Tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ (I)
Trong các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khoa học và công nghệ không được trình bày như một vấn đề lý luận. Sự thực, trong suốt cuộc đời cách mạng của mình, Hồ Chí Minh gần như không viết những chuyên luận đồ sộ, mang tính hàn lâm về bất cứ vấn đề nào. Tư tưởng của Người, triết lý của Người, đối với mọi vấn đề, đều được trình bày bằng những lời nói giản dị, ngắn gọn, hàm súc. Đọc các tác phẩm của Người, nếu suy ngẫm kỹ, ta sẽ hiểu rằng, tính chất duy lý, triết lý và ý nghĩa tư tưởng không nhất thiết phải phụ thuộc vào hình thức diễn đạt : ngắn hay dài, bình dân hay uyên bác. Trong khá nhiều trường hợp, ngay cả những câu nói bình dị của Người cũng chứa đựng một hàm lượng triết lý và tư tưởng rất cao.
Nhiều nhà nghiên cứu, cả trong nước lẫn ngoài nước, đã có nhận xét: Hồ Chí Minh giống như những nhà hiền triết phương Đông thường ưa thích bộc lộ tư tưởng thông qua hành động. Vì vậy, tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh về mọi vấn đề, trong đó có khoa học và công nghệ, ngoài việc đọc các bài viết, bài nói của Người, chúng ta cần phải chú trọng đến triết lý hành động của Người. Tất nhiên việc giải mã ý nghĩa triết lý hành động của Hồ Chí Minh không phải là một việc dễ dàng.
I - Tư tưởng khoa học và công nghệ là động lực của sự phát triển kinh tế - xã hội.
Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước vào lúc công cuộc giải phóng dân tộc đang khủng hoảng sâu sắc về đường lối, tình hình đất nước “ đen tối như không có đường ra”.
Vượt qua sự hạn chế của các sĩ phu thế hệ cha anh đương thời, Người quyết định chọn hướng đi cho cuộc hành trình tìm chân lý cách mạng là phương Tây, lãnh địa của chủ nghĩa tư bản.
Năm 1911, Người rời đất Mẹ. Đây chính là lúc nhân loại đang bước vào ngưỡng cửa của thời đại mới, thời đại cách mạng vô sản gắn với sự nghiệp giải phóng các dân tộc thuộc địa. Điểm đến đầu tiên Người là nước Pháp, quê hương của cách mạng 1789, nơi sản sinh ra Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền bất hủ và cũng là nơi đẻ ra chế độ thực dân dã man đang tồn tại trên đất nước mình như một nghịch lý của văn minh.
Một chi tiết đáng chú ý là trước khi xuất dương, Người tìm vào Sài Gòn và theo học một thời gian ngắn ở trường Kỹ nghệ Thực hành Sài Gòn, gần xưởng Ba Son.
Việc làm đó của Người mang ý nghĩa gì?
Nhà sử học Pháp Sác Lơ Phuốc-ni-ô đã có một nhận xét khá tinh tế: “ Việc chuyển từ một thầy giáo thành một học sinh trường kỹ nghệ là một điều kỳ lạ ở một nước vốn khinh rẻ công nghệ và nghề thợ... Anh thanh niên cách mạng ấy đến với trường kỹ nghệ không phải để tập sự một nghề mà chủ yếu, để tiếp xúc với kỹ thuật phương Tây, với những con người thực hành kỹ thuật đó, nghĩa là với giai cấp công nhân”(1).
Có lẽ đúng như vậy. Hồ Chí Minh muốn trang bị cho mình một số kiến thức ban đầu về kỹ thuật để có thể tiếp tục tìm hiểu kỹ thuật phương Tây, thành tựu của cuộc cách mạng lực lượng sản xuất đã sản sinh ra chủ nghĩa tư bản, đã giải phóng con người khỏi sự cực khổ của lao động nhưng, như sau này Người đã nhận xét, lại đang làm tha hoá con người, biến con người thành một thứ hàng hoá. Chắc chắn Người đã cảm nhận thấy sức mạnh của khoa học và kỹ thuật mà các nước tư bản chủ nghĩa đang nắm trong tay sẽ rất cần cho cuộc cách mạng của Việt nam, và có thể, Người cũng đã tiên đoán: giai cấp công nhân đang được hình thành ở trong nước từ cuộc khai thác thuộc địa của bọn thống trị Pháp, tuy còn nhỏ bé, nhưng sẽ là người đào mồ chôn chủ nghĩa thực dân.
