Liên hiệp các hội và khoa học kỹ thuật Việt Nam
Thứ năm, 03/03/2005 22:11 (GMT+7)

Tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ (II)

II. Trọng dụng nhân tài

Do chính sách ngu dân và chính sách “ cấm phát triển một nền công nghiệp tại thuộc địa Đông dương” của thực dân Pháp mà cho đến cách mạng tháng Tám, trong cơ cấu giai cấp xã hội ở nước ta chưa có một đội ngũ trí thức làm khoa học, nhất là khoa học tự nhiên và khoa học công nghệ. Hiểu rõ sự thiếu hụt lực lượng này, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật, công nhân lành nghề, bồi dưỡng nhân tài, nâng cao dân trí.

Thế hệ người Việt nam thời cách mạng tháng Tám không ai có thể quên bức thư Người gửi cho học sinh cả nước sau ngày độc lập 2/9/1945: “Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ của tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên toàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong, chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em” (1). Lớp thanh niên học sinh thời cách mạng tháng Tám ấy đã thấm nhuần lời dạy của Bác, nhiều người đã trở thành những nhà khoa học tài năng, những kỹ sư vững vàng, những công nhân kỹ thuật lành nghề, có những đóng góp xứng đáng cho hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cho công cuộc xây dựng đất nước, cho nền khoa học và công nghệ nước nhà. Chúng ta cũng không thể quên câu chuyện vào gần cuối năm 1946, khi hội nghị Fontainebleau thất bại, Hồ Chí Minh đã tập hợp được một số trí thức khoa học Việt nam ở Pháp theo Người về nước để chuẩn bị hạt giống phát triển đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật trong nước phục vụ cho cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và công cuộc kiến thiết đất nước sau này.


Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa, một trong số trí thức cùng về nước với Người ngày đó, kể lại: “.... Trên đường từ Pháp về nước, Bác nói với chúng tôi: ở nhà không có gì đâu, nước ta thiếu máy móc, nguyên liệu, thiếu cả thợ lành nghề, tiền của ta lại ít.... các chú phải chịu thương, chịu khó làm ăn, đem những cái đã học được ở nước ngoài về áp dụng trong nước cùng làm” (2). Khi cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Người nói với đồng chí Trần Đại Nghĩa, lúc đó là người phụ trách quân giới: “ Đây là một nhiệm vụ quan trọng, nặng nề. Chú cố gắng cộng tác với anh em, ra sức xây dựng ngành quân giới phục vụ cho bộ đội. Đó là một việc có ý nghĩa rất lớn đối với dân, với nước” (3). Lời dặn dò của Bác thật giản dị nhưng cảm động biết bao. Chúng ta như nghe thấy ở đó nỗi lo toan của lãnh tụ về một đội ngũ cán bộ khoa học – kỹ thuật đủ sức đáp ứng những yêu cầu cấp bách của tiền tuyến và niềm tin của Người gửi gắm vào lớp trí thức khoa học tuy còn ít ỏi nhưng đầy nhiệt huyết, sẵn sàng cống hiến tất cả sức lực và tài năng của mình cho đất nước.


Lực lượng khoa học và kỹ thuật bé nhỏ của chúng ta trong hai cuộc kháng chiến đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc : chế tạo được những vũ khí độc đáo trên cơ sở những nguyên lý khoa học tiên tiến nhưng cấu trúc đơn giản, có thể tự sản xuất trong những điều kiện còn rất hạn chế của nền kinh tế trong nước; sử dụng có hiệu quả các vũ khí và trang thiết bị hiện đại do các nước bạn giúp; phân tích được chỗ mạnh, chỗ yếu của các kỹ thuật hiện đại của địch và có biện pháp đối phó hiệu quả làm cho chính những người thiết kế, sản xuất và hướng dẫn chúng ta cũng phải ngạc nhiên


