Tìm thấy xác ướp Nữ hoàng Ai Cập
Nữ hoàng Hatshepsut cai trị Ai Cập từ năm 1479 đến năm 1458 trước Công nguyên (TCN). Bà là một phụ nữ có cá tính khác thường, hay ăn mặc như con trai và đeo râu giả. Hatshepsut là người phụ nữ hiếm hoi được tôn sùng là pharaoh, vị vua của Thượng và Hạ Ai Cập, một danh vị mà hai người phụ nữ rất nổi tiếng khác là Hoàng hậu Nefertiti và Nữ hoàng Cleopâtra cũng chưa bao giờ đạt tới. Dưới bàn tay cai trị của bà, đất nước Ai Cập rất thịnh vượng, của cải chất đầy trong kho. Bà đã bỏ ra nhiều tiền bạc để xây dựng hàng trăm công trình kiến trúc vĩ đại khắp Thượng và Hạ Ai Cập, nay vẫn tồn tại. Ngoài ra, bà còn tiến hành những cuộc viễn chinh sang tận bờ sông Euphrates (nay là Iraq) và Nubia (nay là Sudan). Các nhà sử học đánh giá Nữ hoàng Hatshepsut là một nhà cai trị tài ba trong lịch sử Ai Cập cổ đại. Hầu như tất cả viện bảo tàng trên thế giới đều có những bộ sưu tập tượng của bà với bộ râu giả đặc trưng.
Nữ hoàng Hatshepsut là pharaoh đời thứ V của triều đại thứ XVIII, con gái của pharaoh Thumose I, phu nhân của pharaoh Thumose II (ông này đồng thời cũng là anh em cùng cha khác mẹ của bà. Kiểu hôn nhân trực hệ như vậy rất phổ biến ở Ai Cập cổ). Sau khi phu quân chết, bà đã kế vị và cai trị Ai Cập trong 20 năm, mất khi mới bước sang tuổi trung niên. Sau cái chết của bà, con trai của chồng bà là pharaoh Thumose III đã ra lệnh đục xóa tên tuổi của Hatshepsut ở các bản ghi trên đá để trả thù bà đã cướp ngôi của ông ta. Xác ướp của bà cũng bị mất tích từ đấy, nhiều khả năng bị lẫn lộn trong rất nhiều xác ướp của các vị vua chúa chưa rõ danh tính trong thung lũng của các vị vua tại Luxor.
Để phục vụ cho công tác nghiên cứu, kênh truyền hình Discovery đã thuê một chiếc máy chụp cắt lớp CT của Tập đoàn Siemens và bỏ ra 5 triệu USD để trang bị cho một phòng xét nghiệm ADN đặt tại tầng hầm của Viện Bảo tàng Cairo.
Tiến sĩ Hawass quyết định dùng máy CT để nghiên cứu các xác ướp, sau đó sẽ dùng phương pháp ADN để kiểm định quan hệ họ hàng giữa các mẫu. Lý do ông đưa ra là việc lấy mẫu ADN từ xác ướp là rất khó khăn vì mẫu dễ bị mủn gẫy và dễ bị nhiễm khuẩn khiến kết quả không còn chính xác nữa.
![]() |
Tiến sĩ Hawass cùng 4 xác ướp đã được nghiên cứu. |
Bốn xác ướp được đưa lên máy chụp CT. Tiến sĩ Hawass yêu cầu scan cả những đồ vật của Hatshepsut tìm thấy trong lăng mộ KV20 của bà và chiếc hòm gỗ. Thật bất ngờ! Bên trong, ngoài phủ tạng của Hatshepsut còn có một chiếc răng hàm. Có lẽ nó đã bị rơi ra trong quá trình ướp xác Hatshepsut và những người thợ đã nhặt bỏ vào hòm. Người Ai Cập cổ đại tin rằng các bộ phận của người chết phải ở cùng một chỗ để chuẩn bị tái sinh ở kiếp sau. Chính chiếc răng này đã dẫn dắt các nhà khoa học đi đến thành công. Trong số 4 xác được nghiên cứu, người phụ nữ to béo ở lăng mộ KV60 là chủ nhân của chiếc răng. Giáo sư nha khoa Galal El - Beheri của Đại học Cairo đã kết luận như vậy vì lỗ hổng trên hàm của bà ta trùng khớp với chiếc răng. Vậy bà chính là Nữ hoàng Hatshepsut!
Tiếp tục nghiên cứu, các nhà khoa học đã có thêm những phát kiến thú vị về người phụ nữ danh tiếng lẫy lừng trong thế giới Ai Cập cổ đại này. Bà chết năm 50 tuổi vì rất nhiều chứng bệnh: bệnh béo phì, bệnh ung thư gan, ung thư xương và bệnh tiểu đường.
Lý do xác ướp của Hatshepsut có trong lăng mộ KV60 được các nhà sử học giải thích như sau: sau khi Nữ hoàng Hatshepsut mất, có lẽ pharaoh Thumose III đã sai người đột nhập vào lăng mộ KV20, lấy xác của bà và bỏ vào lăng mộ của bà vú Sitre-In ở gần đó để trả thù.
Nữ hoàng Hatshepsut là một nhân vật có địa vị đặc biệt trong lịch sử Ai Cập cổ đại. Vì vậy, việc Tiến sĩ Zahi Hawass và các cộng sự tìm ra xác ướp của bà được các nhà khoa học thế giới đánh giá ngang tầm với sự kiện nhà khảo cổ học nổi tiếng Howard Carter tìm ra lăng mộ còn nguyên vẹn của pharaoh Tutankhamun hồi đầu thế kỷ này.