Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam
Thứ tư, 21/11/2007 00:34 (GMT+7)

Tìm hiểu về kiểu câu vị ngữ danh từ tiếng Việt

Cô ấy hai mươi tuổi. (1)

Bông hoa này mầu đỏ. (2)

Cũng như vậy, chúng ta bắt gặp trong văn chương những câu tương tự như:


(...) Hồi ấy, hắn hai mươi tuổi. Hai mươi tuổi, người ta không là đá nhưng cũng không hoàn toàn là xác thịt.
Người ta không thích cái người ta khinh. (3)( Chí Phèo– Nam Cao)


Con khỉ này mầu trắng
. Nó đoạt súng của ông bất thường đến nỗi ông cũng ngờ vực là sao sự thực có thể giản đơn như vậy. (4)( Muối của rừng– Nguyễn Huy Thiệp)


Xét trên bình diện ngữ pháp, các câu in nghiêng trên đây đều có vị ngữ là các danh từ hoặc cụm danh từ. Điều đáng chú ý là ở các câu này, danh từ (cụm danh từ) trực tiếp làm vị ngữ mà không có sự kết hợp với các từ là, có... Như vậy, bên cạnh các câu mà danh từ ở vị ngữ phải kết hợp với các động từ như là, có... thì tiếng Việt còn có một kiểu câu khá độc đáo, đó là các câu có vị ngữ danh từ. Nhưng khác với các câu có cấu trúc Danh từ + là + danh từ, Danh từ + có + danh từ.... (xuất hiện khá phổ biến trong tất cả các phong cách ngôn ngữ), các câu vị ngữ danh từ có mặt nhiều trong phong cách văn chương, báo chí và phong cách sinh hoạt. Tuy vậy, từ trước đến nay, những nghiên cứu về câu tiếng Việt thường chỉ nhắc nhiều đến các câu vị ngữ động từ hay vị ngữ tính từ, ví dụ:


Tôi đang ăn cơm                                         

CN VN (cụm động từ)


Cô ấy đẹp

CN VN (tính từ)


Mà ít nhắc đến khả năng làm vị ngữ trực tiếp của các danh từ. Vì vậy, cho đến nay, việc nghiên cứu các câu vị ngữ danh từnhư các câu (1), (2), (3), (4) ở trên mới chỉ là bước đầu. Điều này cũng có nghĩa là kiểu câu vị ngữ danh từ tuy là khá phổ biến trong tiếng Việt nhưng chưa có được sự chú ý xứng đáng với vai trò của nó trong ngữ pháp tiếng Việt.


1.      
Quan tâm đến câu vị ngữ danh từ của tiếng Việt, chúng tôi đã tiến hành sưu tầm (chủ yếu trong các tác phẩm văn học viết trong suốt thế kỷ XX) được hơn 230 cấu trúc câu vị ngữ danh từ (gồm các câu đơn có vị ngữ danh từ và các câu ghép có vế câu mà vị ngữ là danh từ, cụm danh từ). Căn cứ vào mối quan hệ nghĩa giữa chủ ngữ và vị ngữ, có thể chia kiểu câu vị ngữ danh từ thành 5 tiểu loại, mỗi tiểu loại diễn đạt một kiểu đặc trưng của chủ thể. Cụ thể là :
1.            Câu vị ngữ danh từ nêu đặc trưng về số lượng
2.            Câu vị ngữ danh từ nêu lai lịch (của người)

3.            Câu vị ngữ danh từ nêu đặc trưng về mầu sắc, mùi vị, hình thể...

4.            Câu vị ngữ danh từ xác định thời gian, không gian

5.            Câu vị ngữ danh từ nêu quan hệ phân phối.

a)            Câu vị ngữ danh từ nêu đặc trưng về số lượng: là các câu có cấu tạo vị ngữ là cụm danh từ, trong đó thành tố chính là danh từ gọi tên một thuộc tính nào đó của chủ thể ở chủ ngữ; còn thành tố phụ là một từ chỉ số lượng, ví dụ:


Nhi mười chín tuổi
. Nó chẳng lấy gì làm đẹp, có thể nói ngay rằng xấu...( Nửa đêm– Nam Cao)


Vị ngữ của câu in nghiêng trên là một cụm danh từ (mười chín tuổi),trong đó tuổilà thành tố chính, mười chínlà phụ tố số lượng. Nếu như trong tiếng Anh hay tiếng Pháp sự có mặt của động từ be; avoirlà bắt buộc phải có trong các câu nêu số lượng, thì ở Việt, một câu nêu số lượng không có động từ mang nghĩa ”có” như trên lại khá phổ biến.


