh đình, xa xỉ.
Đối với việc tang lễ, Phật giáo Hòa Hảo chủ trương theo nếp cũ của tổ tiên. Tuy nhiên, tang lễ cần được tổ chức giản tiện, bỏ hẳn những nghi lễ vô ích như: rước thầy cúng, đốt giấy tiền vàng bạc, … Không nên khóc lóc mà nên thành tâm cầu nguyện cho vong linh người chết được siêu thoát.
Vấn đề ăn chay, Phật cho rằng, mỗi tháng tín đồ chỉ cần ăn chay bốn ngày (14, rằm, 20 và 30; nếu là tháng thiếu thì ăn chay các ngày 14, 29 và mùng 1 tháng kế sau). Vào dịp Tết cổ truyền, tín đồ ăn chay vào các ngày 29, 30 tháng chạp và mùng 1 tháng giêng.
Việc để tóc là hình thức bên ngoài của tín đồ, Phật giáo Hòa Hảo không đòi hỏi bắt cứ một sự ràng buộc nào: “Từ đầu tóc không cần phải cạo/Miễn cho rồi cái đạo làm người” (Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, 1966, tr.90). Phật giáo Hòa Hảo cũng không bắt buộc tín đồ phải để tóc, vì việc để tóc “thuộc về phong tục chớ không phải về tôn giáo” và nếu “để tóc mà không chịu trau tâm sửa tánh cũng chẳng phải là kẻ tu hành” (Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, 1966, tr.171).
Ngoài ra, trong các vấn đề khác, Phật giáo Hòa Hảo cũng có những yêu cầu đơn giản. Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo cần cung kính, cư sử lễ nghĩa với các tăng sư tu hành chân chính, đồng thời phải tìm cách khuyên can những tu hành dối thế trở về con đường chánh đạo. Phật giáo Hòa Hảo không phản đối tín đồ đi chùa lễ Phật, mà khuyến khích tín đồ giúp đỡ các chùa nghèo, nhưng không khuyến khích việc mua sắm hình tượng. Đối với các tôn giáo khác phải “dĩ hòa vi quý”, phải có thái độ tôn trọng, không vì đề cao đạo của mình mà hạ thấp những tín ngưỡng khác. Đối với nhân sanh phải nhẫn nhịn, hiếu hòa, sẵn lòng giúp đỡ họ khi cần thiết. Bản thân mỗi tín đồ phải coi trọng việc học hành, vì việc học sẽ giúp chúng ta thoát khỏi mê lầm,nhận ra chân giá trị của Phật đạo. Để trí tuệ minh mẫn, tinh thần sáng suốt, phải giữ thân tâm cho trong sạch bằng cách luyện tập thể dục, ăn ở vệ sinh. Mặc dù phải mưu sinh, nhưng tuyệt đối không làm những nghề nghiệp trái với nhân đạo.
