Tiến sĩ “gạo sạch”
Lê Hùng Anh nhớ lại ngày đầu sau hơn 10 năm du học trở về nước, dù trước mắt có những ngả đường rộng để vào các cơ quan nhà nước nhưng anh lại chọn một công ty tư nhân. Công ty cổ phần AE Toàn Tích Thiện, nơi Lê Hùng Anh làm Phó giám đốc, là một doanh nghiệp tư nhân nhỏ tại Hà Nội đang muốn phát triển theo mô hình kinh tế môi trường.
“Xin” nông dân làm gạo sạch
Đem theo về nước những trăn trở của mình khi đã có dịp tham quan những vùng nông nghiệp công nghệ cao ở nước ngoài, Hùng Anh muốn hạt gạo Việt Nam không còn phải bán dưới thương hiệu của nước ngoài hay bán giá rẻ vì thiếu tính tin cậy ở các siêu thị nước ngoài. Anh tự hỏi, bao giờ sẽ chấm dứt tình trạng nông dân ViệtNamdù làm việc vất vả mà thu nhập bình quân trong khu vực nông thôn chỉ đạt 377.000 đồng/người/tháng... Đầu vụ lúa xuân 2005, Hùng Anh cùng một số cộng sự đến xã Nga Vịnh, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, “xin” được đầu tư và hướng dẫn cách trồng lúa hữu cơ cho bà con. Nhiều người đã nghi ngờ.
Đó là những tuần làm việc vất vả. Ban ngày cả nhóm đi thuyết phục từng người, tối lại đi xe máy vượt vài chục ki lô mét lên trung tâm huyện tìm chỗ ăn ngủ qua đêm. Khó khăn nhưng cuối cùng mọi người cũng được an ủi bởi nỗ lực của họ đã được 94 hộ dân Nga Sơn đồng ý với điều kiện “nếu bị lỗ thì công ty phải bồi thường”.
Mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ dùng giống lúa thuần trong nước thay thế các giống lúa lai nhập khẩu được mang về Nga Sơn. Nhóm kỹ sư của Hùng Anh đã cung cấp cho người dân lúa giống (do Giáo sư Vũ Tuyên Hoàng lai tạo ra với hàm lượng dinh dưỡng cao và khả năng kháng bệnh tốt) chỉ với giá 5.000 đồng/ki lô gam, so với giống lúa lai Trung Quốc giá trên 30.000 đồng/ki lô gam. Bà con cũng được hưởng chế độ trả chậm cho thóc giống, phân bón và thuốc bảo vệ cây từ dược thảo.
Đó là lần đầu tiên, các nông dân Nga Sơn biết tới kỹ thuật sử dụng phân hữu cơ vi sinh chất lượng cao; học cách sử dụng các chiết xuất từ thảo dược như tỏi, thanh hao hoa vàng... để sản xuất thuốc phòng trừ bệnh cho cây, cách trồng cây ven ruộng để tạo môi trường sinh thái cho cây sinh trưởng tốt.
Sáu héc ta lúa hữu cơ đầu tiên tuy phát triển chậm hơn và khó chăm sóc hơn lúa thường, nhưng bù lại, ít tốn tiền đầu tư và ít nhiễm bệnh hơn. Kết quả là tuy lúa lai có năng suất 65 tạ/héc ta và lúa hữu cơ chỉ đạt 54 tạ/héc ta, nhưng làm lúa hữu cơ lãi nhiều hơn lúa lai vì giá bán cao hơn. Giá lúa lai thương phẩm 2.100 đồng/ki lô gam trong khi giá lúa hữu cơ là 2.800 đồng/ki lô gam. Chỉ đến khi bưng bát “cơm hữu cơ”, ăn ngon hơn, nông dân Nga Sơn mới thật sự tin Hùng Anh và các cộng sự của anh.
Kết quả kiểm tra của Viện Cây lương thực và cây thực phẩm cho thấy, gạo hữu cơ có hàm lượng protein, amylose, vitamin và khoáng chất cao hơn hẳn bình thường. Gạo hữu cơ không chỉ là gạo sạch, tức không có dư lượng hóa chất mà còn phải ngon và bổ dưỡng.
Sau sáu héc ta lúa hữu cơ thử nghiệm, huyện Nga Sơn tiếp tục làm thêm mười sáu héc ta lúa vụ hè thu 2005. Và hiện Hùng Anh đang tiếp tục triển khai mô hình lúa hữu cơ ở một số vùng nông nghiệp quanh Hà Nội.
Dự án sản xuất lúa hữu cơ của Hùng Anh sau đó đã nhận được giải thưởng Ngày sáng tạo 2005 với chủ đề “Hành động vì môi trường” do Ngân hàng Thế giới tổ chức.
Lê Hùng Anh sinh năm 1971, tại Hà Nội, theo bố mẹ vào Huế sống từ năm 1976. Nhờ đạt điểm thủ khoa Đại học Huế và là một trong những sinh viên có điểm thi đại học cao nhất của Đại học Bách khoa Hà Nội năm 1990, anh được Nhà nước cử sang Đức học tại Đại học Humbold (Berlin) về công nghệ sinh học. Sau đó, Hùng Anh lấy bằng tiến sĩ với đề tài “Xử lý phế thải nông nghiệp làm phân mùn compost phục vụ sản xuất nông nghiệp bền vững” tại Đức với điểm xuất sắc và về nước năm 2003.