Đặc biệt hơn, trong các câu nêu đặc trưng về số lượng (nhất là câu nêu số lượng tuổi) có khi ta gặp lối nói lược bớt thành tố chính trong cụm danh từ làm vị ngữ. Khi đó, vị ngữ của câu chỉ còn là một từ chỉ số lượng, ví dụ:


Thấm thoắt nó mười lăm
. Nó nhớn bằng con người ta mười chín hay hai mươi tuổi nhưng mặt còn dại nghệch.( Nửa đêm– Nam Cao)


Điều này cho thấy trong các câu nêu số lượng, vai trò của phụ tố số lượng là rất quan trọng và thành tố chính của cụm danh từ lại chỉ là thứ yếu.


Các câu nêu đặc trưng về số lượng rất phong phú – bởi vì bất kì sự vật hiện tượng nào trong thực tế khách quan cũng mang thuộc tính số lượng. Chúng ta thường thấy trong đời sống hàng ngày các câu nêu số lượng khá phổ biến như: số lượng cân nặng; số lượng người trong một đơn vị nào đó (lớp, nhà, tổ...); độ rộng của nhà, vườn, ao...; độ dài của đường;v.v.


Trong các ví dụ tìm được, trừ các câu nêu số lượng tuổi, các câu nêu số lượng khác của tiếng Việt đều có thể kết hợp được với động từ có hay các tính từ, động từ khác mà không tạo ra sự khác biệt nào trong cảm nhận của người Việt, ví dụ:


1 , Chiếc xe này ba bánh. => Chiếc này ba bánh


2, Vườn nhà tôi hai sào. => Vườn nhà tôi rộnghai sào.


b) Câu vị ngữ danh từ nêu lai lịch (của người):là cá câu nêu lên các yếu tố thuộc lai lịch như: tên, tuổi, họ, quê quán, nghề nghiệp.... Cấu tạo các vị ngữ của các câu nêu tên, tuổi, họ, quê quán thường là cụm danh từ trong đó thành tố chính là yếu tố thuộc lai lịch ( tên, tuổi, họ, quê...), còn thành tố phụ sau cụ thể hoá cho các yếu tố lai lịch. Còn trong các câu nêu nghề nghiệp, vị ngữ thường là một danh từ và danh từ đó là tên nghề hoặc chức vụ mà chủ thể đảm nhiệm, ví dụ:


1. Khản hỏi:


- Cháu tên gì?


- Tui tên Nhọn.

( Tiếng vạc sành– Phạm Trung Khâu)


2- (...) Anh có biết ngày đó là ngày gì không? Ngày Dậu. Anh tuổi Sửu. Đó là tam hợp của tuổi anh.
(Khúc Chu– Nguyễn Quang Hà)


  
3- Chúng tôi có năm thành viên họp thành một “băng”, gắn bó suốt những năm phổ thông.
Bốn anh bạn tôi quê phía Bắc...(Trò chơi tiếp tục- Đà Linh)


4-            
Anh ấy kĩ sư.


Tất cả các câu vị ngữ danh từ nêu lai lịch như trên đều có khả năng kết hợp với động từ hoặc ở để tạo thành câu có nghĩa tương đương. Trong phần lớn các trường hợp, các động này kết hợp trực tiếp với danh từ hoặc cụm danh từ (vốn làm vị ngữ của câu vị ngữ danh từ) để trở thành một câu vị ngữ động từ (ví dụ: Tui tên Nhọn. => Tui tên là Nhọn). Nhưng trong một số trường hợp, khi cho động từ vào vị ngữ, thì câu phải có những thay đổi nhất định về từ ngữ. Chẳng hạn trong trường hợp ví dụ 2, chúng ta không thể nói: Anh là tuổi Sửu, mà thường phải nói: Tuổi của anh là tuổi Sửu.