Việc gia nhập vào đạo Phật giáo Hòa Hảo cũng rất đơn giản. Đạo này chỉ yêu cầu người muốn quy y phải được hai người bổn đạo cũ có đức hạnh giới thiệu, bảo lãnh với Ban Trị sự địa phương. Sau khi được nghe phổ biến thể lệ tu hành, người muốn quy y cho biết mình có bằng lòng vào đạo hay không. Nếu họ đồng ý, họ phải về nhà báo cho gia đình biết hoặc (nếu ông bà, cha mẹ đã quá cố) phát nguyện quy y trước bàn thờ tổ tiên: “Ngày…tháng… con chịu quy y theo Đạo” (Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, 1966, tr.172). Sau đó, người muốn quy y sẽ được phát quyển sách đó mang tên Cách tu hiền và sự ăn ở của một người bổn đạo, coi như là một hình thức chứng nhận họ đã trở thành tín đồ Phật giáo Hòa Hảo. Những người ở xa tổ chức đạo cũng có thể đọc giáo lý mà tự quy y. Và đạo là do sự tự nguyện, do ý thức của mỗi người nên cũng không cần thề thốt. Tuy nhiên, đã vào đạo thì phải giữ giới luật, không được làm ô danh đạo. Tôn giáo là một khía cạnh của đời sống tâm linh con người, nhưng tôn giáo theo đường hướng hành đạo của Đạo Huỳnh Giáo chủ không đồng nghĩa với mê tín. Đức Huỳnh giáo chủ từng căn dặn: “Mỗi người hãy nên lấy trí thông minh nhận xét đạo lý hay lời nói của Thầy mình” (Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, 1966, tr.167). Muốn quy y một tôn giáo nào trước hết phải hiểu rõ mục đích và ý nghĩa của tôn giáo ấy. Nếu không thì sự tu hành chỉ là vô nghĩa, chỉ là mù quáng. Chỉ đức tin và cái thâm thanh tịnh thôi chưa đủ mà cần nhất là sự sáng suốt. Nếu không sáng suốt, con người dễ lầm đường, lạc lối, không nhận ra được cái chân giá trị của đạo. “Bỏ dị đoan mới thấy Đạo mầu” (Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, 1966, tr.106).
2. Tính giản dị của đạo lễ phật giáo Hòa Hảo
Giáo lễ của Hòa Hảo phải nói là khá đơn giản. Những tín đồ này không phải xây chùa chiền, thánh thất, cũng không phải thờ tượng ảnh gì hết; thờ phụng, hành đạo ngay tại gia đình. Bàn thờ chỉ bày một miếng vải đỏ và dựng một ban thờ thông thiên ở sân trước cửa nhà. Cũng không có giáo sĩ, tu sĩ, không tổ chức thành giáo hội, chỉ có một số chức sắc nhỏ ở xóm ấp lo cả việc đạo, việc đời vẫn ăn ở trong gia đình cùng vợ con như mọi tín đồ. Phật giáo Hòa Hảo không có kinh kệ như Công giáo hoặc Phật giáo nguyên thủy. Tín đồ Hòa Hảo chỉ đọc sấm giảng do Đức Huỳnh Giáo chủ soạn và niệm sáu từ “nam mô a di đà phật” để tĩnh tâm (Mai Thanh Hải, 2002, tr.497). Tín đồ Phật giáo Hòa Hảo thờ tam bảo (Phật, Pháp, Tăng), cửu huyền thất tổ, các vị anh hùng dân tộc, các đấng thánh hiền có công mở đạo dạy đời chứ không thờ cúng tà thần hay ma quỷ. Trừ ông bà, cha mẹ, các vị anh hùng cứu quốc ra, Phật giáo Hòa Hảo quy định không lạy người sống, cho dù các đối tượng ấy đáng được tôn kính đến mấy chăng nữa. Các ngôi thờ của đạo này và cách trang trí cũng khá đơn giản. Ngôi thờ tam bảo (còn gọi là bàn thờ Phật) được đặt ở vị trí tôn nghiêm: trên cao, giữa nhà, hướng ra cửa với biểu tượng là một tấm trần dà. Trên bàn thờ Phật, tín đồ bài trí một lư hương, chung nước, và một lọ hoa tươi. Phật giáo Hòa Hảo