Tìm ra quy trình “made in Việt Nam” để tổng hợp thuốc kháng sinh Cefixim
Triển vọng của kháng sinh cefixim “nội”.
Cefixim là kháng sinh thế hệ III tiêu biểu của dòng kháng sinh cephalosporin, có khả năng diệt khuẩn bằng cách ngăn chặn sự tổng hợp của tế bào vi khuẩn, được tổng hợp và đưa vào sử dụng từ thập niên 1990 đến nay. Tại Việt Nam hiện nhu cầu sử dụng cefixim rất lớn và hoàn toàn phải nhập ngoại. Ước tính trung bình nước ta phải nhập khoảng 200 tấn nguyên liệu cefixim. Do vậy hướng nghiên cứu tìm ra được quy trình tổng hợp kháng sinh cefixim của Th.S Nguyễn Khánh Tân và nhóm cộng sự của bộ môn hóa học hữu cơ, Trường đại học khoa học tự nhiên TP.HCM đã mở ra một triển vọng trong thời gian tới có thể tự sản xuất được kháng sinh cefixim phục vụ nhu cầu trong nước.
Theo nhóm nghiên cứu cho biết, trong nước hiện vẫn chưa có đề tài nghiên cứu nào về hướng tổng hợp kháng sinh cefixim. Xuất phát từ nhu cầu của thục tế nhóm nghiên cứu của Th.S Nguyễn Khánh Tân đã bắt tay vào thực hiện đề tài nghiên cứu này. Quy trình nghiên cứu được thực hiện dựa theo các paten (bằng sáng chế) của nước ngoài; có cải tiến nhiều nội dung kỹ thuật để phù hợp với điều kiện trong nước.
Theo tác giả của đề tài nghiên cứu Th.S Nguyễn Khánh Tân, nhóm nghiên cứu đã điều chế thành công cefixim ở quy mô phòng thí nghiệm (bằng phản ứng thủy phân và acid hóa cefixim metil ester). Sản phẩm cefixim sau khi tinh chế đã được kiểm tra bằng HPLC cho kết quả độ tinh khiết đạt 97,2% (vài yếu tố kỹ thuật đáng chú ý khác cũng đạt được như các tiêu chuẩn pH, năng suất quay cực, hàm lượng nước...); đặc biệt là đạt được các tiêu chuẩn theo Tiêu chuẩn của Dược điển Việt Nam IV; hiệu suất điều chế đạt 66%. Cũng theo đánh giá của Th.S Nguyễn Khánh Tân khả năng đưa quy trình này vào sản xuất thử nghiệm, và ứng dụng của sản phẩm vào thực tế là rất khả thi.
Tìm hiểu thêm về kháng sinh
Vi khuẩn được phát hiện vào năm 1670. Mối liên hệ giữa vi khuẩn và bệnh tật được phát hiện vào thế kỷ 19. Năm 1904 nguyên lý hóa trị liệu ra đời (do nhà khoa học Paul Erlich tìm ra), từ đây quy trình tổng hợp ra chất kháng khuẩn đầu tiên đã được trình làng, chất kháng khuẩn do Paul Erlich tìm ra có tên là Salvarsan. Đến năm 1935 các nhà khoa học đã tìm ra Protosil- một chất có hoạt tính đối với liên cầu khuẩn (streptococcus), đây là chất kháng khuẩn đầu tiên có hiệu quả đối với vi khuẩn trong máu.
Đến năm 1928 Penicilin được Fleming phát hiện và được đưa vào sử dụng từ năm 1940. Năm 1944 Streptomicin (aminoglicosid) được phát hiện. Năm 1947 đến lượt Chloramphenicol (peptid) được phát hiện.
Một năm sau đó, năm 1948 là tìm ra Tetracilin. Năm 1952 đến lượt Erithromicin (macrolid). Năm 1955 là Cicloserin (ciclopeptid), cũng trong năm này nhóm kháng sinh Cephalosporin được phát hiện và sử dụng rộng rãi cho đến ngày nay.
Chất kháng sinh có những cơ chế tác dụng chính là: ức chế hoạt động trao đổi chất của tế bào; ức chế quá trình sinh tổng hợp thành tế bào (tương tác với màng tế bào chất); ức chế sinh tổng hợp protein; ức chế sự dịch mã và sao chép thông tin di truyền.
Hiện nay có 6 loại kháng sinh thông dụng bao gồm:
-Aminoglicosid với kháng sinh Gentamicin, Streptomicin.
-Cephalosporins với Cephaclor, Cephlexin, Cephradin, Cephadroxil, Cefuroxim...
- Penicilins bao gồm Amoxicilin, Ampicilin, Flucloxacilin, Phenoximetilpenicilin
- Tetracilin với Doxicilin,Minocilin, Oxitetracilin, Tetracilin.
-Carpapenem với Biapenem, Ertapenem, Panipenem.
- Các thuốc khác như Erithromicin, Neomicin
Trong 6 loại kháng sinh thông dụng vừa nêu trên, có một số loại kháng sinh chỉ có tác dụng chống lại vài loại vi khuẩn. Một số khác có tác dụng chống được nhiều loại vi khuẩn hơn nên còn được gọi là kháng sinh phổ rộng. Sự lựa chọn kháng sinh để sử dụng các thầy thuốc sẽ dựa trên loại vi khuẩn và vị trí nhiễm trùng....
Đề tài “Nghiên cứu quy trình tổng hợp thuốc kháng sinh Cefixim” của Th.S Nguyễn Khánh Tân và các cộng sự ở bộ môn hóa học hữu cơ, Trường đại học khoa học tự nhiên TP.HCM (đề tài nghiên cứu cấp thành phố; do Sở KH&CN TP.HCM là cơ quan chủ trì thực hiện) đã cung cấp một phương pháp đơn giản và hiệu quả cho hướng nghiên cứu, sản xuất nguyên liệu kháng sinh cefixim tại Việt Nam...