Nếu so sánh với các ngôn ngữ khác như tiếng Anh hoặc tiếng Pháp, chúng ta dễ dàng nhận thấy các câu có nội dung tương đương với những câu nêu ở ví dụ 1, 2, 3, 4 ở các ngôn ngữ này đều có cấu tạo theo mô hình: Chủ ngữ + Động từ + Tân ngữ(ví dụ : I am Lan). Trong đó sự có mặt của động từ là bắt buộc, và một câu không có mặt động từ thì bị coi là sai ngữ pháp.


b)      
Câu vị ngữ danh từ nêu đặc trưng về mầu sắc, mùi vị, hình thể...là loại câu có cấu tạo vị ngữ là một danh từ hoặc một cụm danh từ mà các danh từ, cụm danh từ ấy gọi tên một đặc điểm nào đó thuộc về phẩm chất, tính chất của chủ thể (về mầu sắc, mùi vị, hình thể...), ví dụ:


1.            
Loài hoa tử huyền cứ ba chục năm mới nở một lần. Người nào gặp hoa tử huyền sẽ gặp may mắn. Hoa này mầu trắng, vị mặn...( Muối của rừng– Nguyễn Huy Thiệp)


2.            
Đám mây ấy hình con cá trắm.

Các vị ngữ của hai câu in nghiêng trên đây ( mầu trắng, vị mặn, hình con cá trắm) làm cho câu mang nghĩa rất cụ thể rõ ràng. Nó bao hàm cả tên gọi của yếu tố mang đặc điểm (màu, mùi, hình...)và yếu tố cụ thể hoá đặc điểm đó (trắng, mặn, con cá trắm).Nếu so sánh với các câu vị ngữ tính từ, hay vị ngữ động từ có nội dung tương đương như: Hoa này trắng;Đám mây ấy manghình con cá trắmthì có thể coi các câu vị ngữ danh từ nêu đặc điểm về mầu sắc, mùi vị, hình thể... là cách diễn đạt tối ưu ở cả hai phương diện: hình thức và nội dung.


Trong tiểu loại này, các câu vị ngữ danh từ nêu đặc trưng về hình thể luôn mang ý nghĩa so sánh trong đó cái được so sánh nằm trong chủ ngữ và cái so sánh nằm trong vị ngữ của câu nhưng từ so sánh thì không có mặt.
Do vậy ý nghĩa so sánh luôn luôn là so sánh ngang bằng. Điều này cho phép ta có thể thêm vào giữa chủ ngữ và vị ngữ các từ chỉ sự so sánh: như, giống như...,ví dụ:


Đám mây nhưhình con cá trắm.


Tuy nhiên, sự diễn đạt này sẽ không ngắn gọn bằng câu vị ngữ dan h từ có nội dung tương đương.


c)            
Câu vị ngữ danh từ xác định thời gian, không gian: là loại câu có cấu tạo vị ngữ là một danh từ hoặc cụm danh từ chỉ thời gian. Các câu này thường xác định một thời gian, không gian nhất định; cụ thể hoá cho yếu tố nêu ở chủ ngữ, ví dụ:


1.            
Lạt theo chân Keng đi luôn. Đến đầu xóm thì gặp Ngọ.Hôm nay chủ nhật. (...) Cô lên phố huyện chơi với bạn làm công trường trên đó.( Anh Keng– Nguyễn Kiên)


2.            
Đây suối Lê – nin, kia núi Mác(Hồ Chí Minh)


Các vị ngữ: chủ nhật, suối Lê - nin, núi Máclà các danh từ, cụm danh từ xác định thời gian, không gian cụ thể; nó giúp người đọc (nghe) hiểu được Hôm naylà ngày nào; đây, kialà đâu... Nếu so sánh với tiếng Anh, hay tiếng Pháp chúng ta thấy các câu nêu thời gian, không gian của các ngôn ngữ này đều phải có động từ ở vị ngữ. Đặc biệt, từ bây giờở tiếng Việt là một từ được dùng khá phổ biến làm chủ ngữ trong câu xác định thời gian thì các từ nowhay maintenant(với nghĩa “bây giờ”) trong tiếng Anh và tiếng Pháp lại không có mặt trong các câu chỉ thời gian; thay vào đó, các ngôn ngữ này dùng một chủ ngữ vô nhân xưng: It(tiếng Anh) hay Jl(tiếng Pháp).