không thờ hình tượng rườm rà, chỉ cần một bức trần dà thể hiện được tinh thần vô thượng của nhà Phật. Ban đầu, Đức Huỳnh Giáo chủ trương thờ trần điều (vải đỏ) như đã nói ở trên, đó là một di tích do Đức Phật Thầy Tây An để lại. Về sau, nhận thấy có nhiều kẻ thờ trần điều tự xưng là cùng tông phái nhưng lại mượn danh đạo để làm điều càn quấy nên Ngài kêu gọi toàn đạo đổi lại thờ màu dà. Màu dà là tổng hợp của năm màu xanh, đỏ, vàng, đen, trắng, tượng trưng cho sự hòa hiệp và cá nhân. Đối với các nhà sư Phật giáo, màu dà cũng là màu tượng trưng cho sự thoát tục. Ngoài ý nghĩa ấy, việc thờ màu dà cũng phù hợp với tôn chỉ hành đạo của Đức Huỳnh Giáo chủ, đó là: “nên thờ đơn giản cho lòng tin tưởng trở lại tâm hồn hơn ở vào sự hào nhoáng bề ngoài” (Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, 1966, tr.165). Ngôi thờ cửu huyền thất tổ (còn gọi là bàn thờ tổ tiên hay bàn thờ gia tiên) đặt ngay dưới bàn thờ Phật với biểu tượng là bốn chữ “cửu huyền thất tổ” viết bằng chữ nho được lồng khung trang trọng. Tín đồ tôn trí trên ấy lư hương, bình hoa và chung nước. Một số gia đình còn tôn trí thêm bộ lư, tranh thờ hoặc hoành phi, liễn đối bằng Hán tự. Bàn thông thiên thường được đặt ở trước thềm nhà hoặc giữa sân nhà, trên cũng bài trí lọ hoa (không bắt buộc), lư hương và chung nước. Bàn thông thiên trong Phật giáo Hòa Hảo là sự phát triển của bàn ông thiên dân gian, là một hình thức “đưa chùa về nhà”, thể hiện sự hòa hợp giữa con người với trời đất. Các vật dâng cúng nơi ngôi tam bảo và bàn thông thiên, Đức Huỳnh Giáo chủ yêu cầu chỉ cúng nước lạnh, bông hoa và nhang, một mặt là để cho việc thờ phụng được đơn giản, mặt khác là thể hiện: “Nước lạnh tiêu biểu cho sự trong sạch, bông hoa tiêu biểu cho sự tinh khiết, còn nhang, dùng đặng bán mùi uế trước” (Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, 1966, tr.166). Đối với ngôi thờ cửu huyền thất tố thì có chi cúng nấy. Các ngôi thờ của đạo toát lên vẻ đẹp tâm linh, bàn thờ lúc nào cũng sạch sẽ và khói hương nghi ngút. Cạnh trang thờ tam bảo, mặc dù đạo không quy định, nhưng hầu hết tín đồ đều tôn trí chân dung Đức Huỳnh Giáo chủ để chiêm ngưỡng và tỏ lòng thành kính. Ngôi thờ cửu huyền thất tổ, ngôi thờ tam bảo và bàn thông thiên là sự phối hợp tinh hoa của Nho, Phật, Lão. Ngôi thờ cửu huyền thất tổ tượng trưng cho thánh đạo, thể hiện sự tri ân, lòng hiếu thảo của thế hệ sau đối với cha mẹ, tổ tiên, đối với bậc tiền nhân đi trước. Ngôi thờ tam bảo tượng trưng cho Phật đạo, là cứu cánh để tín đồ noi theo đó mà tu tập, tiến đến giác ngộ. Bàn thông thiên thể hiện sự thông linh giữa thiên-địa-nhân nên tượng trương cho tiên đạo. Ngoài ra, ba ngôi thờ của đạo còn hàm ẩn một ý nghĩa khác. Hai ngôi thờ được đặt trong nhà hàm chứa ân tam bảo và ân tổ tiên cha mẹ. Ân đất nước, ân đồng bào và nhân loại thì được hàm chứa nơi bàn thông thiên. Sự kết hợp giữa ba ngôi thờ chính là một trong những phương cách để tín đồ Phật giáo Hòa Hảo biểu hiện tấm lòng thành, ước mong báo đáp tứ ân để vẹn đường tu và trốn nợ thế (Nguyễn Hiếu Trung, 2004, tr.103).