Hồ Chí Minh là người thấy rõ hơn ai hết những hậu quả do chính sách “ làm cho dân ngu để dễ trị” (2) và chính sách “ cấm phát triển một nền công nghiệp tại thuộc địa Đông Dương để không có sự cạnh tranh với nền sản xuất chính quốc” (3) của thực dân Pháp gây ra: đó là một nền kinh tế nông nghiệp kiệt quệ với trình độ canh tác hết sức lạc hậu; đó là một dân tộc bị chìm đắm trong vòng tăm tối thất học. Để làm cách mạng giải phóng dân tộc, theo Người, việc không thể không làm là nâng cao dân trí, là học tập, tiếp thu kỹ thuật của chính các nước tư bản. Khi tìm hiểu về Liên Xô (9 - 1924), Người đã ca ngợi nền “giáo dục phổ thông không mất tiền, và bắt buộc giáo dục phổ thông và bách khoa đối với trẻ em nam nữ cho đến 17 tuổi; từ 17 tuổi trở lên thì giáo dục chuyên môn và chuyên nghiệp” (4) (Theo thuật ngữ khoa học giáo dục hiện nay thì giáo dục bách khoa nói ở đây được gọi là giáo dục kỹ thuật tổng hợp). Năm 1925, trong thư “ Gửi thanh niên An nam” nhà cách mạng Nguyễn ái Quốc đã lấy những gương tốt của thanh niên Trung Quốc trong học tập vì sự nghiệp “ chấn hưng nền kinh tế nước nhà” (5) để khích lệ thanh niên trong nước vươn lên nắm lấy những kỹ thuật hiện đại và những thành tựu khoa học thế giới. Năm 1930, Người chỉ rõ trong “ Chánh cương vắn tắt của Đảng” rằng, “ Tư bảnbản xứ đã thuộc tư bản Pháp, vì tư bản Pháp hết sức ngăn trở sức sinh sản làm cho công nghệ bản xứ không thể mở mang được” (6), do đó nhiệm vụ của Đảng là phải “ mở mang công nghiệp và nông nghiệp” (7). Năm 1940, trong “ Chương trình Việt Minh” Người đề ra nhiệm vụ “ mở mang các ngành kỹ nghệ, giúp đỡ thủ công nghiệp”(8) để “ làm cho nền quốc dân kinh tế chóng phát đạt”(9).
Trong cuộc họp báo ngày 12.07.1946 tại Pháp, trả lời câu hỏi: “ ... có phải Chủ tịch cho rằng, nước Việt Nam chưa thể cộng sản hoá được trước một thời hạn là 50 năm không?” Người nói: “... muốn cho chủ nghĩa cộng sản thực hiện được cần phải có kỹ nghệ, nông nghiệp và tất cả mọi người đều được phát triển hết khả năng của mình: ở nước chúng tôi, những điều kiện ấy chưa đủ(10).