Theo Hồ Chí Minh, sức mạnh của một dân tộc là sự hiểu biết, là tri thức và trí tuệ. Phải có hiểu biết để tự biết mình và biết người. Phải có trí tuệ mới có thể tự lực, tự cường kiến quốc. Người thường nói: “ Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” (4). Người rất chăm lo đến việc tìm kiếm, phát hiện, sử dụng các bậc hiền tài và phát triển nhân tài. Người viết: “ Kiến thiết phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào (5), chắc không thiếu người có tài, có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc hiền tài không thể xuất hiện. Khuyết điểm đó tôi xin nhận” (6). Người chỉ thị cho các địa phương trong cả nước “ phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước, lợi dân thì phải báo cáo ngay cho chính phủ biết” (7). Người còn kêu gọi các nhân tài trong nhân dân hãy “ hăng hái giúp ích nước nhà” (8). Người căn dặn các cấp chính quyền: “ Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo léo lựa chọn, khéo phânphối , khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển, càng thêm nhiều” (9).


Để thực hiện được lời căn dặn trên đây của Người, điều quan trọng và cơ bản hơn hết là phải có tấm lòng thực sự yêu thương và tôn trọng con người. Con người mà Hồ Chí Minh quan niệm ở đây, trước hết là từng cá nhân, sau đó là từng tầng lớp người, từng cộng đồng, tựu trung lại là đồng bào, là nhân dân.


Đối với Hồ Chí Minh, con người không phải là những thực thể trừu tượng, không bản sắc mà là những cá nhân cụ thể với những lợi ích và nhu cầu đa dạng của họ. Người nói: “ Mỗi người đều có tính cách riêng, sở trường riêng, đời sống riêng. Nếu những tính cách, sở trường, đời sống đó không đi ngược lại xu hướng phát triển của xã hội thì cần được tôn trọng” (10). Như vậy, trong tư tưởng của Người, con người cần được quan tâm không chỉ từ phương diện cái chung liên quan tới tất cả mọi người mà còn cần được chăm lo chu đáo trên từng phương diện của từng cá nhân thông qua chủ trương, chính sách, việc làm thích hợp với từng con người, từng tầng lớp, từng cộng đồng khác nhau.


Hồ Chí Minh đã nêu lên một tấm gương sáng về sự nâng niu các giá trị làm người, tôn trọng và tin cậy con người, nâng con người lên cao hơn, gợi mở và thúc đẩy con người hướng tới cái thiện và trở nên hoàn thiện. Tư tưởng nhân văn của Hồ Chí Minh đã cổ vũ những thế hệ trí thức Việt nam trong suốt hai cuộc trường kỳ kháng chiến bảo vệ đất nước, trong quá trình xây dựng và phát triển xã hội Việt nam cho đến ngày nay và chắc chắn sẽ đến mãi mai sau.


Có thể nói, Hồ Chí Minh đã kế thừa và phát triển triết lý sâu sắc của cha ông ta: “ Hiền tài là nguyên khí quốc gia” (11), “ Phí trí bất hưng” (12), “ Tìm lẽ trị bình lấy tuyển nhân tài làm gốc” (13).


Đánh giá cao vai trò của trí thức trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, Hồ Chí Minh không quên căn dặn, nhắc nhở nghĩa vụ của trí thức đối với dân tộc. Người tóm tắt yêu cầu tu dưỡng của trí thức trong 4 chữ “ chính tâm” và “ thân dân” (14). “ Chính tâm” là lòng chính trực, là giữ cho lòng dạ trong sáng, kiên trung. “ Thân dân” tức là phục vụ nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết. Người yêu cầu trí thức phải “ gần gũi công nông” và: “ công, nông, trí phải đoàn kết chặt chẽ thành một khối”. Người phê phán quan điểm “ vạn ban giai hạ phẩm, duy hữu độc thư cao” (15) mà chế độ thực dân và phong kiến đã đầu độc trí thức, “ tách trí thức ra ngoài khối công nông”, “ chia rẽ lao động trí óc và lao động chân tay”. Thực hiện lời giáo huấn của Người, Hội nghị lần thứ 7 BCHTW khoá IX đã khẳng định mạnh mẽ quan điểm “ Đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức dưới sự lãnh đạo của đảng là đường lối chiến lược của cách mạng Việt nam; là nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu và là nhân tố có ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.