Về cách hành lễ, Phật giáo Hòa Hảo yêu cầu: thời gian lễ bái tại gia được chia làm hai lần là sáng sớm (khoảng 4-5 giờ) và chiều tối (khoảng 18-19 giờ) theo lời dặn dò của Đức Huỳnh Giáo chủ: “Sớm chiều bình đẳng chớ lời/Thường hành như vậy nhớ lời đúng sai” (Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, 1966, tr.329); trang phục lúc cúng lạy tại nhà, tại chùa và khi đọc sấm giảng, tín đồ phải mặc đạo phục trắng dà. Khi đi dự lễ phải mặc quốc phục áo dài khăn đóng. Ngày thường, tín đồ có thể ăn mặc tùy theo sở thích. Đối với nghi thức trước ba ngôi thờ được quy định không cầu kỳ mà rất giản đơn. Mỗi ngôi thờ đều có những bài nguyện riêng, ngắn gọn và súc tích, có bài được Đức Huỳnh Giáo chủ viết theo thể thơ lục bát hoặc thất ngôn rất dễ nhớ. Trước ngôi thờ cửu huyền thất tổ, tín đồ cầm hương, xá ba xá, quỳ xuống chắp tay đưa lên trán, đọc bài nguyện bốn câu được viết theo thể thơ thất ngôn. Sau đó tín đồ thắp hương, đứng thẳng, chắp tay vào ngực đọc bài nguyện tám câu được viết theo thể thơ lục bát. Trước ngôi thờ tam bảo, tín đồ cầm hương, xá ba xá, quỳ xuống chắp tay đưa lên trán, đọc bài nguyện quy y. Khi đọc xong, tín đồ cắm hương lạy bốn lạy (hoặc cắm hương rồi đứng thẳng) chắp tay vào ngực đọc bài về Tây phương ngũ huyện. Tiếp đó, tín đồ lạy bốn lạy rồi xá lần lượt theo thứ tự: “một xá chính giữa niệm: nam mô a di đà Phật; một xá bên trái niệm: nam mô quan thế âm bồ tát” (Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, 1966, tr.175). Trước bàn thông thiên, tín đồ lấy bàn thông thiên làm hướng chính, lần lượt đứng cầu nguyện theo bốn hướng: trước mặt, sau lưng và hai bên. Khi xoay sang hướng kế tiếp, tín đồ thường xoay theo vòng thuận (từ phải qua trái). Tại hướng chính, tín đồ đọc bài quy y, ba hướng còn lại đọc bài Tây phương ngũ nguyện. Sau khi đọc xong mỗi bài nguyện, tín đồ lạy bốn lạy hoặc xá ba xã. Thời gian niệm Phật, tín đồ có thể niệm Phật theo thời khắc lễ bái hoặc không cần thời khắc: “Muốn niệm Phật chẳng cần sớm tối/ Ghi vào lòng sáu chữ di đà/ Thì hiền lương quên mất điều tà/ Đặng hạnh phúc nhờ lòng cố gắng” (Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, 1966, tr.101).
Tuy vậy, Phật giáo Hòa Hảo cũng rất linh hoạt, chủ trương châm chế nhiều điều, không bắt buộc tín đồ phải tuân theo răm rắp từng li từng tí, bởi vì đạo này quan niệm nghi lễ chẳng qua là trợ đạo. Đức Huỳnh Giáo chủ khẳng định: “sự tu hành cốt ở chỗ trau tâm tỉa tánh hơn là do sự lễ bái ở ngoài”(Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, 1966, tr.166). Nếu nhà chật, chỉ cần bàn thông thiên và lư hương cũng đủ để tín đồ bày tỏ lòng thành của mình. Cách lạy và niệm Phật cũng rất linh hoạt, lạy đứng hay lạy quỳ tùy theo lúc yếu mạnh, niệm Phật nhiều hay ít tùy theo sức mình, lúc cầu nguyện và niệm Phật chỉ niệm trong tâm”. Nếu đi xa nhà hay ở đậu cùng người khác, không có điều kiện hành lễ, khi đến thời cúng, tín đồ có thể nguyện tưởng trong tâm. Những ai bận công việc đồng áng cũng được châm chế: “Ở đồng ruộng cũng niệm vậy mà/Phật chẳng chấp chẳng nài thời khắc” (Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, 1966, tr.105).