Từ khía cạnh văn hoá , có thể thấy người Việt còn có những câu nêu thời gian độc đáo, mang đậm bản sắc Á Đông, ví dụ:


1.            
Hôm nay tết Trung thu.


2.            
Hôm nay tết Nguyên tiêu.


Một người am hiểu văn hoá truyền thống có thể dễ dàng suy ra được thời gian nói trong câu (1) là ngày 15-8 (âm lịch) và trong câu (2) là ngày 15-1 (âm lịch). Cũng giống như vậy, ta bắt gặp các câu: Hôm nay ngày Dậu. /Bây giờ giờ Ngọ. Hay các câu nêu thời gian có tính phổ cập mà ai cũng biết như: Hôm nay ngày Quốc tế phụ nữ.


Tất cả các câu xác định thời gian, không gian cũng có thể được diễn đạt theo cấu trúc câu vị ngữ động từ mà trong đó từ làm thành tố chính, ví dụ:


Hôm nay là chủ nhật.


Tuy nhiên, việc diễn đạt theo cấu trúc câu vị ngữ danh từ sẽ ngắn gọn hơn.


d)            
Câu vị ngữ danh từ nêu quan hệ phân phối: là những câu mà vị ngữ là một cụm danh từ trong đó thành tố chính nêu tên một sản phẩm phân phối, thành tố phụ nêu số lượng sản phẩm phân phối. Tất nhiên, đối tượng được hưởng sự phân phối chính là chủ thể nằm trong chủ ngữ của câu. Một câu nêu quan hệ phân phối luôn luôn có mặt hai yếu tố là: đối tượng được phân phối và sản phẩm phân phối, ví dụ:


- Đồng chí ấy công tác ở huyện. Bận lắm lố. Huyện ta có những hai mươi bốn xã. Mỗi xã một tên. Thế mà nó học không nhầm một tên nào.
( Rẻo cao– Nguyên Ngọc)


Câu in nghiêng trong đoạn văn trên có vị ngữ là một cụm danh từ ( một tên). Trong cụm danh từ này, thành tố chính nêu lên sản phẩm phân phối ( tên),còn thành tố phụ nêu số lượng sản phẩm đó (một).Đối tượng được phân phối là xã (nằm trong cụm danh từ đóng vai trò chủ ngữ của câu).


Cũng như vậy, ta gặp quan hệ phân phối trong câu in nghiêng dưới đây:


Mỗi nhà mỗi việc
. Khó nhất là cái việc sơ tán. Có người nói “Đi” là bảo cho “Nó” biết mình làm việc gì cũng được để quyết đánh “Nó”. Phải lo nhiều thứ trước mắt cho gọn cho nhanh.( Ngã tư– Trọng Hứa)


3.      
Các tiểu loại câu vị ngữ danh từ kể trên cho thấy nội dung biểu đạt của câu vị ngữ danh từ – một kiểu câu đặc thù của tiếng Việt - rất phong phú. Mỗi tiểu loại câu vị ngữ danh từ có những đặc điểm cấu tạo và sử dụng khác nhau với nội dung biểu đạt cụ thể khác nhau. Sự phong phú về nội dung cùng với các ưu thế khác của câu vị ngữ danh từ làm cho nó khá phổ biến trong tiếng Việt (trong văn viết; trong văn nói; trong tục ngữ, ca dao, dân ca,...). Việc nghiên cứu kiểu câu vị ngữ danh từ nói chung và câu vị ngữ danh từ trong phong cách ngôn ngữ sinh hoạt hay trong tục ngữ, ca dao, dân ca nói riêng chắc chắn hứa hẹn nhiều khám phá thú vị với những người yêu ngữ pháp tiếng Việt. Việc đưa ra 5 tiểu loại câu vị ngữ danh từ như trên mới chỉ là những cố gắng nhất định với mong muốn góp một phần nhỏ vào lĩnh vực nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt, cụ thể là với đối tượng câu vị ngữ danh từ. Cùng với thời gian, hi vọng rằng việc nghiên cứu về kiểu câu vị ngữ danh từ sẽ ngày càng sâu rộng hơn.