Trong suốt cuộc đời chiến đấu của mình, từ khi còn là nhà cách mạng Nguyễn ái Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở thanh niên, sinh viên, trí thức phải vươn lên tiếp thu những thành tựu khoa học, kỹ thuật thế giới vì Người hiểu rằng khoa học, kỹ thuật thế giới ngày càng phát triển,“ muốn tiến bộ kịp vớisự biến đổi vô cùng tận” ấy và để có thể “ sánh vai với các cường quốcnăm châu” thì phải học tập, học tập không ngừng, phải phát huy cao hơn nữa truyền thống hiếu học có gốc rễ lâu đời trong xã hội ta. Trong bài nói chuyện với sinh viên năm 1958, Người nhấn mạnh: “ Thời đại chúng ta là thời đại vệ tinh nhân tạo, nghĩa là thời đại của khoa học phát triển mạnh, thời đại xã hội chủ nghĩa, thời đại anh hùng.... Vậy mong các cháu cũng làm người thanh niên anh hùng trong thời đại anh hùng” (16).


Để có thể thực hiện những lời Người căn dặn đó, trí thức Việt nam phải có trách nhiệm chính trị rất cao trước thời cuộc ( quốc gia hưng vong thất phu hữu trách) phải có một động lực tinh thần mạnh mẽ, phải có đủ nghị lực và bản lĩnh vượt qua mọi khó khăn thách thức, dành toàn tâm, toàn ý cho sự nghiệp sáng tạo khoa học vì sự hưng thịnh của quốc gia và vinh quang của dân tộc.


>> 123


-----


(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4. Đã dẫn, tr. 32-33

(2)(3) Chúng ta có Bác Hồ (Hồi ký): tập 2, NXB Lao động, Hà Nội, 1970, tr.21 và 25

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4. Đã dẫn, tr.8

(5) Bài viết ngày 20.11.1946. Năm đó dân số n­ớc ta mới có 20 triệu người

(6)(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4. Đã dẫn, tr.451

(8)(9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4. Đã dẫn, tr.99

(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 9. Đã dẫn, tr.35

(11) Câu ghi trên văn bia Quốc Tử Giám

(12) Lê Quí Đôn

(13) Quang Trung

(14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 8. Đã dẫn, tr. 214-215

(15) Mọi nghề đều thấp kém, chỉ có đọc sách là thanh cao

(16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 9. Đã dẫn, tr.174

Xem Thêm

Kỷ niệm 5 năm thành lập báo điện tử Tầm nhìn
Tại Lễ kỷ niệm thay mặt Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, ông Phan Tùng Mậu đã chúc mừng tập thể cán bộ, phóng viên báo điện tử Tầm Nhìn nhân dịp 5 năm thành lập, ghi nhận những thành quả mà...
Chiến thắng vĩ đại mùa Xuân 1975
Chiến dịch lịch sử  Lúc này, tập đoàn phòng ngự lớn của địch ở Sài Gòn - Gia Định tuy số lượng còn đông nhưng đã bị chia cắt, cô lập cao độ và sức chiến đấu đã giảm sút hẳn. 
Vẻ đẹp đặc hiệu của nhà trí thức
Vàng là đẹp, là quý giá. Nhưng không phải vàng nào cũng giá trị như nhau? Có vàng thật, có vàng giả, có cả mạ vàng như thật. Học thức và bằng cấp cũng vậy. Có học thật, có học giả, có bằng thật, có bằng giả như thật. Đại...
Mùa Xuân là Tết trồng cây
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã đề xướng, tổ chức, xây dựng Tết trồng cây trở thành một phong trào quần chúng rộng rãi, sôi nổi và bền vững. Tháng 11-1959, nhân đợt thi đua lấy thành tích mừng Đảng ta 30 tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh...
Bác Hồ vui Tết đón Xuân trong lòng Tổ quốc
Tết Mậu Tý (1948) Tết mừng chiến thắng Thu Đông năm Đinh Hợi phá tan cuộc tấn công của giặc Pháp lên Việt Bắc và phấn khởi mừng thọ Bác Hồ 58 tuổi: Chính phủ họp nghe Bộ Quốc phòng báo cáo chiến thắng giặc Pháp tại An toàn khu.
Đại tướng Lê Trọng Tấn - Những ngày đầu cách mạng
Giữa năm 1942, tôi đến một cơ sở cách mạng ở làng Lương Yên. Đang nói chuyện thì một quân nhân trong bộ đồ nhà binh Pháp ở phía cổng đi vào. Tôi lánh sang buồng bên cạnh nói chuyện với các em đang học. Khi người ấy về, chủ...