Kết luận
Với hình thức tu hành giản dị, với giáo lý, giáo luật, giáo lễ không quá khắt khe, Phật giáo Hòa Hảo đã khiến những người mộ đạo cảm nhận được tôn giáo này không có gì là xa lạ, khó hiểu mà thật sự gần gũi với cuộc sống thường nhật của mình. Cuộc sống ấy chẳng những không bị khuấy động mà còn có vẻ yên bình hơn. Từ đó, họ đón nhận Phật giáo Hòa Hảo với lòng nhiệt thành, sự hân hoan, cảm thấy nó gần gũi với cuộc sống thường nhật của mình. Cuộc sống ấy chẳng những không bị khuấy động mà còn có vẻ yên bình hơn. Từ đó, họ đón nhận Phật giáo Hòa Hảo với lòng nhiệt thành, sự hân hoan, cảm thấy nó gần gũi với cuộc sống đời thường của mình. Cái nhìn phiến diện về cuộc đời bắt đầu được cảm nhận với một màu sắc khác, phản chiếu những ước mơ trong trẻo… Như vậy, có thể thấy rằng, Phật giáo Hòa Hảo không phải là sự cóp nhặt từng mảnh ghép rời rạc từ giáo lý của đạo Phật, mà là tổng thể sống động những nguyên lý sống hàng ngày của nhân gian, hình thành nên một bức tranh huyền diệu. Phật giáo Hòa Hảo đã khơi dậy cái bản tính thiện nằm ẩn khuất trong mỗi tâm hồn con người, mà có khi những cơm áo, gạo tiền, những lo toan bộn bề của cuộc sống đã khiến cho ta vô tình quên đi, không còn nhớ đến nữa. Phật giáo Hòa Hảo đã dần dần xóa đi được lớp bụi trần gian ấy, gạn đục khơi trong, đưa con người trở về bản tính nguyên thủy của mình, sống chan hòa với thiên nhiên, đồng loại, sống với cái tâm trong sáng, với tâm hồn rộng mở không vị kỷ. Từ đó, sợi dây nhân ái, nhân văn của Phật giáo Hòa Hảo đã kéo được con người xích lại với nhau hơn và cùng đến với tôn giáo này.
Nghiên cứu Phật giáo Hòa Hảo, đặc biệt trên phương diện văn hóa là góp phần tìm hiểu thêm một nét văn hóa của dân tộc, khắc phục việc lợi dụng tôn giáo, làm nổi bật những giá trị nhân văn, để nhìn nhận Phật giáo Hòa Hảo một cách đầy đủ hơn, không phải với những biến tướng của nó, mà xem xét nó dưới dạng lăng kính của một tôn giáo lưu tâm nhiều đến cuộc sống nhân sinh, thể hiện khá sâu sắc mối quan hệ giữa đạo và đời trên cơ sở những viên ngọc trí tuệ của Phật giáo. Nghiên cứu Phật giáo Hòa Hảo cũng góp phần tạo nên sắc thái của vùng đất An Giang, vùng đất Nam bộ, vùng đất của những con người nhân hậu, quả cảm với những bước chân không mỏi ngay từ những ngày đầu tiên đi mở cõi.
Tài liệu tham khảo
1.Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, 1966. Sấm giảng thi văn toàn bộ của Đức Huỳnh Giáo chủ. Ban Phổ thông Giáo lý Trung ương ấn hành.
2. Mai Thanh Hải, 2002, Từ điển Tôn giáo.Hà Nội: Nxb. Từ điển Bách Khoa
3. Nguyễn Hiếu Trung.2004. Bước đầu tìm hiểu ý nghĩa bàn thông thiên.
4. Nhất hạnh. 1969. Đạo phật ngày nay
5. Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang. 2003. Địa chí An Giang(Lưu hành nội bộ). Tập 1.