Tìm vào ngôi làng bí ẩn đã mất giữa rừng
Đó một ngôi làng bí ẩn và tồn tại cô lập giữa rừng già ở huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam đã tự nhiên biến mất cách đây gần cả thế kỷ.
Huyền thoại về người “trấn” cọp dữ!
Năm 1980, một vài người đi rừng ở làng Trung Hạ và Trung Nam (huyện Quế Sơn) phát hiện ra ngôi làng đó. Làng nằm tít sâu, biệt lập trong một thung lũng giữa khu rừng già của dãy Hòn Róng ở Quảng Nam . Người ta tình cờ phát hiện ra làng Tân Định trong một lần lạc rừng. Trên rừng, bưởi, cam, quýt... lâu năm không có người chăm sóc vẫn ra trái sum suê. Dưới ruộng, cỏ mọc cao ngút đầu người. Tôm cá móng như cơm sôi. Không thể tin được một thế giới có dấu vết con người đã từng tồn tại giữa chốn rừng xanh thâm u, huyền bí. Ông Phạm Dương (nay đã 86 tuổi) ở huyện Nông Sơn nhớ lại rằng ông đã cùng một nhóm người nữa quyết định mở đường xuyên rừng vào đó canh tác. Đất đai phì nhiêu, nguồn nước dồi dào đã cho họ những vụ mùa bội thu. Khó khăn duy nhất là thú rừng phá hoại hoa màu quá nhiều. Người vào nơi đây làm nương rẫy thưa dần hơn hai chục năm. Gần đây người ta mới bắt đầu trở lại khu rừng này. Sự phát hiện tình cờ của nhóm người đi rừng ở làng Trung Hạ đã vén lên bức màn bí mật về ngôi làng Tân Định mà lớp người như ông Phạm Dương chỉ nghe cha ông kể lại.
![]() |
Hòn đá nặng hàng trăm tấn, hình dáng y hệt chiếc ghe, nhiều khả năng do bàn tay con người chế tác. |
Câu chuyện về biệt tài “trấn” cọp của ông Xã Ngại vang xa. Người ta kể, ban ngày cọp xuống làng, chỉ cần ông ra nhìn vào mắt một cái, cọp lập tức cúp đuôi ngoan ngoãn bỏ đi. Ban đêm cọp ra rình mồi, ông xuỵt một tiếng nhỏ, cọp cũng chạy mất. Cho đến bây giờ, những người già nhất trong vùng cũng không biết ông Xã Ngại là ai, từ đâu tới. Họ cũng không hiểu vì sao ông đưa cả dòng họ của mình vào giữa rừng sâu sinh sống, lập nên làng Tân Định trù phú. Họ chỉ nghe kể về ông và ngôi làng kỳ lạ này như một huyền thoại. Cũng không biết từ bao giờ và lý do gì, toàn bộ người dân đã bỏ làng ra đi không trở lại. Ông Phạm Dương nghe kể là họ ra đi từ những năm đầu của thế kỷ 20, đi đâu cũng không ai biết!
Dấu tích ngôi làng bí ẩn
Chắp nối từ những câu chuyện kể, chúng tôi đã làm một cuộc hành trình tìm đến ngôi làng kỳ lạ đã biến mất trên thực tế. Người dẫn đường là anh Hai Gõ ở làng Trung Hạ. Theo lối mòn nhỏ của những người đốt than, chúng tôi trèo lên một ngọn núi khá cao. Từ đó đường đi giữa rừng khá bằng phẳng, ít cây cổ thụ, chỉ toàn lau lách. Đường đi đổ về một con suối. Lội qua suối, trước mắt chúng tôi hiện ra một thung lũng chừng hơn 30 ha. Trên núi lác đác vài ba nương rẫy của người dân mới vào đây trồng khoai, sắn. Dưới ruộng, cây cỏ mọc cao gần đầu người. Chim quốc, bìm bịp, bồ chao nghe động vụt bay, kêu inh ỏi khắp rừng. Những dấu tích xưa còn lại là vài ba cây bưởi đã bị người dân làm rẫy đốn gốc đang mọc chồi, mấy bức tường nấp sau những lùm dây leo rậm rạp chỉ còn lại vài ba viên gạch chen lẫn vôi...
![]() |
Tảng đá tiên dưới chân Hòn Tàu chi chít những dấu “chân tiên”. |
![]() |
Một đầu chiếc ghe được kê lên một tảng đá nhỏ. |
Dân gian nơi đây tương truyền, hòn Đá Ghe là phương tiện của vị tiên ông trên đỉnh Hòn Róng đi dọc theo con suối này đổ ra khe Le, hội ngộ với các vị tiên khác trên đỉnh Hòn Bà và Hòn Tàu. Dưới chân Hòn Tàu hiện nay vẫn còn một tảng đá chi chít vết “chân tiên”!
Nguồn: phapluattp.vn (22/04/08)