Tin mới

Lâm Đồng: Thăm, tặng quà các nhà khoa học trong tỉnh
Ngày 14/5, Liên hiệp Hội tỉnh (Liên hiệp Hội) và Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức đi thăm các tổ chức khoa học và công nghệ thành viên và các chuyên gia, nhà khoa học đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển phát triển khoa học công nghệ của tỉnh nhân kỷ niệm Ngày KH&CN Việt Nam 18/5.
TSKH Phan Xuân Dũng: Sự ghi nhận, tin tưởng của Đảng, Nhà nước, Nhân dân là điểm tựa để đội ngũ trí thức KH&CN cống hiến
TSKH Phan Xuân Dũng - Chủ tịch VUSTA là một trí thức dành trọn cuộc đời cho sự nghiệp KH&CN, với nhiều dấu ấn đậm nét cho sự phát triển KH&CN nước nhà. Chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5, TSKH Phan Xuân Dũng đã có những chia sẻ cùng trang tin Vusta.vn về cuộc đời cống hiến cho KH&CN, những mong mỏi với đội ngũ trí thức KH&CN và sự phát triển của KH&CN nước nhà trong bối cảnh mới.
Khai thác những cơ hội mới trong việc ứng dụng công nghệ vào y tế
Trong hai ngày 09-10/5 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội, Diễn đàn quốc tế Y dược thông minh Việt Nam - Smart Health VietNam 2024 đã được tổ chức với chủ đề "Công nghệ chuyển đổi số ngành y tế". Phó Chủ tịch VUSTA Phạm Ngọc Linh đã tham dự và có phát biểu tổng kết tại diễn đàn toàn thể sự kiện.
Chủ tịch Phan Xuân Dũng: Chúng ta chắc chắn sẽ vượt qua thách thức và có những phát triển bứt phá
Ngày 15-5, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam và 65 năm ngày thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ (1959-2024). Chủ tịch Vusta Phan Xuân Dũng đã tham dự và có bài phát biểu tham luận tại buổi lễ. Vusta.vn xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch Phan Xuân Dũng.
Chủ tịch Vusta Phan Xuân Dũng tham dự lễ chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Sáng 15/5, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự lễ chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ (KHCN) Việt Nam (18/5), kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ KH&CN (1959-2024), lễ trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2024 với chủ đề "KHCN và đổi mới sáng tạo – Nâng tầm vị thế quốc gia".
Sơn La: Đóng góp ý kiến 5 Dự thảo Luật
Trong các ngày 09-10/5 và 13/5/2024, Liên hiệp Hội tỉnh Sơn La đã tổ chức các Hội thảo tư vấn tham gia ý kiến đối với 05 dự án Luật, gồm: Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi); Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Di sản Văn hoá (sửa đổi) và Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Bà Phạm Thị Hà – Chủ tịch Liên hiệp Hội Chủ trì các hội thảo.
Chủ tịch Vusta Phan Xuân Dũng; Cần tin tưởng, tạo điều kiện cho đội ngũ trí thức để họ cống hiến
“Hà Nội cần tiếp tục tin tưởng hơn nữa, trao cho đội ngũ trí thức các điều kiện, đặc biệt là cơ chế chính sách để họ đủ dũng khí, dám nói, dãm nghĩ, dám làm, dám hành động hơn nữa, điều này sẽ góp phần để đất nước, thủ đô phát triển nhanh hơn, bền vững hơn và sẽ đạt tầm cao mới…” đây là phát biểu của Chủ tịch Vusta Phan Xuân Dũng tại hội nghị.