Tài liệu tham khảo


1.            
Diệp Quang Ban – Ngữ pháp tiếng Việt, tập I + II, Nxb Giáo dục, 1998


2.            
Diệp Quang Ban – Phân biệt ba hình diện: văn bản, giao tiếp, biểu hiện trong ngữ pháp câu,Tạp chí Ngôn ngữ số 7, năm 2003


3.            
Nguyễn Tài Cẩn – Ngữ pháp tiếng Việt,NXB Đại học Quốc gia, H, 1999


4.            
Đỗ Hữu Châu – Bùi Minh Toán - Đại cương ngôn ngữ học, tập I,Nxb Giáo dục, 2002


5.            
Đinh Văn Đức – Ngữ pháp tiếng Việt– NXB Đại dọc Quốc gia, H, 2001


6.            
M.A.K. Halliday – Dẫn luận Ngữ pháp chức năng(Hoàng Văn Vân dịch), Nxb Đại học Quốc gia, H, 2001


7.            
Cao Xuân Hạo – Tiếng Việt. Sơ thảo Ngữ pháp chức năng, quyển 1, Nxb Khoa học xã hội, TPHCM, 1991


8.            
Hoàng Trọng Phiến – Ngữ pháp tiếng Việt – Câu, Nxb ĐH và THCN, H, 1978


9.            
Nguyễn Kim Thản – Cơ sở ngữ pháp tiếng Việt,Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1998


10.        
Lê Xuân Thại – Câu chủ vị tiếng Việt, Nxb Khoa học xã hội, H, 1994


11.        
Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn Quốc gia – Ngữ pháp tiếng Việt, Nxb Khoa học xã hội, H, 2000

Nguồn: TC Ngôn ngữ - Đời sống, số 4 (114) - 2005

Xem Thêm

Nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh
Chính phủ yêu cầu thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050. Đồng thời nghiên cứu, thử nghiệm và nhân rộng các mô hình kinh tế xanh, đô thị, nông thôn xanh; thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững...

Tin mới

Liên hiệp Hội Việt Nam là điểm tựa tin cậy của đội ngũ trí thức Khoa học và công nghệ
Trong chặng đường 42 năm xây dựng và phát triển, Liên hiệp Hội Việt Nam đã khẳng định được vị trí, vai trò là hạt nhân tập hợp đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ Việt Nam trong nước và ngoài nước, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ quốc gia..
Báo Nhân dân chúc mừng Vusta nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Chiều ngày 15/5, Đoàn cán bộ Báo Nhân dân do Trưởng Ban Khoa học - Môi trường Đinh Song Linh dẫn đầu đã đến thăm và chúc mừng Liên hiệp Hội Việt Nam nhân Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5. Phó Chủ tịch Phạm Ngọc Linh cùng đại diện lãnh đạo, chuyên viên Ban Phổ biến kiến thức Liên hiệp Hội Việt Nam đã thân mật tiếp đoàn.
Phú Yên: Liên hiệp hội phát huy vai trò cầu nối đội ngũ trí thức với Đảng và Nhà nước
Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và sự phối hợp của các ban ngành, địa phương; LHH tỉnh đã quán triệt, thực hiện CT 42: Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của LHH phấn đấu, xây dựng LHH tỉnh vững mạnh giữ vai trò nòng cốt trong tập hợp đoàn kết và phát huy sức sáng tạo của đội ngũ trí thức KH - CN, góp phần đưa KH - CN trở thành động lực phát triển KT-XH; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.