“Với dự án gạo chất lượng cao, tôi tin rằng ViệtNamhoàn toàn có thể sản xuất được gạo và các nông phẩm chất lượng cao. Đó là điều kiện để phát triển một nền nông nghiệp bền vững và xa hơn nữa là ứng dụng mô hình này cho các loại cây màu khác”, anh tâm sự.
Ai sẽ làm gạo sạch?
Bước đầu tạm thành công nhưng Lê Hùng Anh vẫn còn nhiều băn khoăn. Nền nông nghiệp ViệtNamhiện đang dùng nhiều phân vô cơ và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học để trồng trọt. Điều đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nông dân, ô nhiễm nặng các nguồn nước và thoái hóa đất sản xuất. Nhiều người đang lo ngại rằng, thời gian không xa nữa, đồng ruộng ViệtNamsẽ bạc màu đến độ không còn khả năng trồng trọt.
Một vấn đề không kém phần quan trọng khác là việc bỏ dần các giống lúa truyền thống của địa phương. Tại xã Nga Vịnh, 98% nông hộ đang sử dụng các giống lúa lai của Trung Quốc. Giá giống lúa lai cao gấp 5-6 lần giống trong nước và chỉ dùng được cho một vụ. Vì vậy, mặc dù vất vả quanh năm, nhưng nông dân vẫn nghèo vì lợi nhuận rất thấp và rủi ro cao.
Băn khoăn là thế, nhưng một mình Hùng Anh và vài cộng sự không thể nhân rộng mô hình trồng lúa hữu cơ. Khó khăn trước tiên là vì chưa có mạng lưới cung cấp ổn định phân hữu cơ và các chế phẩm sinh học bảo vệ thực vật. Khi làm dự án với huyện Nga Sơn, anh đã phải “đặt hàng” phân hữu cơ tại một nhà máy ở Nam Định và trực tiếp giám sát các khâu sản xuất. Phân hữu cơ để trồng lúa sạch đòi hỏi những tiêu chuẩn riêng không giống những loại phân hữu cơ để trồng cây cảnh. “Người dân sẽ quay trở lại với phân vô cơ nếu không có người hướng dẫn và giúp đỡ. Bên cạnh đó là thực tế mỗi hộ nông dân chỉ có vài sào ruộng, nên khó xử lý kỹ thuật trên diện rộng”, anh lo ngại.
“Tôi muốn góp phần xây dựng nền kinh tế môi trường”
Tại một căn nhà rợp bóng lá trong góc phố nhỏ ở Hà Nội, Lê Hùng Anh đón khách vào buổi sáng Chủ nhật vì cả tuần anh phải tiếp đoàn chuyên gia Đại học Kỹ thuật Dresden (Đức) sang Việt Nam khảo sát và tư vấn cho một vài dự án môi trường.
Qua những gì đã học từ Đức, Hùng Anh mong muốn sẽ góp phần cùng các doanh nghiệp xây dựng nền kinh tế môi trường tại ViệtNam. Kinh tế môi trường, theo anh, là thông qua việc phát triển kinh tế để bảo vệ môi trường bền vững, rồi từ đó biến thành lợi nhuận để tái đầu tư và phát triển công nghệ mới thân thiện với môi trường.
Chiếc “chìa khóa” của kinh tế môi trường là phải có sự đóng góp tiền của và cùng chung trách nhiệm để bảo vệ môi trường. “Có đóng tiền nước, bạn mới xót nước khi dùng. Như ở Đức, nếu anh phân loại rác trước khi đem đi đổ thì phí đổ rác sẽ giảm đi rất nhiều”. Hùng Anh nói như vậy bởi anh mong muốn ViệtNamsẽ có nhiều doanh nghiệp tham gia làm kinh tế môi trường. Doanh nghiệp sẽ đầu tư chất xám, công nghệ và vốn; đổi lại họ thu được lợi nhuận từ việc xử lý hoặc tái sử dụng các loại phế thải.
Anh cho rằng ViệtNamhiện nay mới bảo vệ môi trường bằng cách đổ tiền tài trợ vào các dự án. Nhưng nếu chỉ có chi mà không có thu thì không thể bền vững. Trong khi đó, các doanh nghiệp tư nhân như công ty của anh không kiếm đâu ra cơ hội trong các dự án môi trường mà các cơ quan nhà nước chủ trì. Một sự thật đáng buồn khác là nhiều kỹ sư môi trường giỏi, kể cả những người được đào tạo ở nước ngoài, đã phải chuyển nghề vì tìm không được công việc phù hợp và thu nhập quá thấp.
Mỗi lần qua thăm Thái Lan và các vùng nông nghiệp tiên tiến ở nước ngoài, Hùng Anh thèm được một ngày thấy Việt Nam có những cánh đồng trồng lúa sạch, rau sạch... ngút mắt, được sống trong một môi trường trong lành và được ăn những sản phẩm nông nghiệp bổ dưỡng, sạch hóa chất. Hùng Anh và các cộng sự của anh đang mong đợi một cuộc “Cách mạng xanh” của ViệtNam.
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn2/2/2006