Tiến bộ trong chẩn đoán, điều trị viêm gan virus B mạn tính
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2000, thế giới có khoảng 2 tỷ người đã hoặc đang nhiễm virus viêm gan B (HBV); và trên 350 triệu người mang virus này mãn tính. Hằng năm số người nhiễm virus tăng thêm khoảng 75.000 người. Viêm gan B được xếp hàng thứ 9 trong những nguyên nhân gây tử vong. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ người nhiễm virus B cao (15 - 20%). Mặc dù chương trình tiêm ngừa virus viêm gan B đã làm giảm đáng kể tỷ lệ bệnh viêm gan do virus B nhưng HBV vẫn đang là nguy cơ lớn nhất dẫn đến xơ gan, ung thư gan… Các phương pháp chẩn đoán và điều trị mới đã lần lượt ra đời để giúp điều trị viêm gan B mãn tính hiệu quả hơn, giảm tỷ lệ tử vong do xơ gan, ung thư gan.
Viêm gan B không có triệu chứng rõ rệt
Đa số trường hợp nhiễm HBV mãn tính mà bệnh nhân không hề biết vì thường không có biểu hiện lâm sàng hoặc nếu có cũng rất mơ hồ, làm cho người bệnh lầm tưởng với một số trường hợp rối loạn tiêu hóa. Chỉ có xét nghiệm máu mới có thể chẩn đoán chính xác được bệnh. Có nhiều loại xét nghiệm khác nhau được sử dụng trong chẩn đoán viêm gan HBV, mỗi loại có một ý nghĩa khác nhau tùy vào từng giai đoạn của bệnh mà bác sĩ sẽ lựa chọn xét nghiệm thích hợp.
Chẩn đoán viêm gan B
Những xét nghiệm chẩn đoán HBV hay được dùng trước đây là HBsAg, AntiHBs, HBeAg, AntiHBe, AntiHBc, IgM và IgG. Đó là những xét nghiệm cơ bản, dùng phương pháp miễn dịch để phát hiện, nhưng vẫn còn một số hạn chế. Cho đến khi kỹ thuật sinh học phân tử ra đời đã mở ra một kỷ nguyên mới về chẩn đoán gene giúp chẩn đoán được virus viêm gan B ở mức độ phân tử. Nhờ ứng dụng các kỹ thuật về phân tích DNA của HBV mà người ta có thể giải quyết được các hạn chế của các kỹ thuật miễn dịch kinh điển. Phân tích DNA virus giúp các nhà chuyên môn có những cơ sở đánh giá tình trạng bệnh, khả năng diễn tiến của bệnh, theo dõi điều trị bệnh và lựa chọn phương thuốc điều trị thích hợp. Nhờ các kỹ thuật sinh học phân tử, ngày nay các nhà chuyên môn có thể đánh giá và biết chi tiết, toàn diện virus viêm gan B ở mỗi bệnh nhân để từ đó đưa ra phác đồ điều trị tối ưu. Tuy nhiên, cuộc chiến chống lại virus viêm gan B vẫn chưa có hồi kết. HBV cũng như mọi virus nói chung luôn luôn biến đổi cấu trúc di truyền của nó để tránh được tác động của các thuốc đặc trị.
Thuốc điều trị viêm gan B
Cho đến nay, thuốc điều trị HBV có thể chia làm 2 nhóm chính, mỗi nhóm có các ưu, nhược điểm khác nhau cũng như tác dụng điều trị, tác dụng phụ mà tùy vào mỗi trường hợp cụ thể của bệnh nhân, bác sĩ sẽ chọn phương pháp điều trị thích hợp. Một số thuốc hiện đang được sử dụng phổ biến tại Việt Nam như:
Nhóm thuốc tiêm: tiêu biểu là Interferon có hiệu quả điều trị cao, không có các trường hợp đột biến kháng thuốc của virus. Nhờ sự nỗ lực không mệt mỏi của các nhà khoa học mà các thế hệ mới của Interferon được ra đời, tăng hiệu quả điều trị cũng như giảm các tác dụng phụ của thuốc, thuận lợi hơn trong việc sử dụng thuốc của bệnh nhân. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của loại thuốc này là chi phí điều trị rất cao, chưa phù hợp với điều kiện kinh tế của các nước đang phát triển như nước ta.
Nhóm thuốc uống: có nhiều loại khác nhau, ưu điểm nổi bật của nhóm này là rẻ tiền hơn nhóm thuốc tiêm, không có tác dụng phụ nào đáng kể cũng như rất thuận tiện cho bệnh nhân sử dụng.
Thuốc uống đầu tiên được công nhận điều trị HBV là Lamivudine. Tuy nhiên qua thời gian sử dụng Lamivudine trong điều trị HBV, người ta phát hiện có hiện tượng đột biến kháng thuốc của virus.
Một loại thuốc uống khác cũng được công nhận điều trị bệnh viêm gan B mãn HBeAg dương tính hay âm tính nhưng ít bị đề kháng thuốc hơn đó là Adefovir Dipivoxil. Ở một số trường hợp, bệnh nhân có chức năng gan xấu, bác sĩ thường cho điều trị kết hợp giữa Lamivudine và Adefovir để tránh tình trạng bệnh diễn tiến nặng hơn vì Adefovir có hiệu quả ức chế virus ở bệnh nhân có tình trạng bệnh không ổn định, xơ gan mất bù, viêm gan B tái phát sau ghép gan. Tuy nhiên, vì Adefovir gây ảnh hưởng đến thận nên người ta thường giảm liều Adefovir cho bệnh nhân có bệnh lý thận.
Nguồn: vnexpress.net 15/11/2005