Rõ ràng, trong tư duy của Người, muốn xây dựng đất nước giàu mạnh phải có nền công nghiệp phát triển, nền nông nghiệp tiên tiến nghĩa là phải có khoa học và công nghệ hiện đại. Sau khi trở thành Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh đã dành nhiều thời gian hơn để suy nghĩ đến khoa học và công nghệ. Trong nhiều bài viết, bài nói của mình, Người thường gắn khoa học và công nghệ với công nghiệp, nông nghiệp và thủ công nghiệp tức là với sản xuất, với nền kinh tế. “Khoa học phải đi từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng nhằm nâng cao năng suất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân”, “mọi ngành, mọi người đều phải tham gia công tác khoa học, kỹ thuật, để nâng cao năng suất lao động, sản xuất ra nhiều của cải vật chất, để xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi”. (11) Người hiểu rõ, do có được những lực lượng sản xuất mới, loài người thay đổi phương thức sản xuất của mình. Người viết “ Từ đời xưa đến đời nay, cách sản xuất từ chỗ dùng cày bừa, búa đá phát triển dần đến máy móc, sức điện, sức nguyên tử. Chế độ xã hội cũng phát triển từ cộng sản nguyên thuỷ đến chế độ nô lệ, đến chế độ phong kiến, đến chế độ tư bản chủ nghĩa”(12). Cho nên, Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến sự phát triển khoa học, kỹ thuật ngay từ khi đất nước ta còn nghèo nàn, lạc hậu. Người khẳng định rằng, chúng ta chỉ có thể xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội trên cơ sở một nền khoa học - kỹ thuật tiên tiến và nêu lên một quan điểm mang tính dự báo: “ Chủ nghĩa xã hội cộng với khoa học chắc chắn sẽ đưa loài người đến hạnh phúc vô tận”(13). Bước vào kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề tiến hành cách mạng khoa học, kỹ thuật và từng bước thực hiện công nghiệp hoá đất nước, coi khoa học kỹ thuật là then chốt của sự nghiệp công nghiệp hoá, là lực lượng quan trọng làm tăng sức sản xuất, tạo ra động lực làm chuyển biến nền kinh tế xã hội. Trong bài viết cho tạp chí “ Những vấn đề xã hội chủ nghĩa”, Người nhấn mạnh: “ Nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng tôi là phải xây dựng nền tảng vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, đưa miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội có công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, có văn hoá và khoa học tiên tiến”(14). Người lưu ý chúng ta rằng “ Tình hình thế giới và trong nước luôn biến đổi, ...kỹ thuật của thế giới ngày càng tiến bộ, nhưng sự hiểu biết của chúng ta có hạn. Muốn tiến bộ kịp sự biến đổi vô cùng tận thì chúng ta phải nghiên cứu học tập. Nghiên cứu, học tập lý luận và kỹ thuật” (15). Người rất coi trọng việc học tập và không ít lần, Người nhắc chúng ta điều đó. Người đòi hỏi chúng ta “ phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hoá, chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra, và trong một thời gian không xa, đạt được những đỉnh cao của khoa học kỹ thuật” (16).
Trước tình trạng trình độ sản xuất trong nước còn thấp kém và năng lực khoa học kỹ thuật còn yếu, Người kêu gọi chúng ta phải thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để nâng cao năng suất lao động, đồng thời phải tranh thủ sự giúp đỡ về mặt khoa học - kỹ thuật của các nước xã hội chủ nghĩa, kể cả học tập và tiếp thu khoa học - kỹ thuật của các nước tư bản.
Dưới ánh sáng tư tưởng của Người, Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương khoá VIII đã khẳng định mạnh mẽ vai trò của khoa học và công nghệ, lấy phát triển khoa học và công nghệ làm yếu tố cơ bản, coi đó là khâu đột phá trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ IX, khẳng định lại điều đó và bổ sung: “ Phát triển khoa học và công nghệ cùng với phát triển giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực đẩy mạnh công nghiêp hoá, hiện đại hoá đất nước”.
Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thông qua các Nghị quyết của Đảng đã chỉ ra cho chúng ta một triết lý cơ bản: Công nghiệp hoá, hiện đại hoá, bản thân nó là sự nghiệp của khoa học và công nghệ và sẽ không có công nghiệp hoá, hiện đại hoá nếu không có khoa học tiên tiến và công nghệ hiện đại.
---------------------------
(1) Sác Lơ Phuốc ni ô: Hồ Chí Minh, đồng chí của chúng ta, Paris 1970, tr.21
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 2. NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.99.
(3) Sác Lơ Phuốc ni ô: những cội nguồn của cách mạng Tháng Tám. Bản dịch: Tạ thị Thuý
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 1. NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.313.
(5) Hồ chí Minh: Toàn tập, tập 2 đã dẫn tr. 129
(6), (7) Hồ chí Minh: toàn tập, tập 3 đã dẫn tr. 1-2
(8) (9) Tư liệu của Bảo tàng cách mạng Việt Nam
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4. Đã dẫn, tr.272-273
(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 11. NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 77 - 80.
(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 9. Đã dẫn, tr.182
(13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 9. Đã dẫn, tr.131
(14) Hồ Chí Minh: Báo Nhân dân, số 120, 6/1/1960
(15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7. Đã dẫn, tr.392
(16) Hồ Chí Minh: Thư gửi các thầy cô giáo và học sinh, sinh viên. Báo Hà Nội mới 15/10/2003